Ngày xưa ở một bãi nhỏ heo hút mom sông Hồng có hai cha con một lão nông sinh sống. Người cha tên là Trung Đình, thời trẻ đã đỗ đạt thăng quan nhưng do vợ mất sớm ông cáo vua về quê để làm tròn bổn phận với cha mẹ tổ tiên và chăm sóc cô con gái bé nhỏ. Thật lạ con gái ông, cô bé Ngân Sa có tiếng cười trong vắt như sương mai, mỗi khi bé cười cả không gian như có những chùm nắng li ti tỏa sáng…

Ngôi nhà của hai cha con nằm đối diện với ngã ba sông mang tên Tuần Vường. Dòng sông Hồng chảy êm đềm từ thượng nguồn xuống đến nơi đây tự dưng hiếu động vùng vẫy tìm hướng đổi dòng, ban ngày hiền hòa nhưng cứ đêm đêm lại vật vã trở mình lăn sang tả ngạn. Đêm, nghe tiếng đất lở xuống sông ầm ầm, tiếng vạc kêu khắc khoải như tiếng kêu mất tổ ông Trung và dân làng thao thức không sao ngủ được. Những vườn ngô non mướt, bãi mía xanh rờn cứ lần lượt bị nhấn chìm xuống nước kéo theo nhà cửa và cây cối. Người ta đồn rằng chàng hoàng tử nghịch ngợm của Vua Thủy tề hay cưỡi tuấn mã phi dọc bờ sông, vó ngựa của chàng đặt đến đâu đất của bãi sông chìm tới đó. Dân làng lo lắng mổ ngựa, mổ bò lập đàn cúng tế nhưng dòng sông vẫn hung hãn nuốt hết vườn tược, nhà cửa một cách vô tri.

Ảnh minh họa: Kênh Thời Tiết

Trước cảnh bà con đang dần mất nơi sinh sống ông Trung Đình luôn trở trăn trong lòng ước mong đi kiếm tìm vùng đất mới. Phía bên kia sông có một doi đất mọc lên mỗi ngày rộng thêm ra, cỏ dại mọc um tùm. Ông chặt chuối kết bè và làm một cái túp nhỏ bên trên, ông đặt cô bé Ngân Sa lên bè kéo sang bên bãi nổi. Một vùng lau lách hoang vu đầy chim muông, rắn rết, bùn lầy ngang bụng, những con mòng mòng, ken két thấy người lạ thảng thốt vụt bay lên để lại tiếng kêu chát chúa trong không gian hoang lạnh. Cò trắng, vịt trời bay kín cả không gian. Thích thú trước cảnh đó bé Ngân Sa ngây thơ khanh khách cất tiếng cười, lạ thay tự nhiên cả một vùng đầm lầy bừng sáng. Lau sậy cúi rạp mình tạo thành lối đi cho cha con họ, chiếc bè đi tới đâu bùn đất tự rẽ ra tạo thành một con sông nhỏ tới đó, sa bồi nổi lên thành những doi đất mỡ màu. Người cha vô cùng ngạc nhiên trước phép lạ tiếng cười của con gái, ông sung sướng như được tiếp thêm sức mạnh trong công cuộc tìm ra nơi sinh sống mới cho dân làng.

Hàng ngày hai cha con họ cần mẫn đi khai phá những vùng bùn lầy lau sậy, những dải đất màu mỡ hồng đỏ phù sa ngày càng rộng thêm ra. Chim muông đã thân thiện hơn với người, chúng thi nhau tha ngũ cốc và quả chín về cho hai cha con Ngân Sa dùng qua ngày tháng. Rắn rết vốn thích nơi lạnh lẽo giờ đây gặp những ánh nắng lấp lánh tỏa từ nụ cười của cô bé rủ nhau trốn biệt. Bãi nổi hoang lạnh ngày nào đã bén hơi người, trở mình mỗi ngày mỗi khác. Hàng ngày người cha thả diều để căng dây đo đất, con gái cần mẫn gieo lên phù sa những hạt cây do lũ chim chóc tha về.

Một thời gian sau bãi lầy bên tả ngạn sông Hồng đã trở thành một bãi nổi mướt xanh, cây cối bắt đầu bén rễ đâm chồi, hai cha con Ngân Sa vượt sông về chốn cũ đón dân làng sang sinh cơ lập nghiệp. Và làng Gòi có tên từ đó.

Khỏi phải nói dân làng Gòi phấn khởi biết bao nhiêu. Ngày ngày họ cùng nhau đào ao vượt thổ, đội đất đắp nền quật lập nên đường xá, mương máng, sông hồ. Mỗi nhà một ao, bao nhiêu vườn là bấy nhiêu ao, vườn rộng thì ao to, vườn cao thì ao sâu và tiếp tục cùng ông Trung Đình khai phá thêm những vùng bãi hoang sơ. Đêm đêm họ đã được bình yên ngả mình vào giấc ngủ ngon lành, mơ những giấc mơ đẹp về vùng đất mới. Người dân làng Gòi không còn phải sống trong cảm giác thấp thỏm khi đêm về nghe tiếng vó ngựa của Hoàng tử con Vua Thuỷ tề dọc bờ sông. Những vườn cây và hoa trái đã mâng mẩng chuẩn bị vào mùa, dâu đã mướt xanh trên vùng đất bãi, các nong tằm đã xôn xao tiếng tằm bén lá như tiếng mưa đêm.

Ảnh: Vũ Hồng Anh

Nhưng kén chưa kịp vàng trên né, quả chưa kịp ngọt trên cây, hoa chưa kịp toả hương trên tay người vun xới thì xóm làng đã xôn xao trước cảnh dân làng bên tràn sang gây hấn. Họ cho rằng đất nơi này là đất của ông cha họ từ đời xưa để lại nhưng dân làng Gòi đã tự ý sang lấn chiếm, và… các cuộc đổ máu xảy ra.

Cô bé Ngân Sa giờ đã thành thiếu nữ má thắm môi hồng, tóc dài như mây như nước. Cô bé theo cha dẫn đầu đoàn quân giữ đất, giữ làng. Trong cuộc hiếu chiến nảy lửa giữa hai bên bất chợt Ngân Sa cất tiếng cười trong vắt, từ cái miệng nhỏ xinh từng chùm nắng cứ bay lên, bay lên. Nghe tiếng cười lảnh lót của Ngân Sa quân làng bên dừng tay ngơ ngác, trong không gian xanh mướt lóng lánh những chùm hoa nắng li ti, một cảm giác bối rối nhưng thân thiện chợt dâng lên trong lòng họ, cuốc cày, liềm búa đã buông xuống nhường cho những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình. Dân làng hai bên vui vẻ rót nước mời nhau bên con sông Đồn trong vắt, con sông được tạo nên bởi những ngày đầu tiên cha con Ngân Sa đã kéo bè chuối đi qua. Và tình nghĩa giữa dân làng Gòi với bà con các nơi được bắt đầu từ đó.

Đất làng đã yên bình trở lại, quả đã ngọt lịm trên cành, hoa đã bung sắc thắm trên vườn trên bãi, những lứa kén đầu đã vàng óng lấp loá trong nắng thu. Đất đã dậy hương cây, thời gian như trôi đi trong sắc màu của hoa của lá, trong hương thơm của hoa của quả, trong âm thanh của ong bướm chim muông và Ngân Sa đã trở thành cô gái xinh đẹp hồn hậu nức tiếng của vùng bãi châu thổ sông Hồng. Dân làng Gòi thường hay gọi là nàng Ngâu bởi Ngân Sa sinh ra vào tháng Bảy. Hình ảnh nàng Ngâu với nụ cười tỏa nắng trở thành niềm ấp ủ, nhung nhớ trong trái tim bao chàng trai. Nghe đồn nàng Ngâu hay một mình chèo thuyền ra ngã ba Tuần Vường của sông Hồng lấy nước về tắm. Nước ngã ba sông là khí thiêng của đất trời, núi sông tụ lại nên nàng ngày càng trở nên xinh đẹp diễm kiều. Nụ cười của nàng luôn dịu dàng tỏa hương thơm và những chùm nắng li ti ngày càng lấp lánh bay cao bay xa hơn nữa.

Ảnh minh họa: Pinterest.com

Một đêm nọ trời bổng đổ mưa nguồn chớp bể, sông Hồng trở mình cuộn chảy, sóng nước xô ầm ầm vào làng, vó ngựa của con vua Thủy tề đã phi sang vùng bãi mới. Cả làng Gòi vùng dậy chong mắt lo sợ hướng ra sông khấn vái. Cảnh mất đất, mất làng lại hiện về trong tâm trí họ, bao công sức khai hoang lập ấp có nguy cơ theo dòng nước đổ xuống sông xuống biển. Chợt có tiếng ngựa hí vang trời tiếp theo là giọng một chàng trai sang sảng giữa đêm khuya: “Ta đã phải lòng cô gái đẹp nhất làng có nụ cười tỏa nắng. Nàng dám ra ngã ba sông lấy nước chỗ ta ngự trị nên đã làm kinh động đến Thuỷ cung. Nếu nàng bằng lòng về làm vợ ta, ta sẽ giúp cho dân làng được giàu có bình yên. Bằng không dân làng Gòi sẽ mãi phải di cư đi tìm nơi ở mới. Rạng sáng ngày mai ta sẽ đến đón nàng”.

Ông Trung Đình chết điếng trong lòng, dân làng Gòi choáng váng nghẹt thở trước lời sấm truyền, đêm bãi nổi tự dưng chìm vào tăm tối. Nàng Ngâu nước mắt lưng tròng bước từ trong buồng ra quỳ xuống trước mặt cha xin được hiến mình cho sông dữ. Người cha nghẹn ngào ôm con vào lòng không thể nói thành lời, ông đã quá hiểu tính nết của Ngân Sa. Với ông những tháng ngày chìm nổi sóng gió bên con tưởng chừng đã hết, giờ đây là cả tương lai tươi sáng mở ra, vậy mà… trời đất quá phũ phàng.

Bình minh chưa thức giấc dân làng Gòi đã kéo đến chật ních nhà nàng Ngâu, họ xin nguyện cùng hai cha con đi cuối đất cùng trời để tìm ra nơi lập nghiệp mới. Nàng Ngâu đôi mắt còn mọng nước vội vàng bước ra mỉm cười trấn an mọi người. Nàng một mực xin dân làng cho nàng làm tròn nghĩa vụ với quê hương.

Ngoài sông, từ ngã ba Tuần Vường trở vào bến đã rực rỡ thuyền hoa giăng đèn kết lụa, Hoàng tử Thuỷ cung khôi ngô tuấn tú mắt ngời sáng quắc cưỡi tuấn mã dẫn theo đoàn tuỳ tùng mang sính lễ tới cầu hôn. Ngân Sa cúi lạy cha già, bái biệt quê hương rồi quay mình nhẹ bước, nàng một mực không lên ngựa mà đi bằng đôi chân trần lần cuối trên nền đất phù sa mát rượi. Dân làng oà khóc trước sự quả quyết của Ngân Sa, nước mắt họ rơi đẫm theo bước chân người con gái đã quên mình. Thật kỳ lạ, mỗi dấu chân nàng để lại mọc lên một cái cây xinh xắn có vô số tán lá màu xanh hơi óng vàng, lá cây nhỏ xíu hình giọt nước mắt kết 4,5 cái vào nhau như chiếc lông chim. Trước nỗi tiếc thương ngậm ngùi ấy Ngân Sa bỗng vui vẻ cất tiếng cười trong trẻo, vô số những chùm nắng lại bay lên, bay lên và kết lại thành hàng nghìn, hàng nghìn nụ hoa li ti vàng óng đậu thành từng chùm, từng chùm trên tán lá của những cái cây kỳ lạ.

Ngân Sa đi rồi dân làng xin cụ Trung Đình được bứng những cái cây đó về trồng trước cửa để luôn được ngắm và nhớ tới nụ cười lấp lánh của nàng Ngâu. Họ đặt tên cho cây đó là cây Ngâu, từ đó trở đi làng Gòi xanh ngợp màu xanh của loài cây quý.

Hoa Ngâu. Ảnh: Hoa đẹp Việt

Tương truyền vào những ngày rằm và mồng một nàng Ngâu thường cùng chồng trở về thăm nhà. Nàng hái những bông Ngâu nhỏ xinh đặt lên bàn thờ và ướp trà dâng cha, cùng cha trò chuyện thâu đêm tới sáng. Nhưng tháng ba năm sau trong một đêm mưa đầu mùa sấm chớp đầy trời cụ Trung Đình đã hoá theo mây khói. Bên cạnh ngôi nhà của cụ mọc lên một cây gạo sừng sững hiên ngang, gốc bám chặt vào đất làng, ngọn hướng ra sông Cả. Những bông hoa đỏ thắm nở rực trời.

Từ đó trở đi nàng Ngâu chỉ trở về trong những ngày tháng ba, tháng bảy. Mỗi khi Ngâu về các cô gái làng tôi lại tíu tít gọi nhau đi hái những chùm hoa nắng ngọt ngào, thơm dịu từ nụ cười của nàng vương lại đậu chi chít trên những tán lá xanh. Những hạt ngâu nhỏ xíu xinh xinh có hương thơm dịu mát được các cô gái làng sao khô dùng để ướp trà dâng cha mẹ và đãi khách gần xa.

Đã gần ba trăm năm trải qua bao thăng trầm biến đổi dân làng hai bên bờ sông Hồng từ ngày đó đến nay đã được an cư lạc nghiệp. Đất bãi bồi ngày một mở thêm ra thành một vùng quê rộng lớn quanh năm mướt xanh sắc cây, ngào ngạt hương thơm hoa trái. Làng Gòi năm xưa đổi tên thành làng Thuận Vy với ước mơ khiêm tốn là mong cho thiên thời địa lợi nhân hòa để làm ăn sau đổi thành xã Bách Thuận ngày nay, nghĩa là trăm họ thuận hoà. Cây Ngâu đã trở thành cây có bản sắc riêng của làng vườn. Mỗi khi chạm vào đất làng vườn ta lại bắt gặp mùi thơm dịu dàng quyến rũ của hoa ngâu nhẹ nhàng đưa lối và cứ nhắc tới Thuận Vy, Bách Thuận ai ai cũng đều vương vấn với nụ cười dịu dàng tươi thắm và ngọt ngào thơm thảo của các cô gái làng Ngâu.

Đôi nét về tác giả:

Thúy Hằng, tên đầy đủ là Nguyễn Thúy Hằng. Cô là một trong những gương mặt sáng giá về thơ của Nhóm các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học nghệ thuật được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tuyển chọn đào tạo (khóa học đầu tiên của cả nước) từ 1976 đến nay. Nguyễn Thúy Hằng là gương mặt thơ dịu hiền đến mong manh, duyên dáng, nhẹ nhàng. Thơ và các tác phẩm của cô như một vườn quả chín ngọt ngào của tài năng đã đơm hoa kết trái, dâng sắc hương cho đời.

Bạn đang đọc câu chuyện: “Sự tích hoa Ngâu” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__