Học giả văn nhân thường thích thu thập sách và tranh, phụ nữ chuộng sưu tầm trang sức ngọc phỉ thuý, trân châu. Đây là những điều rất phổ biến, nhưng khuôn làm bánh cũng có người đi sưu tầm. Không những sưu tầm, mà còn mở một triển lãm về các loại khuôn do mình sưu tầm được.
Các loại khuôn làm bánh bằng gỗ được bắt nguồn từ thời nhà Nguyên tại Trung Hoa, thịnh hành những hình chim phượng cùng hoa mẫu đơn, hay một con phượng hoàng đón ánh nắng mặt trời, những hình vẽ này tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp, sự thịnh vượng cát lành.
Ngoài ra các mẫu khuôn bánh được sử dụng qua hàng ngàn năm thường là những khuôn có ý nghĩa chúc sống lâu trường thọ; có 4 loại đồ hình như ý, phân biệt thành những ý nghĩa: trường thọ, sức khoẻ, như ý, may mắn. Các khuôn mẫu bánh dưới đây là tiêu biểu cho khu vực Sơn Tây.
Trong chiếc khuôn ở hình dưới khắc hoạ hai vị thần tay cầm chiếc quạt ba tiêu, xung quanh có 8 bông hoa được sử dụng công nghệ khắc rất tinh tế. Tác phẩm này được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về hai vị thần bái nguyệt dịp trung thu.
Triển lãm nghệ thuật khuôn làm bánh tại Bắc Kinh tháng 10/2017
Điều thú vị là cuộc triển lãm này không buộc khán giả xem hiện vật bày trong tủ kính, mà để họ được thưởng thức tinh hoa của nghệ thuật cổ đại bằng việc trực tiếp đụng chạm vào tác phẩm.
Lần triển lãm nghệ thuật công phu này thậm chí đã thu hút hơn 100 nhà môi giới chủ lưu đến giúp sức. Một số người ca ngợi: “Khi đi thăm Tử Cấm Thành, cũng là đã được tiếp xúc với các di tích văn hoá, nhưng khoảng cách với vật phẩm cổ xưa gần gũi đến mức này thì đây đúng là lần đầu tiên.
Ông Vu Tiến Giang – Người mở triển lãm này, không xa lạ với cộng đồng thiết kế ở Trung Quốc. Trước đó, ông đã được mọi người biết đến với các danh hiệu: người sáng lập liên hiệp trà, nhà thiết kế đẹp trai, v.v. Tuy nhiên đằng sau những tên gọi này vẫn còn một danh hiệu mà mọi người chưa biết, đó chính là nhà sưu tập khuôn làm bánh cổ.
Chặng đường tìm về văn hóa nghệ thuật cổ xưa
Bắt đầu từ năm 2015, Tiến Giang bắt đầu đi tham quan các thắng cảnh dân gian của Trung Hoa, với một hành trình dài hơn một trăm ngàn cây số, từ Đại viện thâm trạch Bình Diêu đến các ngõ sản xuất vải nhỏ ở Giang Nam, từ lễ hội bánh trung thu ở Bắc Kinh đến lễ hội bánh ở Chiết Giang; qua đó anh đã thu thập được hơn 7.000 mẫu khuôn làm bánh khác nhau từ các vùng miền khác nhau, thời gian của các mẫu khuôn làm bánh đó được bắt đầu từ thời nhà Đường cho đến nay, trong đó khuôn bánh lâu đời nhất có tuổi đời hơn 1.000 năm.
Từ trong những chiếc khuôn làm bánh này, Tiến Giang đã thấy nét duyên dáng trong văn hóa nghệ thuật của từng vùng miền khác nhau. Những câu chuyện về nhị tiên bái nguyệt, cung trăng, truyền thuyết bát tiên, thỏ ngọc đảo thuốc, hằng nga v.v. Những câu chuyện mà đã dần dần biến mất theo bụi bặm của lịch sử thời gian, chợt hiển hiện ra một sức mạnh, bộc lộ trí tuệ của cổ nhân và tâm hồn thẩm mỹ của họ qua những khuôn bánh.
Vu Tiến Giang đã từng sưu tầm được một chiếc khuôn làm bánh từ tay một ông lão đã hơn trăm tuổi tại Sơn Tây, chiếc khuôn này vốn là khuôn làm bánh điểm tâm cho hoàng đế Càn Long khi ông đang trị vì. Khuôn bánh có hình dáng đoan trang với hoa văn đơn giản, chất phác mà phong phú. Ông lão nói rằng trong những lễ hội trung thu trước đây thường dùng nó để làm bánh cho trẻ con trong nhà ăn, sau khi bọn trẻ trưởng thành rồi thì ông không làm nữa,
Những lời nói của ông già làm cho Tiến Giang hiểu ra rằng, nếu muốn thực sự hồi sinh những chiếc khuôn bánh này, triển lãm nghệ thuật chẳng qua chỉ là bước khởi đầu, chân chính đưa khuôn bánh hòa nhập vào cuộc sống, mới chính là tạo cho nó một sự sống mới.
Trong một lần đến Tây An, Vu Tiến Giang đến một cửa tiệm nhỏ trong khu chợ đồ cổ cạnh bìa rừng thì nhìn thấy một chiếc khuôn bằng gốm chuyên dùng làm bánh trung thu. Khuôn này có hình dáng khá kỳ lạ, bên ngoài là một đường viền liên châu Tây Vực quen thuộc trong thời Đường, Trong thời kỳ Đại Đường thịnh thế và cởi mở, văn hóa của những khu vực khác cũng được kết hợp cùng văn hóa phương Đông; hoa văn liên châu của Tây Vực thường được dùng để trang trí cũng được sử dụng trong trang trí bánh trung thu của cung đình, biểu lộ rõ được nguồn gốc cao quý của chiếc khuôn làm bánh này. Hoa văn ở giữa là cành liên lý quấn lấy nhau khiến cho người ta không thể không liên tưởng đến câu nói “Tại thiên nguyện tác bỉ dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi” (Trên trời nguyện làm chim sát cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành) trong “Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị miêu tả tình yêu của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi.
Hai dòng hoa văn khác biệt trên cùng một chiếc khuôn làm bánh cho thấy chiếc khuôn gốm từ thời Đường này là một vật chứng lịch sử cực kỳ quý giá, có thể là chiếc khuôn bánh trung thu duy nhất thuộc loại này của triều đại nhà Đường còn sót lại.
Đối với Vu Tiến Giang, việc thu thập 7.000 khuôn làm bánh chưa phải là điểm cuối, khôi phục lại những khuôn bánh thời kỳ nhà Thanh hay nhà Đường cũng không phải là điểm cuối, mà việc tạo dựng lại được văn hóa truyền thống xưa kia, mới là một con đường xa xôi và đầy khó khăn! Nhưng đó chính là con đường mà anh muốn đi.
“Đạo trở thả nan, hành chi tương chí”
(Tìm đạo nhiều trở ngại và khó khăn, đã đi rồi thì sao không đi đến cùng)
Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com
Uyển Vân biên dịch