Petra – “thành phố cổ tích trong lòng đá sa thạch hồng” huyền bí, huyền thoại đã ngủ quên hơn một nghìn năm qua. Vì sao người xưa lại vất vả tạo ra một thành phố trong lòng đá mẹ như vậy?
Lịch sử từ lâu đã rất im hơi lặng tiếng về đời sống, nghệ thuật và tôn giáo của người Edom (sống khoảng từ thế kỷ 13 – 6 trước CN), Nhưng các nhà khảo cổ đã bắt đầu dần dần vén lên bức màn bí mật lâu đời nhất của thành phố Petra, thủ phủ của những người Edom xa xưa đó.
Kể từ lúc Johann Ludvig Burckhardt (nhà địa lý và nhà phương đông học người Thụy Sĩ) khám phá ra di tích Petra vào năm 1812, tư liệu về mục đích của thành phố trong đá này đã bị đem đi giấu kín ở một địa điểm bí mật, từ đó làm đau đầu nhiều học giả, nhà khảo cổ học và khách du lịch muốn hiểu biết về lý do tồn tại của thành phố cổ xưa này.
Vậy chức năng chính xác của nơi này là gì? Có phải đó là một thành phố linh thiêng, một trung tâm thương mại hay là một pháo đài?
Thành phố cổ Petra – với hơn 3.000 ngôi đền, ngôi mộ và hàng ngàn hang động được chạm khắc trực tiếp vào núi đá sa thạch – được xây dựng dưới chân núi Jebel al-Madhbah của Jordan, trong sa mạc khắc nghiệt ở miền nam Jordan và nằm trên núi Mt. Seir, cách Biển Chết 80 km về phía Nam và cao hơn 2.775 feet so với mực nước biển.
Thành phố này được xây dựng bằng cách tạc vào đá mẹ bên trong một hẻm núi dài khoảng 4000 feet và sâu 330 feet (100 mét) – với những cư dân đầu tiên của nó là một bộ tộc người Edom nói ngôn ngữ Xê-mít, được đề cập đến trong Kinh Thánh như là hậu duệ của người Êsau, và là tổ tiên của người Edom ở quốc gia đồi núi Seir.
Sau khi người Edom sụp đổ, người Nabatean đã đến định cư ở đó vào khoảng thế kỷ thứ ba trước CN, và trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ nhất trước CN đến thế kỷ thứ ba sau CN, Petra đã trở thành một trong những trung tâm thương mại có ảnh hưởng lớn và thịnh vượng nhất trong thời cổ đại.
Phần lớn các tòa nhà nơi đây đã được người Nabatean tạo thành bằng cách chạm đục trực tiếp vào các vách đá núi hoặc chí ít thì cũng là đục đẽo, chỉnh sửa lại các vách đá để tạo hình dáng đẹp đẽ hơn.
Phát hiện gần đây về di tích ruộng bậc thang trồng lúa mì, nho và ô liu cho thấy họ có thể đã tạo ra một “vùng ngoại ô” sản xuất nông nghiệp rộng lớn, với màu xanh lá cây tươi tốt giữa vùng đất khô cằn và khắc nghiệt, là bằng chứng về kỹ năng quản lý nước thành công và phong phú phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp xung quanh vùng thành phố Petra.
Kỹ thuật canh nông và thủy lợi đáng nể: tại sao họ có thể tạo ra một vùng trú phú nơi sa mạc khô cằn?
Theo các nhà khảo cổ học đã liên tục nghiên cứu về khu vực này, những người Nabataean đã triển khai kỹ thuật canh nông rất tốt, góp phần tạo ra vương quốc thịnh vượng ở Petra cho đến tận đầu thế kỷ thứ hai.
Việc xây dựng các ruộng bậc thang và đập nước ở khu vực phía bắc thành phố được cho là bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ nhất chỉ cách đây khoảng 2.000 năm, chứ không phải từ Thời kỳ đồ sắt (khoảng 1200-300 trước CN) như theo giả thuyết trước đây.
Dựa vào các kết quả tìm kiếm trên bề mặt và các dữ liệu so sánh thu thập được từ các nhà nghiên cứu khác trong khu vực, rõ ràng là loại hình sản xuất nông nghiệp đó ở Petra vẫn tiếp tục được phát triển trong nhiều thế kỷ tiếp theo, cho đến tận cuối thiên niên kỷ thứ nhất (trong khoảng từ năm 800 đến năm 1000 sau CN).
Theo Christian Cloke, một nghiên cứu sinh tại Đại học Cincinnati, và là một trong những nhà nghiên cứu đã tham gia Dự án Khảo cổ học Petra của Đại học Brown, việc khẳng định được rằng thời điểm bắt đầu của nền canh tác nông nghiệp mạnh mẽ ở Petra rơi vào giai đoạn đầu của thời đại sau CN, có một ý nghĩa lịch sử khá quan trọng.
Đó là, thời gian này trùng với thời điểm sáp nhập của Vương quốc Nabataean kể trên vào đế chế La Mã vào năm 106 sau Công nguyên.
“Không nghi ngờ gì nữa, sự bùng nổ của hoạt động nông nghiệp trong thế kỷ thứ nhất và sự giàu lên nhanh chóng do sản xuất rượu vang và dầu thực vật đã khiến Petra trở thành một miếng mồi cực kỳ hấp dẫn đối với thành Rome”, Cloke nói.
Khu vực xung quanh Petra không chỉ sản xuất đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu riêng của mình, mà còn có thể cung cấp ô liu, dầu ô liu, nho và rượu vang cho ngành thương mại.
Nền sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ đã làm cho khu vực này trở thành một vùng đất có giá trị trong việc cung cấp nông sản cho La Mã ở biên giới phía đông của đế chế này.
Trên những vùng đất bao la ở phía bắc Petra, cư dân đã xây dựng các hệ thống thủy lợi phức tạp và rộng lớn để chặn lòng sông và chuyển hướng cho lượng nước mưa mùa đông chảy lên các ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp.
Họ đã gắng sức thu gom và lưu trữ tất cả các nguồn nước sẵn có để sử dụng sau này trong thời gian mùa khô. Như vậy, trải qua nhiều thế kỷ thực hành, người Nabataean ở Petra đã dần trở thành các chuyên gia thủy lợi thực thụ.
Người Nabatean còn có kiến thức đáng nể về địa hình, khí hậu, cũng như các lưu vực sông có đặc tính khác nhau và các vùng được tưới tiêu xung quanh khu vực cư ngụ của họ.
Viêc cấp nước cho thành phố Petra khi đó là mối quan tâm hàng đầu vì nó nằm ở rìa của một sa mạc. Người Nabatean – cũng là các ‘kỹ sư thủy lợi’ có kỹ năng cao – đã phát triển được các hệ thống thủy lợi, đập nước và bồn chứa nước rất tinh tế.
Nhưng tiếc thay, vào năm 106 sau CN, người Nabatean đã bị người La Mã đánh bại và Petra từ đó đã trở thành một phần của Đế chế này. Và, sau hai trận động đất mang tính hủy diệt vào các năm 363 và 551 sau CN, không còn cư dân nào ở lại với thành phố bằng đá này nữa.
Bằng chứng từ các cuộc điều tra khảo cổ học qua nhiều năm cho thấy rằng thành phố đá Petra kỳ lạ này, qua nhiều trăm năm có người cư ngụ, có thể đã từng đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau; và vì thế vẫn còn nhiều điều chưa biết về di tích cổ kính này đang chờ đợi được tiếp tục khám phá.
Hạo Nhiên