Không như bao chàng trai khác dùng những món quà xa xỉ để cầu hôn, nghệ sĩ đa tài Henryk Wieniawski đã nghĩ ra một món quà độc nhất vô nhị đó là sáng tác bản nhạc lừng danh Légende (Truyền thuyết) để cầu hôn Isabella Hampton và chinh phục gia đình nàng.
Henryk Wieniawski đã sáng tác Légende cho violin và dàn nhạc của mình tại Leipzig trước khi ông nhận lời mời từ Anton Rubinstein để đến St. Petersburg biểu diễn và giảng dạy.
Câu chuyện đằng sau tác phẩm là một câu chuyện vô cùng lãng mạn. Wieniawski muốn kết hôn với Isabella Hampton, thế nhưng cha mẹ của Isabella Hampton với lòng tự cao của giới quý tộc Anh đã không tán thành cuộc hôn nhân giữa con gái mình và chàng nghệ sĩ đa tài Wieniawski.
Không chịu từ bỏ nàng thơ của mình, Wieniawski đã quyết định chinh phục cha mẹ nàng bằng giai điệu của Légende. Và kỳ tích đã xuất hiện, hai ông bà bất chợt thay đổi quan điểm, chuyển sang chấp thuận và đồng ý gả con gái cho Wieniawski. Và thế là, Wieniawski và Isabella đã kết hôn vào năm 1860 với sự chúc phúc của cha mẹ.
Légende không chỉ đơn giản là một món quà cầu hôn mà ở khía cạnh trình diễn lại đòi hỏi người chơi phải rất điêu luyện về kỹ thuật. Sự phong phú trong giai điệu của Légende khiến nó trở thành một showpiece (tác phẩm phô diễn kỹ thuật trình tấu) ưa thích của nhiều thế hệ nghệ sĩ violin.
Tác phẩm có thể được chia thành ba phần chính, theo cấu trúc A-B-A và được viết ở nhịp 3/4. Légende Op. 17 tuy được viết ở giọng Sol thứ, nhưng ở phần giữa lại thay đổi thành giọng Sol trưởng.
Dưới đây mời quý độc giả thưởng thức tác phẩm Légende:
Phần mở đầu với sự xuất hiện của bè trầm với tiếng kèn Horn (kèn Pháp) và kỹ thuật pizzicato tinh tế (dùng tay khảy, bật dây đàn violin thay vì dùng vĩ) của nhạc khí dây.
Với chủ đề mở đầu khá u sầu bởi bè trầm cùng kỹ thuật gẩy pizzicato, cũng giống như tâm trạng của Wieniawski khi bị cha mẹ của Isabella phản đối. Tuy nhiên, khi giai điệu của kỹ thuật arco (kéo) ngân lên thì chương nhạc lại vô cùng lãng mạn và bầu không khí rầu rĩ đã dịu dần lại. Kết thúc phần mở đầu là sự tái hiện lại giai điệu của tiếng kèn Horn và violin.
Phần thứ hai với sự thay đổi đáng kể bởi được chuyển sang giọng Sol trưởng và tiết tấu chung của chương nhạc cũng được thay đổi với tốc độ vừa phải. Tâm trạng vui tươi được tăng dần lên bằng cách sử dụng các kỹ thuật kéo của nghệ sĩ violin. Ở đoạn cao trào, nghệ sĩ violin chơi ở một thang âm giảm dần, và khi chạm đến đáy giai điệu chuyển trở lại chủ đề như phần mở đầu.
Phần thứ ba, chủ đề được lặp lại với giai điệu của kèn Horn và kỹ thuật pizzicato. Sau đoạn hòa tấu, chủ đề violin bắt đầu trở lại. Nghệ sĩ độc tấu không chỉ trở lại với motif ban đầu mà còn sử dụng kỹ thuật arpeggios (rải hợp âm) nhẹ nhàng. Mọi thứ chậm lại khi nghệ sĩ độc tấu kết thúc ở nốt Sol cao (quảng tám thứ 3).
Đôi nét về tác giả
Henryk Wieniwski (sinh ngày 10 tháng 7 năm 1835 – mất năm 1880) là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violin nổi tiếng người Ba Lan. Henryk Wieniawski sinh ra ở Lublin, Vương quốc Lập hiến Ba Lan, Đế quốc Nga. Tài năng của ông chơi violin được công nhận sớm, và vào năm 1843, ông vào Nhạc viện Paris.
Sau khi tốt nghiệp, Wieniawski lưu diễn rộng rãi và đã diễn độc tấu, nơi ông thường đi kèm với Józef anh trai của ông trên cây đàn piano. Năm 1847, Henryk Wieniawski xuất bản opus đầu tiên của mình.
Từ 1872 đến 1874, Wieniawski lưu diễn Hoa Kỳ với Rubinstein. Năm 1875, Wieniawski thay thế Henri Vieuxtemps là giáo sư violin tại Nhạc viện Hoàng gia de Bruxelles .
Trong thời gian ở tại Brussels, sức khỏe của Wieniawski giảm sút, và ông thường phải dừng lại ở giữa các buổi hòa nhạc. Ông bắt đầu một tour lưu diễn Nga vào năm 1879 nhưng đã không thể hoàn thành tour này.
Ông được đưa tới một bệnh viện ở Odessa sau một buổi hòa nhạc. Ông qua đời tại Moscow sau một cơn đau tim và được táng trong nghĩa trang Powązki ở Warsaw.
Ở Ba Lan, tên tuổi và hình ảnh của Henryk Wieniawski được đưa vào những con tem, những đồng tiền, và có cả một cuộc thi violon quốc tế mang tên ông, tổ chức 5 năm một lần. Khi còn sống, Wieniawski đã mang âm nhạc Ba Lan đi đến rất nhiều nơi trên thế giới, và cho đến tận bây giờ, người ta có cảm giác dường như ông vẫn đang tiếp tục làm cái công việc ấy.
Hoàng Lâm