“Omnia vincit Amor” hay “Tình yêu chinh phục tất cả” là chủ đề bất hủ trong thơ ca và hội họa. Trong đó, có một bức họa không chỉ thể hiện xuất sắc câu nói ấy mà còn đưa nó thăng hoa lên một nội hàm thần thánh. Đó chính là tác phẩm cùng tên của họa sĩ Benjamin West.
Bức “Omnia vincit Amor” hoàn thành vào năm 1809, gây ấn tượng với người xem bằng kỹ thuật phối màu tinh tế và những đường nét trang nhã, nhẹ nhàng, tạo nên một phong cách “quý tộc” rất riêng của Benjamin West. Điều ấy cũng từng được tác giả chia sẻ qua tuyên ngôn nghệ thuật của ông: “Nghệ thuật là thể hiện vẻ đẹp con người, hoàn hảo đến mức lý tưởng trong thiết kế, trang nhã và cao quý trong thái độ”.
Ngạn ngữ “Omnia vincit Amor”
Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu ngạn ngữ tiếng Latin: “Omnia vincit Amor” (Tình yêu chinh phục tất cả) trong thiên sử thi Eclogues (tên tiếng Việt: “Mục Ca”) của nhà thơ La Mã cổ đại – Virgil.
Thiên sử thi Eclogues là một bộ trường ca gồm 10 phần kể về những mục tử chốn đồng quê, trong đó phần thứ 10 là câu chuyện tình yêu của chàng trai trẻ Gallus và nàng Lycoris. Gallus yêu nàng bằng cả trái tim và tâm hồn mình, nhưng Lycoris lại lạnh lùng bỏ đi theo người đàn ông khác khiến chàng ngày càng suy sụp. Bóng tối bủa vây lấy chàng, hơi thở cũng sắp rời chàng mà đi.
Khi Gallus đang cận kề cái chết, Thần Apollo đã đến khuyên nhủ chàng: “Gallus, cứ như thế có phải là điên không?”.
Ngay sau đó Thần Silvanus và Thần Pan cũng đến, ai ai cũng tìm mọi cách để an ủi chàng. Nhưng lời nói của các vị Thần không thể giúp Gallus nguôi ngoai nỗi nhớ. Chàng đã buông ra những lời tuyệt vọng, và câu cuối cùng mà chàng thốt lên là: “Tình yêu chinh phục tất cả, và chúng ta cũng vậy, hãy chịu khuất phục trước tình yêu”. (Nguyên văn: “Omnia vincit amor et nos cedamus amori”)
Mặc dù câu nói trên bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu, nhưng vì được công chúng đón nhận quá nồng nhiệt nên đã trở thành câu châm ngôn nổi tiếng, và ý nghĩa của nó cũng vượt khỏi giới hạn của tình cảm nam nữ đơn thuần. Đã có rất nhiều họa phẩm cùng lấy cảm hứng từ “Omnia vincit Amor” nhưng ra đời trong các thời kỳ khác nhau và thể hiện góc nhìn khác nhau của người nghệ sĩ. Vậy nên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một số tác phẩm tiêu biểu trước khi đến với tranh vẽ của Benjamin West để thấy được nội hàm thần thánh của bức họa này.
Chủ đề “Tình yêu chinh phục tất cả” trong hội họa
Trong lịch sử hội họa, những bức tranh cùng chủ đề thường vẽ cảnh Thần Tình Yêu chiến thắng trước Thần Pan. Tên gọi Pan bắt nguồn từ chữ “πᾶν” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ‘tất cả’. Một trong số đó là bức “Lotta fra Amore e Pan” của Francesco Mancini (1679–1758):
Thần Tình Yêu có nhiều tên gọi khác nhau: “Cupid” trong thần thoại La Mã, “Eros” trong thần thoại Hy Lạp, hay “Amor” trong tiếng Latin. Nếu như Cupid mang hình ảnh của một tiểu thiên sứ có cánh, đeo bên mình những mũi tên bằng vàng và bằng đồng, thì Pan – vị Thần của thiên nhiên, đồng cỏ và núi rừng – lại mang hình ảnh nửa người nửa thú với một cặp sừng dê trên đầu.
Một tác phẩm tương tự là “Cupid and Pan” của Federico Zuccaro (1541-1609):
Trong tranh, Cupid đang cưỡi trên lưng Thần Pan khiến đám đông xung quanh phải ngỡ ngàng kinh ngạc. Bởi Pan là vị Thần của núi non, đồng cỏ và cuộc sống chốn hoang vu, vậy nên ông còn đại diện cho những gì trần tục. Hình ảnh Cupid khuất phục Thần Pan mang ý nghĩa: Tình yêu vượt trên trần thế.
Từ một góc nhìn khác, Jan van den Hoecke (1611–1651) lại khắc họa Thần Tình Yêu trong tâm thái của người chiến thắng:
Nhân vật chính trong bức họa là Amor đang ngồi trên những bao tiền vàng, xung quanh là những thứ vật chất phồn hoa: nhạc cụ của người nghệ sĩ, bảng vẽ của họa sĩ, bức tượng của nhà điêu khắc, gươm và giáp sắt của các chiến binh, cuốn sách cùng với trái cầu của học giả… Với vẻ mặt đắc ý, Amor giơ lên một mũi tên tình ái như muốn nói: Tình yêu cao cả hơn những thứ danh lợi và vật chất tầm thường.
Con người sống nơi nhân thế luôn thấy danh và lợi thảy đều quan trọng lắm: tiền tài, phú quý, vinh hoa, quyền lực, địa vị, tiếng tăm… Nhưng tiền bạc dẫu nhiều đến mấy, khi đứng trước tình yêu sẽ trở thành rẻ mạt; hào quang dẫu rạng ngời đến mấy, trước tình yêu lại trở nên nhạt nhòa; quyền lực dẫu uy chấn thiên hạ, lẫm liệt oai phong, thì đối diện với tình yêu lại thành ra mỏng manh yếu ớt. Hết thảy những thứ mà người ta cho là bậc nhất của thế gian, thì cuối cùng đều phải cúi đầu trước một thứ vô hình gọi là ‘tình yêu’. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa của “Omnia vincit Amor” qua cái nhìn của người họa sĩ?
Nhưng khi đến với bức vẽ “Omnia vincit Amor” của Benjamin West, ta lại cảm nhận được một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ…
Tuyệt phẩm “Omnia vincit Amor”
Không khó để nhận ra những nhân vật trong bức vẽ của Benjamin West: Ở bên trái là Vệ Nữ (Venus) – nữ Thần của sắc đẹp và tình ái, với biểu tượng là đôi chim bồ câu. Bên cạnh là con trai của Thần Vệ Nữ, cũng tức là Thần Tình Yêu Amor, trong tay ôm những mũi tên tình ái. Ở giữa là vị Thần của hôn nhân Hymen, biểu tượng là bó đuốc đang rực cháy. Còn ngoài cùng là các tiểu thiên sứ với đôi cánh màu trắng bạc…
Một bức vẽ khắc họa những vị Thần có liên quan đến tình yêu (sắc đẹp, hôn nhân, tình ái) nhưng lại không hoàn toàn ám chỉ về tình yêu, do đó đã gợi mở đến hàm nghĩa rộng lớn hơn của chữ “Tình”. Nhưng nếu chỉ có vậy thì đã đủ để thể hiện chủ đề của bức tranh – “Tình yêu chinh phục tất cả” – hay chưa? Chúng ta hãy chú ý tới một chi tiết rất tinh tế này…
Trên tay trái của Thần Hymen là ba sợi dây đỏ nối liền với ba con thú trong tranh: Sư tử là chúa tể mặt đất, đại diện cho yếu tố “Đất”; con thú đầu ngựa thân vảy cá (hải mã) làm chủ biển khơi, đại diện cho yếu tố “Nước”; đại bàng là vua thống lĩnh cả bầu trời, đại diện cho yếu tố “Khí”. Cả ba con thú này đều trong tư thế bị chinh phục, chịu phục tùng. Còn trên tay phải của Thần Hymen là ngọn đuốc rực cháy, đại diện cho yếu tố “Lửa”.
Truyền thống của người Tây phương cho rằng, Đất – Nước – Lửa – Khí là bốn nguyên tố cơ bản (The Four Elements) tạo nên hết thảy mọi sự vật trong vũ trụ. Điều ấy cũng tương tự với quan niệm của người phương Đông về “Tứ đại” là Địa – Thủy – Hỏa – Phong. (Phật gia giảng về “Tứ đại”, còn Đạo gia giảng về “Ngũ hành”: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Cổ nhân cho rằng vạn sự vạn vật trong vũ trụ này đều nhờ đó mà sinh thành, nhờ đó mà tồn tại. Do đó bốn yếu tố nguyên thủy ấy đã vượt khỏi giới hạn vật chất của thế gian con người, và đã thăng hoa lên một cảnh giới thần thánh, cảnh giới của các vị Thần.
Như vậy, nếu như Tình Yêu làm chủ cả bốn nguyên tố cơ bản nói trên, thì chẳng phải cũng chính là “Tình Yêu chinh phục tất cả” đó sao? Và điều đáng nói là: “tất cả” ở đây không phải là ‘tất cả danh tình lợi và vật chất trong thế gian’, mà là ‘tất cả trong thiên thể cự đại, trong vũ trụ bao la và vô biên vô tế này’…
Nhưng nói vậy có phải là mâu thuẫn hay không? Bởi “tình yêu” dẫu sao vẫn là cái tình hạn hẹp của con người, sao có thể dời non lấp biển, sao có thể kinh thiên động địa, sao có thể xoay chuyển càn khôn cho được?
Trong quan niệm của người Tây phương, “tình yêu” (Love) mang hai hàm nghĩa và hai cảnh giới khác nhau: Đó có thể là cái ‘tình’ của con người – cũng tức là tình yêu nam nữ, là lòng nhân ái, là sự yêu thương giữa người với người… Và đó cũng có thể là ‘tình yêu’ của Thiên Chúa – một tình yêu bao la quảng đại cho hết thảy chúng sinh và hết thảy muôn loài. ‘Tình yêu’ ấy cũng chính là điều mà người phương Đông gọi là ‘từ bi’, rằng ‘tình’ chỉ là của con người, nhưng ‘từ bi’ mới thực sự là cảnh giới của các Giác Giả, các vị Thần.
Với ý nghĩa ấy, bức tranh của Benjamin West đã không còn giới hạn trong cái tình của con người đầy lục dục, mà đã đưa chúng ta tiến lên một cảnh giới mới, đó là cảnh giới của Từ Bi. Chỉ có từ bi mới có thể làm vạn vật tân sinh, làm trời đất nhỏ lệ. Chỉ có từ bi mới có thể khiến thiên địa hoan ca, khiến càn khôn dời đổi. Và cũng chỉ có từ bi mới có thể khơi dậy thiện niệm, mới có thể nâng đỡ tâm hồn, khiến con người rời xa cái ác và trở về với thuần phác, thiện lương.
Vậy chăng, có thể gọi tuyệt phẩm của Benjamin West là ‘Tình yêu chinh phục tất cả’, hay ‘Từ bi chinh phục cả càn khôn’…?
Tâm Minh