Đào Khản cũng có ghi chép về kỳ ngộ của mình về “Mộng Thiên”: Một lần, Đào Khản trong mơ thấy mình mọc ra tám cánh, vỗ cánh rồi bay vút lên trời. 

Trường hợp 3: Hoàng hậu Đặng Nhuy mộng Thiên thành tựu sự nghiệp

Hoàng hậu Hòa Hi (81-121), nguyên danh Đặng Nhuy, là cháu gái của Đặng Vũ, là quan thái phó của Hán Quang Vũ Đế. Đặng Vũ xuất thân từ một danh gia vọng tộc ở Nam Dương, cùng Hán Quang Vũ Đế khởi sự, lập công lớn giúp Hán Quang Vũ Đế bình định thiên hạ, là người đứng đầu “Vân Đài 28 tướng”. Cha ông là Đặng Huấn, từng là giáo úy bảo vệ Khương. Mẹ ông là Âm thị, là con gái của Âm Lệ Hoa. Đặng Nhuy là con gái thứ hai của Đặng Huấn, nàng có chị gái là Đặng Yến, em gái Đặng Dung.

Khi Đặng Nhuy lên 5 tuổi, một lần bà của Đặng Nhuy đích thân cắt tóc cho cháu. Bà của Đặng Nhuy đã già, mắt không được tốt lắm, bà vô ý làm đau trán Đặng Nhuy, Đặng Nhuy chỉ nhẫn chịu đau đớn mà không nói lời nào. Những người xung quanh cô bé đã rất ngạc nhiên khi họ nhìn thấy, vì vậy họ đã hỏi cô bé tại sao. Đặng Nhuy nói: “Không phải không cảm thấy đau, Thái phu nhân thương ta, cắt tóc cho ta, ta kêu lên sẽ làm lão nhân gia đau lòng, do đó ta thà nhẫn một tí.”

Năm sáu tuổi, Đặng Nhuy bắt đầu đọc “Sử Trứu Thiên”, bảy tuổi học “Luận ngữ” của Khổng Tử, mười hai tuổi đã tinh thông “Thi kinh” và “Luận ngữ”. Khi các anh trai đang học, Đặng Nhuy thường cùng các anh thảo luận với nhau những vấn đề khó. Chí hướng của Đặng Nhuy là thông thạo kinh thư điển tịch, nàng không thích hỏi về những việc nhỏ nhặt gia đình. Mẹ Đặng nhìn thấy liền mắng: “Nha đầu này, không học nữ công gia chánh, mà lại thay đổi bổn phận nữ nhi đi tu học kinh sách, lẽ nào muốn ứng cử tiến sĩ sao?” Đặng Nhuy khó có thể không vâng lời mẹ, nhưng nàng cũng không muốn từ bỏ sở thích của mình, nên nàng ngoài việc học nữ công gia chánh lúc ban ngày, còn buổi tối lại đọc kinh thư. Cha của Đặng cảm thấy con gái mình khác thường, nên ông cũng không phản đối nàng đọc sách, trái lại mọi sự lớn nhỏ đều thảo luận thương nghị với con gái. Điều này thực sự cho phép Đặng Nhuy tiến bộ nhanh chóng về mặt học ​thức và đạo đức.

Năm Vĩnh Nguyên thứ tư (năm 92 SCN), Đặng Huấn, cha của Đặng Nhuy qua đời, Đặng Nhuy ngày đêm thương tiếc, chí thành thủ hiếu ba năm, cả người tiều tụy, dung mạo xinh đẹp dường như bị hủy, khiến người thân dường như không thể nhận ra. Chính tại thời kỳ này, Đặng Nhuy đã có ba giấc “mộng Thiên”. Đặng Nhuy mộng thấy bản thân mình chạm đến “Thiên”, thiên thể thản đãng quảng đại, màu sắc xanh lam thuần khiết, “Thiên” có khi hình thành một thứ giống như núm vú, và Đặng Nhuy ngẩng mặt lên mà mút nó.

Có thể giấc mơ quá chân thật nên người nhà đã tìm thầy bói mộng để giải mộng. Thầy bói mộng, người thông thạo những giấc mộng cổ kim, vừa nghe về giấc mộng của Đặng Nhuy, đã vô cùng kinh ngạc, nhanh chóng mở điển cố mộng sự cổ đại, giải thích: Thánh nhân cổ đại Nghiêu từng mơ thấy mình vịn trời mà leo lên, sau này Nghiêu thành thánh chủ một thời; Quân chủ khai quốc Yên Thương Thang Vương cũng từng mộng thấy “Thiên”, cũng liếm và hút nước dịch của thiên thượng, sau này Thang Vương đã mở ra vương triều Yên Thương suốt 600 năm. Những giấc mộng loại này ngụ ý dấu hiệu của thánh vương trước khi trở thành thánh vương. Đặng Nhuy có giấc mộng thần kỳ này, đây là điềm cát tường khó tả.

Người nhà khi nghe lời phán đoán của thầy bói mộng đều ngạc nhiên vui mừng xen lẫn chút bối rối. Bởi vì khi đó Đặng Nhuy đã khóc tang thủ hiếu cha ba năm, gầy gò đến mức chỉ thấy da bọc xương, làm sao có thể có điều cát tường như vậy? Thế là gia đình lại mời thầy tướng đến xem tướng. Kết quả không xem không biết, vừa thấy liền giật mình, bản thân thầy tướng cũng kinh ngạc không kém, trực tiếp nói: “Đây là pháp cốt của Thành Thang!” Các thành viên của gia tộc Đặng Nhuy bác cổ thông kim, họ có thể hiểu ngay: Điều này không phải dự thị rằng Đặng Nhuy sẽ thành tựu và địa vị giống như quân chủ Yên Thương Thành Thang sao? Đặng Nhuy là một nữ nhân, nữ nhân nếu có thể thành tựu địa vị cấp bậc quân chủ, vậy chẳng phải là hoàng hậu sao? Họ Đặng thầm kinh ngạc, nhưng không dám công khai.

Sau đó, Đặng Nhuy được chọn vào cung, dần dần được Hán Hòa Đế Lưu Triệu tin tưởng và sủng ái, trở thành hoàng hậu thứ hai của Hán Hòa Đế. Sau khi Hán Hòa Đế băng hà, Đặng Nhuy với thân phận hoàng thái hậu đã lâm triều trong 16 năm. Trong thời gian chấp chính của mình, bà đã thực hành tiết kiệm, đại lực cứu trợ thiên tai, bình định ngoại xâm và hưng thịnh văn hóa. Thời kỳ Đặng Nhuy chủ chính, bà từng tài trợ cho Thái Luân cải thiện kỹ thuật làm giấy; mời Trương Hoành nhập triều, nghiên cứu chế tạo máy đo hỗn thiên và máy đo địa chấn; giao cho học giả Hứa Thận chấn chỉnh quy phạm chữ Hán, xúc tiến thành sách chữ “Thuyết văn giải tự”. Bà cũng chú trọng giáo dục văn hóa, tiên phong sáng lập học đường nam nữ cùng trường, cung cấp học đường giáo dục cho trẻ em gái.

Lực ảnh hưởng văn hóa được hình thành trong thời kỳ lâm triều chủ chính của Đặng Nhuy, đặc biệt là trong phương diện phát minh ra kỹ thuật làm giấy và quy phạm văn tự đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá và khuếch đại văn hóa Trung Quốc, và những thành tựu của nó không kém gì những thành tựu vĩ đại của triều đại nhà Thương. Điều này chẳng phải phù hợp với ý nghĩa của “mộng Thiên” của Đặng Nhuy sao?

Một lưu ý bên lề là: sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, “mộng Thiên” của Đặng Nhuy có thể hút “chất lỏng của Thiên”, điều này về ý nghĩa văn hóa đã phá vỡ nhận thức vật lý tính của chúng ta về “Thiên”. “Thiên” có phải là mẹ của sinh mệnh trong không gian vũ trụ của chúng ta không? Quý vị nghĩ sao?

Trường hợp 4: Đào Khản trong mơ mọc ra tám cánh bay lên trời

Đào Khản (259 – 334 SCN), tự Sĩ Hành, người Bà Dương, Giang Châu, sau đó ông chuyển đến quận Lư Giang, huyện Tầm Dương, là một danh tướng thời nhà Tấn. Đào Khản vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khó, từ khi được Lưu Hoằng, thứ sử Kinh Châu trọng dụng, ông đã dùng võ công và chức vụ được phong để an định xã hội, kiến lập công lao. Kể từ khi cuộc thảo phạt Trương Xương phản loạn bắt đầu, ông đã luôn thăng tiến với những chiến công của mình, trải qua nhiều khó nạn và trắc trở, cuối cùng lên đến vị trí thái úy, chỉ huy quân đội, đô đốc quân sự tám châu kiêm thứ sử hai châu Kinh Giang; Trong các thế tộc có vị trí cao lũng đoạn chính trị của thời đại Đông Tấn, ông là một ngoại lệ hiển hách, khá đặc thù.

Đào Khản tòng quân 41 năm, “Cương nghị có quyền, minh ngộ giỏi quyết đoán”, ông không chỉ võ công cao cường, điều binh khiển tướng xuất sắc mà rất giỏi việc quan. Ông có công lớn trong việc củng cố chính quyền Đông Tấn và ổn định xã hội Giang Nam, được hậu thế ca ngợi.

Một lần, khi Đào Khản đang đi du ngoạn, ông nhìn thấy một người đàn ông tay đang cầm một nắm mạ non. Đào Khản bước tới và hỏi: “Xin hỏi người muốn sử dụng mạ này để làm gì?” Người kia đáp: “Đang đi trên đường, chỗ nào thấy thì thuận tay nhổ một đám.” Đào Khản tức giận, liền trách mắng: “Ngươi không những không đi làm ruộng, trái lại còn nghịch ngợm và nhổ trộm mạ của nhà người ta ư?” Thế là bắt người kia lại, đánh đòn trừng phạt.

Khi Đào Khản chuyển đến Quảng Châu làm thứ sử, phương nam là nơi yên bình vô sự. Nhưng Đào Khản ngày nào cũng không chịu nhàn rỗi, buổi sáng chuyển một trăm viên gạch từ phòng ra sân ngoài, chiều lại chuyển gạch từ sân vào phòng trong. Mỗi ngày đều cố gắng kiên trì như vậy, người ngoài không hiểu nên hỏi Đào Khản: Cái này để làm gì? Đào Khản trả lời, nói: “Ngày nay nam bắc cát cứ, hiện tại tình huống biểu hiện là không có việc gì, ta đang dốc sức thu phục lại vùng đất đã mất ở Trung Nguyên, nếu quá an nhàn thoải mái, e rằng một khi phát sinh chiến sự sẽ không thể đảm nhận đại sự.” Đây là điển cố nổi tiếng “Đào Khản chuyển gạch”.

Sách “Tấn thư – Đào Khản truyện” nhận xét: “Đào Công cơ thần minh giám tựa Ngụy Vũ (Tào Tháo), trung thuận cần lao tựa Khổng Minh.” Nếu xem lại những sự tích chính của Đào Khản, thì đánh giá này rất thích hợp.

Đào Khản không chỉ võ công cao cường, điều binh khiển tướng xuất sắc, mà còn cần mẫn trong việc điều hành chức vụ, “Đào Công cơ thần minh giám tựa Ngụy Vũ, trung thuận cần lao tựa Khổng Minh.” (Ảnh: Miền công cộng)

Đào Khản cũng có ghi chép về kỳ ngộ của mình trong “Mộng Thiên”: Một lần, Đào Khản trong giấc mơ mọc ra tám cánh, vỗ cánh rồi bay vút lên trời. Thiên môn (cổng trời) cao vút, tổng cộng có chín tầng trời, Đào Khản phi thăng mà xung qua các tầng, đã tiến vào tám Thiên môn, còn có một Thiên môn cuối cùng không thể tiến vào. Vì vậy, Đào Khản đã gắng sức quắp lấy “Thiên” bằng đôi cánh của mình, và khi đang nỗ lực hết sức, tiên nhân canh giữ Thiên môn đã dùng thần trượng quật cho một gậy, Đào Khản bất ngờ và bị rơi xuống. Khi rơi xuống đất, cánh trái của Đào Khản đã bị gãy. Sau khi Đào Khản tỉnh dậy, ông phát giác nách trái của mình sưng tấy và đau đớn.

Mô tả chi tiết về câu chuyện “Mộng Tiên” của Đào Khản hơi khác trong “Tấn thư – Đào Khản truyện” và bút kí “Di Uyển”. “Di Uyển” cho rằng, Đào Khản sau khi nắm được đại quân, binh quyền rất lớn nên tham vọng soán ngôi giống Tào Phi và Tư Mã Viêm, vì thế mới sinh ra giấc mộng này. Tuy nhiên, tác giả tin rằng giấc mơ bay lên trời của Đào Khản là sự truy cầu đối với cảnh giới cao, truy cầu thành tựu vĩ đại và sự giải thoát của Thánh Thần. Với tấm lòng và công đức của Đào Khản, vào thời đại Đông Tấn, ông thuộc hạng người có đạo đức thuần chính nhất lúc bấy giờ, đồng thời cũng là tấm gương cho các thế hệ quyền thần sau này: không tham luyến danh lợi, không giành giật địa vị. Phải chăng chính vì vậy, Đào Khản mới có thể mọc ra tám cánh và bay lên trời?

Một lưu ý bên lề là “Thiên” trong giấc mơ của Đào Khản có các tầng thứ và cảnh giới, và mỗi một cảnh giới “Thiên” đều có một “Thiên môn”, bên cạnh Thiên môn khả năng có những tiên nhân canh giữ Thiên môn. Vì vậy, sự khác biệt giữa “Thiên” này và “Thiên” trong các “mộng Thiên” trước đó là gì?

Làm thế nào chúng ta có thể làm sáng tỏ những bí ẩn văn hóa của “Thiên” và những thần bí phức tạp của “Thiên”?

Tác giả: Mai Hoa Nhất Điểm, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Từ Khóa: