“Adagio in G minor” một tác phẩm tân Baroque được sáng tác bởi nhạc sĩ bậc thầy người Venice thế kỷ 18 Tomaso Albinoni. Tuy nhiên tác phẩm đã bị thất lạc cho tới tận năm 1945, nhà phê bình âm nhạc người Ý Remo Giazotto đã tìm thấy bản thảo cũ dang dở của Albinoni trong thư viện Saxon State ở Dresden, Đức.
Câu chuyện về viên ngọc quý được tìm lại trong chiến tranh thế giới lần thứ 2: Adagio cung sol thứ
Trước đó là câu chuyện nước Ý thế kỷ 17- 18. Tomaso Albinoni- nhà soạn nhạc thiên tài người Ý, là nhà soạn nhạc đầu tiên sáng tác các tác phẩm cho kèn oboe và sử dụng cấu trúc 3 chương cho thể loại concerto. Ông sáng tác 81 vở opera, 99 bản sonata, 59 bản concerto, 9 bản giao hưởng. Nhưng hầu hết các tác phẩm opera đã bị mất hoặc đã không được công bố trong suốt cuộc đời ông.
Chỉ có khoảng 28 vở opera đã được xuất bản vào khoảng những năm 1723 – 1740. Mặc dù vậy ngày hôm nay ông vẫn được biết đến nhiều với những tác phẩm khí nhạc.
Và Adagio in G minor (Adagio cung sol thứ) là viên ngọc sáng chói, là tuyệt tác vang xa mãi của ông. Ta có thể cảm nhận rõ giai điệu buồn điển hình trong giọng sol thứ mà rất nhiều nhạc sĩ thiên tài khác đã sáng tác trên giọng thứ này, nhưng chất liệu của Albinoni thì hoàn toàn riêng biệt. Và nó chỉ được tìm lại vào thế kỷ 20, như một món quà tặng của Thượng đế.
Đó là vào tháng 3 năm 1945, giữa bom lửa của liên quân Anh Mỹ dội lên thành phố Dresden của Đức…
Nhà phê bình âm nhạc người Ý Remo Giazotto (1910-1998) đã mô tả lại ngày ông tìm thấy bản thảo cũ dang dở của Albinoni trong thư viện Saxon State vào năm 1945 ở Dresden, Đức trong lúc tìm kiếm tư liệu để viết tiểu sử của ông, nhà soạn nhạc thiên tài Tomaso Giovanni Albinoni.
Điều kỳ lạ là mặc dù thành phố Dresden bị liên quân Anh Mỹ san bằng bình địa; nhưng thư viện Saxon State (Saxon State Library) vẫn được bình yên và bảo tồn được khá nhiều tác phẩm quý của thế giới, trong đó có chính phần nhạc ký viết tay (musical manuscript fragment) của Albinoni.
Giazotto kể rằng ông đã tìm thấy một bản thảo cũ rách, hình như đó là một chương dang dở trong bản Sonata Thánh ca cung Sol thứ được Albinoni viết trong khoảng năm 1708…. Và đến năm 1958, Giazotto đăng kí bản quyền xuất bản khúc Adagio giọng Sol thứ viết cho dàn dây và Organ do ông chuyển soạn dựa trên bản thảo của Albinoni.
Khi Giazotto hoàn chỉnh tác phẩm Adagio thì ông đặt tên nó là Adagio in G minor by Albinoni, arranged by Giazotto. ..Bản nhạc này lập tức nổi tiếng trên toàn thế giới, và được xem như là một tác phẩm tuyệt vời nhất thời kì Baroque.
Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, chỉ duy nhất Giazotto có được dấu vết chứng tỏ Albinoni viết bản nhạc này.
Sức mạnh của âm nhạc thiên tài: sức mạnh nâng đỡ tâm hồn
Nhưng, điều đó đâu còn quá quan trọng, khi mà bất cứ độc giả nào khi thực sự thưởng thức dòng âm thanh tuyệt vời , tinh khiết và trong vắt như pha lê này… đều bị cuốn hút trong một cảm giác yên bình, như muốn tách mình ra khỏi cuộc sống bề bộn hiện tại để vào một thế giới huyền ảo, mênh mông, vô tận. Ở đó chẳng có thù hận, tranh giành,….chỉ có niềm tin yêu mang tên Adagio, chỉ có sự thánh thiện và bao dung, với một tình yêu bất diệt….
Để lắng nghe mãi tiếng Organ rền rền tan chảy trong dòng âm thanh huyền bí… thấy tiếng Violin và dàn dây chủ đạo…rồi cùng hòa vào dòng nhạc đó, và quên đi tất cả những trăn trở, buồn bã, thất vọng….Niềm vui thật sự đã trở lại. Sức mạnh âm nhạc của thiên tài vốn là vậy….như sức mạnh cứu rỗi con người, nâng đỡ tâm hồn.
Và nỗi buồn ấy là một nỗi buồn vĩ đại và cao thượng
Nỗi buồn trong Adagio cung son thứ đã lưu lại trong âm nhạc không chỉ thấm đẫm hình hài một tinh thần cao thượng, mà còn phủ đầy những màu sắc vô cùng lãng mạn của một trái tim vĩ đại, để giờ đây bản nhạc có thể vang xa khắp nơi trên thế giới, sưởi ấm hàng triệu trái tim cô đơn lạnh lẽo, làm bàng hoàng rúng động những linh hồn đồng cảm, thổi bùng được tình yêu đẹp đẽ cho những trái tim lẻ loi khác còn đang loạn nhịp chưa biết ngừng lại nghỉ ngơi quan sát. Vẻ đẹp này đây mãi luôn sẵn có, chỉ chờ người mô tả, cảm nhận và thấu hiểu mà thôi.
Trong tác phẩm có những đoạn dành cho cả một dàn dây cùng ngân, có những chỗ chỉ là sự miêu tả của một cây violon, có những chỗ chỉ có tiếng bass, hay Orcgan. Đó là những chi tiết ta cần lưu ý khi thưởng thức tác phẩm, điều đó sẽ giúp ta hiểu được cách những nhạc trưởng khác nhau xử lý tác phẩm âm nhạc ra sao, từ đó khả năng thưởng thức và đánh giá tác phẩm của chúng ta cũng có sự sâu sắc dần.
Thủ pháp nghệ thuật quan trọng trong Adagio in G minor : sự tương phản
Mục đích của những đoạn chuyển như vậy là dựa trên sự tương phản mạnh nhẹ, đậm nhạt, tinh tế và đơn giản, để lột tả những cung bậc thăng trầm của tâm hồn và tình yêu tạo ra những nhận thức cao thượng trong thế giới quan của thính giả.
Ta biết rằng tương phản là một trong những thủ pháp quan trọng nhất cho mọi lĩnh vực nghệ thuật. Ví dụ khi chúng ta xem một bộ phim về những người hùng, thì ắt hẳn trong bộ phim phải có sự xuất hiện của những kẻ xấu xa, hèn mọn… Bên cạnh những cảnh gây xúc động rớt nước mắt khi nhân vật chính có thể hi sinh cho người mình yêu thì luôn có những pha thủ đoạn ích kỷ hại người một cách hèn mọn.
Hoặc là, bên cạnh những pha đấu trí đấu súng nguy hiểm thì luôn có những nụ hôn cháy bỏng của tình yêu… Những tình tiết tương phản càng mạnh càng nhiều đi kèm một cốt chuyện chuẩn xác sẽ càng cho ta thấy trình độ của một đạo diễn ở mức độ nào. Cũng như vậy, sự tương phản trong âm nhạc tinh tế ra sao sẽ cho ta thấy trình độ của nghệ sĩ…
Các phiên bản tuyệt vời của Adagio in G minor: như viên ngọc quý lấp lánh nhiều màu sắc
Với tác phẩm lớn này, chúng ta cùng khám phá vẻ đẹp hoàn mỹ của từng cung bậc qua sự thể hiện của nhiều sắc thái và nhạc cụ khác nhau.
Vốn ban đầu được viết cho organ và đàn dây, nhưng sự thể hiện của những ông vua, bà hoàng nhạc cụ khác như flute, trumpet, saxophone, hay những giọng tenor đẹp quý phái thực sự là một trải nghiệm đáng quý để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp tiềm ẩn của viên ngọc quý này.
Mời quý độc giả thưởng thức:
Nghệ sĩ Vadim Novikov cất tiếng trumpet hùng dũng ngân vang như một lời kêu gọi da diết từ chốn rất cao. Người nghe có cảm giác như tan chảy trước tiếng gọi ấy:
Phiên bản tiếng sáo flute dịu dàng da diết trình bày bởi nghệ sĩ Misao:
Phiên bản saxophone, bởi nghệ sĩ Sandro Scuoppo, với nỗi buồn trầm mặc, nhưng vẫn mạnh mẽ đầy nam tính và mượt mà tuyệt đẹp khi vút cao:
Phiên bản sâu lắng có lời trình bày bởi các chàng trai Il Divo lịch lãm:
Nỗi buồn mang tên Adagio cung sol thứ ấy đã lưu lại trong âm nhạc không chỉ thấm đẫm hình hài một tinh thần cao thượng, mà còn phủ đầy những màu sắc vô cùng lãng mạn của một trái tim vĩ đại, để giờ đây bản nhạc có thể vang xa khắp nơi trên thế giới, sưởi ấm hàng triệu trái tim cô đơn lạnh lẽo, làm bàng hoàng rúng động những linh hồn đồng cảm, thổi bùng được tình yêu đẹp đẽ cho những trái tim lẻ loi khác còn đang loạn nhịp chưa biết ngừng lại nghỉ ngơi quan sát. Vẻ đẹp này đây mãi luôn sẵn có, chỉ chờ người mô tả, cảm nhận và thấu hiểu mà thôi….
Kim Cương – Hà Phương Linh