Khoảng 30 năm trước, ông trùm dầu mỏ người Mỹ là John Paul Getty đã tặng cho nàng dâu Ann Getty của mình một chiếc tủ cổ phong cách Trung Hoa đẹp như trong cổ tích. Không ngờ, ông đã mở ra một cánh cửa đến thế giới mới tuyệt đẹp cho Ann, tạo cảm hứng cho bộ sưu tập đồ nội thất Âu Châu cổ điển của cô. 

Phòng khách của Ann ở San Francisco, phía sau cô là một bức tường được vẽ bằng tay kiểu Syro-Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 18, với một chiếc ghế mạ vàng được đặt thiết kế bởi F & C Osler vào khoảng năm 1894. (Ảnh: Ann Getty and Associates/Tạp chí chất lượng cuộc sống)

Chiếc tủ cổ sơn mài màu xanh và trắng kiểu Đức thuộc thời kỳ baroque này là tác phẩm phỏng theo phong cách nghệ thuật Trung Hoa từ thế kỷ 18 của châu Âu. Hiện nay chiếc tủ này vẫn đứng trong phòng ngủ của Ann, và xung quanh nó còn có thêm rất nhiều những đồ vật đẹp đẽ được Ann yêu thích và sưu tầm.

Chiếc tủ sơn màu xanh và trắng kiểu Baroque của Đức mang phong cách Trung Hoa đặt trong phòng ngủ của Ann. (Ảnh: Ann Getty and Associates/ Tạp chí chất lượng cuộc sống)

Ann là người sở hữu nhiều danh xưng như nhà hảo tâm, du hành gia, nhà thiết kế, nghệ thuật gia và nhà giám định nghệ thuật. Những trải nghiệm mà Ann đã kinh qua vào thời thơ ấu tại thung lũng Sacramento của Hoa Kỳ giúp cô có thể hiểu được những gian khổ trong quá trình lao động và đánh giá chính xác hơn những nỗ lực và tâm huyết của các nghệ thuật gia vốn có sự sáng tạo và tràn đầy trí tuệ khi chế tạo ra những đồ nội thất mà cô sở hữu. Nhờ sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ, Ann đã có được nhiều đồ sưu tập có giá trị lịch sử rất lớn trong những năm du hành khắp Châu Âu của mình.

Một chiếc thuyền chạm khắc bằng gỗ trong nhà của Ann và một chiếc bình sứ Trung Hoa. (Ảnh: Ann Getty and Associates/ Tạp chí chất lượng cuộc sống)

Có lẽ những đồ nội thất tinh mỹ này đã đánh thức những ham muốn sáng tạo của riêng cô. Ann đã mở một công ty thiết kế nội thất và đồ nội thất mang tên mình. Cô lấy những món đồ mà mình sưu tầm làm cảm hứng để thiết kế những tác phẩm riêng độc đáo dành cho khách hàng. Ann tin rằng đồ nội thất châu Âu mang phong cách Trung Hoa là “một ý nghĩ mới lạ của người châu Âu đối với thẩm mỹ Trung Quốc, cũng để giải thích sự say mê của nhiều người đối với phong cách này”. Cô tin chắc rằng lối sống và tính cách của bất kỳ ai cũng có thể được thể hiện trong những thiết kế của người đó.

Được thiết kế bởi Ann trong hơn 2 năm, khu nhà ở San Francisco này có những chiếc ghế Venetian thế kỷ 18 tuyệt đẹp, phối hợp cùng một chiếc bàn Trung Quốc thế kỷ 17. (Ảnh: Ann Getty and Associates/ Tạp chí chất lượng cuộc sống)
Khuông viền lò sưởi bằng gỗ mun sơn nổi, khắc họa những hình ảnh lấy từ tranh Trung Hoa, tương phản hoàn toàn với những bức tường sơn màu xanh lá cây. (Ảnh: Ann Getty and Associates/ Tạp chí chất lượng cuộc sống)

Loại hình nghệ thuật hoặc kiến trúc châu Âu như thế này vào thế kỷ 17 và 18 có một từ vựng tiếng Anh đặc biệt gọi là “Chinoiserie”, có nguồn gốc từ chữ “Chinese-esque” trong tiếng Pháp. Nhiều hình vẽ có tính biểu trưng được bắt nguồn từ những cảnh vật trong tranh Trung Quốc, ví dụ: ngâm thơ, uống trà, bên đình nghỉ mát cạnh hồ nước hoặc một người đang đứng trầm tư giữa núi rừng sông nước. Những đồ thủ công cổ điển, hoa văn trang trí và phong cách này có thể dễ dàng bắt gặp trong bộ sưu tập của Ann.

Chiếc ghế được đặt trong phòng ngủ kiểu Trung Quốc tại trang viên “Badminton” ở Anh. Được sản xuất bởi William và John Linnell vào khoảng năm 1754. (Ảnh: Ann Getty and Associates/ Tạp chí chất lượng cuộc sống)

Vào năm 2006, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á tại San Francisco đã tổ chức một cuộc triển lãm có tên là “Kỳ trân dị phẩm”, lấy chủ đề là sự pha trộn giữa nền văn minh Trung Quốc cổ đại và nền văn minh châu Âu; những vật phẩm được trưng bày tại cuộc triển lãm này hầu hết mượn từ bộ sưu tập của Ann. Trong cuộc triển lãm, một chiếc ghế được đặt trong trang viên “Badminton” (Badminton House) trước năm 1754 trông khá bắt mắt. Trang viên “Badminton” nổi tiếng thế giới, nằm ở Gloucestershire, phía Tây Nam nước Anh. Ngôi biệt thự lịch sử này từng thuộc sở hữu của Công tước xứ Beaufort, trong đó cũng có một số đồ nội thất kiểu “Chinoiserie” tinh tế.

Các bậc thầy về đồ nội thất kiểu Trung Quốc đã rất được coi trọng ở Anh vào thế kỷ 18; Chippendale và Giles Grendey là hai bậc thầy nổi tiếng trong số đó. Thomas Chippendale đến từ London được biết đến với những tác phẩm khắc gỗ rỗng với các kiểu dáng theo phong cách phương Đông; còn Giles Grendey chuyên làm đồ nội thất sơn đỏ; các tác phẩm của ông được đặt trong lâu đài Lazcano của công tước Infantado ở Tây Ban Nha.

Ann sở hữu một bộ sưu tập đồ Chinoiserie tinh xảo, nếu được đưa ra thị trường sẽ khiến nhiều nhà sưu tập phải thèm muốn. Một kho báu từ thế kỷ 18 được đặt trong phòng ăn tại nhà của Ann; trong chiếc tủ kính có từ năm 1760 của Anh này hội tụ những con chim sặc sỡ đậu trên những cành hoa lộng lẫy; hoa mẫu đơn nở rộ, các nhân vật trong khuôn hình mặc những bộ đồ thổ cẩm và lụa tuyệt đẹp được khắc họa sống động; thậm chí khí chất nho nhã, kín đáo của người phương Đông cũng được người xem tác phẩm cảm nhận. Mặc dù chiếc tủ này không phải là món đồ sưu tập quý giá nhất của Ann, nhưng nó là món đồ yêu thích của cô vì nó rất thanh lịch và có thể làm rung động lòng người.

Chiếc tủ kính đặt trong phòng ăn nhà Ann theo phong cách Chinoiserie  được sản xuất vào khoảng năm 1760. (Ảnh: Ann Getty and Associates/Tạp chí chất lượng cuộc sống)
Chiếc ghế bành sơn mài chạm khắc mạ vàng đặt trước bức tường gỗ mun được chạm bức tranh nổi Trung Hoa cổ đại (Ảnh: Ann Getty and Associates/ Tạp chí chất lượng cuộc sống)

Ann thường du lịch tới Cảnh Đức Trấn, thủ đô gốm sứ nổi tiếng của Trung Quốc, nơi gốm sứ được sản xuất từ hàng ngàn năm lịch sử. Đó là nơi có những đồ sứ Trung Quốc mà Ann yêu thích, cũng là nơi khiến nhiều người châu Âu say mê do sự tinh tế và sang trọng được thiết lập từ nhiều thế kỷ trước. Ngày nay, phong cách Chinoiserie đã phổ biến khắp châu Âu, một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới. “Lần đầu tiên khi tôi bắt đầu sưu tập các vật phẩm theo phong cách Chinoiserie, đây thực sự là một lĩnh vực không phổ biến, nhưng bây giờ nó đã trở thành xu hướng chủ đạo.” Ann nhớ lại và nói, “Xu hướng này trong tương lai sẽ càng trở nên truyền thống hơn … Phong cách này luôn tạo ra nhiều niềm vui; việc pha trộn các yếu tố Chinoiserie truyền thống vào thiết kế hiện đại sẽ khiến thiết kế đó tràn đầy sức sống và cũng làm cho không gian sống trở nên thú vị hơn. Phong cách độc đáo này dường như đến từ một nền văn hóa xa xôi và khác biệt“.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch