Albert Edelfelt sống và vẽ ở Paris trong hơn 15 năm, trở thành biểu tượng nghệ thuật quốc tế đầu tiên từ Phần Lan. Ông nổi tiếng với những bức chân dung đẹp, trong đó có của nhà bác học Louis Pasteur.

Từ một họa sĩ trẻ người Phần Lan đầy triển vọng đến nghệ sĩ nổi tiếng châu Âu, Albert Edelfelt là biểu tượng nghệ thuật quốc tế đầu tiên của đất nước Phần Lan. Tác phẩm của ông được nhiều người ngưỡng mộ. Từ chối học vị giáo sư tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở St. Petersburg, niềm đam mê lớn nhất của Edelfelt là sống ở Paris và dành thời gian mùa hè cho quê hương của mình.

Tranh “Mặt trời lặn ở Kaukola Ridge” (ảnh: Zone47).

Tuổi thơ và tuổi học trò khó nhọc

Albert Edelfelt sinh năm 1854 trong một gia đình quý tộc nói tiếng Thụy Điển. Mặc dù có xuất thân này, tuổi thơ của ông bị vẫn chìm trong khó khăn về tài chính. Cha ông qua đời khi Albert chỉ mới 15 tuổi, để lại cho gia đình những khoản nợ lớn. Tuy nhiên, mẹ Albert vẫn ủng hộ sở thích và tham vọng nghệ thuật của ông trong suốt những năm ông trưởng thành trên con đường trở thành một họa sĩ.

Tranh “Đám tang của một em bé”, Albert Edelfelt, 1878 (ảnh: Art Now and Then).

Mặc dù Edelfelt nhận dạy kèm nghệ thuật trong khi học ngôn ngữ và lịch sử tại Đại học Hoàng gia ở Helsinki, ông nhận thấy việc dạy nghệ thuật ở Phần Lan lạc hậu. Chỉ có vài bộ sưu tập nghệ thuật và đất nước thiếu một nền văn hóa nghệ thuật tạo cảm hứng. Cuối cùng, ông từ bỏ trường đại học tổng hợp và đăng ký vào Học viện Nghệ thuật Antwerp vào năm 1873. Sau khi học hội họa lịch sử trong 6 tháng, ông chuyển đến Paris để tiếp tục quá trình học tập.

Tranh “Các chú bé vui chơi trên bãi biển”, 1884 (ảnh: Art Now and Then).

Ngay từ đầu, Edelfelt đã chắc chắn rằng Paris là nơi thích hợp để ông phát triển thành một họa sĩ. Các bảo tàng và phòng trưng bày trong thành phố này cung cấp khả năng vô tận để xem tranh. Sự hiện diện của các nghệ sĩ cùng chí hướng và nhiều bạn bè cho phép ông tham gia những cuộc thảo luận sôi nổi về nghệ thuật. Edelfelt trở lại Phần Lan vào năm 1875 nhưng quyết tâm mạnh mẽ để trở lại Paris càng sớm càng tốt.

Chuyên tâm vào chủ đề chân dung, Paris và ngoài trời

Mục đích ban đầu của Edelfelt khi theo học ở nước ngoài là trở thành một họa sĩ lịch sử. Thật vậy, tác phẩm đầu tiên của ông được công nhận ở Paris là “Nữ hoàng Bianca” (Queen Bianca), một bức chân dung mô tả thời Trung cổ.

Tranh “Nữ hoàng Bianca” (ảnh: Wikimedia Commons).

Tuy nhiên khi ở Pháp, Edelfelt đã sớm nhận ra rằng vẽ tranh ngoài trời, minh họa hiện thực đương đại chứ không phải là cảnh tượng lịch sử, mới là loại hình nổi trội trong thế giới nghệ thuật thủ đô. Tuy thế, mặc dù Edelfelt sống ở Paris trong hơn 15 năm, ông chỉ vẽ duy nhất một tác phẩm ngoài trời lớn ở đó – “Những khu vườn Luxembourg” (The Luxembourg Gardens). Cảm hứng cho các tác phẩm lớn khác của ông đều đến từ các chủ đề ở Phần Lan.

Tranh “Những khu vườn Luxembourg, Paris” (ảnh: Wikipedia).

Vào cuối thế kỷ 19, Paris là điển hình cho tất cả những điều hấp dẫn mà cuộc sống đương đại tạo ra. Bên cạnh nghệ thuật, Paris còn là thủ đô của tiêu dùng, công nghệ, niềm vui và sự gợi cảm. Khi sống ở đó, Edelfelt đã vẽ rất nhiều chân dung của những người phụ nữ Paris xinh đẹp. Quan trọng nhất là thành phố này cung cấp cho ông cơ hội để bán tranh của mình. Những người giàu có và quyền lực của Paris đã hình thành một nhóm khách hàng không thể có được ở Phần Lan.

Tranh “Cô gái Paris đọc sách” (ảnh: Crotos).
Tranh “Bên cửa sổ” – Người mẫu Thérèse (1884) (ảnh: Flickr).

Khoảng một nửa số tác phẩm của Edelfelt là tranh chân dung. Bên cạnh việc vẽ tranh người mẫu nữ, ông còn thực hiện một số bức chân dung ủy nhiệm. Nổi tiếng nhất trong số này là “Chân dung Louis Pasteur” (Portrait of Louis Pasteur). Edelfelt bị cuốn hút bởi những thành tựu khoa học của Pasteur đến nỗi ông đã dành hẳn vài tháng để nghiên cứu công việc và phòng thí nghiệm của nhà khoa học. Khi bức tranh này hoàn thành, sự nổi tiếng của nó đã nâng Edelfelt lên một vị trí nổi tiếng là một trong những người vẽ chân dung giỏi nhất ở châu Âu.

Tranh “Chân dung Louis Pasteur”, 1885 (ảnh: Wikipedia),

Cuối thế kỷ 19 ở Phần Lan là thời kỳ có sự quan tâm ngày càng tăng đối với chính sách Nga hóa từ nước Nga. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và tình cảm yêu nước trong người Phần Lan. Mặc dù là một đại sứ thiện chí giữa hai nước, Edelfelt không bao giờ hoàn toàn loại mình ra khỏi xu thế quốc gia – dân tộc này, và ông thực sự đã đóng góp cho phong trào ủng hộ Phần Lan thông qua các hình minh họa và tranh vẽ về Chiến tranh Nga-Thụy Điển (1808-1809).

Họa sĩ kiêm nhà sử học

Sau khi vẽ tranh lịch sử vào những năm đầu sự nghiệp, Edelfelt đã không thực sự trở lại thể loại này cho đến khi khánh thành Học viện Turku. Công trình quy mô lớn này – mô tả việc thành lập Học viện (sau này là Đại học) tại Turku năm 1640 – đã được đưa vào Đại lễ đường của Đại học Helsinki.

Một phần bức tranh “Nghiên cứu cuối cùng cho sự khánh thành Học viện ở Turku 1640” (1902) (Ảnh: FNG).

Sau khi chuẩn bị tỉ mỉ, Edelfelt bắt đầu công việc vẽ tranh thực tế vào tháng 9 năm 1904 và trình bày tác phẩm hoàn thành cho Đại học vào tháng 1 năm 1905. Bức tranh này được coi là đỉnh cao của sự nghiệp, thể hiện vai trò của ông là họa sĩ, nhà ngoại giao, văn hóa và nhà sử học. Họa sĩ Albert Edelfelt qua đời vào tháng 8 năm 1905 ở tuổi 51.

Tranh “Những quả dâu dại”, (1890), họa sĩ Albert Edelfelt (ảnh: Wikimedia Commons).

Theo Otto Utti / This is Finland

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||9983cd854__