Trung Hoa cổ đại là chiếc nôi của tinh hoa nghệ thuật thế giới, trong đó có múa lụa cổ truyền. Loại hình nghệ thuật này ẩn chứa sự tuyệt mỹ mê hồn, đưa người xem lạc vào cõi tiên của những nét dịu dàng, mềm mại thướt tha, nơi tỏa sáng của những cô tiên nữ với mảnh lụa cùng tâm hồn thuần khiết say đắm lòng người.

Cách đây hơn 5000 năm lịch sử, khi võ thuật xuất hiện ở Trung Quốc cổ đại, thì các màn biểu diễn võ thuật được phổ biến rộng rãi. Thì trong nghệ thuật cung đình xuất hiện nghệ thuật múa lụa. Ban đầu nó không khác nhiều với biểu diễn võ thuật, người Trung Quốc cổ đại đã thấy rằng, cần phải lấy nhu mà chế cương, võ thuật là mạnh mẽ, thì lụa lại mềm mại, uyển chuyển, thướt tha. Do đó họ thay thế đạo cụ múa bằng lụa, và người thực hiện những điệu múa là những cô nương nô tì trong cung, được tập luyện và rèn giũa nghiêm khắc.

Người thực hiện những điệu múa là những cô nương nô tì trong cung, được tập luyện và rèn giũa nghiêm khắc. (Ảnh: pinterest.com)

Quả nhiên màn biểu diễn làm cho quân vương quý tộc say mê, nó cuốn hút không kém gì múa võ thuật nhưng lại làm lòng người mê hoặc, không chỉ là tính giải trí, nó còn đòi hỏi về nguyên tắc nghệ thuật rất cao. Chính vì thế, sau mấy nghìn năm lịch sử, múa lụa vẫn còn được lưu truyền và phát triển rộng rãi. Mang lại nét riêng trong nghệ thuật múa của người Trung Quốc cổ xưa.

Đặc điểm của múa lụa là sự uyển chuyển, mềm mại nhưng động tác lại rất mạnh mẽ, dứt khoát.

Trong tiết mục múa lụa, chuyển động của người biểu diễn rất quan trọng, bước chân phải nhẹ, đạo cụ là lụa cũng phải được phối hợp một cách thuần thục, khuôn mặt và hình thể phải biểu đạt được cảm xúc, có thể là niềm hạnh phúc, nỗi buồn, niềm vui, sự giận dữ, đau buồn, hứng khởi, những cảm xúc chia tay và hội ngộ, say tửu , trang trọng, sự uy nghi, cũng như miêu tả câu chuyện dân gian hay các nhân vật và những câu chuyện khác.

Thần thái của người nghệ sĩ chính là loại ngôn ngữ không lời phơi bày ra cảm xúc nội tại của tâm tình mình. Và hình thể cùng tấm lụa là một chiếc màn mỏng che mờ đi cảm xúc, nhưng cũng như muốn phơi trần ra thảy mọi nghĩ suy, chính điều này làm cho màn biểu diễn múa lụa trở nên bí ẩn, cuốn hút và say mê.

Thần thái của người nghệ sĩ chính là loại ngôn ngữ không lời phơi bày ra cảm xúc nội tại của tâm tình mình. (Ảnh: Đoàn nghệ thuật shen yun)

Trong nghệ thuật múa Trung Hoa, việc tận dụng triệt để ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt cảm xúc là yêu cầu cần thiết. Thì múa lụa cũng phải tuân theo nguyên tắc đó, điệu múa phải lột tả được tâm tư, suy nghĩ, trạng thái nội tâm ẩn sâu bên trong từng vũ điệu. lúc đó màn biểu diễn mới được coi là thành công. Đẹp mắt thôi chưa đủ để đánh giá tiết mục này.

Nếu như múa võ thuật sử dụng tới cơ bắp của cơ thể con người, thì múa lụa lại đòi hỏi sự mềm dẻo, sự phối hợp giữa các thành viên trong nhóm để tạo ra một bức tranh lụa biết nói mê hoặc người xem.

Trong những tiết mục múa lụa, người nghệ sĩ biểu diễn cũng phải vận dụng nhiều tới động tác trong võ thuật, như xoay, bật nhẩy, trong tất cả các động tác đều phải chỉ đạo được 2 mảnh lụa được gắn ở tay áo hoặc gắn vào que cầm. Lụa người hợp nhất, cùng biến tấu tạo thành một màn biểu diễn độc đáo, tinh tế ngoạn mục.

Người nghệ sĩ biểu diễn cũng phải vận dụng nhiều tới động tác trong võ thuật, như xoay, bật nhẩy, trong tất cả các động tác đều phải chỉ đạo được 2 mảnh lụa được gắn ở tay áo hoặc gắn vào que cầm. (Ảnh: pinterest.com)

Hành trình của con đường nghệ thuật múa lụa theo biến cố thời gian.

Múa lụa cổ điển Trung Hoa được lưu truyền bằng nhiều cách khác nhau, chủ yếu là vai trò ‘‘diễn’’. Trong lịch sử, trải qua các biến cố thăng trầm của các triều đại, thì những kĩ thuật và đặc điểm trong nghệ thuật múa và biểu diễn cũng có sự thay đổi tương xứng.

Trong dân gian, múa lan truyền chủ yếu qua việc bắt chước, trong khi với những người biểu diễn đường phố nó được phổ biến chủ yếu thông qua các kĩ xảo biểu diễn võ thuật.

Trước triều đại nhà Tần và Hán khoảng từ năm 221 TCN đến 220 sau công nguyên, có nhiều võ sĩ tham gia biểu diễn võ thuật. Các tiết mục chủ yếu là những động tác bay nhảy, nhào lộn.

Võ sĩ tham gia biểu diễn võ thuật. Các tiết mục chủ yếu là những động tác bay nhảy, nhào lộn. (Ảnh: Đoàn nghệ thuật shen yun)

Sang tới triều đại nhà Đường và Tống, từ năm 618-1279 sau công nguyên, thì nhiều điệu múa trong biểu diễn đường phố cho thấy nó chỉ còn ảnh hưởng đôi nét của võ thuật, bắt đầu đi vào kĩ thuật uốn dẻo, mềm mại, điêu luyện hơn.

Điều này minh chứng cho nền văn hóa Trung Hoa vô cùng phong phú, sức sáng tạo và kĩ thuật của các loại hình nghệ thuật đã ảnh hưởng qua lại với nhau, tạo thành sự phối kết hợp  kĩ năng độc đáo .

Khác với các vương quốc cổ đại trên thế giới, sự thay đổi vương triều Trung Quốc đồng nghĩa với sự biến đổi hẳn sang một bản sắc văn hóa riêng biệt đặc trưng cho triều đại đó, có lẽ vì điều này mà bức tranh trong làng nghệ thuật cổ đại của Trung Quốc mang rất nhiều màu sắc khác nhau.

Điệu múa trong biểu diễn đường phố cho thấy nó chỉ còn ảnh hưởng đôi nét của võ thuật, bắt đầu đi vào kĩ thuật uốn dẻo, mềm mại, điêu luyện hơn. (Ảnh: đoàn nghệ thuật shen yun)

Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, múa cổ điển hay múa lụa đã không ngừng phát triển và hoàn thiện. Tới ngày hôm nay, những tiết mục múa lụa luôn là những màn biểu diễn tuyệt vời nhất, độc đáo nhất trong nghệ thuật biểu diễn.

Múa lụa là một tiết mục trong múa cổ điển, chỉ có sự khác nhau về đạo cụ, nhưng nguyên lí căn bản vẫn dựa trên những đòi hỏi về kĩ thuật của múa cổ điển: kĩ năng hình thể. Thần thái của nghệ sĩ là đòi hỏi rất cao trong nghệ thuật múa, ánh mắt, nụ cười, đôi tay cùng dải lụa như hợp nhất với nhau, tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển, thướt tha nhưng lại mạnh mẽ dứt khoát.

Ánh mắt, nụ cười, đôi tay cùng dải lụa như hợp nhất với nhau, tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển, thướt tha nhưng lại mạnh mẽ dứt khoát. (Ảnh: pinterest.com)

Có thể thấy rằng biểu diễn múa lụa trong nghệ thuật cổ điển, đã có từ mấy nghìn năm lịch sử, nhưng giá trị nghệ thuật của nó và thành tựu mà nó mang lại cho người thưởng thức là một điều vô giá. Ngày nay, cảm xúc của người xem vẫn đầy say mê lôi cuốn vào từng điệu múa, từng chuyển động của dải lụa, phất phơ giữa không trung cùng với động tác múa lượn của người nghệ sĩ, mang lại cho người xem như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh, tận hưởng trọn vẹn tiết mục mà vứt bỏ những gánh nặng uu phiền trần tục, thả hồn vào những vũ điệu lụa nhẹ nhàng, mềm mại. 

Tịnh Tâm