Tâm hồn ta vốn như một tấm gương sáng tỏ, trong lục đạo luân hồi đã phủ lớp bụi nhơ. Lớp bụi ấy che mờ đi tất cả, khiến ta như kẻ mù quáng đui lòa. Và rồi ánh sáng tiên thiên không sao xuyên thấu được, lớp bụi dày bao bọc đã ngàn năm. Ta phải làm gì phủi đi lớp bụi, để gương kia sáng tỏ tựa ngọc châu?

Ngắm nhìn một đứa trẻ hồn nhiên vô tư, trong sáng thiện lương rồi chợt nhận ra, ta đã có thời như vậy. Nhưng điều gì khiến ta trở nên thay đổi? Cái gì tôi tạo, nhào nặn cuộc đời ta, để có lúc bước chân đi như kiệt quệ, cảm thấy cuộc đời là mệt mỏi, chẳng tìm đâu được hạnh phúc ở nơi này.

Không ít người đi tìm cho mình một mảnh đất tịnh thổ? Nhưng tìm đâu khi quanh ta chốn hồng trần cuồn cuộn bụi phủ dày trên chặng đường sinh mệnh, nó khiến ta chối bỏ sự thật, phải làm chi để phủi đi lớp bụi ngàn năm.

Chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên lần này xin gửi tới quý độc giả một bản nhạc của nhạc sĩ Chu Khoái. Bản hòa tấu có tựa đề: “Phủi bụi ngàn năm”. Đây là bản nhạc mà khi nghe ta sẽ cảm nhận được sự oai hùng và lớn lao từ bản nguyên của sinh mệnh con người, bản nhạc là sự dẫn dắt bằng âm thanh thuần tịnh cho con người được trở về với tiên thiên bằng lý trí.

Ngắm nhìn một đứa trẻ hồn nhiên vô tư, trong sáng thiện lương rồi chợt nhận ra, ta đã có thời như vậy. (Ảnh: Pinterest)

Sinh mệnh con người đến từ đâu? Câu hỏi mà biết bao nhiêu người đã từng bỏ lửng

Con người vốn được tạo hóa tạo ra từ những tinh hoa tinh túy nhất trong vũ trụ này, mang theo bản tính tiên thiên thuần tịnh, thiện lương với những uy lực to lớn của sức mạnh thuần chính vô tỉ. Nguyên lai của sinh mệnh con người là những điều tốt đẹp phi thường.

Ngay đầu bản hòa tấu này, những nốt nhạc cùng với âm thanh vang vọng đầy oai hùng, giống như tiếng chuông ngân vang, như sự tán dương cho bản nguyên sơ khởi đầy mĩ diệu của sinh mệnh con người.

Trong dòng chảy của thời gian, trong lục đạo luân hồi, trong vô minh con người mỗi kiếp, mỗi thời lại tạo thêm một lượng nghiệp, bản nguyên sinh mệnh trong sáng lại bị phủ thêm một lớp bụi trần gian.

Cõi hồng trần trong mê lại càng khó ngộ, lại tạo tác, lại xoay vần bởi nghiệp. Cuối cùng năm này qua năm khác, kiếp này qua kiếp khác, đã tạo thành nghiệp cuộn lấy nghiệp quanh thân người, bụi trần bao phủ phong bế trí tuệ khiến con người như mê lại càng thêm mê sâu, giấc mộng nhân gian khó lòng thức tỉnh.

Nhưng bản nhạc lại dìu ta đi vào một giai điệu êm dịu, như giọt nước tinh khiết mát lạnh, làm mát dịu tâm hồn người nghe. Đó chính là những đóa hoa sen, những sứ giả, những vị Thần tình nguyện đến nơi đây; họ mang theo sự thật để thức tỉnh những con người còn mê lạc. Họ đang nỗ lực từng ngày phủi đi lớp bụi dày bám chặt trên chính những viên ngọc châu; bụi trần làm nó mất đi sắc quang lấp lánh.

(Ảnh: pinterest.com)

Lúc này âm thanh của bản hòa tấu lại quay trở lại với giai điệu của sự vẻ vang, tán tụng, như gióng lên hồi chuông ca tụng uy đức của những vị ‘Thần tại thế gian’ đang chẳng quản ngại gian nan mà truyền giảng đi sự thật. Những giai điệu của bản hòa tấu với âm thanh thuần tịnh, mang lại cho tâm hồn của người nghe cảm giác thôi thúc, một khao khát được tìm hiểu về chân tướng của sinh mệnh, một mong muốn được minh bạch như kẻ mộng du muốn thức tỉnh cơn mê dài.

Bụi ngàn năm làm sao để phủi, trong cơn mê sao ta biết ta mê?

Nếu một ngày tâm ta không được thanh tẩy, giống như chiếc gương kia một ngày chẳng lau chùi thì trên đó đã bị bụi thời gian mờ đi cái nhìn chân thật. Ngàn năm trôi qua lớp bụi quá dày, vậy làm sao để phủi đi lớp bụi đó đây?

Có người nói, nếu hàng ngày tĩnh tâm lắng nghe kinh Phật, niệm Phật hiệu thì sẽ thanh tẩy được tâm hồn. Nhưng không ít người miệng vẫn niệm, tai vẫn nghe mà trong tâm vẫn đầy loạn động. Như vậy, nghe và niệm đó có thật sự hiệu quả không?

Cũng có người đi tìm cho mình những bản nhạc, thư thả nằm nghe mà ngẫm tới đời. Nhưng rồi đâu đó trong góc tâm hồn, lại cuộn trào lên những khát khao, dục vọng, những truy cầu hay những toan tính, mưu mô.

Có những con người đang đi tìm cho mình mảnh đất tịnh thổ, để được thanh tẩy tâm thân. Nhưng cơn mê kia đã quá dài, bụi kia quá dầy ngăn cản lý chí, che mờ đôi mắt để thấy chân tướng phơi bày rồi mà chẳng một chút nhận ra.

Căn phòng tâm hồn nhuốm đầy bụi bẩn, chẳng dọn chẳng quét, chẳng động tới nó thì ta thấy như thể nó không hề bẩn, ấy vậy mà chỉ một cơn gió nhẹ, từng lớp bụi tung lên mịt mù mới nhận thấy rằng ta đang ô uế biết bao.

Muốn quét bụi trần dơ bẩn ấy, phải tạo một cơn bão lớn, nó có thể cuốn đi rất mạnh, có thể làm mắt ta dính bụi, có thể khiến ta khó chịu thân xác. Nhưng bão qua rồi mang theo những bụi bẩn, từng ngày ta thanh tẩy tâm thân bằng Phật pháp, đắm mình vào Pháp, lấy Pháp làm tiêu chuẩn mà ước thúc bản thân. Có như vậy mới phần nào lấy được đi những dơ bẩn bám chắc trên chiếc gương sinh mệnh. Khiến cho viên ngọc tâm hồn mới từng ngày tỏa sáng.

Từng ngày ta thanh tẩy tâm thân bằng Phật pháp. (Ảnh minh họa: ChinaTour.com)

Bản hòa tấu mang theo thông điệp trọn vẹn muốn nhắn gửi tới thế nhân: Chân tướng đang được truyền rộng, sự thật vĩ đại đang được phơi bày; hãy mở rộng tâm mắt của mình mà đón nhận, hãy dùng lý trí tiên thiên mà minh bạch, thức tỉnh thâm tâm mà dỡ bỏ đi những chướng ngại đã phong bế chính tâm can mình, quay trở về với miền ký ức oai hùng, nắm lấy cơ duyên mà mình đã chờ đợi cả ngàn năm nay. Tương lai sinh mệnh của bản thân mình hoàn toàn là do mình quyết định.

Rũ sạch bụi trần, đắc Pháp báu, nắm chắc cơ duyên, tâm tỏ tường, một mạch trở về nơi xuất sinh mỹ diệu. Đó mới là điều trân quý nhất của cuộc đời một con người, bất kể người đó là ai.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Đức Tâm