Trong “Thanh sử cảo” có câu chuyện kể về một người ăn xin kỳ lạ, có thể nói là độc nhất vô nhị, hiếm có trên đời…
Câu chuyện dưới đây xảy ra vào thời nhà Thanh. Lúc ấy ngoài cổng Nam Môn huyện Vĩnh Thanh có một người hành khất họ Trương. Không ai biết danh xưng của ông, bèn gọi ông là ‘Trương ăn xin’. Sau khi cha mất Trương phải đi khắp nơi xin ăn để phụng dưỡng mẹ già. Hai mẹ con không có nhà cửa cư trú nên phải đào một cái hang để nương thân. Họ sống như vậy đã rất nhiều năm rồi.
Một hôm trời đổ tuyết lớn, quan tri huyện huyện Vĩnh Thanh là Ngụy Kế Tề đi qua cái hang bỗng thấy có tiếng người ngân nga hát. Lời ca và âm điệu tuy không phải hàng tuyệt mỹ, nhưng lại toát lên một thứ tình cảm xúc động lòng người. Những tuỳ tùng đi theo bèn thưa với quan tri huyện: “Đây là tiếng hát của Trương ăn xin”.
Ngụy tri huyện đến hỏi han, Trương ăn xin bèn trả lời: “Hôm nay là sinh nhật của mẹ thảo dân, thảo dân hát một bài để chúc mừng mẹ, khuyên bà ăn thêm chút cơm nữa”.
Tri huyện bèn lệnh cho xe chở hai mẹ con đến quan phủ. Mẹ của Ngụy tri huyện tặng cho mẹ của Trương ăn xin một ít vải thô và lương thực, còn ông thì ban cho Trương ăn xin 10 quan tiền. Trương ăn xin quỳ xuống khấu đầu nói: “Mẫu thân của lão gia đã thưởng cho mẹ thảo dân rồi, mẹ con thảo dân không dám nhận thêm nữa. Vậy nên số tiền này, thảo dân không dám nhận”.
Tri huyện Ngụy nói: “Chẳng phải những thứ này tốt hơn nhiều so với chút cơm thừa canh cặn mà ông ngày ngày phải vất vả đi xin sao?”.
Trương ăn xin nói: “Mẹ con thảo dân ăn cơm thừa canh cặn đã lâu rồi, trong lòng cảm thấy rất yên ổn bình thản. Thảo dân là kẻ ngu muội không hiểu biết, không biết được 10 quan tiền kia là từ đâu mà có được, nên không thể nhận. Mẹ thảo dân đã 80 tuổi rồi, thảo dân cũng đã 61 tuổi rồi. Nguyện vọng của mẹ con thảo dân là trên thì quan thanh bạch, dưới thì dân thái bình, vậy là mãn nguyện rồi”.
Tri huyện Ngụy nghe những lời này vô cùng chấn động, xấu hổ đổ mồ hôi ròng ròng. Sau đó ông cho người xây một căn nhà ở ngõ Kim Hoa trong thành để hai mẹ con Trương ăn xin cư trú. Nhưng Trương ăn xin đã lặng lẽ cõng mẹ bỏ huyện Vĩnh Thanh ra đi, không ai biết hai mẹ con ông phiêu bạt đến nơi nào.
Quả đúng là:
Khen thay người xin ăn,
Tiền tài chẳng bận tâm,
Chỉ mong quan lớn nhỏ,
Ai nấy đều thanh liêm.
Thờ mẹ trọn đạo hiếu,
Xử thế mực lương thuần.
Chớ cười chê bần tiện,
Ăn xin cao cả thay.