Cư dân Phần Lan từng có một câu nói: “Nếu có 2 điều ước, điều ước thứ nhất tôi muốn đó là trời nắng, thứ 2 là có một mái nhà”. Cuộc sống khắc nghiệt của Phương Bắc trong quá khứ khiến con người nơi đây trui rèn nên những phẩm chất điển hình để thành công: lối sống cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên và ý chí kiên cường trước nghịch cảnh.

Vượt qua bóng đêm lịch sử, giờ đây Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu được thế giới biết đến với nhiều cái nhất: Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nền giáo dục độc đáo nhất thế giới, hệ thống hành chính công liêm khiết bậc nhất thế giới. Nhưng với đa số chúng ta, những điều lý thú được biết đến về Quốc Gia này còn quá ít ỏi. Loạt bài về Phần Lan hy vọng sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống thường ngày, chính sách xã hội và những thành tựu của một quốc gia có dân số thấp hơn cả thành phố Hà Nội đã đạt được trong những năm qua.

***

Phần Lan nổi tiếng với quy trình xử lý nước thải tiên tiến và hành lang pháp lý kiện toàn trong việc bảo vệ môi trường nước. Các công trình xử lý nước thải ở đây đều có tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới ở nhiều khía cạnh khác nhau như thiết kế, tự động hóa, hiệu năng và giải pháp phát triển bền vững. Tuy nhiên ít ai biết rằng cách đây 60 năm, Phần Lan từng rơi vào tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Những bước đi đầu tiên

(Ảnh: nuocphanlan.com)

Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm 50 của thế kỷ trước, nguồn nước của Phần Lan bị lạm dụng quá mức. Nước máy của các thành phố có nguồn gốc từ các dòng sông và các hồ nước tự nhiên thường có mùi vị lạ và dẫn đến nhiều loại bệnh dịch lây lan trong cộng đồng cư dân.

Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ các nhà máy chế biến gỗ, chế biến thực phẩm và luyện kim phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng được xây dựng xung quanh các con sông và ao hồ. Vào thời điểm đó nhận thức bảo vệ môi trường nước của cộng đồng còn thấp, hệ thống xử lý nước thải chỉ được lắp đặt sơ sài đồng thời việc lọc nước tại các nhà máy cũng không đảm bảo vệ sinh cho cư dân xung quanh.

Cuối cùng, vào năm 1962 chính quyền Phần Lan đã ban hành một bộ luật về nước nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng lan tràn các bệnh dịch liên quan đến nguồn nước. Kết quả là các nhà máy chế biến đều chịu sự chi phối khắt khe của nhà nước trong việc xả thải nước ra môi trường. Không chỉ có vậy, sự chung tay góp sức của cộng đồng cư dân chính là động lực thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của các chủ doanh nghiệp.

Hình thành các Hiệp hội bảo vệ môi trường nước

Một hệ thống xử lý nước thải ở Phần Lan

Nhiều người đã tự nguyện tham gia cải thiện tình trạng nguồn nước. Từ trước khi ban hành bộ luật về nước, cư dân đã chủ động thành lập các Hiệp hội bảo vệ nguồn nước vào năm 1960, những hiệp hội này gồm nhiều thành phần tham gia bao gồm những người trực tiếp xả thải ra môi trường, cư dân sử dụng nguồn nước trong khu vực, chính quyền địa phương, tổ chức sức khỏe cộng đồng, kỹ sư, công ty cấp thoát nước và cả tổ chức ngư dân. Các hiệp hội bảo vệ nguồn nước xuất hiện như nấm mọc sau mưa vào sớm bao phủ toàn bộ lãnh thổ Phần Lan.

Trong những ngày sơ khai, đa số thành viên trong các hiệp hội tham gia với tư cách tình nguyện viên và thường tham gia vào thời gian rảnh rỗi. Công việc chủ yếu của họ là xác định trình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, sử dụng các công cụ truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng với các hoạt động bảo vệ môi trường. Nhưng một thời gian sau đó, khi quy mô và tính chuyên nghiệp của hiệp hội dần được khẳng định, người ta bắt đầu trả tiền và đào tạo cho những công nhân vận hành các nhà máy xử lý nước thải, thuê thêm chuyên gia để quản lý và vận hành.

Vai trò của những Hiệp Hội bảo vệ nguồn nước

Thư mời tham dự hội nghị bảo vệ nguồn nước của tổ chức Nước và vòng tuần hoàn kinh tế (Ảnh: scrreen)

Ngày nay trong số mười một Hiệp hội bảo vệ nguồn nước trên cả nước, có đến một nửa có Phòng kiểm nghiệm môi trường riêng, bản thân các hiệp hội cũng chuyên môn hóa hơn hơn rất nhiều, họ xây dựng các công ty cổ phần trực thuộc hiệp hội để quản lý trực tiếp các phòng thí nghiệm và có kế hoạch hàng năm rõ ràng trong việc phân tích hàng ngàn mẫu nước tại địa phương. Người ta còn thuê rất nhiều chuyên gia và nhà khoa học để làm viêc trong cả các phòng thí nghiệm và ngoài thực địa.

Các hiệp hội kiểm soát rất khắt khe vùng nước mà họ được giao nhiệm vụ quản lý. Để được phép xả thải, các nhà máy phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng và quy trình xử lý nước đúng như cam kết. Các bên tham gia khai thác vùng nước bao gồm nhà máy chế biến, cư dân địa phương, ngư dân cùng với nhà máy nước tiến hành phối hợp chặt chẽ trong một chương trình giám sát phối hợp. Và hiệp hội bảo vệ nguồn nước chịu trách nhiệm phân tích, báo cáo cũng như công bố kết quả khảo sát cho công chúng biết rõ.

Những hoạt động tích cực của các hiệp hội đã đem đến tác động gần như ngay lập tức tới tài nguyên nước mặt và nước ngầm của Phần Lan. Tình trạng các con sông tiếp nhận nước thải được cải thiên, nồng độ oxy và các hợp chất hóa học khác tiến dần về ngưỡng an toàn. Đối với các nhà máy lớn, họ buộc phải có khu vực xử lý nước thải riêng, còn đối với các nhà máy nhỏ, những đường ống sẽ được lắp đặt để dẫn nước thải tới nhà máy xử lý chung của khu dân cư.

(Ảnh: nuocphanlan.com)

Tuy nhiên câu chuyện chưa dùng lại ở đó. Khi các nguyên nhân gây ô nhiễm nước bắt nguồn từ hoạt động công nghiệp được ngăn chặn thì hoạt động nông nghiệp lại tiếp tục gây tác hại xấu cho môi trường. Việc lạm dụng các loại phân bón trong nông nghiệp khiến cho mức dinh dưỡng trong nước tăng là nguyên nhân của sự phát triển của loài tảo Cyanobacter (có độc tố gây dị ứng da và rối loạn hô hấp)

Mũi gươm của các hiệp hội bảo vệ nguồn nước lại chĩa về những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ khuyến khích thành lập các vành đai bảo vệ nguồn nước, phát tài liệu giáo dục và nói nhiều hơn về tác hại của phân bón. Người ta đã nghĩ ra nhiều cách để hạn chế tác hại của việc trồng trọt đến môi trường như: Tăng cường trong các loại cây có tán che trong mùa đông, thâm canh đa dạng các loại cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ một cách hiệu quả hơn.

Ngay nay, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta có thể lấy mẫu nước chính xác hơn bằng các cảm biến điện tử. Đồng thời với đó, hoạt động của hiệp hội bảo vệ nguồn nước luôn gắn chặt với các tổ chức chính phủ và các đối tượng tham gia khai thác nguồn nước. Nhờ đó mà nguồn nước tự nhiên luôn được bảo vệ và Phần Lan trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.

Nguồn kinh phí vận hành các Hiệp hội

Với số lượng nhân viên chính thức cũng như danh sách các hoạt động mà Hiệp hội bảo vệ nguồn nước phải thực thi hàng năm, nguồn tài chính ổn định luôn là câu hỏi được đặt lên hàng đầu. Đa số hoạt động được trang trải bằng phí thành viên tham gia, được xác định dựa trên số cư dân trong khu vực hoặc dựa trên lượng nước mà người ta xả thải vào môi trường. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương đảm bảo chi trả cho các hoạt động nghiên cứu và vận hành phòng thí nghiệm.

Chính phủ còn hỗ trợ các chi phí cho hoạt động giáo dục và các dự án phi lợi nhuận để tăng cường nhận thức của cả cộng đồng với tài nguyên nước của quốc gia. Hiện nay các hiệp hội bảo vệ nguồn nước chính là tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy Phần Lan triển khai Chỉ thị khung của Liên Minh Châu Âu về nước.

Những trái ngọt mà người dân nơi đây xứng đáng được hưởng thụ

Người dân câu cá trên dòng sông Kymi (Ảnh: tripadvisor.com)

Tình trạng nước được cải thiện cho phép cư dân thực hiện các hoạt động vui chơi trên sông nhiều hơn. Ở Phần Lan, tất cả mọi người đều có thể bơi lội, chèo thuyền ở các nguồn nước tự nhiên. Sau hơn 50 năm thực hiện kế hoạch bảo vệ nguồn nước, những đàn cá hồi đã quay trở lại trên một số con sông. Các chất ô nhiễm trong cá không còn đáng lo ngại, đồng thời người ta có thể uống trực tiếp nước ở bất cứ vòi nước công cộng nào trên cả nước.

Dòng sông Kymi là một trong những ví dụ điển hình. Dọc bên bờ sông Kymi là các nhà máy sản xuất bột giấy của tập đoàn UPM với công suất hàng ngàn tấn một năm. Một lượng lớn nước được lấy vào và xả ra từ nhà máy khiến nhiều đối tác tới thăm nhà máy tỏ ra quan ngại về mức độ ô nhiễm môi trường ở nơi đây. Để rồi tất cả đều bất ngờ trước các mẫu thí nghiệm về vệ sinh của nguồn nước tại Kymi, và ngạc nhiên hơn khi thấy người dân yên tâm vui chơi, tận hưởng mùa hè bên dòng sông của họ.

Vai trò của tinh thần cộng đồng – yếu tố quyết định thành công của một kế hoạch 50 năm

Trong loạt bài viết về Phần Lan, một điểm đáng lưu ý là những thành tựu của quốc gia Bắc Âu này lại đến từ sự chung tay của cả cộng đồng và Nhà nước. Mỗi công dân đều có ý thức bảo vệ môi trường sống và quyền lợi chung vì họ hiểu rằng những hy sinh và cống hiến của họ cho xã hội cũng chính là vì bản thân và con cháu của mình trong tương lai.

(Ảnh: Quartz)

Những người ban đầu thực hiện sứ mạng bảo vệ nguồn nước của Phần Lan đến với nhau dựa trên cơ sở tình nguyện. Đáng chú ý hơn nữa, họ đều là những người có chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ nguồn nước và hàng ngày vẫn phải làm việc để nuối sống gia đình bên cạnh trách nhiệm vì cộng đồng. Vượt lên mọi khó khăn, từ một tổ chức tự phát, Hiệp hội đã xây dựng một hệ thống quản lý nguồn nước độc lập với chính quyền nhằm giám sát chất lượng nước của quốc gia, góp phần thay đổi bộ mặt của Phần Lan trong 50 năm qua. 

Tinh thần minh bạch và ý thức về quyền được sống trong một môi trường trong sạch đã kết nối cả cộng đồng dân cư, chính quyền, và những người khai thác nguồn nước để cùng với nhau tạo nên một dấu ấn nữa trong thành tựu phát triển của người Phần Lan. Và câu chuyện của họ đã minh chứng thêm một lần nữa rằng: “Sự phát triển kinh tế cũng không nhất thiết phải đi cùng với đánh đổi chất lượng môi trường”

Trọng Đạt