Trên chiến trường, hai người là kẻ thù, nhưng trong hoạn nạn, họ trở thành bạn bè, rồi trở thành người yêu… Nhưng dù sao hai người vẫn là kẻ ở hai bên đầu chiến tuyến, chiến tranh đã đẩy họ lùi xa nhau. Rất nhiều năm sau trở lại thì người mất, kẻ còn… “Cây cao su cụt ngọn nhiều cành” là minh chứng của chiến tranh, nhưng cũng là minh chứng tình yêu của họ…
Hồi bố tôi còn sống, có lần ông đưa tôi theo một đoàn cựu chiến binh đến đến khu rừng cao su này. Ông ngắm nghía rất lâu một cây cao su cụt ngọn, gần gốc nổi u một cái bướu sần sùi to bằng một cái bát. Tò mò, tôi đưa tay sờ vào cái bướu. Tay tôi tứa máu, bởi chỗ ấy còn găm một mảnh đạn pháo sắc lẹm. Lý do cây cụt ngọn đà rõ… Vẻ mặt bố tôi thật là khó tả. Ông vạch cỏ quanh gốc cây, tìm được một cái hố. Giọng mừng rỡ, ông reo lên: “Nó đây…”. “Cái gì thế bố?”. “Một vết thương”. “Của đất?”. “Không, của người, con ạ!”. Tôi nài nỉ muốn biết chuyện. Mãi, bố tôi mới bảo: “Bố biết trước sau rồi bố cũng nói sự thật. Có điều ở tuổi con…”. Và bố tôi kể. Câu chuyện khó tin kia, lúc ấy, chỉ giúp tôi hiểu được vì sao trên người bố tôi có rất nhiều vết đạn…
Năm tháng trôi như dòng suối cạnh rừng cao su, số phận run rủi tôi trở thành một lái xe, kiêm luôn việc phiên dịch. Ở công ty du lịch, tôi nổi tiếng được lòng khách. Dĩ nhiên, tôi có nhiều khách. Hôm kia, tôi đã không thể từ chối yêu cầu éo le của hai mẹ con bà Keyly – nằng nặc đòi tôi chở về Cát Tiên ngay trong đêm. Táo bạo hơn, tôi phải đưa họ đến một cánh rừng già; vì, theo bà Keyly, bà có một lý do đặc biệt, không thể đến đó vào lúc thanh thiên bạch nhật…
Nhìn liếc qua rất nhiều hoa và nhang họ mang theo, tôi tỏ vẻ thông cảm. Người đàn bà mang quốc tịch Mỹ nói tôi có dáng vẻ thật dễ thương của thanh niên châu Á. Trong khi mẹ nói, cô con gái nhìn tôi qua gương, mỉm cười…
Bà Keyly bảo tôi dừng xe đúng vào lúc tôi nhận ra dòng suối, con đường mòn và cánh rừng cao su nối vào trùng điệp rừng rậm lạnh lẽo. “Cho Keyly Nguyễn mượn cái áo khoác của anh được không?”, cô gái nói bằng tiếng Việt khá sõi. Tôi ngỡ ngàng đưa chiếc áo vắt trên ghế xe cho cô. Cô xuống xe, quay sang mẹ: “Có cần coi lại bản đồ không, má?”. “Không, má còn nhớ, lối này…”. Bà Keyly bảo tôi ở lại trông xe và kéo con gái đi. Tôi lờ mờ đoán họ đang định đi đến đâu…
Khi họ quay lại xe, dưới trăng mờ, mặt bà Keyly trắng nhợt, mắt cô con gái còn ngấn nước. Không ai trong họ có ý định giấu nỗi xúc động của mình. Không hiểu sao tôi buột miệng hỏi một câu vô cùng ngớ ngẩn: “Có phải bà và cô vừa đến chỗ cây cao su cụt ngọn?”. Mắt bà Keyly tối lại: “Cậu cũng đến đó, hồi nãy…”. “Không, đã lâu rồi. Với…”. “Ai?”, bà Keyly thảng thốt, mắt sáng lên. “Với bố cháu”. “Ông ấy từng là một người lính?”. “Vâng, đúng thế”. “Ông ấy đã kể chuyện?…”. “Vâng…”.
Tôi chợt nhớ câu chuyện mà bố tôi đã kể bằng một giọng đều đều bên miệng hố dưới gốc cao su hôm nào. Lần ấy, bố tôi được lênh giải ba tù binh thuộc quân đội “Thiên Nga” về cứ. Dẫn đường là một cô giao liên người KơHo. Đêm đầu tiên, hai con hổ lớn vồ mất cô gái giao liên đi đầu và một tù binh. Ba người còn lại mất hướng, ngày một đi sâu vào rừng già. Rồi đêm thứ mười, vừa ở trên cây tụt xuống, một tù binh nữa bị đôi hổ đói bí mật rình rập cắp đi tiếp… Người áp giải và người tù binh còn lại bây giờ chỉ còn dám đi ban ngày, cứ theo hướng mặt trời mọc mà băng rừng, lội suối. Họ biết đêm đêm đôi hổ đói vẫn gầm gừ đâu đó, bất ngờ sẽ chồm ra…
Mải miết đi với chung một mục đích tìm nẻo sống, dần dà họ trở thành một đôi bạn, và rồi trở thành người yêu… Rồi họ đến được chỗ cây cao su cụt ngọn. Sợ hổ, họ đào một cái hố, chặt cành cây ghép thành nắp đậy lên trên để ngủ qua đêm. Màu đất đỏ au đã khiến máy bay trực thăng chú ý. Đạn xối xuống như mưa. Người tù binh được người áp giải đẩy xuống hố, đè người lên trên. Ông trúng đạn. Máy bay đổ quân xuống. Hai người lính Mỹ xốc nách người đàn bà đang giãy dụa lên… Máy bay cất cánh… Mở mắt, thì rõ mồn một, bố tôi trông thấy kẻ mà ông cứu đang chĩa súng xuống phía mình. Ông lăn một vòng cùng nỗi khinh ghét người đàn bà tù binh mọc núi trong lòng…
Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà Keyly buồn buồn, nói: “Lúc bị lôi lên máy bay, ta đã cố tuột xuống đất để cứu ông ấy. Một chiến hữu đã ngăn việc làm rồ dại của ta bằng cách… Và ta đã gạt họng súng AR 15 đang nổ sang một bên…”. “Vậy là ông ấy chỉ bị thương”, bà thở phào như trút được một gánh nặng. “Còn bây giờ?”, cô con gái hỏi. “Bố tôi đã mất cách đây hai năm!”. “Chúa ơi! Ba của con!”, cô kêu lên và ôm lấy mặt, chợt nhớ những đốm đỏ lập loè của nhang mà cô tưởng tượng đó là ánh mắt của người đã khuất đang nhìn mình… Mắt bà Keyly như vô hồn: “Ông ấy đã buộc lòng phải giấu quá khứ. Xin chúa lòng lành hãy cho các con tôi khép lại những ngày tủi nhục… Chúa ơi…”. Tôi rủn người, nghĩ: “Liệu ở thế giới bên kia, bố tôi có muốn trở về để nhìn thấy cảnh tượng kỳ lạ đêm nay không? Và, mẹ tôi có oà lên nức nở khi biết sự việc này?”.
Tôi mới chỉ nghĩ đến đấy thì Keyly Nguyễn đã ôm lấy tôi, hôn lên trán. Vành môi hơi dày của chị hao hao giống vành môi của bố và tôi…
Trời đang rạng. Trên nền rừng xanh tím, cây cao su cụt ngọn xoè tay lá, vươn lên đón ánh bình minh. Nó xanh như chẳng thể vô tình.
Thy Vinh
Clip hay: