Di Hòa Viên hay cung điện mùa hè, nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc thành Bắc Kinh. Đây là lâm viên hoàn chỉnh duy nhất còn tồn tại đến ngày nay trong “tam cung ngũ viên” của vương triều phong kiến Trung Quốc. Là một cung điện được xây dựng từ thời nhà Thanh, nằm cách Bắc Kinh 15 km về hướng tây bắc. Di Hòa Viên có ý nghĩa là ‘‘nơi nuôi dưỡng sự ôn hòa” với những dụng ý phong thủy thâm sâu…
Tại Trung Quốc, giáo lý nhà Phật có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống người dân. Trong Di Hòa Viên có nhiều công trình nhằm thể hiện lòng tôn kính Phật, đủ để chứng tỏ sức ảnh hưởng của Phật giáo không chỉ đối với tầng lớp thường dân mà ngay cả vua quan quý tộc cũng tôn sùng, kính bái. Điều này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mọi giai tầng: Kính Phật.
Các công trình kiến trúc thờ Phật được xây dựng tại Di Hòa viên chủ yếu thuộc hai tông phái là Đại Thừa Phật giáo và Phật giáo Tây Tạng. Trong đó, từng công trình có những nét đặc biệt, nguy nga, tráng lệ khác nhau.
Trước hết là Đại Thừa Phật giáo, nhiều công trình đã có từ trước thời vua Càn Long nhưng có thể gọi là tiêu biểu và đặc sắc nhất vẫn thuộc về giai đoạn của vua Càn Long với hai công trình tiêu biểu là Đại Báo Ân Diên Thọ tự và Chuyển Luân Tàng.
Đại Báo Ân Diên Thọ
Đại Báo Ân Diên Thọ tự được vua Càn Long cho xây dựng vào năm thứ 15 (1750) để chúc thọ mẹ là Hoàng Thái hậu Nữu Hộ Lộc Thị Hiếu Thánh. Công trình được xây dựng tại nền cũ của Viên Tịnh tự trên núi Vạn Thọ ở phía Nam, theo mô hình “Thất đường già lam” và mô phỏng theo Đại Báo Ân tự của vua Minh Thành Tổ.
Đại Báo Ân Diên Thọ tự được xây theo hướng từ thấp lên cao, theo hướng núi Vạn Thọ, lần lượt với những công trình: Thiên Vương điện làm tiền điện, Đại Hùng Bảo điện là trung điện và Đa Bảo điện cùng Phật Hương các làm hậu điện, sau cùng là Trí Tuệ Hải, từ đây sẽ lên Chúng Hương Giới. Trong chiến tranh Nha phiến lần 2 đã có nhiều công trình trong số này bị phá hủy.
Chuyển Luân Tàng
Công trình thứ hai cũng rất đặc sắc không kém là Chuyển Luân Tàng. Chuyển Luân Tàng được xây dựng vào năm Càn Long thứ 16 (1751), được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc Tàng Kinh các của Pháp Vân tự ở Hàng Châu.
Điểm đặc sắc của công trình này là bên trong nó có một tháp gỗ với 8 mặt đều khắc đầy kinh văn, chính giữa có cơ quan có thể chuyển động được, do vậy mỗi khi vua và hoàng gia đến thắp hương thì sẽ có người vận hành cơ quan này, tháp xoay được một vòng là vua và hoàng gia đã đọc xong kinh.
Tháp gỗ có khắc kinh văn và cơ quan chuyển động này khá giống với Kinh luân của người Tây Tạng.
Song song với các công trình kiến trúc Phật giáo Đại Thừa thì còn có những công trình kiến trúc Phật giáo Tây Tạng, có thể kể tiêu biểu là Hương Nham Tống Ấn Chi các.
Hương Nham Tống Ấn Chi các
Hương Nham Tống Ấn Chi các là công trình kiến trúc được xây dựng vào năm Càn Long thứ 20 (1755), còn có tên khác là Hậu Đại miếu, công trình là sự kết hợp giữa kiến trúc Hán, Tạng và Ấn.
Xung quanh Hương Nham Tống Ấn Chi các là Tứ Đại Bộ Châu tượng trưng cho thế giới Phật quốc. Phía Đông là Đông Thắng Thân Châu, phía Tây là Tây Ngưu Hóa Châu, phía Nam là Nam Thiệm Bộ Châu, và phía Bắc là Bắc Câu Lư Châu. Đông Thắng Thân Châu tượng trưng cho “Phong” trong “Lục đại” của Phật giáo có khả năng giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở, Nam Thiệm Bộ Châu tượng trưng cho “Hỏa” có khả năng làm cho vạn vật kết quả, Tây Ngưu Hóa Châu tượng trưng cho “Thủy” có khả năng hấp thụ vạn vật và Bắc Câu Lư Châu tượng trưng cho “Câu lư” có khả năng bảo vệ vạn vật. Xung quanh Tứ Đại Bộ Châu còn có Bát Tiểu Bộ Châu.
Ngoài ra, trong Hương Nham Tống Ấn Chi các còn có bốn ngôi bảo tháp với bốn màu khác nhau là trắng, đen, xanh, đỏ tượng trưng cho “Tứ trí” của Phật. Cũng có nhiều cách lý giải khác nhau về màu sắc của bốn ngôi bảo tháp này là bốn thành tố địa, hỏa, phong, thủy hay còn nói nó tượng trưng cho Tứ Đại Thiên vương.
Trường lang – dãy hành lang dài nhất trong kiến trúc hoa viên của Trung Quốc
Một trong số những công trình thu hút nhiều khách du lịch đến với Di Hòa viên không thể không kể đến chính là Trường lang – dãy hành lang dài nhất trong kiến trúc hoa viên của Trung Quốc.
Dãy trường lang này có tất cả 273 gian, tổng chiều dài là 738m. Không chỉ đơn giản là một hành lang, trường lang trong Di Hòa viên còn là điểm nối kết giữa các công trình khác trong vườn.
Những kiến trúc môn, đình, lâu, hiên, phảng… được sắp xếp khéo léo cân đối dọc theo dãy trường lang và kéo dài đến hai phía của Bài Vân môn, tất cả đều được trường lang nối kết thành một chỉnh thể kiến trúc được sắp xếp theo thứ tự rõ ràng, khiến cho cảnh sắc giữa hồ và núi càng thêm rõ nét.
Vì trường lang quá dài nên tránh để công trình đơn điệu, nên Càn Long đã cho trang trí trường lang bằng hàng loạt những bức tranh với những nội dung vô cùng phong phú và đa dạng, từ những điển tích trong lịch sử, truyện dân gian, truyền thuyết…
Từ đó, trường lang đã dần biến thành một phòng tranh muôn hình vạn trạng, khiến người đi trong đó như bước vào một không gian khác, nơi nơi có chim muông, nơi nơi có nước chảy, điều đó phần nào làm giảm đi mệt nhọc của người đi trên con đường dài đăng đẳng ấy.
Ý tưởng xây dựng và cách bài trí này với dụng ý biến Di Hòa Viên không chỉ là một cung điện mùa hè, mà còn là nơi sinh tư tưởng thăng hoa thuần nhuần với giáo lý của kinh Phật, giống như trở về với thế giới cực lạc thanh tịnh và vạn vật an hòa.
Có thể nói rằng, Di Hòa Viên là một tác phẩm kiệt tác kiến trúc của mọi thời đại. Từ hàm nghĩa tới ứng dụng phong thủy hay phong cách kiến trúc, bài trí, Di Hòa Viên đều thể hiện trí tuệ thâm sâu của người Trung Hoa cổ xưa, vẫn mãi là điều con người hiện đại ngày nay luôn ngưỡng mộ và ước vọng một lần được quay trở lại…
Tịnh Tâm – Hà Phương