Có bài thơ rằng:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa?
Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.
Lý Thái Tông văn võ song toàn, trị vì anh minh, sáng suốt, là người đặt nền móng, mở ra nền thịnh trị dài lâu cho vương triều Lý. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ cùng lần giở lại những trang sử hào hùng đáng nhớ về vị minh quân ấy.
“Thấy dân rét mướt, nghĩ mà thương
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt
Gót vàng dận dạn máy âm dương”
(Dệt cửi – Lê Thánh Tông)
Lê Ngọa Triều mất, Thái Tổ Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra nền đại trị cho nước Nam, cũng là một việc lành lớn cho nước nhà. Nhưng do cái lý âm dương của Trời Đất này mà trong cái tốt chắc chắn sẽ có cái xấu chực chờ. Khi con trai Lý Công Uẩn lên ngôi thì đất nước đã phải trải qua rất nhiều cuộc binh lửa và phản loạn suốt mấy chục năm. Tuy nhiên, đúng là lửa thử vàng gian nan thử sức, những khó khăn kia đối với bậc Thánh nhân trị đời lại là dịp để thi triển tài kinh bang tế thế của mình, để cứu muôn dân trong nước lửa, để lại thanh danh muôn đời.
Lý Thái Tông chính là trường hợp đó. Chưa bước lên ngai mà đã phải dẹp nội loạn và chinh chiến mấy chục năm từ trẻ đến già nhưng thời đại của ông là một trong những thời sáng chói nhất trong lịch sử với vũ công văn trị bậc nhất. Nếu bàn về một vị vua nào của Việt Nam có công nghiệp vĩ đại, khai mở nền thịnh trị tương đồng nhiều nhất với Đường Thái Tông Lý Thế Dân hay đánh dẹp thắng lợi như Hán Quang Vũ Đế thì chẳng ai hơn được ông vậy.
Thánh Hoàng đản sinh, binh chinh thiên hạ
Thái Tông hoàng đế tên thật là Lý Phật Mã, còn có tên khác là Lý Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ. Ông sinh ngày 26 tháng 6 âm lịch năm Canh Tý, niên hiệu Ứng Thiên thứ 7 thời Tiền Lê (tức 29 tháng 7 năm 1000) ở chùa Duyên Ninh trong kinh đô Hoa Lư. Lúc này Lý Thái Tổ vẫn còn làm quan dưới triều nhà Tiền Lê.
Cũng giống như cha mình xuất thân từ cửa Phật, Lý Phật Mã cũng được sinh ra chốn cửa chùa. Trên đời vốn không có gì là ngẫu nhiên, chi tiết này càng chứng tỏ Lý Phật Mã cũng giống với cha mình, là một vị vua được Trời chọn, được hưởng phúc báu cũng như sự bảo hộ của Thần Phật. Sự ra đời của ông chính là Trời cao và Thần Phật đã an bài phúc phận cho nước Đại Cồ Việt lúc bấy giờ vậy.
Vì thế nên ẩn trong năm sinh và tướng mạo của Lý Phật Mã đã có nhiều dấu hiệu tiên đoán trước cho cuộc đời của vị Hoàng đế bách chiến bách thắng này. Một định mệnh khó khăn, sắt máu nhưng đầy vinh quang đang chờ đợi ông. Đầu tiên là năm sinh Canh Tý đã nói lên tương lai của một vị Vua. Tý đứng đầu 12 con Giáp, tượng trưng cho vua. Chữ Canh thuộc Kim tượng trưng cho kim loại, binh khí, chiến tranh.
Sau đó, dấu hiệu trên thân thể cũng nói lên những điều tương tự. Tương truyền, thuở nhỏ ông đã có 7 nốt ruồi sau gáy như chòm sao thất tinh (sao Bắc Đẩu). Chòm sao này ở Ireland được ví như “cỗ xe chiến mã của vua David” (King David’s Chariot), một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Ở Pháp, nó là “Great Chariot”. Một cái tên phổ biến khác là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles – Charlemagne hay Charles Đại Đế là vị Hoàng đế chinh phục vĩ đại nhất của đế quốc Carolinger – tiền thân của nước Pháp). Bắc Đẩu trên vai vốn là hình tượng cỗ xe chiến tranh nổi tiếng, chẳng phải nói lên rằng đây sẽ là một vị vua chiến binh có tài chinh phục hay sao?
Còn theo Tử Vi Lý Số thì sao, hãy nhìn xem danh sách 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, tương ứng với 7 ngôi sao chòm Bắc Đẩu, bao gồm những ai:
- Bắc đẩu đệ nhất Dương Minh Tham Lang tinh quân
- Bắc đẩu đệ nhị Âm Tinh Cự Môn tinh quân
- Bắc đẩu đệ tam Chân Nhân Lộc Tồn tinh quân
- Bắc đẩu đệ tứ Huyền Minh Văn Khúc tinh quân
- Bắc đẩu đệ ngũ Đan Nguyên Liêm Trinh tinh quân
- Bắc đẩu đệ lục Bắc Cực Vũ Khúc tinh quân
- Bắc đẩu đệ thất Thiên Quan Phá Quân tinh quân
Tham Lang, Phá Quân, Vũ Khúc, Liêm Trinh đều là những vì sao được mệnh danh là Sát tinh, chủ việc quân sự, tổ hợp của các ngôi sao này đem lại sự tàn phá và bạo loạn. Ngoài ra còn có Lộc Tồn tượng trưng cho tiền bạc sung túc và mưu kế sâu xa trong binh pháp. Văn Khúc tượng trưng cho tài văn học, Liêm Trinh tượng trưng cho sát khí và uy quyền.
Tổ hợp sao này hầu như không ai muốn nó xuất hiện trong lá số tử vi. Sức phá hoại mạnh mẽ của nó khiến ít người có thể chế ngự nổi. Nhưng đối với bậc đại nhân “Chân mệnh Thiên tử” như Lý Thái Tông thì đây lại là một lá số tuyệt vời để ông dẹp yên thiên hạ với những vũ công hiển hách (Liêm Tham Vũ Phá) và xây dựng một nền văn trị giàu mạnh để đời (Văn Khúc Lộc Tồn).
Ngoài ra, tài năng và khí độ của ông thực chất đã thể hiện ra từ lúc nhỏ, tương truyền rằng khi cùng bọn trẻ con chơi đùa, ông có thể sai bảo được chúng, bắt chúng đi dàn hầu trước sau và hai bên như nghi vệ các quan theo hầu Thiên tử. Thái Tổ thấy thế vui lòng, nhân nói đùa rằng: “Con nhà tướng nên bắt chước việc quân, cần gì phải kẻ rước người hầu?”. Lý Phật Mã tuy còn ít tuổi nhưng trả lời ngay rằng: “Kẻ rước người hầu thì có xa lạ gì với con nhà tướng? Nếu xa lạ thì sao ngôi vị không ở mãi họ Đinh mà lại về họ Lê, đều do mệnh Trời thôi”. Thái Tổ kinh lạ, từ đấy càng yêu quý hơn.
Kim Long hiện thân, chân mệnh Thiên tử
Năm ông lên 11 tuổi (1010) thì Lý Thái Tổ dời đô về Đại La, nơi nổi tiếng với giai thoại rồng vàng bay lên (Thăng Long). Lý Thái Tông cũng có nhiều giai thoại liên quan đến rồng, như chứng tỏ cho thiên hạ biết nguồn gốc thân thế cao quý và siêu nhiên của mình.
Năm 13 tuổi (1012), ông được lập làm Đông cung Thái tử, lại được phong hiệu là Khai Thiên vương, lập phủ ở ngoài nội cung để được làm quen với các quan lại và dân chúng. Trong thời gian làm Thái tử, ông nhiều lần được cử làm tướng cầm quân đi dẹp loạn và đều lập được công trạng lớn.
Năm 1019, ông được trao quyền nguyên soái, cầm quân vào nam đánh Chiêm Thành. Khi đại quân vượt biển, đến núi Long Tỵ, có rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự, ông đi đến đỡ lấy rồng rồi rồng tan biến mất, người đời cho là điềm may. Năm 1023, ông cầm quân đi đánh Phong Châu. Năm 1025, ông đi đánh Diễn Châu, lập được công lao hiển hách, Thái Tổ hoàng đế rất hài lòng.
Năm 1027, Lý Phật Mã lên phía bắc đánh châu Thất Nguyên (Lạng Sơn). Cùng năm ấy, ông ban áo ngự cho một đạo sĩ tên Trần Tuệ Long ở Nam Đế quán. Đêm ngày đó có ánh sáng vàng hiện lên khắp quán, Tuệ Long hoảng hồn dậy thì thấy rồng vàng ở trên mắc áo. Người đời cho rằng đấy là mệnh Trời, đến đây đều thấy phù hợp cả. Thái tử nổi tiếng khắp kinh thành, bản tính nhân từ, sáng suốt dĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ, còn như lục nghệ lễ nhạc, ngự xạ, thư số không môn gì là không tinh thông am tường.
Dẹp loạn Tam Vương, nhân giả vô địch
Khi bàn về Lý Thái Tổ, người viết đã rất ngạc nhiên, khâm phục tài năng và lòng nhân hậu hiếm có trong lịch sử quân vương của cả Việt Nam và thế giới. Cha nào thì sinh ra con ấy, nên Lý Thái Tông cũng trị vì xã tắc với một lòng nhân từ hiếm có. Dù tài năng võ công của ông đủ sức tiêu diệt tất cả kẻ thù nhưng ông lúc nào cũng hạn chế giết người và luôn tha cho đối phương kể cả khi họ phạm đại tội phản loạn (vốn là tội nặng nhất, tội chết thời phong kiến).
Sử chép lại sự kiện đó như sau: “Mùa xuân, tháng 2, vua không khỏe. Tháng 3, ngày mồng 1 Bính Thân, nhật thực. Ngày Mậu
Tuất, vua băng ở điện Long An. Bề tôi đều đến cung Long Đức xin Thái tử vâng di chiếu lên ngôi. Ba vương là Đông Chinh, Dực Thánh và Vũ Đức nghe tin đều đem quân ở phủ mình vào phục sẵn trong cấm thành. Đông Chinh Vương phục ở trong Long Thành, hai vương Dực Thánh và Vũ Đức phục trong cửa Quảng Phúc, đợi Thái tử đến thì đánh úp.
Một lát sau, Thái tử từ cửa Tường Phù vào, đến điện Càn Nguyên, biết có biến, sai người hầu đóng hết các cửa điện và sai các vệ sĩ trong cung phòng giữ, nhân bảo tả hữu rằng: “Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa, quên di mệnh của tiên đế, mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?“.
Nội thị là Lý Nhân Nghĩa nói: “Anh em với nhau, bên trong có thể hiệp sứ bàn mưu, bên ngoài có thể cùng nhau chống giặc. Nay ba vương làm phản, thì là anh em hay là kẻ thù? Xin cho bọn thần đánh một trận để quyết được thua“.
Thái tử nói: “Ta lấy làm xấu hổ là Tiên đế mới mất chưa quàn mà cốt nhục đã giết nhau, há chẳng để cho muôn đời chê cười sao?“.
Nhân Nghĩa nói: “Thần nghe rằng muốn mưa xa thì phải quên công gần, giữ đạo công thì phải dứt tình riêng, đó là việc Đường Thái Tông và Chu Công Đán bất đắc dĩ phải làm. Nay điện hạ có cho Đường Thái và Chu Công là chăm mưu xa, giữ đạo công chăng? Hay là tham công gần, đắm tình riêng chăng? Điện hạ biết theo dấu cũ của Đường Thái, Chu Công thì đời sau ca tụng công đức còn chưa rỗi, còn rỗi đâu mà chê cười!“.
Nhân Nghĩa lại nói: “Tiên đế cho điện hạ là người hiền, đủ để nối được chí, tài đủ để làm nổi việc, nên đem thiên hạ phó thác cho điện hạ. Nay giặc đến vây bức cửa cung mà ẩn nhẫn như thế, thì đối với sự phó thác của tiên đế ra sao?“.
Thái tử im lặng hồi lâu rồi bảo Nhân Nghĩa và bề tôi trong cung là bọn Dương Bình, Quách Thịch, Lý Huyền Sư, Lê Phụng Hiểu rằng: “Ta há lại không biết việc làm của Đường Thái, Chu Công hay sao? Chỉ vì ta muốn che giấu tội ác của ba vương, khiến họ tự ý rút quân chịu tội để được vẹn toàn tình cốt nhục là hơn“.
Khi ấy phủ binh của ba vương vây bức càng gấp, Thái tử liệu không thể ngăn được, nói: “Thế đã như vậy, ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta chỉ biết làm lễ thành phục đứng hầu tiên đế, ngoài ra đều ủy cho các khanh cả“.
Bọn Nhân Nghĩa đều lạy hai lạy nói: “Chết vì vua gặp nạn là chức phận của bọn thần. Nay đã được chỗ đáng chết, còn từ chối gì nữa!“. Bèn ra lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông pha, đều là một người địch với trăm người. Quân đánh nhau chưa phân được thua, Phụng Hiểu tức giận rút gươm chạy thẳng đến cửa Quảng Phúc hô to rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngắp nghé ngôi báu, không coi vua nối vào đâu, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con, vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng“.
Rồi xông thẳng đến chỗ ngựa của Vũ Đức Vương. Vương quay ngựa tránh, ngựa quỵ xuống, bị Phụng Hiểu bắt giết. Phủ binh của ba vương thua chạy. Quan quân đuổi theo chém giết không sót một mống, chỉ có hai vương Đông Chinh và Dực Thánh chạy thoát được. Bọn Phụng Hiểu trở về, mặc áo trận đi vào báo tin thắng trận ở trước linh cữu Thái Tổ, rồi đến điện Càn Nguyên báo cho thái tử biết.
Thái tử úy lạo rằng: “Ta sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của cha mẹ để lại đều là nhờ sức của các khanh cả. Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều“. Phụng Hiểu lạy tạ hai lạy nói: “Đức của điện hạ cảm động cả trời đất, kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn thần có công sức gì!“.
Ở Trung Hoa, câu chuyện Huyền Vũ Môn nổi tiếng của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã đi vào sử sách muôn đời. Lý Thế Dân cũng lâm vào tình cảnh tương tự như Lý Thái Tông, buộc phải giết 2 người anh em của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát. Các sử gia vẫn ca ngợi điều đó như một lựa chọn sáng suốt, bất chấp tính đẫm máu của nó. Lý do là hành động đó được xem là đại nghĩa diệt thân, đem lại sự ổn định cần thiết cho triều Đường.
Còn Lý Thái Tông đã làm điều ngược lại khi tha cho các Vương tham gia phản loạn (trừ một người bị giết lúc chiến đấu). Nhưng triều đại của ông chẳng phải vẫn hùng mạnh và ổn định sao? Ông đã cho hậu thế thấy một điều là lòng nhân từ sẽ luôn chiến thắng và sinh mệnh của người khác vốn là điều rất trân quý, không thể tùy tiện mà giết người. Còn điều gì có thể đẹp hơn nữa không? Tên của ông (Phật Mã) vốn là có một chữ Phật cũng quả là không phụ cái danh đó vậy.
(Còn nữa)
Tĩnh Thủy