Ở tuổi 13, Pontormo đã nhận được sự chỉ dạy của các bậc thầy như Leonardo da Vinci, Mariotto Albertinelli và Pierro di Cosimo. Các tác phẩm của ông chưa thể sánh ngang với các bậc thầy, nhưng cũng là di sản đẹp đẽ và đặc sắc mà ông để lại cho hậu thế
Cuộc đời cô độc
Jacopo Pontormo xuất thân từ gia tộc Bartolomeo di Jacopo; cha của ông cũng là một họa sĩ. Nhà của Jacopo Pontormo nằm trong khu phố cổ ở ngoại ô phía tây thành phố Florence. Pontormo là con trai cả; khi cha mẹ và ông nội qua đời, ông được bà nội nuôi dạy tới khôn lớn. Sau khi bà nội mất, Pontormo chuyển đến trung tâm Florence ở cùng em gái, nhưng cuối cùng vào năm 1517 em gái ông cũng rời bỏ ông. Quá trình trưởng thành đầy đau thương và mất mát đó đã tạo nên trong ông một tính cách cô độc và tính cách đó cũng đi sâu vào từng tác phẩm của ông sau này.
Ở tuổi 13, Pontormo đã nhận được sự chỉ dạy của các bậc thầy như Leonardo da Vinci, Mariotto Albertinelli (1474-1515) và Pierro di Cosimo (1462-1521). Đến năm 18 tuổi. ông bắt đầu làm việc tại Andrea del Sarto; môi trường này đã ảnh hưởng rất lớn đến những tác phẩm thời kỳ đầu của ông. Thời gian này ông cũng làm quen với đồng môn Rosso; hai người đã trở thành những người khai sáng một phong cách hội họa đặc biệt trong tương lai.
Các tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp
Pontormo là một họa sĩ trưởng thành sớm; ngay từ thời thiếu niên ông đã được đại danh họa Michelangelo đánh giá cao. Năm 1515, ông cùng với Pier Francesco Borgherini sáng tạo hàng loạt bức vẽ với chủ đề “Cuộc đời của Joseph”, trong đó có bức “Joseph ở Ai Cập” đã chứng tỏ một phong cách độc đáo của ông, tạo một cảm giác bất an, hồi hộp, không dễ thấy sự xử lý không gian và tính logic trong bức tranh. Năm 1518, Pontormo tại Nhà thờ thánh Michael đã hoàn thành bức “Thánh Mẫu tử và các Thánh đồ”. Trong tranh, các nhân vật phân bố đầy kín khắp khuôn hình; sự kỳ lạ trong bức tranh này là kết cấu dường như khá cân đối, nhưng ánh mắt và động tác của mỗi nhân vật đều tựa hồ như không tập trung vào điểm nào, khiến cho ánh mắt người xem cũng bị phân tán ra ngoài. Ngoài ra, bức họa này tràn đầy bầu không khí vui vẻ nơi trần thế, so với những tác phẩm cùng đề tài cũng vơi bớt đi sự trang trọng và thần thánh.
Pontormo được truyền cảm hứng từ gia tộc của mình, đã vẽ một bức chân dung của cố trưởng lão đạo Hồi – Cosimo il Vecchio. Năm 1519, gia đình Medici đã yêu cầu Pontormo thiết kế tranh tường cho biệt thự của họ ở Poggio a Caiano. Hai bên sảnh biệt thự có những ô cửa sổ; ông đã vẽ bên trên đó các nhân vật thần thoại trong cuốn sách “Lột xác” của nhà thơ La Mã Ovid (Trong tác phẩm này, có một câu chuyện về Vertumnus – một bà già đã lẻn vào khu vườn của nữ thần rừng. Sau khi dùng lời nói để thuyết phục nữ thần rừng, bà đã lấy lại được vẻ ngoài như thiếu nữ). Pontormo lấy hình ảnh những nữ thần trong cuốn sách đó làm chủ đề để vẽ, mang ý nghĩa gặt hái và hạnh phúc. Pontormo còn cố ý sắp xếp bốn đứa trẻ quanh chiếc cửa sổ tròn: hai đứa ngồi trên thân cây nguyệt quế ở hai bên, hai đứa còn lại thì ngồi dưới tán cây.
Cành cây nguyệt quế xòa sang hai bên cửa sổ tròn, và được bắt trong tay của thôn nữ Vituna và chàng thanh niên, thể hiện sự kết hợp của hai người bọn họ. Cây nguyệt quế cũng là hình vẽ biểu trưng trên huy hiệu của gia đình Medici. Các nhánh cây vươn dài trong bức tranh tượng trưng cho việc gia đình Medici có thể chịu được nhiều sóng gió, qua bao năm tháng mà vẫn tiếp tục phát triển vững chãi.
Điều đáng chú ý là một số mô tả trong bức tranh đã đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt là hình ảnh của người nông dân già ở góc dưới bên trái. Ngoại trừ những dấu vết hằn trên khuôn mặt để lại từ sự vất vả của nhiều năm lao động, đôi bàn tay biến dạng và thô ráp cũng cho thấy sự khó khăn của người nông dân. Sự xuất hiện của con chó màu vàng ở bên cạnh ông là hình ảnh rất hiếm thấy trên các bức tranh tường thời điểm đó. Một số người cho rằng Pontormo bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật của phương Bắc; vì những nghệ thuật gia phía Bắc thường mô tả các yếu tố tự nhiên, động vật, thực vật mà họ cho rằng có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Những hình ảnh tuyệt đẹp với bầu không khí điền viên thoải mái, cùng với những huyền thoại và chủ nghĩa hiện thực đã được kết hợp khéo léo.
Năm 1523, Pontormo cùng với người học trò của mình là Bronzino đã rời Florence để chạy thoát khỏi bệnh dịch, đến lánh nạn ở Galluzzo ở phía nam; tại đây ông đã vẽ một loạt các tác phẩm về hình ảnh đau thương của Chúa trong tu viện Certosa nổi tiếng. Những bức tranh tường này chịu ảnh hưởng của các họa sĩ phía Bắc, nhưng không được đón nhận vào thời điểm đó. Cho đến năm 1525, Pontormo đã vẽ bức “Bữa ăn tối tại Emmaus” (Supper at Emmaus), cũng là bức tranh cuối cùng mà ông vẽ tại tu viện Certosa.
Cùng năm đó, Pontormo trở lại Florence, sau đó Capponi đã ủy thác cho ông vẽ 4 bức tranh tường cho ngôi biệt thự mới mua lại từ gia đình Barbados, bao gồm bức “Thiên sứ báo tin mừng”, một bức mô tả cảnh Thiên Chúa cùng với bốn vị giám mục (đã bị phá hủy), một bức tranh gỗ tròn cùng với bức “Thánh thương” (Deposition). Trong số đó “Thánh thương” đã trở thành bức tranh tiêu biểu nhất của Pontormo, đây cũng là sự phát triển của một phong cách vẽ mới cho những bức tranh tôn giáo.
“Thánh thương” (1526 – 1528) mô tả hình ảnh Chúa Giê-su được các môn đồ đưa xuống khỏi thập tự giá, Pontormo cũng kết hợp thêm vào bức tranh hình ảnh Thánh Mẫu; do đó bức tranh này còn có thể được hiểu với ý nghĩa: Chúa Giêsu không phải vừa rời khỏi thập tự giá, mà là được đưa ra khỏi trái tim bi thương của Thánh Mẫu. Cấu trúc của bức tranh này tương tự như “Thánh Mẫu và các Thánh đồ” đã nói ban đầu, xuất hiện rất nhiều nhân vật có vẻ hỗn loạn từ trên xuống dưới chiếm trọn toàn bộ bức tranh, nhưng ánh mắt của các nhân vật thì chặt chẽ hơn. Về bố cục, Pontormo muốn tạo ra một chuyển động xoắn ốc được hình thành bởi sự sắp xếp và chuyển động của các nhân vật từ phía trên bức tranh, nhưng cũng làm cho mắt của các nhân vật khác nhau nhìn theo các hướng khác nhau. Cơ thể của Chúa Giêsu buông thõng, đặt lên vai của chàng trai trẻ phía trước.
Các nhân vật trong bức tranh có những đặc điểm chung của phong cách Pontormo: khuôn mặt hình elip, đôi mắt tròn, đôi môi nhỏ và dày. Biểu cảm thể hiện rõ sự lo lắng và bi thương; tư thế chuyển động chậm chạp, làm cho bức tranh có cảm giác đầy bất an. Ngoài ra, các nhân vật cũng không tuân theo logic không gian và hậu cảnh không có bất kỳ gợi ý nào về viễn cảnh.
Đây là thể hiện ý định của tác giả muốn phá vỡ các nguyên tắc thẩm mỹ đã hình thành từ thời Phục Hưng; ông mong muốn tìm ra một cách tiếp cận khác. Người ta thường tin rằng đây là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tự phụ nhất của Pontormo: sự năng động của cơ thể con người, tỷ lệ không cân đối, miêu tả cảm xúc và những thay đổi trong thể hiện đường cong cơ thể đều được biểu lộ một cách sống động. Có lẽ vì thiếu ánh sáng trong xưởng vẽ mà tông màu của Pontormo sử dụng rất sáng và đơn giản, chủ yếu là sự xen kẽ giữa màu xanh, đỏ và màu da của nhân vật.
Đối với bức tranh tường “Thiên sứ báo tin mừng”, Pontormo cũng có cách xử lý khá độc đáo. Khi tác phẩm được vẽ trên tường cùng với tế đàn và cửa sổ trên mặt tường ở chính giữa, họa sĩ đã tách thiên thần Gabriel và Maria sang hai bên, sử dụng trung tâm làm nguồn sáng. Áo choàng bồng bềnh và đôi chân giơ lên của thiên thần khiến người xem cảm nhận dường như cô đang lơ lửng trong không trung, cộng với sự tương phản sắc nét của ánh sáng và làm mờ đi đã tạo sự bí ẩn của khoảnh khắc siêu nhiên này. Hình ảnh Maria đang bước lên các bậc thang, cử chỉ trang nghiêm và tự nhiên, với ánh sáng có phần dịu hơn.
Những năm cuối đời của Pontormo
Trong 10 năm cuối đời, Pontormo vẫn sáng tác cho gia đình Medici. Ngoài ra ông cũng được thuê vẽ cho nhà Seymour. Vào khoảng những năm 1546 – 1556, ông đã một mình bí mật vẽ tranh tường trong nhà nguyện chính của Vương cung thánh đường San Lorenzo ở Florence, dự định kết hợp các bức “Thế kỷ mới”, “Đại hồng thủy” và “Phán xét cuối cùng” v.v.. vào trong một tác phẩm; nhưng cuối cùng, Pontormo đã mắc phải trọng bệnh và qua đời năm 1557. Phần còn dang dở của tác phẩm này đã được Bronzino tiếp quản và hoàn thành vào năm sau đó. Nhưng vào năm 1742, nhà thờ phải trùng tu, làm cho các bức tranh tường này bị hư hại. Ngày nay chúng ta chỉ có thể tưởng tượng bản gốc từ các bản phác thảo được lưu truyền lại.
Trong các tác phẩm của Vasari, Pontormo là một người khiêm tốn, hiền lành và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình. Có lẽ do bóng đen từ cái chết của những người thân trong gia đình khi còn trẻ, nhân vật của ông thường mang theo sự cô độc, nhạy cảm, sống nội tâm; ông cũng là người không thích đám đông, mắc chứng rối loạn thần kinh, đặc biệt là bị ám ảnh bởi cái chết. Trong những năm cuối đời, cuộc sống của ông vô cùng đơn giản, ngoài bạn bè và sinh viên, là những người mà ông tin cậy, hiếm khi thấy ông giao tiếp với thế giới bên ngoài. Vì quá bị cuốn vào thế giới nội tâm của cá nhân, những sắc màu ảm đạm cũng được thể hiện trong các tác phẩm của ông trong những năm cuối đời. Đặc biệt, hầu hết các tác phẩm của Pontormo đều có chủ đề là tôn giáo.
Ở thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật Phục hưng, Pontormo có thể không quá rực rỡ khi so sánh với thành tích của các bậc thầy và các bậc tiền bối, nhưng ông vẫn giữ được tài năng của mình nhờ lòng trung thành với nghệ thuật, để lại rất nhiều kiệt tác hội họa đẹp cho thế giới.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch