Nhạc vũ cung đình thời Lý là sự kết hợp nhạc vũ thời Đường với chủ đề ca ngợi Thần Tiên Phật và thiên quốc. Nhạc vũ thời Đường còn được bảo lưu trong nhạc vũ dân gian và trong nhạc vũ cung đình triều trước đã được nhà Lý tiếp nhận đưa vào hệ thống nhạc vũ cung đình. Những tuyệt tác như khúc hát Tiên tử giáng vân (Tiên tử xuống mây) với giọng ca véo von hay điệu múa Xuất liên bảo vụ (Sao băng) mềm mại xoay vòng của vua Lý Nhân tông được bia Sùng Thiện Diên Linh ghi lại.
Khúc hát Hồi phong 迴風 là khúc hát thịnh hành ở thời Đường đã được nhắc đến hai lần trong những tư liệu hiếm hoi về nhạc vũ thời Lý cho thấy đây là một nhạc khúc được biểu diễn thường xuyên trong cung đình ở thời kỳ này.
Điều đó chứng tỏ, âm nhạc thời Đường vẫn được bảo lưu khá tốt ở nước ta đương thời. Nhạc vũ Phật giáo với những vũ điệu mang màu sắc Ấn Độ – được lưu truyền đến Việt Nam trước đó và được các vua nhà Lý chủ động tiếp thu thông qua Chiêm Thành sau này – thường được đưa vào phục vụ trong các lễ hội của triều đình.
Ngoài việc kết hợp nhạc vũ thời Đường với nhạc vũ Phật giáo để đưa vào hệ thống nhạc vũ cung đình nhằm phục vụ các nghi lễ trang trọng, thời Lý còn có các sáng tác mới về nhạc vũ với nội dung ca ngợi nền thái bình thịnh trị của vương triều như khúc hát Tiên tử giáng vân (Tiên tử xuống mây) với giọng ca véo von và điệu múa Xuất liên bảo vụ (Sao băng) mềm mại xoay vòng của vua Lý Nhân tông được bia Sùng Thiện Diên Linh ghi lại.
Ngoài ra, để giải trí cho vua quan nhà Lý, còn phải kể đến tạp kịch và nhạc vũ Chiêm Thành. Qua những tư liệu về nhạc vũ Chiêm Thành, có thể thấy nhạc vũ Chiêm khá được các vua nhà Lý ưa chuộng.
Tư liệu khảo cổ quý giá về nhạc cụ
Về nhạc cụ, trong tư liệu thư tịch, nhạc cụ được nhắc đến thường là đàn sáo, và chỉ được nhắc đến như một danh từ chung chỉ âm nhạc. Nhưng may mắn có một tư liệu khảo cổ rất quý giá về nhạc cụ thời kỳ này, đó là điêu khắc trên những bệ đá chùa Vạn Phúc (Tức chùa Phật Tích, được xây dựng năm 1057 thời vua Lý Thánh tông, nay thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh).
Những bệ đá này là vật liệu kiến trúc dùng để kê chân cột, hình vuông, kích thước 80 x 80, cao 25cm được chạm khắc khá tinh tế. Mặt trên chạm cánh sen tỏa và rồng, bốn mặt xung quanh đều chạm dàn nhạc đang biểu diễn. Hình chạm chia đều số diễn viên này thành hai nhóm đăng đối qua một búp sen theo phong cách trang trí thời Lý.
Nhóm trước: Người đầu tiên là một nhạc công đang dơ cao hai tay nâng chiếc sáo bầu [11], riêng với hình nhạc công đầu tiên này, có bệ chạm nhạc công cầm sáo bầu, có bệ chạm nhạc công cầm phách (hai mảnh tre gõ vào nhau), còn các nhạc công khác đều được chạm giống nhau ở mỗi mặt; tiếp đến là nhạc công chơi đàn tranh với cây đàn đặt trên đùi, hai tay đang trong tư thế gẩy, rồi đến nhạc công với ống sáo kề trên môi, tiếp theo là người chơi nhị hồ với cây đàn ôm trong lòng, tay trái nắn phím, tay phải kéo cung vĩ và kết thúc là nhạc công đánh trống với chiếc trống giống như trống bát câu để trước mặt, hai tay dơ cao cầm hai dùi trống.
Nhóm sau cũng bắt đầu bằng nhạc công cầm phách hoặc sáo bầu đăng đối với nhóm trước, tiếp đến là người chơi tỳ bà với cây đàn ôm ngang trong lòng (theo lối chơi đàn từ Đường – Tống trở về trước) rồi đến người thổi tiêu, người chơi đàn nguyệt và kết thúc là nhạc công chơi trượng cổ (xem chú thích ở trên) với chiếc trống eo thon đeo trước bụng, tay phải dơ cao dùi trống, tay trái dơ lên, bàn tay xòe ra để vỗ vào mặt trống.
Tư thế của người biểu diễn với vẻ mặt hứng khởi cùng những dải lụa uốn lượn tung bay cho cảm giác một màn diễn tưng bừng. Chùa Phật Tích là một kiến trúc quốc gia, do triều đình xây dựng, do đó rất có thể hình ảnh dàn nhạc khắc trên bệ đá chính là dàn nhạc cung đình.
Nếu đúng như vậy thì có thể thấy dàn nhạc cung đình ở thời Lý đã rất phong phú, hình dáng nhạc cụ và cách chơi có lẽ không khác nhiều với hiện nay [12].
Ngoài ra tư liệu về thời kỳ này còn cho biết có Tiết cổ 節鼓 , là một loại nhạc khí cổ, hình như bàn cờ, ở giữa khoét một cái lỗ tròn vừa đặt cái trống, đánh để tiết chế bớt âm thanh, vốn là một nhạc khí có nguồn gốc Trung Quốc.
Còn có đàn Bà lỗ 婆魯 của Chiêm Thành, song chưa rõ nhạc cụ này như thế nào.
Vũ cung đình: Múa phong tuyết
Về múa, có thể thấy một điều tuyệt vời ở thời Lý là múa được nhắc đến rất nhiều.
Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh tả dàn nhạc vũ cung đình biểu diễn trong chuyến tuần thú phương Nam của vua Thánh tông là “Múa phong tuyết bảy điệu, phô bày vẻ đẹp; tấu Hàm Thiều sáu khúc, tiếng nhạc rền trời“. Múa phong tuyết 風雪舞 ở đây dùng để chỉ cách múa quay cuồng ào ạt như tuyết bay, không phải tên điệu múa, hàm ý chỉ các điệu múa nói chung. Qua đó có thể thấy múa ở thời kỳ này cũng có lối múa mang đậm lối Hồ vũ ở thời Đường [13].
Ngoài ra còn có các lối múa Phật giáo theo phong cách Ấn Độ được sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo lớn của triều đình. Có điệu múa sao băng mềm mại xoay vòng của vua nhà Lý sáng tác nhằm ca công tụng đức.
Có múa Can thích 干戚 – điệu múa từng được Đỗ Anh Vũ múa cho sứ thần phiên bang xem. Đây là một điệu võ vũ dũng mãnh có nguồn gốc ở Trung Quốc từ thời Xuân Thu, vũ công tay cầm thuẫn và rìu múa theo tiếng trống.
Có Đạp ca vũ 踏歌舞 – một vũ điệu dân gian đơn giản được lan truyền từ thời Hán, rất thịnh hành ở thời Đường, từng tốp tay cầm tay, chân giậm đất, theo nhịp trống vừa hát vừa múa, dư ba của lối múa này hiện vẫn còn được bảo tồn trong lễ hội Bông sòng 艽崇 ở thôn Phú Thị, Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm Hà Nội. Xin xem phần tư liệu).
Lối hát múa này sang đến thời Trần vẫn được vua quan nhà Trần dùng để giải trí trong những cuộc vui. Toàn thư chép: “Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ nhất (1251), vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say mọi người đứng cả dậy dan tay mà hát“.
Có thể đây là lối múa hát thịnh hành ở thời Lý – Trần, còn được dân gian bảo tồn đến ngày nay.
Đặc biệt có một điều đáng chú ý là ở văn bia Sùng Thiện Diên Linh có nhắc đến chư hầu lân quốc trong các chương trình diễn xướng của Thượng Lâm đệ tử như: “Lân quốc mến nên dắt trẻ bế già, chư hầu vui mà băng tường vượt núi” Hoặc: “Ráng sức thiên tài làm nên diệu khúc; vỗ về phiên thuộc về lại ấp Phong”. Như vậy phải chăng ở thời Lý đã có múa Chư hầu lai triều?
Chú thích:
[8] Ấp Phong: ấp của Chu Văn Vương khi chưa lên ngôi. Tác giả dùng điển cố này để chỉ nơi xa xôi hẻo lánh
[9] Giác đế: Chỉ Đức Phật.
[10] Ở Trung Quốc, Đường Minh Hoàng được Giáo phường thờ làm Tổ sư.
[11] Tuy nhiên cũng nên thận trọng đối với tư liệu này bởi hình chạm khắc ở đây cũng tương tự với chạm khắc tại một số di tích thời Tùy – Đường. Xem thêm bài viết của Lê Mạnh Thát ở phần tư liệu.
[12] Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ cho biết, Sách Lĩnh biểu lục dị nói: “Người Giao Chỉ thường lấy quả bầu không cuống cắm 13 cái ống nứa vào làm thành cái sinh, trên đầu ống gắn 13 miếng đồng mỏng làm lưỡi gà để thổi, tiếng nghe trong trẻo.“
[13] Về Hồ vũ xin xem ở phần Nhạc vũ cung đình thời Trần.
Ngọc Yến