Xưa ở nước Liêu có một nàng công chúa tên là Thiên Hành. Thiên Hành thông minh lanh lợi, tính tình mạnh mẽ, quyết đoán. Nàng không thích đàn múa hát ca, mà chỉ thích học quyền luyện võ, cưỡi trên lưng ngựa rong ruổi khắp giang sơn.
Khi còn là một tiểu công chúa nhỏ tuổi, nàng đã học võ thuật và được sư phụ truyền cho một thanh bảo đao quý hiếm.
Khi Thiên Hành đến tuổi trăng tròn, phụ vương muốn tìm cho nàng một phò mã xứng đáng. Nhưng trong tất cả những người đến cầu hôn, không một ai có thể khiến công chúa xiêu lòng.
Khát khao cầu Đạo, công chúa rời hoàng cung
Một ngày, Thiên Hành trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, một chàng thư sinh vô cùng khôi ngô tuấn tú đã đọc cho nàng nghe bài thơ rằng:
“Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu,
Nhân sinh phồn hoa chi đa thiểu,
Tuế nguyệt du du thiên bách độ,
Công thành danh tựu thân thể khô.
Hà xứ thị vĩnh hằng?
Duy hữu tu luyện phương thành kim cương bất hoại thân!”
Dịch thơ:
Xuân hoa thu nguyệt tự bao giờ,
Đời người phồn hoa tựa giấc mơ
Ngàn năm đằng đẵng qua rồi nhỉ,
Công thành danh toại mắt đã mờ.
Vĩnh hằng là cõi nơi đâu?
Nhục thân bất hoại tu thành kim cương!
(Bản dịch của Nam Phương)
Dù chỉ gặp trong mộng, nhưng Thiên Hành đã có cảm giác vô cùng thân thiết với chàng thư sinh này. Đến khi công chúa choàng tỉnh dậy, những câu thơ của chàng vẫn còn văng vẳng bên tai.
Công chúa ngồi trong căn phòng tĩnh mịch, nàng quay sang nhìn những thị nữ của mình đang nằm ngủ. Rồi nàng thắp lên một ngọn đèn và ngắm nhìn dung mạo như hoa như ngọc trên chiếc gương đồng. Gương mặt xinh đẹp ấy, đôi mắt trong sáng tựa sao trời ấy, làm sao nàng có thể bảo trì vĩnh viễn tuổi trẻ và nhan sắc của mình?
Thời gian vẫn trôi đi như một dòng sông dài đằng đẵng. Công chúa nghĩ về giấc mơ vừa qua mà bất giác thở dài. Những câu thơ vẫn in hằn trong tâm trí như một lời giục giã, một lời nhắc nhở về nguyện ước xa xưa. Rồi đột nhiên, một quyết tâm mạnh mẽ thúc giục công chúa rời khỏi hoàng cung. “Ta muốn đi, dẫu phải bôn ba khắp góc biển chân trời cũng phải tìm bằng được ý nghĩa nhân sinh”. Nàng bèn viết một bức thư gửi vua cha:
“Phụ vương, xin hãy thứ lỗi cho Thiên Hành bất hiếu vì đã không nói lời từ biệt. Hài tử muốn ra đi để tìm kiếm chính Pháp, giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đến khi tu thành chính quả, hài tử nhất định sẽ quay lại cứu độ song thân!”.
Thiên Hành công chúa gạt những giọt nước mắt lăn trên má, nàng mang thanh bảo đao bên mình, cưỡi trên con kỵ mã và rời khỏi hoàng thành.
Sáng hôm sau khi đọc bức thư, hoàng thượng đã khóc một lúc lâu. Phải mất một thời gian sau ông mới nguôi ngoai đi phần nào. Cuối cùng, ông tự nhủ: “Nếu hài tử thực sự có thể tìm được chính Pháp và thoát khỏi luân hồi sinh tử, chẳng phải là rất tốt sao? Khi Thiên Hành còn nhỏ, nó đã không hứng thú với những tranh quyền đoạt lợi nơi trần thế. Nó rời khỏi hoàng cung âu cũng là Phật duyên, vậy nên ta không có điều chi phải luyến tiếc”.
Dòng đời đẩy đưa, trở thành cường đạo
Sau khi Thiên Hành công chúa rời khỏi hoàng thành, nàng đã đi du ngoạn khắp nơi. Một ngày, nàng tới núi Đại Thanh Sơn. Trước đây phụ vương đã từng kể về sơn trại của những anh hùng hảo hán trên ngọn núi này, và vì một lý do nào đó, sơn trại trên núi hiện không có ai làm thủ lĩnh.
Trong khi công chúa đang miên man suy nghĩ thì một đám người lạ mặt chạy xuống và bao vây lấy nàng. Dẫn đầu đám lâu la là một đại hán mặt đỏ với cây đại chùy trong tay. Hắn vừa chắn ngang đường vừa nói: “Xú nha đầu, mau mau đưa tiền ra thì bổn đại gia sẽ tha mạng cho. Bằng không, ta sẽ cho ngươi nếm mùi vị của cây chùy này”.
Thiên Hành rút thanh bảo đao và không hề tỏ ra sợ hãi. Sau một vài phen giao tranh, cây đại chùy của tên đại hán đã phải chịu khuất phục trước thanh bảo đao của Thiên Hành.
Thiên Hành nhảy lên ngựa vừa định rời đi thì tên đại hán quỳ xuống nói: “Xin cô nương dừng bước. Tại hạ có điều muốn thương lượng, không biết có được hay không?”.
“Không biết cô nương có nghe nói về việc bổn sơn trại đang trong trạng thái vô thủ lĩnh hay chưa. Hôm nay thấy cô nương võ nghệ siêu quần, nhất định là bậc hành hiệp trượng nghĩa. Chúng tôi mong cô nương lên núi làm trại chủ, huynh đệ chúng tôi nguyện nghe theo sự điều khiển của cô nương”.
Thiên Hành thầm nghĩ, dẫu sao mình cũng không có nơi nào để dung thân, vậy nên đã đồng ý. Kể từ đó, Thiên Hành trở thành thủ lĩnh của sơn trại.
Nhiều năm sau đó, Thiên Hành và nhóm thổ phỉ đã hạ thủ rất nhiều tham quan trụy lạc và những kẻ giàu có ăn chơi sa đọa, bảo vệ sự công bằng cho những người dân lương thiện. Bởi hành hiệp trượng nghĩa, Thiên Hành được dân chúng quanh vùng gọi là ‘bảo đao nữ hiệp’. Mặc dù vậy, khi niềm hân hoan thắng trận qua đi, nàng lại thấy tủi phận vì nguyện ước chưa thành: “Ta đã rời hoàng cung để tầm Đạo cầu Pháp, nhưng số phận run rủi lại dẫn dắt ta trở thành cường đạo! Than ôi, khi nào ta mới tìm được chân Pháp để tu luyện đây?”.
Gặp người trong mộng, tiếp tục con đường đi tìm Đạo
Một ngày, trong khi Thiên Hành và băng nhóm đang tụ họp trong sơn trại thì một tên tiểu lâu la vào bẩm báo: “Ở dưới núi có một nhóm người đang đi ngang qua, trông rất giống những tên tham quan và nhà giàu. Chúng tôi đã bắt tất cả bọn họ, ngoại trừ một tên có dáng dấp thư sinh. Hắn nói rằng hãy để hắn vào nói với trại chủ hai câu rồi muốn làm gì cũng được”.
Thiên Hành nói: “Đem hắn lên đây. Ta muốn xem hắn là ai mà to gan lớn mật nói ra những lời khẩu khí vậy”.
Không lâu sau, người thư sinh được đưa lên núi, dù đứng trước mặt nữ trại chủ nhưng không hề tỏ ra sợ hãi chút nào. Anh ta nói với Thiên Hành: “Nghe nói trại chủ được ca ngợi là ‘bảo đao nữ hiệp’, nhưng hôm nay gặp mặt mới thấy rằng cũng chỉ là hư danh”.
Thiên Hành không vừa ý, nàng hỏi: “Ngươi muốn ám chỉ điều gì?”.
“Bậc hành hiệp trượng nghĩa không bao giờ lạm sát người vô tội. Nhưng hôm nay cô nương không thèm hỏi xem tại hạ là ai trước khi hành sự, đây có phải là tùy tiện giết người hay không?”.
Thiên Hành đáp: “Được rồi, để ta hỏi ngươi: Tại sao ngươi lại đi cùng những người đó?”.
“Tại hạ là nhân sĩ vùng Liêu Đông, tên là Lý Bằng Phi. Tại hạ muốn lên núi Hoa Sơn cầu Pháp, tìm cách thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Trên đường đi, tại hạ gặp nhóm người đó nên mới đi cùng với họ. Bây giờ đến lượt tại hạ hỏi cô nương hai câu: Thứ nhất, khi nào thì cô nương ngừng việc sát nhân? Thứ hai, cô nương có biết rằng ‘thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ chính là Thiên lý hay không?”.
Thiên Hành bỗng sững sờ và không nói được câu nào. Đột nhiên nàng nhớ lại giấc mơ về chàng thư sinh năm ấy. “Có thể nào đây chính là người đã xuất hiện trong giấc mơ của ta?”.
Đêm hôm ấy Thiên Hành trằn trọc mãi không ngủ được. Nàng cứ nghĩ mãi về câu hỏi nhân sinh và lý tưởng của mình. Nhưng điều ám ảnh Thiên Hành nhất là nàng đã giết rất nhiều người trong những năm qua và là thủ lĩnh của một băng nhóm thổ phỉ, vậy nàng còn có thể tu luyện được không? Hơn nữa, vì là trại chủ bôn tẩu chốn giang hồ, nàng đã nhiễm rất nhiều thói xấu ở nơi sơn trại này, vậy nàng còn có thể tu luyện trong đời này hay không? Nàng không ngừng suy nghĩ và không sao ngủ được.
Ngày hôm sau, Thiên Hành kể về nỗi lòng mình cho Lý Bằng Phi nghe. Bằng Phi nói: “Không có vấn đề gì chừng nào cô nương còn có thiện niệm và thiện hành. Phật chỉ nhìn nhân tâm. Cổ nhân có câu: “Tri thác năng cải, thiện mạc đại yên” (Biết sai để sửa, chẳng phải việc thiện sao). Phật Pháp vô biên, có thể đưa con người trở về bản lai thuần chính. Ngoài ra… cô nương đã quên mất tại hạ, tại hạ sẽ luôn ở bên cô nương”.
Nhìn Bằng Phi thân đầy chính khí, Thiên Hành bất giác thấy trong lòng ngưỡng mộ. Hai người hàn huyên tâm sự với nhau một hồi lâu. Và rồi Thiên Hành triệu tập tất cả huynh đệ trong sơn trại, tuyên bố hai người sẽ thành thân và cùng nhau vân du đi tìm Đạo…
Tinh tấn tu luyện, cưỡi hạc tiên về trời
Không biết Thiên Hành và Bằng Phi đã phải chờ đợi bao lâu, phải trải qua bao cay đắng ngọt bùi mới tìm được chính Pháp chính Đạo. Chỉ biết rằng, khát khao tu luyện của họ thuần khiết tựa pha lê, lấp lánh như vàng kim loé sáng. Chính vì nguyện cầu chân chính ấy, họ đã được Thần Phật hiển linh, cho cả hai được nhìn thấy Phật quang xuất hiện trên đỉnh núi. Một vị cự Phật khai thị cho họ rằng: “Dụng tâm lai tu, tất thành chính quả!”, sau đó cự Phật biết mất trong ánh kim quang.
Về sau, Thiên Hành và Bằng Phi đã ở lại trên đỉnh Hoa Sơn và cùng nhau tu luyện. Trải qua 30 năm tinh tấn không ngừng, cuối cùng cả hai đã đắc Đạo thăng thiên, cưỡi hạc tiên cùng bay về trời…
“Dụng tâm lai tu, tất thành chính quả!”
Người xưa vẫn giảng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Dù là bất kỳ ai, thì nguyện ước lớn nhất của sinh mệnh vẫn là được quay trở về với bản tính ban sơ thuần khiết của mình. Đến như Thiên Hành công chúa, đã từng sa chân lỡ bước hành tẩu chốn giang hồ, nhưng cho đến cuối cùng, thì hành trình tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh mới thật sự là những gì nàng chờ đợi.
Lại cũng có câu nói rằng: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Con người sống trong mê, qua tháng năm đằng đẵng đã tạo biết bao nhiêu nghiệp chướng. Nhưng chỉ cần trong tâm luôn có Đạo, một lòng hướng thiện, quy chính, cải tà, thì bất cứ ai cũng có thể rũ bỏ bùn nhơ, được tịnh hoá trong ánh sáng của Phật Pháp mà trở thành những sinh mệnh thánh khiết vô ngần.
Ấy chính là:
“Thất thải Phật quang tự thiên giáng,
Vạn ban tường thụy phá mê mang
Thù thắng mỹ diệu mãn khung vũ,
Thần Phật từ bi chiếu đại thiên!”
Dịch thơ:
Phật quang rực rỡ sáng nhân gian
Tốt lành muôn vạn phá mê tan.
Mỹ diệu huy hoàng tràn vũ trụ,
Thần Phật từ bi phúc vô vàn.
(Bản dịch của Nam Phương)
Theo Chánh Kiến
Hồng Liên biên tập