Chuyên mục Kiệt tác Thế giới là chuyên mục thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới độc giả những đỉnh cao của nền văn hóa nhân loại, đã được minh chứng qua dòng chảy thời gian, với các tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học, kiến trúc… kiệt xuất – là những dấu ấn lịch sử đã đặt định nên chuẩn mực giá trị nghệ thuật và nhân sinh quý giá cho toàn thể nhân loại.
Vua Louis XIV, người làm nên kiệt tác để đời: cung điện huy hoàng tráng lệ nhất thế giới, “miền hoàng gia” lớn nhất thế giới
Vua Louis 14 là vị vua của nước Pháp đã tại vị trong 72 năm, khi ông sinh ra với cái tên Louis – Dieudonné, ý nghĩa là Louis mà Chúa ban cho, đã là sự khởi đầu cho vô số điều đặc biệt. Rất nhiều kiệt tác văn chương, nghệ thuật, kiến trúc đỉnh cao thế giới đã từ nước Pháp mà ra đời từ sự xuất sinh mang màu sắc thần thánh của ông.
Xây dựng một vương triều lâu dài nhất, rực rỡ nhất trong lịch sử của châu Âu, nhà vua Louis XIV còn được gọi là “Louis Đại Đế” (Grand Monarch), “Vua Louis Vĩ Đại” (Louis the Great) hay “Vua Mặt Trời” (le Roi-Soleil) khi người ta muốn diễn tả quyền hành chính trị cao nhất của một vương quyền cũng như những thành tựu mà nhà vua mang lại cho lịch sử nghệ thuật thế giới. Dưới triều đại của vua Louis 14, nước Pháp đứng đầu châu Âu và thế giới với nền văn chương, nghệ thuật rực rỡ huy hoàng, và uy quyền cai quản xứ sở.
Vua Louis XIV sinh vào ngày 5 tháng 9 năm 1638, tại Lâu đài Château de Saint-Germain-en-Laye, là con trai của Louis XIII của Pháp và và Vương hậu Anne của Áo. Cha mẹ của ông đã kết hôn được 23 năm trước khi sinh ra ông. Mẹ ông đã từng mang thai bốn lần, nhưng cả bốn lần đều bị hỏng. Do đó, mọi người coi ông như là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng, và ngày sinh của ông là một phép lạ của Chúa Trời.
Ông đã nối nghiệp vua cha là vua Louis 13 khi mới lên 4 tuổi, khi đó quyền nhiếp chính thuộc về mẹ của nhà vua là hoàng hậu Anne và hồng y Mazarin, người cha đỡ đầu khi rửa tội, nhận chức thủ tướng.
Mặc dù tư chất vương giả, lãng mạn, yêu nghệ thuật, nhưng vua Louis 14 lại là một con người cứng rắn bởi vì đã học tập đầy đủ nghệ thuật làm vua, các vi phạm quyền lực hoàng gia đã làm cho nhà vua quyết định phải cai trị xứ sở thật sự, không mềm yếu như vua cha, không ỷ lại vào vị thủ tướng trong mọi quyết định.
Khi hồng y Mazarin qua đời vào năm 1661, vua Louis 14 vào tuổi 23, tuyên bố rằng nhà vua cũng là thủ tướng. Như vậy nền quân chủ chuyên chế của vua Louis 14 đã khác trước, nhà vua nắm quyền lực một cách tuyệt đối.
Vua Louis XIV cũng là một người rất chăm chỉ, thường làm việc 8 giờ một ngày, say mê công việc hơn ham chơi. Nhà vua đã từng viết rằng “Công việc làm vua thì vĩ đại, cao thượng và thú vị” (the business of being a king is great, noble and delicious). Nhà vua cũng vô cùng trách nhiệm đối với sự an lạc của người dân. Nhà vua đã từng nói: “Đất Nước là ta” (L’état, c’est moi) và coi nhu cầu tập trung quyền lực vào quân vương là để duy trì sự ổn định lãnh thổ. Trong khi tước bớt các quyền lợi của giới quý tộc, nhà vua đã dùng các người thuộc giới trung lưu có tài và có kinh nghiệm vào nhiều công việc quản trị, bổ nhiệm họ làm các quản đốc chịu trách nhiệm về hành chính, thuế vụ và các công tác khác. Việc thu thuế được coi là quan trọng nhất để nuôi dưỡng đạo quân lớn của nước Pháp dưới triều đại vua Louis XIV. …
Khi qua đời cách nay 301 năm, Vua Louis XIV (1638 -1715) đã để lại cho Pháp một di sản nghệ thuật khổng lồ, những thành tựu kiến trúc thực sự ấn tượng, như quần thể tòa nhà Les Invalides, Place Vendome và đại lộ Champs-Elysees. Song công trình nổi tiếng nhất được xây dựng trong triều đại của ông là Cung điện Versailles danh tiếng. Cung điện thể hiện quyền lực không giới hạn, sự giàu có của Vua Louis XIV, đồng thời cũng cho thấy tình yêu lớn của ông dành cho nghệ thuật.
Cung điện Versailles – biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực hùng mạnh nhất châu Âu và những con số nằm ngoài sức tưởng tượng.
Louis XIV chọn địa điểm xây dựng Cung điện Versailles vào năm 1666, tại khu vực cách Paris 20km về hướng Tây. Năm 1682, Versailles hoàn tất hoạt động xây dựng, trở thành một cung điện hoàng gia tráng lệ nhất thế giới.
Điều đặc biệt của Cung điện Versailles nằm ở chỗ nó nằm giữa đồng trống, không có thành lũy vây quanh. Qua điều này, Louis XIV muốn chứng tỏ ông là một đấng quân vương quyền lực và nhiều ảnh hưởng, không cần đến tường cao, hào sâu để bảo vệ mình.
Sau khi ra đời, cung điện Versailles trở thành biểu tượng cho sự giàu có và quyền lực của một đất nước hùng mạnh bậc nhất châu Âu. Trên toàn cõi châu Âu, những quân vương khác, kể cả người đang giao chiến với vua Pháp, cũng tìm cách xây cung điện theo nguyên mẫu Versailles.
Ý định xây dựng lâu đài Versailles ban đầu xuất hiện trong một lần ghé thăm một lâu đài nhỏ tại thành phố Versailles mà vua cha trước đó là vua Louis XIII dùng làm nơi nghỉ ngơi trong các chuyến đi săn bắn. Với mong muốn biến Versailles thành một trong những cung điện tráng lệ, huy hoàng nhất ở Châu Âu, vua Louis XIV đã quyết định chuyển dần hoàng gia về Versailles và giao trọng trách xây dựng cung điện cho kiến trúc sư tài hoa Louis Le Vau.
Những con số choáng ngợp ngoài sức tưởng tượng…
Versailles là một công trình có sự chuẩn mực trong kiến trúc và được xây dựng dựa trên sự kết hợp của phong cách kiến trúc Pháp thế kỷ 17,18 và phong cách Baroque. Cung điện bao gồm 700 phòng với nhiều công trình kiến trúc phụ được kết hợp hài hòa trong một quần thể. Kiến trúc của cung điện tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển như tính đối xứng của các công trình, các hành lang nhiều cột. Bên tronglà những phòng lớn được thông với nhau bằng các dãy hành lang bao gồm: Phòng lớn của Đức vua, Phòng lớn của Hoàng hậu hay Phòng Gương….
Trong đó phòng Gương được xem là phòng lớn nhất của lâu đài với chiều dài 73m và được bao phủ bởi 17 tấm gương cực lớn.
Ngoài ra, còn có những phòng nhỏ, buồng con và các phòng chức năng khác. Xứng đáng là một trong những công trình kiến trúc có qui mô đồ sộ nhất thế giới, Versailles khiến người xem choáng ngợp trước những con số khổng lồ như: 700 phòng với 2.513 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 chiếc gương. Ngoài ra, còn có 55 hồ nước lớn nhỏ khác nhau, trong đó lớn nhất là Grand Canal, rộng 23 ha với dung tích 500.000 mét khối, còn phải kể tới 600 vòi phun nước và 35km kênh đào chạy quanh khu lâu đài này.
Phần công viên bao phủ diện tích 800 héc ta, trong đó có 300 héc ta rừng, 2 vườn cảnh kiểu Pháp (Petit Parc, 80 ha, và Trianon, 50 ha). Phần công viên này có 20 km hàng rào, 42 km đường mòn và 372 bức tượng.
Danh hiệu được trao “miền hoàng gia lớn nhất thế giới,” được đo bằng tổng diện tích đất với sân của Versailles bao gồm 87.728.720 feet vuông (8.150.265 m 2), hoặc 2.014 mẫu Anh, bao gồm 230 mẫu Anh khu vườn. Các cung điện chính nó chứa 721.206 feet vuông (67.002 m 2) của diện tích sàn.
Những con số nằm ngoài sức tưởng tượng của tất cả chúng ta.
Không chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ của vua chúa, giới quý tộc mà cung điện Versailles còn là bảo tàng lịch sử lưu giữ và trưng bày 6.123 bức tranh, 1.500 bức phác họa, 15.034 tác phẩm chạm trổ và 2.102 tác phẩm điêu khắc. Để có được một Versailles đồ sộ, lộng lẫy như ngày nay, dĩ nhiên nhà vua phải bỏ ra một nguồn kinh phí không hề nhỏ, ước tính ít nhất 100.000.000 livre (đồng livre thời bấy giờ) và một lượng nhân công khổng lồ khoảng 3600 người trên một năm, 6.000 con ngựa để chuyên chở vật liệu xây dựng Cung điện Versailles.
Không chỉ đồ sộ về quy mô, Versailles còn khiến người chiêm ngưỡng sững sờ trước sự lộng lẫy huy hoàng….
Không chỉ đặc sắc về kiến trúc, đồ sộ về qui mô, Versailles còn khiến người chiêm ngưỡng phải sững sờ trước vẻ lộng lẫy, xa hoa của đồ nội thất nơi đây. Điển hình là phòng Gương Lebrun với 357 miếng gương được ghép lại với nhau tạo thành những tấm gương lớn, chúng được mạ vàng lấp lánh công phu.
Trong khi đó những dàn đèn pha lê lung linh, rực rỡ được trang trí theo hàng và những bức tượng tay cầm nến thiếp vàng được bố trí xung quanh càng làm cho không gian nơi đây trở nên sáng chói, lộng lẫy hơn bao giờ hết. Ngoài ra, vòm trần của cung điện còn được trang trí bởi những tác phẩm hội họa đầy màu sắc được làm từ những tấm gỗ thiếp vàng, bên dưới là sàn được làm từ gỗ quý, điều đặc biệt là chúng được ghép thành từng mảng trang trí khác nhau.
Mái vòm dát vàng tinh tế tới từng chi tiết
Tất cả được kết hợp một cách tinh tế, hài hòa góp phần tạo nên một cung điện Versailles tráng lệ, lộng lẫy và nguy nga. Nơi đây thường diễn ra những buổi dạ tiệc sang trọng của giới quý tộc, dưới ánh đèn pha lê lung linh, mờ ảo không gian càng trở nên lãng mạn và cuốn hút hơn.
Kiệt tác để đời này mỗi năm đón tới 7 triệu lượt khách tham quan. Đây thực sự là nơi mà bạn nên cố gắng đặt chân tới ít nhất một lần trong đời, đừng bỏ lỡ….
Ở dưới thời huy hoàng của Vua Mặt Trời, dường như bất kỳ việc gì – mọi việc – đều khả thi, nếu dưới văn bản chỉ thị có mang chữ ký cao to “Louis”:
Hà Phương (tổng hợp và biên soạn)