Tranh vẽ hoa và chim ở Trung Quốc cổ đại quả là một khoảng sáng trong dòng chảy rộng dài của nền văn hoá và triết học truyền thống Trung Hoa. Từ triều đại nhà Tống đến triều đại nhà Thanh, loại tranh này là một chủ đề ưa thích của nghệ thuật cổ truyền Trung Hoa và làm nổi bật giá trị của việc coi trọng và hòa hợp với thiên nhiên.
Tranh vẽ chim có thể được bắt nguồn từ các triều đại nhà Thương (1600-1046 TCN) và nhà Chu (1046-256 TCN), khi hình vẽ trừu tượng của chim được khắc trên đồ dùng bằng đồng. Tuy vậy, trong thời Tam quốc (220-265 sau CN), các nghệ sĩ bắt đầu chuyên vẽ tranh hoa và chim và khiến chủ đề này trở thành một dòng tranh riêng biệt.
Trải qua thời gian, khi các nghệ sĩ dần hoàn thiện kỹ thuật vẽ, dòng tranh này đã đạt đến đỉnh cao trong triều đại nhà Tống (960-1279) và tiếp tục phát triển trong triều đại nhà Nguyên (1206-1368). Sau đó, dòng tranh này vẫn tiếp tục nảy nở trong suốt các triều đại nhà Minh (1368-1644) cho tới nhà Thanh (1644-1911).
Những tác phẩm nghệ thuật này không chỉ đơn thuần là để mô tả về thế giới tự nhiên; mà còn có ý nghĩa biểu tượng và ẩn dụ phong phú. Chẳng hạn, sự nở rộ của hoa mẫu đơn đại biểu cho sự giàu có và sang trọng.
Hoa sen mọc lên từ bùn mang ý nghĩa của sự tinh khiết và giữ gìn đức hạnh. Dược tính của hoa cúc làm cho nó trở thành biểu tượng của một cuộc sống kiện khang và dồi dào nhiệt huyết năng lượng. Hoa mai không khô héo qua mùa đông khắc nghiệt, nên được đưa vào tranh để thể hiện đức Nhẫn và lòng kiên định.
Trong các tranh vẽ chim, chim công tượng trưng cho thần thánh và sức mạnh, chim sếu tượng trưng cho tuổi thọ, còn một đôi uyên ương là tượng trưng cho tình yêu.
Thời nhà Tống
Kỹ thuật vẽ hoa và chim đã trưởng thành trong thời nhà Tống, với nhiều họa sĩ chuyên vẽ chủ đề này. Triều đình nhà Tống đã đóng góp lượng tranh hoa và chim nhiều hơn bất kỳ loại tranh nào khác.
Các nghệ sỹ thời đó đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu rất kỹ về đời sống của các loài chim để tạo chiều sâu cho tranh và các kỹ thuật đa dạng để đặc tả chim sao cho giống thật nhất. Do đó các nghệ sĩ thời nhà Tống đã có thể trau dồi một kỹ thuật vẽ tinh tế và tỉ mỉ.
Hoàng đế Huy Tông của nhà Tống là một người bảo hộ nhiệt thành cho nghệ thuật và có ảnh hưởng trong việc phát triển phong cách vẽ tranh kinh viện của trường phái triều Tống.
Bản thân cũng là một hoạ sĩ nổi danh, các tác phẩm của ông có màu sắc phong phú, sống động và có phong cách hiện thực rất tỉ mỉ. Bức “Bồ câu trên nhành đào” thể hiện một chú chim bồ câu đầy màu sắc đậu trên một nhành hoa đào nở rộ. Ông chỉ khắc họa một bông hoa nở hoàn toàn bên cạnh những nụ hoa, để tập trung thị giác vào chú chim bồ câu.
Trong bức “Chim trĩ Hoàng kim trên nhành hoa Dâm bụt,”, tác giả miêu tả một con chim trĩ duyên dáng bám trên một nhành hoa dâm bụt mỏng manh, nghiêng đầu dõi theo hai con bướm lượn lờ trên một đám hoa cúc trắng. Ông cũng viết lên tranh một bài thơ, ca ngợi năm đức tính tốt của loài chim này, đó là tinh tế, oai phong, dũng cảm, hiền từ và đúng hẹn.
Mức độ chi tiết tỉ mỉ trong hai bức tranh này cho thấy các hoạ sĩ kinh viện thời Tống đã đạt đến một trình độ kĩ thuật khá cao siêu.
Thời nhà Nguyên
Trong khi triều đình nhà Tống định hướng phong cách nghệ thuật và quy chuẩn chặt chẽ cho các họa sĩ đương thời, thì triều đại nhà Nguyên lại chứng kiến sự xuất hiện và hưng thịnh của một trào lưu phóng khoáng hơn bởi giới trí thức. Sự xâm lược Trung Hoa bởi quân Mông Cổ đã khiến các họa sĩ không còn được triều đinh bảo trợ nữa. Trong khi tìm kiếm một hướng đi mới, những họa sĩ này đã chịu ảnh hưởng của các học giả trí thức, và bắt đầu quay lưng lại với chủ nghĩa hiện thực.
Những nghệ sĩ kiêm trí thức này đã sáng tạo nhiều kĩ thuật khác nhau, như vẽ tự do, và tránh sử dụng kĩ thuật quá bóng bẩy. Họ tìm cách truyền đạt tinh thần bên trong của chủ đề và đưa cảm xúc cá nhân của họ vào tác phẩm nghệ thuật.
Trong bức “Chim nước và hoa sen tàn”, họa sĩ Trương Trung miêu tả một đôi uyên ương trên bờ ao sen; Con chim trống dường như muốn xuống ao bơi lội, trong khi con mái nép đằng sau; Cành cây hương bồ uốn cong trong gió cùng với những lá sen tàn.
Trương Trung đã sử dụng kĩ thuật vẽ tự do và đơn giản để miêu tả cây lá và kết hợp với nét cọ mịn và tinh tế. Việc ông chỉ sử dụng loại mực đơn sắc với các tông màu sáng và tối trong toàn bộ bức tranh đã thể hiện đầy đủ các đặc trưng của phong cách vẽ trí thức của thời kỳ này.
Thời nhà Minh
Các họa sĩ vẽ tranh hoa và chim triều đại nhà Minh đã thừa hưởng phong cách vẽ kinh điển của thời Tống, nhưng có các biến thể. Kĩ thuật bút lông tỉ mỉ chắc chắn bắt nguồn từ họa thuật thời Tống, nhưng các bức tranh hoa và chim của triều đại nhà Minh đã thể hiện những bối cảnh rộng hơn, do vậy nhìn cũng phức tạp hơn, với chi tiết phong phú và màu sắc tươi sáng.
Bức tranh “Bách điểu vờn Công” của họa sĩ Doãn Hồng miêu tả hai con công được vây quanh bởi chim chóc thuộc nhiều loài khác, như vàng anh, chim đầu rìu, chim gõ kiến, chim sẻ, chim trĩ và chim ác là; tất cả quây quần quanh một cây anh đào và bụi hoa mẫu đơn. Khi nhìn kĩ, hầu hết các loài chim vẽ trong tranh đều có đôi. Công trống và công mái tượng trưng cho hoàng đế và hoàng hậu, trong khi những con chim khác tượng trưng cho các quan trong triều đang tỏ lòng tôn kính với gia đình hoàng tộc.
Trong bức “Cò trắng và hoa dâm bụt cuối mùa thu”, họa sĩ Lu Ji miêu tả một ngày thu đẹp bên bờ ao, với lá sen và đám hoa dâm bụt đang nở rộ;
Đôi cò trắng theo nhau bay đến nhập đàn với con thứ ba đang đậu bên bờ nước; Hai chú chim chích bông đang nhún nhảy trên cành dương liễu mềm mại, rập rờn trong gió.
Nét vẽ của Lu Ji thể hiện một kĩ thuật tinh xảo, mềm mượt, phù hợp với khung cảnh trữ tình của bức tranh – đây là một ví dụ tốt về phong cách hoa và chim của triều đình nhà Minh.
Thời nhà Thanh
Các họa sĩ triều Thanh ban đầu cũng theo phong cách truyền thống của nhà Minh. Tuy nhiên, họ ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với hội họa Tây phương, thông qua thương mại và các nhà truyền giáo của Ki tô giáo. Hoàng đế Càn Long thậm chí còn tuyển dụng một họa sĩ truyền giáo người Ý tên là Giuseppe Castiglione, để vẽ tranh cho triều đình. Sự giao lưu văn hoá này đã dẫn tới sự ra đời của một trường phái hội họa mới.
Bức “Chim công múa xòe” của Giuseppe Castiglione tả lại một màn diễn xòe đuôi choáng ngợp của chú chim công, với những phối màu hút mắt. Quang cảnh là một khu vườn hoàng gia với hoa mộc lan, hoa mẫu đơn và hoa anh đào nở rộ giữa những tảng đá màu ngọc bích. Khi quan sát kĩ lá cây và cổ của chim công, sẽ phát hiện ra kĩ thuật vẽ thể hiện biến thiên sáng tối của phương Tây. Đồng thời, các tảng đá được đặc tả nhờ kĩ thuật bút lông và mực của Trung Quốc.
Các chỉ dẫn cụ thể của Hoàng đế Càn Long khi vẽ tác phẩm này là muốn nó phải đại diện cho sự kết hợp giữa hai trường phái hội họa Trung Quốc và phương Tây.
Thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận cho cả họa sỹ Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, dòng tranh này đã thể hiện sự khác biệt đáng kể của hai nền văn hoá Đông-Tây. Ở châu Âu, tranh vẽ các loài hoa được đặc biệt ngưỡng mộ trong thời kỳ Barốc thế kỉ 17. Các hoạ sĩ người Hà Lan bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng khoa học, khi những tiến bộ quan trọng đã thu được trong nghiên cứu thực vật học. Họ đã học cách vẽ mô tả chính xác theo các tiêu chí khoa học khi vẽ tranh minh hoạ các cây hoa; làm cho chúng trở thành khuôn cứng.
Các họa sĩ Trung Quốc cổ đại thì ngược lại, họ luôn cố miêu tả các loài hoa trong môi trường sống nguyên thủy của chúng, kết hợp với niềm cảm thán thơ mộng, được thể hiện bằng họa pháp, thơ và thư pháp, còn được gọi là “Tam tuyệt hảo”.
Theo The Epoch Times