Các cung điện Nasrid là các công trình kiến trúc cực kỳ đẹp đẽ, đậm chất văn hóa nghệ thuật Hồi giáo, nằm bên trong một quần thể kiến trúc đặc biệt là lâu đài Alhambra, thuộc thành phố Granada, Tây Ban Nha.

Lâu đài Alhambra

Nằm trên đỉnh đồi al-Sabica phía Tây thành phố Granada, bên bờ sông Darro thơ mộng là Lâu đài Alhambra, còn được gọi là Pháo đài màu đỏ hay Lâu đài đỏ, được bắt đầu xây dựng từ giữa thế kỷ 13 trong thời kỳ còn sự thống trị của người Ma-rốc ở Al-Andalus (Tây Ban Nha hiện nay). Lâu đài này là di sản của vương quốc Granada thuộc vương triều Nasrid, cũng là thành trì sau cùng của sự thống trị của thế lực Hồi giáo trên bán đảo Iberia, mà hình thành nên cạnh phía Tây của thế giới Hồi giáo thời Trung cổ.

Mặc dù các thế lực Hồi giáo ở vùng đất này đã bị thay thế bởi Cơ đốc giáo từ giữa thế kỷ 13, song vương quốc Granada nhỏ bé vẫn là một nước tự trị (do chấp nhận làm chư hầu của Vua xứ Castile) cho đến tận năm 1492 mới bị các nhà vua Cơ đốc xâm chiếm. Do trải qua nhiều lần sửa chữa và cải tạo sau đó bởi các lực lượng Cơ đốc giáo nên lâu đài Alhambra ngoài sở hữu di sản kiến trúc và nghệ thuật đặc biệt của đạo Hồi, còn mang nhiều nét đặc trưng của các kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại.

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Nằm trong lòng của lâu đài Alhambra, các cung điện Nasrid, chủ yếu được xây dựng vào thế kỷ 14, là thành tựu lớn nhất của các vua Hồi thuộc vương triều Nasrid và được bảo tồn tương đối tốt tới ngày nay. Nó được coi là viên ngọc của kiến trúc Hồi giáo ở châu Âu, cũng là một trong những điểm tham quan thu hút nhiều du khách nhất ở Tây Ban Nha.

(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: gody.vn)

Các cung điện Nasrid

Các cung điện Nasrid – là phần kiến trúc nổi bật nhất trong Lâu đài Alhambra – từng là cung điện hoàng gia của Vương quốc Granada và là tòa nhà Hồi giáo tráng lệ nhất ở châu Âu, có mục đích nguyên thủy là quảng bá nền văn hóa, sở thích và chấn chỉnh nền văn minh Hồi giáo. Các bức tường trát vữa cầu kỳ đẹp mắt, gạch ốp lát tráng men với hoa văn đa dạng, trần nhà được chạm khắc tinh xảo và các mái vòm giống thạch nhũ với những đường nét hoa văn tuyệt đẹp cùng những nét chữ Ả Rập được khắc trên tường.

(Ảnh: followmegranada.com)

Các cung điện Nasrid còn có rất nhiều sân trời và mái hiên, đặc trưng cho nền văn hóa người Moor phong phú, là đỉnh cao của nghệ thuật Moorish Tây Ban Nha. Các cung điện này mang phong cách kiến trúc Narsid điển hình, với những mái vòm có dát ngà voi và ngọc quý, các bức tượng có những hình vẽ trừu tượng thể hiện đậm nét văn hóa Hồi giáo. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất là dùng thơ để trang trí phòng ốc, một số bài thơ được sáng tác bởi các thi sỹ cung đình nổi tiếng như Ibn al-Yayyab, Ibn al-Jatib và Ibn Zamrak.

(Ảnh: gody.vn)

Không còn lại tư liệu nào đề cập trực tiếp đến quá trình thi công, vì thế không có bất cứ thông tin nào về kiến trúc sư đã xây dựng các cung điện trong vương triều Nasrid, thợ lành nghề đã tham gia hay thậm chí chi phí xây dựng. Cũng không có thông tin chính xác về sinh hoạt thường nhật trong cung điện, hay ngay cả tên gọi ban đầu của phòng ốc và đại sảnh.

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Gạch ốp lát đa màu sắc và hoa văn lấp kín nhiều không gian nội, ngoại thất. Nhưng chắc chắn đặc điểm ấn tượng nhất của các cung điện Nasrid là công trình trát vữa không xoa láng, trang trí bằng các motif thực vật và những câu đề khắc; vữa trát không xoa láng cũng được áp dụng khi tạo trần nhà đẹp mắt như trong Sala de las Dos Hermanas (Phòng 2 chị em)

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Các cung điện Nasrid, theo tiếng Tây Ban Nha là Palacios Nazaries, được biết là xây dựng cho Mohammed ben Al-Hamar. Chúng nổi tiếng nhờ những kiến trúc Hồi giáo tuyệt đẹp với nội thất tinh tế, trang trí bởi gạch ốp lát kiểu Hồi giáo xa hoa và tác phẩm điêu khắc bằng vữa.

(Ảnh: gody.vn)
(Ảnh: alhambradegranada.org)

Các cung điện Nasrid như vậy bao gồm ba cung điện, đó là Palacio Real (Cung điện Hoàng gia), Palacio de Comares (Cung điện Sứ thần), và Palacio de los Leones (Cung điện Sư tử). Trong mỗi cung điện, tất cả các phòng đều có cửa mở ra sân trung tâm, theo phong cách Andalucia điển hình.

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Cung điện Sư tử (Palacio de los Leones)

Cung điện Sư tử được xây dựng bởi vua Muhammad V (1354 – 1391). Ở trung tâm của khoảng sân rộng rãi là Đài phun nước Lion nổi tiếng, có 12 con sư tử bằng đá cẩm thạch. Xung quanh sân, là vòng cung của 124 chiếc cột bằng đá hoa cương, tạo cảm giác nhẹ nhàng và tinh tế đặc biệt.

(Ảnh: theplanetsworld.com)
(Ảnh: alhambradegranada.org)

Về phía bắc của Đài phun nước sư tử là Phòng 2 chị em (Sala de las Dos Hermanas), cùng với các phòng liền kề, làm chỗ ở cho cung nữ (tương tự hậu cung). Ở đây có các chi tiết gạch trang trí công phu và vữa trang trí thuộc loại tốt nhất trong lâu đài Alhambra. Một mái vòm dạng tổ ong rực rỡ gây chú ý bởi vô số thạch nhũ kiểu Ả Rập với hàng ngàn chi tiết phức tạp. Phòng này được gọi là “hai chị em” vì có hai tấm đá cẩm thạch giống hệt nhau trên sàn nhà.

(Ảnh: gody.vn)
(Ảnh: theplanetsworld.com)

Cung điện Sứ thần (Palacio de Comares)

Nhiều khu vực của cung điện Sứ thần cũng được xây dựng bởi vua Muhammad V. Đây là nơi ở chính thức của nhà vua, được trang trí theo phong cách Hồi giáo điển hình. Trần nhà của cung điện này được tạo bằng gỗ chạm khắc công phu.

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Sân bên trong cung điện gọi là Myrtles (hay Patio de los Arrayanes) hình chữ nhật, có một bể nước dài 34 mét và rộng 7,1 mét chạy dọc theo hướng Bắc Nam. Hai đầu bể có hai đài phun nước. Tên Myrtles là do có các luống cây bụi bao quanh bể nước trung tâm và màu xanh lá cây tươi sáng của nó tương phản với đá cẩm thạch trắng của hiên nhà. Các phòng bao quanh sân này có thể kể đến Hội trường con thuyền (Sala de la Barca) ở phía bắc và Hội trường của các Đại sứ (Salón de los Embajadores).

(Ảnh: theplanetsworld.com)
(Ảnh: alhambradegranada.org)

Hội trường của các Đại sứ là hội trường hùng vĩ nhất của cung điện, nơi có ngai vàng và là nơi diễn ra các bữa tiệc chiêu đãi chính thức. Hội trường được bao phủ hoàn toàn bởi các dòng chữ trang trí: từ hốc, vòm, tường cho tới phòng thay đồ đều có những bài thơ; tất cả là những lời ca ngợi Thiên Chúa hoặc các tiểu vương, những lời giáo huấn của đế chế Nasrid hoặc các văn bản từ kinh Koran.

Phòng trung tâm là nơi được trang trí phong phú nhất của cung điện này. Bên cạnh các dòng chữ, nội vi của căn phòng được bao quanh bởi một tấm ốp chân tường làm bằng gạch tráng men và trang trí bằng thạch cao, với các hình thức thực vật cách điệu, kết hợp hài hòa các yếu tố hình học với cây cỏ.

(Ảnh: alhambradegranada.org))

Trần nhà đại diện cho Bảy thiên đường Hồi giáo, với ngai vàng của Thiên Chúa ở giữa. Mái vòm là một kiệt tác thủ công bằng gỗ, được làm thành chi tiết trang trí bằng gỗ tuyết tùng, bao phủ bởi các hoa văn đan xen. Khối trung tâm được trang trí với các hình ngôi sao và được sơn phủ để các chi tiết của chúng trông giống như được làm bằng xà cừ, bạc và ngà.

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Bố cục của hội trường này tạo được một bầu không khí trong lành, vì hầu hết không gian là nửa sáng nửa tối. Bố cục này cũng tạo ra hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời tập trung lên ngai vàng.

Palacio Real (Cung điện Hoàng gia)

Đây là cung điện lâu đời nhất trong số các cung điện Nasrid. Nhưng hầu hết các căn phòng của Palacio Real đều đã bị phá hủy bởi Yúsuf I hoặc con trai ông là Muhammad V. Phần còn lại của cung điện này được gọi là Patio del Mexuar (Hội trường Mexuar), tương ứng với khu vực bán công của cung điện, hoặc dành cho các vấn đề quản lý tư pháp và Nhà nước.

(Ảnh: theplanetsworld.com)

Thật khó để biết Mexuar ban đầu được xây dựng như thế nào, vì sau nhiều lần phục hồi và tái thiết được thực hiện cho đến ngày hôm nay, cung điện này đã không giữ được nguyên bản như lúc ban đầu. Bố cục và kết cấu của Mexuar đã thay đổi rất nhiều do những cải tiến và sửa chữa của người Công giáo và từ hậu quả của một vụ nổ lớn xảy ra vào năm 1590.

Có bốn chiếc cột đứng ở giữa hội trường, với những kiểu trang trí hình tràng hoa, trong kiến trúc Hồi giáo gọi là “mocarab”. Dòng chữ sau đây được nhìn thấy trên một tấm thạch cao: “Mọi thứ bạn sở hữu đều đến từ Chúa”. Trần nhà có trang trí xen kẽ. Bức tường trên phần cao hơn được trang trí bằng thạch cao, cùng các yếu tố bằng vàng và các bức tranh vẽ. Các tấm ốp chân tường thì được bao phủ bằng gạch hoa.

(Ảnh: alhambradegranada.org)

Ở phía sau hội trường có một căn phòng nhỏ được nhà vua sử dụng cho các cuộc họp với hội đồng và diễn thuyết. Khi nhà vua không ở trong cung điện, thì thẩm phán sẽ tiếp các thương nhân ở sảnh bên cạnh. Trên một viên gạch ốp tường bên trên cánh cửa có ghi: “Hãy đi vào trong và đừng ngại đòi hỏi công lý, vì bạn sẽ tìm thấy nó”. Vào khoảng năm 1632, những hội trường này đã được biến thành một nhà nguyện Kitô giáo và một dàn hợp xướng đã được xây dựng ở đó.

Dưới đây là một số mô thức kiến trúc và trang trí nội, ngoại thất điển hình được thấy trong các cung điện Nasrid, mời quý bạn đọc cùng chiêm ngưỡng:

(Ảnh: baothainguyen.com)
(Ảnh: baothainguyen.com)
(Ảnh: spain-holiday.com)
(Ảnh: living-together.ca)
(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: alhambradegranada.org)
(Ảnh: alhambradegranada.org)

Hòa Bình TH

Clip được xem nhiều:

videoinfo__video2.dkn.tv||804301229__

Lý do Canada trở thành “thiên đường” cho những người nhập cư