Tôi bấm chuông lần thứ hai, vẫn không thấy ai ra mở cổng. Nhìn xuống, thấy cánh cổng khép hờ, tôi tự đẩy cửa đi vào. Im ắng. Thường thì đón tôi là chị ấy, tất tưởi, hồ hởi, chạy từ bếp ra, trên tay có khi còn cầm cái thìa to, hoặc một nắm rau đang nhặt dở. Còn hôm nay, một mình tôi bước thẳng vào bếp, nơi biết chắc rằng bao giờ chị cũng ở đó, lúi húi nấu một thứ gì đó. Vẫn yên ắng. Đến cả mùi bánh nướng, mùi súp bắp cải nồng nồng thường ngày hôm nay cũng lặng thinh.

Tôi rón rén bước vào bếp, và tính kêu ầm lên: Trời ạ, sao mà ngồi đây, không ra mở cổng cho người ta, thì chợt khựng lại. Ý nghĩ của tôi chậm hơn cái hốt hoảng của chị. Chị vẫy tay rối rít, ý bảo tôi im lặng, và chỉ vào một chiếc ghế, tôi thấp thỏm ngồi vào. Có cái gì đó đã xảy ra? Nhưng, nét mặt chị không làm tôi lo ngại, chỉ khó hiểu. Chị ngồi bên cái bàn ăn quen thuộc, nơi mỗi khi tôi đến đều ngồn ngộn đồ ăn, còn bây giờ thì ngồn ngộn bát đĩa chưa dọn.

Trước mặt chị là cái computer to tướng, dày cộp, như một khối sắt, sản phẩm từ thời khởi thủy của một dòng máy tính nào đó. Chị chưa bao giờ dùng computer. Trong gian bếp chật chội nhưng rất ấm cúng này, chị luôn bận rộn với nồi súp to đùng và những chiếc bánh nướng be bé, xinh xinh. Vậy nên cái computer này vừa lạc lõng, vừa khó hiểu.

Khó hiểu hơn cả là nét mặt chị: náo nức đến rực hồng và hạnh phúc đến long lanh.

Khó hiểu hơn cả là nét mặt chị: náo nức đến rực hồng và hạnh phúc đến long lanh

Đã bao năm biết chị, dù là niềm vui nào đi qua, tôi vẫn nhận thấy trong đôi mắt rất hiền của chị chút u uẩn nhuộm thẫm cả màu mắt. Thế mà giây phút này đây, đôi mắt như biết reo hân hoan, nó trở lại nét trong trẻo hoàn toàn của thời thiếu nữ. Đôi bờ môi luôn run run, dường như phải khó khăn lắm để kìm giữ cảm xúc. Những ngón tay mập mạp, mịn màng như cục bột ngượng ngùng mà náo nức gõ từng chữ trên bàn phím.

Gõ chậm chạp, nhưng không ngưng, không nghỉ, như sợ không kịp chuyển tải hết ý nghĩ của mình. Tôi sốt ruột hỏi: Sandu đâu? Chị hốt hoảng giơ ngón tay ra hiệu nói khẽ, và chỉ lên trên gác. Sandu là con trai chị, cậu bé thường ngày vẫn luôn kè kè bên mẹ, vì chứng liệt bẩm sinh, cậu không thể tự đi đứng được. Đã 18 năm nay, Sandu đi bằng đôi chân của mẹ. 18 tuổi mà cậu vẫn chỉ như đứa bé lên bảy, quắt queo và có phần dị dạng. Nhưng tâm hồn thì đa cảm, thiết tha yêu hết thảy. Cậu mê đọc sách, và dường như đã du lịch vòng quanh thế giới trên màn hình nhỏ. Hôm nay thật lạ là không có cậu ngồi trong gian bếp này cạnh mẹ.

Tôi liếc mắt vào màn hình, nơi người mẹ vẫn náo nức gõ bàn phím. Gì thế này? Thật không thể tưởng tượng được: Chát Facebook! Những lời lẽ ngọt ngào. Những câu trả lời ngây thơ, những câu hỏi dí dỏm, duyên dáng…. Giọng điệu mà chị tự xưng vai “ em” chỉ chừng 15-16 tuổi.

Ôi, bạn tôi! Tôi không thể ngờ được có một cô bé 16 tuổi trong cái dáng mập đậm, trong búi tóc luôn quấn vội, trong dáng đi tất bật từ sáng đến chiều, trong cái váy mặc ở nhà bằng vải bông thô in hình những bông hoa xanh thẫm… và đôi mắt buồn cam chịu. Tôi hơi nực nội. Nhất là khi nhìn ảnh đại diện trên màn hình là ảnh của chị thời học sinh 15 tuổi, với đồng phục váy đen, áo trắng, chiếc nơ trắng to trùm ngợp cả đỉnh đầu.

– Em thích hoa đồng nội!- Chị viết sau câu hỏi của người bên kia về những loài hoa.

– Ồ, Tuyệt quá! Anh cũng thế! (tiếp ngay là hình biểu tượng trái tim đỏ tươi)

– Cả mẹ anh cũng thế! Mẹ cũng thích hoa đồng nội. Mẹ bảo người thích hoa đồng nội thường là người hiền và nhân ái lắm! (chị cũng gõ một hình biểu tượng trái tim).

V
Mẹ bảo người thích hoa đồng nội thường là người hiền và nhân ái lắm!

– Mẹ anh bảo mỗi loài hoa dại đều có một sự tích. Cả tên của nó nữa, cũng không phải vô tình đâu nhé, đều do một người yêu nó đặt cho.

Im lặng một khoảnh khắc. Người con trai tiếp:

– …..Anh có thể nhìn em một lát được không?

– Ồ không, không nên đâu anh. Bố mẹ em chắc chưa cho phép em đâu.

– Chỉ một lát thôi, khi em tan trường.

– Không được đâu, bố mẹ sẽ không hài lòng.

– Nhưng bố mẹ sẽ không biết, em sẽ chỉ đến ngồi trên chiếc ghế đá bên cạnh cây bạch dương ấy, anh sẽ ngắm nhìn em, một lát thôi, không ai sẽ nhìn thấy anh, thậm chí cả em cũng sẽ không thấy anh.

ghế đáem sẽ chỉ đến ngồi trên chiếc ghế đá …

Lặng đi một chút.

– Anh sẽ không bao giờ xuất hiện trước em đâu, không đâu, không….

Chị không viết gì nữa, gục mặt xuống bàn tay, òa khóc. Toàn thân rung lên trong cơn khóc đắng cay, tủi hờn, khổ sở. Chị ngước nhìn mình cầu cứu. Đó là ánh mắt của người đàn bà bất lực, cầu cứu. Ánh mắt của người khổ đau đã không còn nghĩ đến trách móc số phận. Đôi môi run rẩy nhưng không định nói ra lời, chị chỉ tay vào hình đại diện của người con trai vừa chat với chị: một chàng trai tuấn tú ăn mặc theo kiểu kỵ sĩ đang cưỡi trên lưng một con ngựa bạch, giữa một đồng cỏ ngạt ngào hoa đồng nội.

Tôi ngơ ngác nhìn.

Chị mếu máo: Sandu!

Tôi đã hiểu. Cậu bé đã 18 tuổi.

Và người mẹ, người phụ nữ vĩ đại vác trên tấm lưng thiếu phụ 18 năm của mình đứa con tật nguyền, đã hóa thân về tuổi 16, cho con.

tuoi-tre-chu-trong-dieu-gi-nhat120120820105024Và người mẹ, người phụ nữ vĩ đại vác trên tấm lưng thiếu phụ 18 năm của mình đứa con tật nguyền, đã hóa thân về tuổi 16, cho con

Bùi Thanh Huyền

Xem thêm: