Sông Đồng Nai bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc thuộc cao nguyên Lâm Viên, Lang Biang ở độ cao 1.770 m và chảy theo hướng Tây Nam, chảy qua nhiều ghềnh thác, trong đó có thác Trị An, trước khi chảy về Biên Hòa khoảng 30km. Qua Trị An, sông Đồng Nai trở nên hiền hòa do chảy vào đồng bằng. Sông Đồng Nai chảy qua cả vùng Đông Nam bộ, nhưng ở đây, tôi nói về khúc sông chảy qua Biên Hòa để nhập vào biển lớn.

Với tôi, con sông Đồng Nai như một phần máu thịt của mình. Tôi thích được đi dọc đường Nguyễn Văn Trị vào mỗi sáng, khi mặt trời chưa mọc. Con đường này chạy dọc bờ sông, sông và đường như đôi bạn, luôn bên nhau, ôm ấp, vỗ về. Tôi thích được hít thở không khí, chút gió mát lành, một chút hơi nước từ sông, đôi khi cả mùi tanh của cá tôm vừa đem tới chợ và cả mùi nồng nồng của phù sa.

Sông Đồng Nai bắt nguồn từ vùng núi phía bắc thuộc cao nguyên Lâm Viên. (Ảnh: Mytour)

Thường thường vào buổi sáng, dòng sông hiền lành và trong veo, mặt nước chỉ động đậy khi con thuyền nào đó trôi qua. Gặp lúc nước lên hay xuống, mặt sông đỏ lên, dòng nước trôi đôi khi vội vã đem theo những cụm lục bình nở hoa tím ngắt.

Những chú cò trắng đứng chênh vênh trên lá lục bình, có lúc chúng co một chân, cái đầu ngó nghiêng tìm kiếm. Phát hiện chú cá nhỏ nào lởn vởn ở gần, vèo một cái, chưa đầy cái chớp mắt, cò ta đã xà xuống gần mặt nước rồi bay thẳng lên với con mồi vô tội bị kẹp giữa hai cái mỏ nhọn và cứng như hai gọng kìm.

Tôi cũng thích được ngồi ở một quán nào đó cạnh bờ sông để ngắm dòng trôi, ngắm những tia sáng mặt trời chiếu xuống dòng sông lấp loáng. Tôi thích ngắm cả những chiếc xà lan chở nặng hàng, ì ạch trên sông và có cảm tưởng như nó có thể chìm xuống đáy sông bất cứ lúc nào.

Tôi thích ngắm mặt trời như quả cầu lửa dần khuất dưới rặng cây xa xa. Hoàng hôn trên dòng sông Đồng Nai, khúc chảy qua Biên Hòa thật đẹp. Công viên Nguyễn Văn Trị cạnh bờ sông buổi tối nhộn nhịp với phố đi bộ, với khu vui chơi cho trẻ em. Từ nam thanh nữ tú đến cao niên đều thích đi dạo trên bờ sông Đồng Nai, nhiều người bên lan can say sưa ngắm nhìn dòng sông.

Hoàng hôn trên dòng sông Đồng Nai, khúc chảy qua Biên Hòa thật đẹp. (Ảnh: youvivu.com)

Khi mặt trời đã lặn thì sông Đồng Nai lấp lánh ngàn ánh sao như cả cả bầu trời sao đang dưới đáy nước. Mùi hoàng lan thoang thoảng theo mỗi bước chân khiến nôn nao nhớ bài hát “Đêm thành phố đầy sao” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn. Lời ca như mê hoặc trái tim tôi:

Thành phố đêm nay đầy sao.
Dòng sông đêm nay đầy sao.
Vườn nhà em, cây hoàng lan bát ngát hương tỏa bay,
sương khuya nhẹ bay.”. 

Sông Đồng Nai phải đẹp, phải thơ mộng mới có thể làm cảm xúc của tác giả thăng hoa đến vậy.

Thành phố đêm nay đầy sao. Dòng sông đêm nay đầy sao. ( Ảnh: mytour.vn)

Tôi xa quê đã lâu lắm rồi. Mà cũng chẳng có điều kiện để mỗi năm một lần được về quê, ngắm sông quê. Ngắm sông Đồng Nai vào những ngày cuối năm này, tôi thấy nhớ lắm dòng sông quê tôi. Lòng những mong có thể cất bớt đi những lo toan nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật, để được năm nào cũng được về quê, đắm mình vào nỗi sung sướng của thời thơ ấu.

Những con sông đã chảy qua tuổi thơ tôi và ngấm vào trong tôi những vần thơ trong veo. Chúng tôi từng lặn ngụp trong dòng nước ấy để rồi đến bây giờ, dù “Quê hương chỉ còn là nỗi nhớ”, tôi vẫn bâng khuâng khi đọc những vần thơ da diết. Hồng Oanh đã đưa tôi trở lại dòng sông của 30 năm trước:

Ta lại về với một dòng sông
Ba mùa ta xa, một mùa ta nhớ
Dù trước sông ta không còn trẻ nữa
Ta vẫn về khi mỗi cuối mùa đông.

Tôi đang đứng trước lung linh, rực rỡ của sông Đồng Nai mùa lễ hội, bỗng nhiên lòng lại hướng về con sông đã bao năm chờ đợi một người:

“Nơi sông hẹn nhưng người không về nữa,
chỉ còn làn hoa tím trôi thôi”

Dù trước sông ta không còn trẻ nữa. Ta vẫn về khi mỗi cuối mùa đông. (Ảnh: youvivu.com)

Và tôi khóc cùng Hồng Oanh. Đứng trước một dòng sông phương Nam, khóc nhớ về dòng trôi đất Bắc. Tôi ước một lần được như nhà thơ “Ta trở về nghe sóng nước lao xao” và để nhận ra rằng, năm tháng qua đi, chúng ta từng trải hơn, già dặn hơn, để thản nhiên đón nhận:

“Vui hay buồn không còn quan trọng nữa
Sông đã lắng bồi từng khúc lở trong ta”

Tôi nhìn dòng nước yên bình trôi trong hơi thở mát lành của mùa đông phương Nam, bỗng nhận ra rằng, cái hiền hòa hạ nguồn này là sự kết thúc của cả quá trình “khao khát trùng khơi”. Điều này được Thúy Hằng giãi bày trong bài thơ “Sông” của chị:

“Một đời khao khát trùng khơi
Về nơi cửa biển tráng trời tự do
Thỏa lòng khao khát bến bờ
Tan vào thăm thẳm giấc mơ cuối trời”

Thỏa lòng khao khát bến bờ. Tan vào thăm thẳm giấc mơ cuối trời. (Ảnh: youvivu.com)

Và sông cũng như con người cũng có lúc buồn, lúc vui, lúc đớn đau, lúc hạnh phúc.

“Phải đâu lặng lẽ mà trôi
Cuộn mình đau đớn những nơi thác ghềnh
Phải đâu con nước yên bình
Nỗi buồn giấu kín trong mình như không”

Rồi thì nó dâng hiến. Thúy Hằng lấy hình ảnh dòng sông để nhắc mình:

“Một ngày sống ở nhân gian
Hãy như sông cứ mênh mang, vỗ về”

Phải đâu con nước yên bình. Nỗi buồn giấu kín trong mình như không. (Ảnh: youvivu.com)

Tôi biết, dòng sông Đồng Nai mênh mông đang vỗ về giấc mơ tôi, đang làm tôi gợi nhớ những kỷ niệm thủa thiếu thời. Và dù nơi đây không phải là quê hương ruột thịt của tôi nhưng tôi đã gắn bó với nó..Thành phố Biên Hòa không cho tôi tuổi thơ nhưng dòng sông Đồng Nai đã cho tôi mộng mơ, cho tôi tình yêu, cho tôi nồng nàn nỗi nhớ mỗi khi xa…

Kim Hạnh

Xem thêm: