Sẽ chẳng có loài hoa nào lại gợi cho ta một cảm giác thánh khiết, trong ngần như hoa sen. Hoa vươn lên từ nơi bùn lầy mà vẫn ngát hương, đẹp tinh khôi mà vẫn bình dị, khiêm nhường. Và đó chính là Sen – loài hoa tượng trưng cho cốt cách thanh tao của người tu Phật.
Những ai yêu thích tranh Tứ quý hẳn sẽ thuộc bốn câu thơ trong “Ấu học ngũ ngôn thi”, hay còn gọi là “Thơ Trạng Nguyên” như sau:
Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
Dịch nghĩa:
Mùa xuân du chơi trên bãi cỏ thơm,
Mùa hạ thưởng ngoạn đầm sen xanh biếc
Mùa thu uống rượu hoàng hoa, ngắm cúc vàng
Mùa đông ngâm thơ ngắm tuyết rơi.
Dịch thơ:
Xuân du bãi cỏ ngát hương,
Hè chơi sen biếc vấn vương tơ lòng,
Thu về hoa cúc rượu nồng
Đông sang ngắm tuyết trong phòng ngâm thơ.
Chữ Hạ, trong tiếng Hán viết là “夏” gồm bộ Hiệt (頁) nghĩa là cái đầu, và bộ Tuy (夊) nghĩa là đi chậm. Ban đầu khi tạo chữ, người xưa vẽ một người ngẩng đầu quan sát thiên văn, xem thời tiết, tay cầm dao, chân đạp lên cái cày – ngụ ý mùa HẠ là mùa bận rộn nhất của nhà nông, thời tiết lại thay đổi thất thường, nên phải am hiểu thời tiết mà cày cấy, gieo trồng, chăm sóc cho phù hợp. Sau nhiều đời giản hóa chữ viết mà có chữ Hạ như ngày nay.
Thời xưa người Việt đã rất hiếu học. Trẻ nhỏ theo ông đồ học chữ, những đứa trẻ thông minh sáng dạ thì cả họ góp tiền cho ăn học. Thế nên ngay trang bìa của “Ấu học ngũ ngôn thi” có ba chữ “Trạng nguyên thi” – Thơ của trạng nguyên, thơ dạy con trẻ có chí hướng để sau này thi đỗ làm trạng nguyên.
Tất nhiên hàng vạn người đi học thì chỉ có vài chục người đỗ đạt làm quan, nhưng ai ai cũng cố cho con cháu được học hành, cũng chỉ mong “học dăm ba chữ làm người”. Như vậy, người xưa không quá kỳ vọng con cháu sẽ đỗ đạt làm quan, hiển danh gia tộc, mà chỉ cần cho chúng đi học để Làm Người.
Khổng tử dạy rằng “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn”. (Ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ Tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn – tức học Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch,…).
Trong bộn bề công việc nông gia, học hành gian khổ, học trò xưa vẫn dành cho mình những giờ phút khoan khoái, thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống “Hạ thưởng lục hà trì”. Đến bên bờ hồ sen, ngắm nhìn lá sen tròn xanh ngát như những cái ô che kín mặt hồ, những bông sen như búp tay tiên nữ lay động trong làn gió mát đưa mùi hương thoang thoảng bay xa, bay xa.
Hoa sen là biểu tượng của nhà Phật. Từ tranh, tượng, bất cứ nơi nào có hình tượng Phật, chúng ta đều thấy vị Phật ngồi xếp bằng trên đài hoa sen. Theo kinh điển Phật giáo, “Phật tọa tòa sen” mang một ý nghĩa thanh cao: Phật Pháp thì trang nghiêm thần diệu, mà hoa sen lại mềm mại, thanh tịnh và ngan ngát hương thơm. Cho nên, đài sen nghiêm trang, hương thơm thuần tịnh, là nơi Phật có thể tĩnh tọa.
Hoa sen cũng là một trong 8 biểu tượng cát tường của Phật gia (bát bảo cát tường). Ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm tọa trên tòa sen, chúng ta còn thấy các vị Bồ Tát khác tay cầm hoa sen, hoặc làm thủ ấn liên hoa (thế tay hình hoa sen).
Hoa sen ngụ ý rằng sinh mệnh sinh ra trong sinh tử phiền não, nhờ tu luyện mà thoát khỏi sinh tử phiền não, tứ đại đều là không, do đó hoa sen có ý nghĩa “Liên hoa tàng thế giới” (Hoa sen chứa cả thế giới).
Hoa sen còn là một trong các đặc trưng của Đạo giáo, tượng trưng cho người tu hành ở trong trần thế ô trọc mà không bị nhiễm, gian khổ tu luyện thành Chân nhân.
Hoa sen cũng là một trong các đặc trưng của Nho giáo, tượng trưng cho cốt cách thanh cao, trong sạch, khí tiết của bậc quân tử: “Xuất ứ nê nhi bất nhiễm” (Mọc lên từ chốn bùn lầy mà không hề nhiễm bẫn).
Trong văn hóa dân gian, hoa sen tượng trưng cho sự cao quý, thanh khiết: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sen cũng là biểu tượng của cái tình, sống có trước có sau “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Ngôi chùa tượng trưng cho Phật giáo Việt Nam cũng được tạo hình từ hình dáng bông sen – chùa Một Cột.
Thưởng ngoạn hồ sen xanh biếc, gió đưa hương thoang thoảng xua đi cái nóng nực ngày hè, làm vợi đi bao nỗi âu lo và bộn bề của cuộc sống. Bao ưu tư phiền muộn, bao lo nghĩ tranh giành, cùng những hỉ nộ ái ố trong cuộc sống thường nhật bỗng nhiên tiêu tan hết. Thả hồn vào thiên nhiên, ngắm những chiếc lá sen tròn tròn xanh biếc, ngắm những bông sen nồng đượm, nhắp tách trà sen thơm thơm chan chát, đăng đắng nhưng lại ngọt ngào. Ta bỗng thấy được ý nghĩa của cuộc đời, cuộc sống như chén trà, đắng chát, ngọt lành bao nhiêu dư vị cuộc đời.
Thời xưa, cách thưởng trà của giới sỹ phu và nho sinh Việt Nam còn cầu kỳ hơn trà sen Hồ Tây hiện nay nhiều lắm: “Khi hoàng hôn bắt đầu nhuộm hồng mặt hồ là lúc các thiếu nữ chèo thuyền ra chọn những búp sen đẹp nhất, lén bỏ vào trong một dúm trà nhỏ. Hôm sau, bình minh còn chưa kịp lên, những dúm trà ướp đầy hương sen đã được cẩn thận mang về. Trà được pha bằng thứ nước tinh khiết hứng từ những giọt sương đọng trên lá sen. Đó chính là thiên cổ đệ nhất trà”.
Cách thưởng trà độc đáo này của người xưa có thể sánh ngang với trà đạo Nhật Bản, hay trà nghệ Trung Hoa vậy.
Mùa hạ vừa mới bắt đầu, cũng là mùa sen nở, chúng ta cùng “Hạ thưởng lục hà trì” với bài thơ Đường “Khúc trì hà” của Lư Chiếu Lân, một trong “Sơ Đường tứ kiệt”.
Phù hương nhiễu khúc ngạn,
Viên ảnh phúc hoa trì.
Thường khủng thu phong tảo,
Phiêu linh quân bất tri.
Dịch nghĩa:
Hương thơm lan tỏa quanh bờ ao uốn lượn,
Bóng tròn che kín ao hoa.
Luôn luôn e sợ gió thu đến sớm,
Làm hoa rụng tan tác mà người chẳng biết.
Dịch thơ:
Hương ngát lan hồ biếc,
Bóng tròn phủ hồ hoa.
Chỉ sợ gió thu sớm,
Tàn tạ nào ai hay.
Đời người vô thường như bông sen tươi đẹp kia, chỉ cơn gió thu là tàn tạ. Nhưng hương sen, cũng như tinh thần của con người thì bất diệt, mãi mãi để lại hương thơm cho đời.
Nam Phương
Xem thêm: