Vua Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng khi về ở ẩn tu trên núi thiêng Yên Tử, ông trở thành thi sĩ với những bài thơ được đánh giá là tuyệt bút.

Mùa xuân luôn là đề tài hấp dẫn của những tâm hồn yêu nghệ thuật, khi nhắc tới thơ xuân người ta thường có cảm giác lãng mạn đến say đắm lòng người. (Ảnh: pixabay.com)

 Vẻ đẹp của nàng xuân luôn yêu kiều thướt tha, và thường được các thi sĩ miêu tả trong thơ của mình.

Nhưng với nhà vua Trần Nhân Tông, xuân trong mắt ông thật mộc mạc và dung dị. Thơ ông mang theo vẻ đẹp có hồn của vạn vật giữa khoảnh khắc đất trời vào xuân. Tư tưởng cảnh giới thưởng thức cái đẹp trong ông hoàn toàn thoát khỏi cái đẹp tầm thường, nó vươn tới vẻ đẹp hoàn mĩ thoát tục.

(Ảnh: wikipedia.org)

Vẻ đẹp thoát tục trong thơ của nhà vua Trần Nhân Tông.

Nếu như trong thơ ca Trung Quốc thời Đường có nhà thơ Mạnh Hạo Nhiên nổi tiếng với bài Xuân hiểu, thì ở nước ta cũng có một bài Xuân hiểu của nhà vua Trần Nhân Tông với chất thơ thi vị, vẻ đẹp của đất trời vào xuân trong màn sương mây mỏng manh, vẻ đẹp như thêm phần bí ẩn:

Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.

Dịch thơ:

Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chửa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phấp phới sấn hoa bay.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Nhiều nhà bình thơ cho rằng, bài thơ này được nhà vua sáng tác khi Ông đang ở Trúc Lâm Thiên Tử, ngắm cảnh xuân cùng đất trời với muôn vàn chim muông hoa lá, trong màn sương mỏng manh như làn khói nhẹ, cảm giác như bước vào chốn bồng lai tiên cảnh, từng cặp bướm trắng dập dìu say sắc hoa. Từng tia nắng xuân đang len lỏi qua từng làn khói trắng mờ ảnh.

Trúc Lâm, Yên Tử (Ảnh: thienvientruclam)

Ồ xuân đã về rồi đấy sao? Nhìn qua cửa sổ mà xuân về đẹp diệu kì, nhưng lòng ông thản đãng. Nhà thơ như quên đi cả thời gian, không thấy xuân nơi này. Tâm thái ung dung, khoan thai chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vạn vật, chậm chãi thong dong.

Nghệ thuật miêu tả tinh tế nhất trong bài thơ này có lẽ là việc sử dụng hình ảnh đôi bướm trắng, bay ‘‘sấn’’ tới bụi hoa, đôi bướm trắng là biểu tượng cho sự sống có đôi có cặp, không đơn côi lẻ loi, giữa những sắc hoa rực rỡ, màu trắng tinh khôi của cặp bướm khiến sự vật trang nhã, thanh khiết. Câu thơ tả cảnh mà không buồn, con người và thiên nhiên như tìm chung được sự giao hòa cộng hưởng bình yên.

Vẻ đẹp mà trong câu thơ Trần Nhân Tông như một bức tranh tuyệt vời của tạo hóa, cái cảnh giới tự tại thong dong trong tư tưởng khiến người đời như bước chân thêm chậm để tận hưởng từng khoảnh khắc tuyệt thế này, một vẻ đẹp tưởng chừng như không thể có nơi trần thế.

Ở chốn trần tục sương khói mờ nhân ảnh, tiếng chim hót gần khóm liễu, làn khói buông mây chiều phủ. Cảnh vật như ẩn hiện xa mà như gần, gần mà như xa. Vẻ đẹp có gì đó huyền bí, nhưng thú vị.

(Ảnh: Depplus.vn)

Người ngâm thơ ông như có chút say cảnh, mơ màng như đang lạc chốn phiêu du, bồng bềnh thả mình giữa chốn đất trời vào xuân như đang thêu dệt lên thành bản nhạc du dương bất tận.

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Dịch thơ:

Chim hót rầm rì khóm liễu xanh
Chiều buông mây phủ vẽ lầu tranh

(Nguyễn Cang dịch)

Nếu như ta thường thấy cảnh tĩnh cùng làn khói sương mây được ví như chốn thiên đường tuyệt sắc trong thơ Đường của Trung Quốc. Thì ta lại tìm thấy sức sống của chim muông, bản nhạc của thiên nhiên trầm bổng cùng với giai điệu xuân trong thơ Trần Nhân Tông lại là thế giới thiên quốc đầy mĩ diệu.

Trần Nhân Tông, hồn thơ mang theo triết lí cảm ngộ Phật Pháp

Ảnh: pixabay.com

Đọc thơ xuân của ông, người ta thường say đắm với vẻ đẹp của thiên nhiên hòa quện với vẻ đẹp thanh tao của tâm hồn nhà vua.

Xuân trong thơ Trần Nhân Tông không chỉ là sắc màu rực rỡ, âm thanh trong trẻo, hay của cái tĩnh lặng có phần sương khói huyền ảo như lạc cõi tiên. Ẩn chứa sâu thẳm bên trong đó là một triết lí, một cảm ngộ về Phật Pháp.

Trong bài Xuân vãn, do hòa thượng Trúc Lâm dịch có câu:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.  

Dịch thơ:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng.  

Thuở bé chưa từng rõ sắc không. Xuân về hoa nở rộn trong lòng. (Ảnh: Foody.vn)

Ở đây cảnh giới tư tưởng của nhà vua một lần được bộc bạch rất chân thực, yếu tố ảnh hưởng sâu đậm tới ông chính là giáo lí nhà Phật mà ông cảm ngộ ‘sắc -không’’.

Khi xưa còn nhỏ chẳng hiểu được thế nào là sắc là không, nhưng nay xuân về chợt có cái nhìn về sắc, sắc là đẹp nhưng lòng không động niệm, sắc là hương nhưng tâm chẳng chút yếu lòng, bởi sắc là có nhưng chỉ là hư vô làn khói thoảng, từ cái sắc để ngộ được cái không.

Sắc-Không là hai cảnh giới tư tưởng rất cao, con người thế gian không hiểu mà chẳng chịu học cái Không của nhà Phật. Chẳng chịu buông đi để rồi một bước được thăng hoa, một lần được cảm thụ những giá trị đẹp đẽ nhất, cái Sắc chân thực nhất.

Xuân về hoa nở rộn lòng người, như ý muốn nói cái sắc kia thật khó mà cưỡng lại được, sắc của thiên nhiên đất trời, sắc của vạn vật đổi thay.                                       

Trong bài Cảnh xuân, Trần Nhân Tông dùng cái vô ngôn để nói được nhiều hơn, đúng hơn về con người và cuộc đời:

Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi

Dịch thơ:

Khách sang không hỏi chuyện đời
Cùng nhau dựa ngắm núi trời xanh xanh

Cảnh giới về cái Không lúc này là thấm đẫm nhất, không thế sự cuộc đời, không lo toan bận rộn, không vấn vương danh lợi, tự tại ung ung dựa núi ngắm trời xanh.

Câu thơ như lột tả hết thảy vẻ đẹp của tâm hồn con người khi thực sự để tâm mình lắng xuống.Khi hòa quện cùng với đất trời thiên nhiên, cảm nhận hơi thở của núi rừng, lắng nghe nhịp đập của từng sinh mệnh sống. Để từ đó mà thấy cái được đâu là cái hư vô, đâu là sự trường tồn.

Ảnh: pixabay.com

Con người thông thường vô cùng nhỏ bé nếu đứng giữa sự hùng vĩ của thiên nhiên, nhưng đột nhiên lại có thể to lớn phi thường khi họ để tâm tư của mình thoát khỏi sự ràng buộc của trần thế, tâm không vướng bụi trần. Lúc này họ như một vị thần nhìn ngắm vẻ đẹp của thế gian mà tạo hóa ban tặng.

Có quá nhiều ý nghĩa sâu sắc thi vị khi đọc thơ xuân của Trần Nhân Tông. Thơ ông mang theo vẻ đẹp vượt xuất khỏi cảnh giới phàm trần. Có thể đây là thành tựu mà ông đạt được trong hành trình tu luyện trở về với bản nguyên của sinh mệnh của cuộc đời con người.

Đã 700 năm trôi qua, những tác phẩm thi ca của nhà vua Trần Nhân Tông không còn nhiều. Nhưng người đời không sao quên được về hình ảnh xuân trong mắt của nhà vua. Không thể quên đi được phong thái ung dung tự tại ngắm cảnh đời. Càng thấm thêm triết lí trong cảnh giới tư tưởng của ông. Một thi sĩ tiềm ẩn trong một bậc vương quân, một đệ tử nhà Phật.

Tịnh Tâm