Câu thành ngữ “Nghé mới sinh không sợ hổ” gần giống câu “Ngựa non háu đá”, “Ong non ngứa nọc”, là chỉ những người có sức mạnh, nhiệt huyết mà thiếu kinh nghiệm, lại dễ manh động, phô trương vẻ oai hùng, là đại kỵ trong việc dụng binh.

Những năm cuối thời Đông Hán, Lưu Bị đoạt được Hán Trung từ tay Tào Tháo, sau đó xưng vương. Lưu Bị hạ lệnh cho Quan Vũ đánh sang Tương Dương ở phía Bắc, tiến quân đánh Phàn Thành. Bộ tướng của Quan Vũ là Liệu Hóa, Quan Bình dẫn quân đánh Tương Dương. Bộ tướng của Tào Tháo là Tào Nhân dẫn quân chống cự, kết quả đại bại, rút quân về cố thủ Phàn Thành. Tào Tháo phái đại tướng Vu Cấm làm Chinh Nam tướng quân, cử dũng tướng Bàng Đức làm tiên phong, dẫn quân đến Phàn Thành cứu viện.

Bàng Đức dẫn quân tiên phong đến Phàn Thành, sai quân sỹ khiêng một cỗ quan tài, đi trước đoàn quân để tỏ rõ sẽ quyết trận sống chết với Quan Vũ. Bàng Đức diễu võ dương oai, chỉ tay phía quân Thục thét gọi muốn Quan Vũ ra quyết chiến. Quan Vũ xuất trận, hai người đại chiến hơn trăm hợp không phân thắng bại, hai bên gióng trống khua chiêng thu quân.

Quan Vũ về đến trại nói với Quan Bình rằng: “Đao pháp của Bàng Đức vô cùng thành thục, quả không hổ danh là dũng tướng của quân Tào”. Quan Bình nói: “Tục ngữ có câu: ‘Nghé mới sinh thì không sợ hổ’. Cho dù cha có chém được người này, thì cũng là chém một tiểu tốt người Tây Khương mà thôi. Nếu xảy ra sơ suất, chẳng phải hủy hoại uy danh của cha đó sao”.

Quan Vũ thấy dựa vào võ lực thì nhất thời khó mà thắng được Bàng Đức, thế là nghĩ ra một kế. Lúc đó đang vào mùa thu, mưa liên miên, nước sông Hán Thủy dâng cao rất nhanh. Trại quân Ngụy lại đóng quân nơi đất trũng, Quan Vũ phá đê sông Hán Thủy, nước tràn xuống ngập chìm toàn bộ 7 cánh quân Vu Cấm, bắt sống Vu Cấm, Bàng Đức. Vu Cấm quỳ gối xin hàng, nhưng Bàng Đức đứng sừng sững không chịu quỳ, quyết không chịu khuất phục. Quan Vũ khuyên Bàng Đức đầu hàng, Bàng Đức không những không hàng còn chửi rủa Quan Vũ. Thế là, Quan Vũ hạ lệnh giết chết Bàng Đức.

Lời bàn:

Người trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết, sinh lực tràn trề, hoài bão lớn như muốn bao trùm trời đất. Nhưng tuổi trẻ lại thiếu kinh nghiệm, không am hiểu nhân tình thế thái, thường nhìn thấy cái trước mắt mà chẳng thấy cái đằng sau, chỉ biết mình mà không biết người.

Cái dũng của người hăng hái, mạnh mẽ mà thiếu kinh nghiệm, chính là cái vũ dũng, là cái dũng của kẻ thất phu, rất dễ bị rơi vào bẫy đối thủ mà thất bại. (Ảnh: tinhhoa.net)

Hăng hái can đảm không e dè sợ sệt, mà thiếu trải nghiệm lịch duyệt, dễ có những hành động nông nổi, hoặc dễ rơi vào bẫy, dễ mắc mưu. Đây là cam đảm của vô tri, như con nghé mới sinh ra, không biết hổ là loài gì, nên cũng không biết sợ.

Cái dũng của người hăng hái, mạnh mẽ mà thiếu kinh nghiệm, chính là cái vũ dũng, là cái dũng của kẻ thất phu, rất dễ bị rơi vào bẫy đối thủ mà thất bại.

Cái dũng của bậc anh hùng, thâm trầm, suy xét chu toàn, chính là trí dũng, là cái dũng của bậc đại trượng phu, biết co biết duỗi, biết tiến biết lui, thuận theo thời mà hành động, tùy theo thế mà biến hóa, cuối cùng giành được chiến thắng, đạt được mục đích tối hậu.

Câu thành ngữ “Nghé mới sinh không sợ hổ” gần giống câu “Ngựa non háu đá”, “Ong non ngứa nọc”, là chỉ những người có sức mạnh, nhiệt huyết mà thiếu kinh nghiệm, lại dễ manh động, phô trương vẻ oai hùng, là đại kỵ trong việc dụng binh.

Người hiểu được rõ đạo lý này, sẽ biết khắc phục kinh nghiệm non yếu bằng cách lắng nghe, học hỏi người khác, thì tuy tuổi trẻ vẫn trở thành bậc anh hùng lão luyện, là bậc “Hậu sinh khả úy” mà Khổng Tử ca ngợi.

Triêu Lộ