Truyện ngắn “Di chúc” là truyện kể về ba bài văn và ngôi biệt thự mà ông nội để lại cho đứa cháu. Câu chuyện nhấn mạnh vào ước mơ của người ông, qua đó khẳng định ý chí vươn lên của một con người. Người cháu hiểu được ước mơ ấy, và hy vọng nó sẽ là người phát huy được những giá trị vật chất và tinh thần mà cha ông để lại. Nếu làm được như thế, tức là có hiếu…

Thế là sự đã rồi! Không thể cưỡng nổi giấy trắng mực đen nữa. Cô, dì, chú, bác của thằng Bờm, chẳng ai được hưởng nhiều như vậy từ ông nội. Di chúc ghi rõ: “Nguyễn Văn Bờm được thừa hưởng ba bài văn lớp đệ nhất, lớp đệ nhị, lớp đệ tam của ông nội trong các năm 1930, 1931, 1932. Ngoài ra, Nguyễn Văn Bờm còn được thừa kế tòa biệt thự nằm trên diện tích đất 180 mét-ca-rê (tiếng Pháp – BT), lô 2, thửa sáu, tọa lạc tại số 9, đường Pôn-be cũ, nay gọi là đường… quận…, Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ảnh minh họa: Báo Mới

Ba bài văn được giao thẳng cho Bờm. Riêng tòa biệt thự, ba Bờm được ủy quyền giữ giùm. Chẳng ai hiểu tại sao ông nội lại làm như vậy! Có lẽ phải nhờ ông giáo cắt nghĩa giúp.

Tôi là thầy giáo của Bờm, được cả nhà kính trọng. Dĩ nhiên tôi được hỏi ý kiến. Về tòa biệt thự, quả thật tôi cũng không biết nói thế nào. Âu cũng là thói thường ở đời: cha truyền con nối? Chỉ có ba bài văn, lạy trời, nhờ từng là học trò, rồi lại làm nghề gõ đầu trẻ, tôi khám phá ra nhiều điều. Xin thứ lỗi “bệnh” tỉ mỉ nghề nghiệp để được ghi ra đây vài điểm chính:

– Đây là ba bài văn tả cảnh, “Hãy tả một ngôi biệt thự trên đường Pôn-be”. Ba cái đều giống nhau từng chữ.

– Cả ba bài viết, trò chép giống nhau từng dấu chấm, dấu phẩy.

– Ở phần ghi nhận xét và cho điểm, bài viết năm 1930 ghi: “Giỏi – Mười”, bài viết năm 1931 để: “Trung bình – Bốn, bài viết năm 1932 ghi: “Rất kém – Không”. Nét chữ viết và chữ số mách bảo hậu thế rằng ông thầy này dạy học trò liên tục suốt ba năm tiểu học.

Tôi nói với cha con Bờm:

– Đây là một bài học.

Bờm tròn xoe mắt:

– Thưa con không hiểu…

Ba Bờm hắng giọng nói khẽ:

– Ông cụ dạy rằng…e hèm… ông cụ có ý nói rằng…

Tôi khéo léo tiếp lời:

– Lúc người ta nhỏ, làm được việc nhỏ là tốt. Khi đã lớn, vẫn làm việc nhỏ ấy là kém, là thụt lùi.

– Có lí! Có lí!… Có lí lắm! Ba Bờm vỗ vào vai con, nức nở khen thầy.

Bờm khép nép:

– Thưa thầy còn toà biệt thự?

– À, cái này… cái này… thầy… Tôi lúng túng và trở nên ấp úng.

Bỗng nó reo lên:

– A! Con biết rồi…

Ba Bờm nhìn con tỏ vẻ nghi ngờ:

– E hèm! Cái gì! Con biết cái gì nào?

– Nó là ước mơ – Mắt Bờm sáng bừng lên – Ước mơ của ông nội con…

ông nội
Ảnh minh họa: Vforum

Tôi xoa đầu Bờm, khen “Hay quá!”. Ý tưởng của Bờm khiến lời giải của tôi trở nên rành mạch. Đúng rồi! Ông giáo đã gợi cho nội nhiều ước mơ về toà biệt thự. Thành ra, nội đã tưởng tượng được ra nó. Ước mơ trong tâm tưởng hằn sâu đến mức mỗi khi viết hay nói về toà biệt thự, nội đều viết y hệt nhau chăng?

Ngay sau đó, chúng tôi đến thăm toà biệt thự. Cả ba ngỡ ngàng khi thấy các chi tiết trong toà biệt thự, cách bố trí vườn cảnh hầu hết đã được mô tả trong bài văn. Dáng dấp toà biệt thự vừa già nua, cổ kính vừa trẻ thơ và hiện đại.

Ba Bờm đột ngột bảo:

– Điều quan trọng nhất là ông nội đã làm cho ước mơ trở thành sự thật phải không con?

Bờm “Dạ! Dạ!”.

Bàn tay nóng ấm của em nắm chặt lấy tay tôi.

Em ngước nhìn lên bầu trời xanh. Trời vẫn xanh như ngày xưa…

Nhị Nguyễn

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||91ddfd416__