Nét vẽ Tân cổ điển thường được sơn phết một cách rất tỉ mỉ, với bề mặt mịn màng, mục đích để giấu đi những nét bút của họa sĩ. Người xem dường như tưởng tượng ra có thể nhìn xuyên qua khung tranh và đi vào thế giới thật trong tranh. Các tác giả qua đó thường để lại những bài học đạo đức sâu sắc qua các đề tài lịch sử, tôn giáo và thần thoại. Mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên thưởng thức tuyệt phẩm “Diana & Cupid” của họa sĩ Bantoni Pompeo, người được cho là đã sáng tạo ra trường phái hội họa Tân Cổ Điển (Neoclassicism).
Vì sao Thần thoại Hy Lạp là đề tài chính trong các bức họa thế kỷ 18, 19?
Vào cuối thế kỉ 18 và đầu Thế Kỷ 19, hội họa chính thống và con người ở châu Âu rất tin vào những vị Thần trong Thần thoại Hy Lạp, họ thường thích họa những gam màu đậm, sâu và những bóng đổ tối.
Tác phẩm Thần Mặt Trăng và thần Ái Tình (Diana & Cupid) được họa sĩ Bantoni Pompeo (1708-1787) sáng tác năm 1761. Chính vào thời điểm này tài năng của ông đã đến độ chín.
Ban đầu, những bức tranh nghệ thuật đầu tay được họa sĩ sáng tác từ năm 1730, thể hiện rất rõ phong cách của trường phái Rococo (phong cách kiến trúc) có đặc điểm là bố cục chặt chẽ, màu sắc tương phản rực rỡ và các hình thể nhân vật luôn trong tư thế động.
Tuy nhiên, sau này khi nghiên cứu các tác phẩm của họa sĩ thiên tài thời Phục hưng Raffaello Santi (1483-1520) và tư tưởng của trường phái Tân cổ điển, Bantoni đã thay đổi bút pháp và chủ đề của mình. Càng ngày họa sĩ càng quan tâm nhiều hơn đến các câu chuyện Thần Thoại Hy Lạp và các sự tích trong Kinh Thánh đề cao tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con người.
Bức tuyệt phẩm Diana & Cupid muốn nhắn nhủ điều gì tới người xem?
Bức tranh Diana & Cupid được đặt vẽ cho Ngài Humphrey Morice (1723–1785), là con trai của một thương gia giàu có và là giám đốc Ngân hàng Anh. Morice là một người rất yêu động vật và đã đặt từ Batoni một bức chân dung của mình nằm ở vùng nông thôn La Mã sau khi tìm kiếm một mặt dây chuyền cho bức tranh này, trong đó miêu tả nữ thần Mặt Trăng giữ cây cung của Thần Ái Tình Cupid.
Theo thần thoại La Mã, Thần Mặt Trăng thường được thể hiện dưới hình thức một thiếu nữ xinh đẹp (giống như nhân vật chị Hằng trong thần thoại các nước châu Á), còn thần Ái Tình được thể hiện dưới hình thức một chú bé có cánh cầm cung tên. Khi mũi tên của thần Ái Tình bắn trúng ai thì người đó coi như đã sa vào đường tình ái như một sự sắp đặt của số phận. Trong bức họa, khi thần Mặt Trăng đưa cây cung ra xa và định bẻ cây cung của thần Tình Ái như muốn ngăn ngừa trò đùa của chú bé tinh nghịch, có thể hình dung đây là một hành động quở trách, ngầm hiểu rằng việc sử dụng cây cung của Cupid được coi là thất thường, tùy tiện và sai.
Điều này như muốn nhắn nhủ người xem rằng, tình ái có lẽ không phải là điều đáng tin cậy, cũng không thể là một trò chơi vô trách nhiệm phù phiếm. Người ta không thể tùy tiện với tình yêu, đó là thông điệp mà bức họa muốn truyền đạt.
Nét vẽ Tân cổ điển thường được sơn phết một cách rất tỉ mỉ, với bề mặt mịn màng, mục đích để dấu đi những nét bút của họa sĩ. Chúng được tạo thành để gây ra ảo giác giúp cho người xem tưởng tượng ra có thể nhìn xuyên qua khung tranh và đi vào thế giới thật trong tranh. Tác giả thường muốn truyền đạt những bài học đạo đức bằng cách sử dụng các đề tài lịch sử, tôn giáo và thần thoại.
Về nữ thần Diana trong thần thoại Hy Lạp
Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần Diana thường kết hợp với động vật hoang dã và những vùng đất trồng cây, cô có phép thuật siêu nhiên, có thể nói chuyện và tương thông với các loài động vật và có thể kiểm soát nó. Diana đã được biết đến là một nữ thần đồng trinh và một trong biểu tượng của phụ nữ thời kỳ đó. Cô là một trong ba nữ thần đồng trinh là Diana, Minerva và Vesta, những người đã thề không bao giờ kết hôn.
Theo thần thoại, Diana đã được sinh ra cùng với Thần Apollo là anh trai sinh đôi của cô trên đảo Delos, và cô là con gái của Thần Jupiter và Latona. Diana đã thực hiện một bộ ba với hai vị thần La Mã: Egeria là nữ thần nước, người đầy tớ của cô và nữ hộ sinh phụ tá Virbius, thần rừng.
Lúc sơ sinh, hai anh em bị Junon sai con mãng xà Python săn đuổi phải trốn tránh ngoài hoang đảo đến khi khôn lớn mới gặp được cha. Thấy nàng cực kỳ xinh đẹp, thần Jupiter muốn gả chồng cho con gái và giữ nàng lại thiên đình. Nhưng Diana nhất định không chịu. Nàng chỉ muốn sống độc thân để làm bạn với thiên nhiên.
Jupiter nói: “Anh con là Apollo đã làm thần Mặt trời. Vậy ta cho con làm thần Mặt Trăng để soi sáng ban đêm và làm Trái Đất mát dịu.
Con muốn làm bạn với thiên nhiên, hãy giữ cho Trái Đất được xanh tươi. Cùng với các chị của con, Nymphes (nữ thần khe suối), nữ thần Flora (thần mùa xuân, làm mặt đất nở hoa), Zephyr (nữ thần gió mát)… sẽ giúp con làm việc đó. Ta cho con một bộ cung tên. Con sẽ là một thiện xạ đủ sức chống lại mọi ác thú, kể cả Python.”
Neoclassicism (trường phái Tân cổ điển) thể hiện nỗi khát vọng đạt đến sự hoàn thiện
Bantoni vốn sinh ra tại thành phố Lucca, Ý, trong một gia đình làm nghề thợ kim hoàn, vốn đề cao sự hoàn mỹ và tỉ mỉ tinh tế đến từng chi tiết nhỏ, đây có thể là những điều đầu tiên có ảnh hưởng đến phong cách sáng tạo sau này của ông,với sự chính xác và lộng lẫy trong các chi tiết của tác phẩm. Ông học vẽ ở thủ đô Rome cùng lớp với các họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như là Agostino Mazushi và Sebatiano Konca.
Các nghệ sĩ Tân cổ điển yêu thích các đường nét sắc sảo, những hình khối rõ ràng, màu sắc tông lạnh điềm đạm, và đặc biệt là bề mặt tranh nhẵn bóng. Một tác phẩm Tân cổ điển tinh túy sẽ không có đường cọ nào lộ ra.
Đối với các nghệ sĩ trường phái Tân cổ điển, cách tốt nhất để truyền tải tinh thần cổ điển là tạo ra các tác phẩm hoàn mỹ, có khả năng chịu thử thách của thời gian mà không bao giờ bị lỗi thời. Sự thanh thoát, giản dị nhưng hoàn hảo là cốt lõi của phong cách này.
Với tài năng bẩm sinh cùng khả năng tiếp thu những tinh hoa của các bậc thầy đi trước, lúc nào Bantoni Pompeo cũng có đơn đặt hàng trang trí cho các nhà thờ dựa theo huyền thoại trong Kinh Thánh. Và với danh tiếng của một họa sĩ chân dung tài năng, Bantoni luôn được giới quyền quý ghé đến xưởng họa của ông để đặt vẽ chân dung.
Nghệ thuật của Bantoni không mâu thuẫn với thị hiếu của xã hội đương thời và được xã hội thừa nhận, vì vậy mà cuộc đời của ông nhìn chung là khá suôn sẻ và thành đạt. Bantoni là người tiên phong trong phong cách Tân cổ điển và mở đầu cho trường phái Cổ điển (Classicism) bắt đầu từ thế kỷ XVIII tại các nước châu Âu.
Thiện Lương