Trong cuộc sống hiện đại, nghệ thuật đàm phán đã trở thành yếu tố quyết định thành công của chúng ta. Một người có thể thuyết phục lòng người một cách thông minh sẽ có được cuộc sống thanh nhàn hơn, thành công dễ dàng hơn.

Cá hạn cầu nước

Chuyện kể rằng, thời Chiến Quốc gia cảnh của Trang Tử rất bần hàn. Một hôm Trang Tử đến gặp Ngụy Văn Hầu hỏi vay lương thực. Ngụy Văn Hầu nói: “Được thôi không vấn đề gì, đợi ta thu xong thuế của dân, sau đó sẽ cho ông mượn 300 quan tiền. Như vậy có được không?”.

Trang Tử nghe vậy bèn kể cho Ngụy Văn Hầu một câu chuyện:

“Hôm qua trên đường đi đến đây tôi nghe thấy một tiếng kêu cứu. Thì ra là một con cá nằm trên đường đi, miệng nó phát ra tiếng kêu. Tôi hỏi nó: ‘Này cá, ngươi nằm ở đây làm gì?’. Con cá nghe tôi hỏi mới trả lời: ‘Tôi là thủy tộc ở Đông Hải, ông có thể lấy ít nước để cứu tôi không?’. Tôi đáp: ‘Đương nhiên có thể rồi, đợi ta vân du đến Giang Nam, gặp vua nước Ngô Việt, nhờ ông ấy dẫn nước Tây Giang đến cứu ngươi, như vậy có được không?’.

Con cá nghe nói vậy thì nhìn tôi một cách ai oán: ‘Tôi giờ đây không có lấy một giọt nước để nương thân, khó khăn như ngàn cân treo sợi tóc, chỉ cần chút nước là có thể cứu mạng. Nhưng theo lời ông nói, chi bằng ông đến cửa hàng cá khô mà tìm tôi khéo lại còn tốt hơn’”.

Trang Tử không tức giận với Ngụy Văn Hầu, cũng không giải thích tình trạng nguy cấp của bản thân ra sao, rằng chỉ cần một chút gạo là đủ qua cơn nguy khốn. Ông chỉ kể một câu chuyện nhỏ cũng đủ khiến cho Ngụy Văn Hầu hiểu ra, nên đã lấy lương thực đưa cho Trang Tử. Trang Tử đã dùng lời lẽ khéo léo để giải quyết vấn đề, hóa giải nguy nan.

Trang Tử đã dùng lời lẽ khéo léo để giải quyết vấn đề, hóa giải nguy nan. (Ảnh: tinhhoa.net)

Quân tử hay tiểu nhân?

Thời Xuân Thu, một hôm Lâm Ký mặc quần áo da thú vào triều gặp Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công thấy vậy mới hỏi: “Đây là y phục của người quân tử hay là của kẻ tiểu nhân?”.

Lâm Ký nghe xong đáp: “Làm người thì đâu thể chỉ dựa vào áo quần mà có thể phân biệt được người quân tử hay kẻ tiểu nhân? Xưa kia người nước Sở thân đeo trường kiếm, đầu đội mũi cao, vậy mà lại sinh ra Lệnh Doãn Tử Tây. Người nước Tề mặc áo ngắn, đội mũ quan dở dang lại sinh ra Quản Trọng, Thấp Bằng, hiền tài nhân đức. Nước Việt thích xăm mình, cắt tóc nhưng lại sinh ra Phạm Lãi, Văn Chủng tài giỏi. Dân chúng Tây Nhung mặc áo vắt chéo vạt trước sang bên trái còn tóc buộc chặt như xương cốt lại có thể sinh ra một Do Dư. Nếu như quân tử giống như lời đại vương nói, vậy người mặc áo da chó thì phải học tiếng kêu của chó, mặc áo da dê thì phải học tiếng kêu của dê. Hơn nữa đại vương còn mặc áo hồ ly, da cừu thế phải chăng cũng cần thay đổi?”.

Tề Cảnh Công nghe vậy nói: “Khanh quả thật là người dũng cảm, tài cán. Trước nay ta vẫn chưa từng thấy ai có kỳ tài biện luận như khanh. Chỉ là khanh vẫn chỉ biện luận trong nhà, vẫn còn có thể chiến thắng cả ngàn nước khác”.

Lâm Ký nghe vậy đáp: “Thần không hiểu rõ ý dũng mãnh của đại vương đây là gì. Khi trèo lên chỗ cao, mắt không chớp, chân không run, đó là cái dũng của người làm mộc. Chui vào hang sâu bắt giao long, ba ba, đó là cái dũng của người đánh cá. Đi vào rừng sâu, bắt hổ đánh cọp, đó là cái dũng của người thợ săn. Không sợ gian nguy, đầu rơi máu chảy lao vào quân thù, kiên cường chiến đấu vì quê hương, đó là cái dũng của bậc võ tướng nước ta. Hôm nay thần đứng giữa điện rộng đài cao mà dùng lời lẽ nghiêm chính, thần sắc nghiêm trang mà mạo phạm quyền uy của quân vương. Phía trước ngựa xe ban thưởng cũng không làm cho tâm thần dao động, phía sau có búa rìu uy hiếp thì thần cũng không vì đó mà hoang mang hoảng hốt. Đây phải chăng chính là cái dũng của thần”.

Lâm Kỳ đối diện với uy quyền của quốc vương mà không kiêu không sợ, ngôn lời chính trực dẫn dắt những điển cố để thay cho điều muốn nói.

Người có tài hùng biện thường cũng là người có tu dưỡng. (Ảnh: wikipedia.org)

Người có thể dùng lời nói khéo léo mà chỉ ra cái được cái mất, điều hay lẽ phải mà không làm tổn thương người khác, ấy chính là bậc có tài hùng biện, cũng chính là cái trí của bậc trượng phu.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch