Trong đời sống thường nhật, chúng ta thường nghe tới câu thành ngữ: “Mất bò lo làm chuồng”, ngụ ý chê bai người nào đó phạm sai lầm, để xảy ra hậu quả mới tìm cách khắc phục, thì đã quá muộn. Thực ra, câu thành ngữ này không có ý như vậy, nó bắt nguồn từ câu chuyện nước Sở thời Chiến Quốc.

Thời Chiến Quốc tại nước Sở, sau khi Sở Tương Vương lên ngôi, ông chỉ trọng dụng gian thần, chính trị hủ bại, quốc gia suy vi từng ngày. Nước Sở có một đại thần tên là Trang Tân, thấy tình cảnh như vậy trong lòng vô cùng lo lắng, lúc nào cũng nghĩ cách khuyên can vua. Nhưng Sở Tương Vương chỉ lo hưởng lạc, chẳng để lọt tai lời can gián nào.

Một hôm, Trang Tân thực sự không thể nhẫn chịu được nữa, bèn vào cung gặp Sở Tương Vương và nói: “Đại vương ở trong cung với mấy người xa hoa hưởng lạc, chẳng ngó ngàng đến quốc gia đại sự, quốc gia sớm muộn sẽ bị diệt vong thôi”.

Sở Tương Vương nổi giận mắng rằng: “Ngươi lú lẫn rồi, dám nguyền rủa nước Sở thế này, nói những lời hiểm ác làm mê hoặc lòng người sao?”.

Trang Tân thong thả trả lời: “Thần cảm thấy sự tình sẽ nhất định đến bước này, không dám cố ý nói nước Sở ra sao. Nếu đại vương sủng tín những người kia, nước Sở nhất định sẽ bị diệt vong. Nếu đại vương không tin lời thần, xin đại vương cho thần đến nước Triệu để tránh, xem sự tình cuối cùng sẽ ra sao”.

Trang Tân thấy Sở Tương Vương không tiếp thu lời khuyên của mình, nên đến nước Triệu lánh nạn. Trang Tân mới đến nước Triệu được 5 tháng, nước Tần quả nhiên đưa quân sang tấn công nước Sở.  Nước Sở dường như chẳng thể nào chống cự, nên quân Tần nhanh chóng đánh thẳng vào kinh đô nước Sở là Dĩnh Đô. Sở Tương Vương cuống quýt chạy trốn đến Dương Thành. Đến lúc này, ông nhớ đến lời khuyên can của Trang Tân, mới thấy Trang Tân nói quả không sai. Thế là Sở Tương Vương vừa hối hận vừa sai người đi đón Trang Tân về và nói: “Trước đây vì ta không nghe lời của khanh, do đó mới đến nông nỗi này. Giờ đây, khanh xem còn có biện pháp nào cứu vãn được không?”.

Sau khi bị quân Tần đánh Sở Tương Vương cuống quýt chạy trốn đến Dương Thành nhớ đến Trang Tân và mời ông về phò giúp. (Ảnh minh họa: amefird.com)

Trang Tân nói: “Chúa công thực sự có ý hối lỗi không?”. Sở Tương Vương nói: “Ta giờ hối hận lắm, không biết giờ có muộn không?”. Trang Tân nói: “Vậy để thần kể cho đại vương câu chuyện”.

Xưa có người nuôi một chuồng dê. Một hôm vào buổi sáng, ông ta phát hiện ra thiếu một con dê. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, thì ra chuồng dê bị đục một cái lỗ, ban đêm sói chui vào tha một con dê đi.

Hàng xóm vội khuyên ông ta: “Mau sửa chuồng dê, bịt cái lỗ lại đi”. Nhưng ông ta không muốn nghe lời khuyên, còn nói: “Dù sao dê cũng mất rồi, còn sửa chuồng làm gì nữa?”.

Ngày hôm sau, ông lại phát hiện ra lại thiếu một con dê. Thì ra sói lại chui qua lỗ hổng vào tha một con dê nữa đi. Ông ta rất hối hận vì đã không nghe theo lời khuyên của hàng xóm, rồi vội vàng sửa chuồng, bịt lỗ hổng lại. Từ đó sói không chui vào tha dê của ông ta được nữa.

Sở Tương Vương nghe chuyện, hiểu rõ ý của Trang Tân. Thế là Sở Tương Vương nói với Trang Tân rằng: “Trang ái khanh, vậy thì chúng ta nên làm thế nào?”.

Trang Tân phân tích tình thế hiện nay cho Sở Tương Vương, cho rằng tuy đô thành nước Sở bị chiếm, nhưng chỉ cần chấn chỉnh lại, sửa chữa sai lầm, nước Tần sẽ không thể tiêu diệt được nước Sở.

Sở Tương Vương nghe xong, liền chiểu theo lời Trang Tân làm, quả nhiên vượt qua được nguy cơ, chấn hưng nước Sở.

Câu thành ngữ “Vong dương bổ lao” (mất dê làm chuồng), nhưng người Việt chúng ta thường đổi sang thành câu “mất bò lo làm chuồng”, đã khái quát hai câu chuyện trên, ngụ ý rằng khi phát hiện ra sai lầm, nếu nhanh chóng khắc phục sửa chữa, thì vẫn có thể cứu vãn được, chưa đến nỗi quá muộn.

Nam Phương sưu tầm và biên dịch