Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa thời cổ đã phát triển tới đỉnh cao, với những tên tuổi lẫy lừng được lưu danh trong sử sách, Ngu Thế Nam thuộc đời Đường là một trong số đó. Cốt cách và khí chất của ông cũng được thấy rõ qua thư pháp.
Trải qua các thời kỳ, từ Chung Diêu thời Hán đến nhị Vương đời Tấn (Vương Hy Chi và Vương Hiến Chi), kinh qua Nam Bắc Tống triều, cho đến tứ đại thư gia đời Đường, nghệ thuật thư pháp đã đạt đến trình độ cao nhất. Thế nên trong cuốn “Độn ngâm thư yếu” có câu bình rằng “Tấn nhân thư thủ vận, Đường nhân thư thủ pháp, Tống nhân thư thủ ý”.
Tứ đại thư gia đời Đường nhắc tới bên trên gồm có Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương và Tiết Tắc. Bốn người này đều lấy khải thư làm chủ, phong cách thư pháp cũng khá gần gũi với nhau vì thế hợp xưng thành “tứ đại thư gia”. Bị ảnh hưởng bởi thẩm mỹ quan thời đầu Đường, họ đều có phong cách thư pháp theo đường lối rất trung dung, hồn khí mạnh mẽ hiên ngang, chữ thường gầy nhỏ nhưng có sức nặng.
Nhưng khải thư của mỗi người cũng có đặc điểm riêng; thư pháp của Âu Dương Tuân rất sắc bén, của Ngu Thế Nam thì dịu dàng thanh tú, của Chử Toại Lương thì uyển chuyển xinh đẹp, còn của Tiết Tắc cường tráng vững chắc, có thể nói là phong cách giao nhau nhưng vẫn có chỗ khác biệt như thế.
Xuất thân vọng tộc, chuyên cần học tập và khổ luyện
Ngu Thế Nam (558 – 638), tự là Bá Thi, người Chiết Giang, từng làm quan ở Nam Trần. Ngoài ra còn đảm nhiệm chức bí thư đốc, được phong làm Vĩnh Hưng Huyện Tử, nên người đời hay gọi là “Ngu Vĩnh Hưng”.
Ngu Thế Nam xuất thân từ danh gia vọng tộc, thừa kế học vấn của gia đình; thời thiếu niên ông cùng với anh cả là Ngu Thế Cơ làm đồ đệ của danh nho Cố Dã Vương, hơn 10 năm chăm chỉ học hành không biết mệt mỏi. Đối với kinh học, văn học đều có thành tựu khá cao. Trên phạm trù văn học, ông bị ảnh hưởng rất lớn bởi danh gia Từ Lăng, được Từ Lăng hết lời khen ngợi, khen văn phong của ông sâu sắc thú vị, nhờ vậy mà ông nổi danh trong giới văn học.
Ngoài ra, Ngu Thế Nam còn học cùng với cháu đời thứ 7 của Vương Hy Chi – thư pháp gia nổi tiếng Tăng Trí Vĩnh, học được bí kíp thần truyền. Để học tập thư pháp, ban ngày ông luyện chữ, trước khi đi ngủ còn dùng ngón tay vẽ nét chữ lên bụng hoặc ga giường, suy nghĩ về thể chữ, cấu tạo. Sau một thời gian, những tấm ga giường của ông cũng bị ông làm cho mòn rách.
Thông qua sự tu luyện, học tập khắc khổ, Ngu Thế Nam không chỉ đạt được bút pháp tuyệt mỹ, ông còn sáng tạo ra được những cái mới, nối tiếp làn gió thư pháp từ thời Ngụy Tấn, đưa đến một khí chất sung mãn cho thư pháp thời Đường.
Nét bút trầm tĩnh đẹp đẽ mà có khí phách mạnh mẽ
Ngu Thế Nam là người rất trầm tĩnh quả dục (ít ham muốn), mặc dù vẻ ngoài của ông khiến người mới gặp cảm tưởng rất nhát gan, yếu đuối, nhưng thực tế ông lại có tính tình rất cương liệt, dám nói dám làm. Ông rất chuyên cần việc chính sự của triều đình, có luận chứng thẳng thắn, sâu sắc, khiến vua Đường Thái Tông không thể không coi trọng.
Thư pháp của ông với thế bút không câu nệ, bút tròn mà thể có góc, ngoài mềm mại trong cứng cáp, trầm hậu an tường, không có những nét sắc nhọn, tươi đẹp rõ ràng. Trong “Dung thai tập” của Đổng Kỳ Xương có viết về thư pháp của ông như sau: “Sách của Ngu Vĩnh Hưng, phải học đạo mới có thể ngộ hết, phát bút như rút đao chém nước…”
Nhìn chung, Ngu Thế Nam đã kế thừa và sáng tạo nhiều phong cách thư pháp, với cách dùng bút thuần túy, đẹp đẽ, làm nên một thư sử về khí phách mạnh mẽ, nên người đời còn gọi chữ của ông là “Ngu thể”.
Được đứng trong hàng ngũ 24 công thần Lăng Yên Các
Đường Thái Tông vô cùng yêu thích chữ của Ngu Thế Nam, có người nói rằng khi Đường Thái Tông đi học ông lấy thư pháp của Ngu Thế Nam làm thầy, thường xuyên học viết theo. Tương truyền có một ngày, Đường Thái Tông đang viết chữ ‘tiến’ “戬”, nhưng mới viết được một nửa, còn thiếu chữ “戈”, đúng lúc Ngu Thế Nam đang ở đó, vua bèn mời ông tới viết nốt chữ “戈”.
Sau đó vua Đường Thái Tông đem chữ ‘tiến’ được viết bởi hai người cho Ngụy Trưng xem, và hỏi: “Trẫm học theo Thế Nam, ngươi nhìn xem có thấy giống hay không?” Ngụy Trưng sau khi nhìn xong nói: “Nhìn chữ Thánh thượng viết, trong chữ có bộ “戈” giống như của Thế Nam thật”. Đường Thái Tông không khỏi khen ngợi Ngụy Trưng có nhãn lực cao, lại càng coi trọng hơn thư pháp của Ngu Thế Nam. Sau khi Ngu Thế Nam chết, Đường Thái Tông thở dài mà nói: “Thế Nam chết, không người nào khác có thể bàn về thư sách!”
Trong “Cựu Đường thư” có viết Đường Thái Tông đã nói rằng: “Thế Nam là một người có tài, kiêm ngũ tuyệt (5 điều tốt nhất). Một là tính tình ôn hòa, hai là trung trực, ba là bác học, bốn là văn từ, năm là viết sách hàn lâm”. Ngu Thế Nam là người dám nói thẳng nói thật, dám nghĩ dám làm, đối với chốn quan trường chính sự cũng có sự ảnh hưởng lớn, khi chết được phong tặng làm Lễ Bộ Thượng thư, cũng được vẽ chân dung trên Lăng Yên Các cùng với 23 vị công thần khác của nhà Đường.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch
Ghi chú:
Lăng Yên Các là một ngôi lầu nằm bên cạnh Điện Tam Thanh ở phía tây nam cung Thái Cực thuộc hoàng thành Trường An, kinh đô của nhà Đường. Tại đây vào ngày 23 tháng 3 năm 643, tức năm thứ 17 Đường Thái Tông, nhà vua đã ra lệnh cho họa sĩ Diêm Lập Bản vẽ một bức họa dài về chân dung của 24 vị công thần có công lớn trong việc xây dựng nhà Đường, lấy tên là “Nhị thập tứ công thần đồ“, treo tại 3 gian của ngôi lầu này, nhằm tưởng nhớ công lao của những người đã góp phần xây dựng nhà Đường và khích lệ các quan lại đóng góp sức lực cho triều đình.
Video được xem nhiều:
Hỏi thế gian tình ái là chi, mà cho đôi lứa thề nguyện sống chết. Câu trả lời của cao tăng, “người yêu” rốt cuộc là gì?