Phục Hưng là một phong trào văn hóa đã tác động sâu sắc tới đời sống trí thức châu Âu trong thế kỷ 15 – 17. Ngày nay sự hồi sinh của xu hướng học tập theo cổ điển đã truyền cảm hứng cho triết lý về chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Phục hưng như một yếu tố quan trọng giúp định hình sự phát triển trí tuệ và nghệ thuật hiện đại.

Trong hội họa thời kỳ Phục hưng nước Ý, khi chủ nghĩa tự nhiên có ảnh hưởng đến hình thức của bức tranh, thì chủ nghĩa nhân văn có ảnh hưởng nhiều hơn đến nội dung bức tranh đó.

Chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng có thể được định nghĩa bằng tuyên bố của Protagoras rằng ‘Con người là thước đo của vạn vật‘. Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là bất kỳ cá nhân nào cũng có thể định hình tính cách cho riêng mình và quyết định tương lai của chính họ thông qua lối sống. Chủ nghĩa nhân văn cũng nhấn mạnh hơn các giá trị tinh thần được vun bồi cho một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.

‘Người đàn ông Vitruvian’ (khoảng 1490), LEONARDO DA VINCI (1452-1519)

Vì đây là tư tưởng đã góp phần vào sự thành công của các nền văn minh cổ điển vĩ đại trước đó nên người ta tin rằng tinh thần đó có thể một lần nữa được phát huy để tái tạo xã hội nước Ý. Một làn sóng tư duy hợp lý và phân tích phê bình nghệ thuật mới đã giúp khôi phục cả giáo dục và tôn giáo nhờ tôn trọng hơn đối với tự do trí tuệ và biểu hiện cá nhân.

Không giống như các hình thức của chủ nghĩa nhân văn tuyệt đối sau này, những người theo chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng không hề chối bỏ đức tin vào Kitô giáo. Họ chỉ đơn giản là muốn kết nối trực tiếp hơn với Đấng toàn năng, bỏ qua một số cấp quản lý trung gian trong hệ thống nhà thờ. Mục đích là tăng cường vai trò cá nhân trong việc quyết định số phận của chính họ.

Liên quan tới chủ đề cổ điển

Chủ đề nghệ thuật vào đầu thời Phục hưng được truyền cảm hứng đơn thuần bởi học thuyết Kitô giáo vì chỉ được Giáo hội Công giáo ủy quyền thực hiện. Tuy nhiên, theo thời gian khi ảnh hưởng của các giá trị nhân văn tăng lên, trọng tâm của các nghệ sĩ dần dần được mở rộng để bao gồm cả một số chủ đề thế tục, nhưng lấy cảm hứng từ những câu chuyện sử thi từ thần thoại cổ điển. Chủ đề được chọn thường phản ánh hứng thú cá nhân của những người bảo trợ và nhà sưu tập tư nhân.

‘Sự ra đời của sao Kim’, 1484-86, Màu keo và sơn dầu trên gỗ cây dương, SANDRO BOTTICELLI (1445-1510)

Nghiên cứu văn học cổ điển khi đó được coi là một sự theo đuổi học thuật danh giá của những người có học thức và giàu có. Tới lượt họ lại ủy thác cho các nghệ sĩ tạo ra những hình ảnh ngụ ngôn, dựa trên các kinh điển Hy LạpLa Mã. Vì vậy, các họa sĩ trước đó chỉ được xếp ngang hàng thợ thủ công, giờ đã được nâng lên một địa vị ngang với các nhà khoa học, nhà văn và nhạc sĩ, do có nội dung mang tính phân tích và có trí tuệ cao hơn trong các tác phẩm của họ.

Nghệ thuật vẽ chân dung thời Phục hưng

Vẽ chân dung là một chủ đề khác, nổi bật lên thành một thể loại riêng trong thời Phục hưng. Vì có rất ít bức chân dung còn lưu lại từ thời cổ đại nên các nghệ sĩ chủ yếu đã lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc của La Mã và Hy Lạp. Khắc họa chân dung thời La Mã cổ đại là “hoàn toàn như mẫu thật” nên được gọi là chủ nghĩa duy thực (verism), (trong tiếng Latin từ ‘verus’, có nghĩa là ’chân thực’), trong khi đó vẽ chân dung của Hy Lạp cổ đại là một hình thức nghệ thuật lý tưởng hóa, khi tìm kiếm sự hoàn hảo của ngoại hình con người. Cả hai phong cách đó đều có ảnh hưởng tới sự phát triển của vẽ chân dung thời Phục hưng.

Bức tượng bán thân của một người đàn ông – Một ví dụ về chủ nghĩa duy thực trong nghệ thuật La Mã thế kỷ thứ nhất sau CN, đá cẩm thạch. (© Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Vẽ chân dung ở La Mã cổ đại là một hình thức nghệ thuật rất tự nhiên, dựa trên lý tưởng nhân văn và được sử dụng để tôn vinh các thành tựu quân sự hay dân sự, hoặc là tuyên truyền ủng hộ các giá trị của lý tưởng cộng hòa. Người La Mã không coi một vầng trán có nhiều nếp nhăn hoặc một làn da nhăn nheo là sự không hoàn hảo, mà coi đó là những đặc điểm nhân văn tạo nên sự khác biệt – một loại bản đồ kinh nghiệm và trí tuệ thể hiện trên khuôn mặt cùng với tuổi tác.

‘Công tước và Nữ công tước xứ Urbino’, 1465-66, Màu keo trên gỗ ván. PIERO DELLA FRANCESCA (1416-92)

Một số nghệ sĩ thời Phục hưng lấy cảm hứng từ chủ nghĩa nhân văn cổ điển đã áp dụng cách tiếp cận ‘chân thực‘ đó của người La Mã vào vẽ chân dung. Trong bức chân dung kỷ niệm của Công tước xứ Urbino là Federigo da Montefeltro và vợ là Nữ công tước Battista Sforza, nghệ sĩ Piero della Francesca đã không ngụy trang gương mặt không hoàn hảo của Federigo. Bởi vì đó là dấu hiệu danh dự của ông ta, là kết quả của một chấn thương kéo dài trong một giải đấu mà ông ta bị mất mắt phải và sống mũi. Tiếp nối ảnh hưởng cổ điển, các bức chân dung mạnh mẽ trong tác phẩm này nhìn tương tự như chân dung trên các huy chương và tiền đúc cổ, phổ biến trong các nhà sưu tập tại thời kỳ này.

Trái:: Tượng đầu phụ nữ Hy Lạp cổ đại, khoảng năm 150 trước Công nguyên. Phải: Bức ‘La Belle Ferronière’, năm 1490 của Leonardo da Vinci.

Các nghệ sĩ khác của thời Phục hưng đã hấp thụ ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp cổ điển khi vẽ chân dung. Bức ‘La Belle Ferronière‘ của Leonardo da Vinci phản ánh vẻ đẹp lý tưởng của một tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp cổ đại, tạo ra một hình ảnh vừa nội tâm vừa duyên dáng. Sự thu hút của nhân vật này là do sự tĩnh lặng của cô, xuất phát từ sự cân bằng hài hòa về hình thức trong điêu khắc Hy Lạp cổ đại.

‘Giáo hoàng Leo X với Hồng y Giulio de’Medici và Luigi de de’Rossi’, khoảng 1518, Sơn dầu trên gỗ ván, RAPHAEL (1483-1520)

Tất cả những người bảo trợ của nghệ thuật Phục hưng, cả với mục đích tôn giáo và nhân văn, đều ủy thác vẽ chân dung của họ. Có một bức chân dung của riêng mình là biểu tượng cho sức mạnh và thành công của một người, và cũng là một phương pháp ghi nhớ lại hình ảnh của mình cho hậu thế.

Leon Battista Alberti, kiến ​​trúc sư và nhà văn đương đại về nghệ thuật Phục hưng, đã nêu ra trong bài tiểu luận ‘Về hội họa‘ vào năm 1435 rằng, nghệ thuật vẽ chân dung “làm cho người đã chết dường như còn sống mãi. Ngay cả sau nhiều thế kỷ, họ vẫn được công nhận với niềm vui lớn và sự ngưỡng mộ lớn đối với họa sĩ… khuôn mặt của một người đàn ông đã qua đời chắc chắn sẽ được sống một cuộc đời lâu dài thông qua hội họa”.

‘Madonna della Vittoria’, 1496, Màu keo trên vải, ANDREA MANTEGNA (1431-1506)

Vẽ chân dung thời Phục hưng thường có hai chức năng đi cùng nhau. Một mặt, các tầng lớp chủ lưu và thương nhân thành đạt vẽ chân dung của họ để thể hiện danh tiếng và tài sản của bản thân; mặt khác, họ ủy thác vẽ chân dung các nhà tài trợ như một sự chứng thực cho đức tin tôn giáo của mình. Các nhà tài trợ ở trong tranh thường trong tư thế quỳ để tạ ơn vị thánh bảo trợ hoặc Thánh gia. Các bức chân dung này sau đó được tặng làm quà cho nhà thờ, đóng vai trò vừa như một bản ghi nhớ về đóng góp của nhà tài trợ, vừa như một lời cầu nguyện cho linh hồn bất tử của người được vẽ.

Chủ nghĩa nhân văn có thể đã hồi sinh trong thời kỳ Phục hưng nước Ý nhưng nó chưa bao giờ có thể hoàn toàn thoát khỏi nhu cầu không ngừng tìm ra ý nghĩa của cuộc sống bên ngoài bản thân chúng ta.

Theo artyfactory.com

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__