Trong tiểu thuyết “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân, Lưu Sa Hà là con sông lớn bao la, hùng dũng, rộng tám trăm dặm, sâu ba ngàn thước, là nơi lông ngỗng không nổi trên mặt nước, lau sậy phải chìm xuống đáy sông. Vậy Lưu Sa Hà thật sự là con sông như thế nào?
Tên thật của dòng sông Lưu Sa là Mạc Hạ Diên Thích, còn được gọi là Bát Bách Lý Hãn Hải, hiện nay là Ha Thuận Qua Bích, là địa danh nằm giữa La Bố Bạc và Ngọc Môn Quan. Theo ghi chép, con sông này thời cổ gọi là Sa Hà, dài tám trăm dặm, trên không nhìn thấy chim bay, dưới không có dấu thú chạy, đáy nước lại càng không có thuỷ tảo, hoàn cảnh tự nhiên thật vô cùng khắc nghiệt.
Tương truyền, rất lâu về trước, hoàn cảnh thiên nhiên của Lưu Sa Hà hết sức khốc liệt, có liệt hỏa, lốc xoáy, cát bụi cuồn cuộn, lại thêm tiếng sấm rền vang. Những người qua sông đều phải nhờ vào một vị thần vô cùng cao lớn, thần dùng hai bàn tay của mình làm chiếc cầu giúp họ qua sông. Sau khi sang tới bờ bên kia, vị thần này sẽ chắp hai bàn tay lại trước ngực để tiễn chân họ.
Trong “Đại Đường đại từ ân tự Tam Tạng pháp sư truyện” miêu tả: Ở Lưu Sa Hà, ban đêm nổi lên những đốm lửa quỷ dị như những ngôi sao rực rỡ, gió thổi cát bay mù mịt như trời mưa. Huyền Trang ở đây năm ngày bốn đêm không có một giọt nước, bị không gian huyễn hoặc ngăn cản hòng phá hoại lý tưởng sang Tây Thiên thỉnh kinh của ngài. Nhưng Pháp sư Huyền Trang đã dựa vào ý chí kiên định và lòng dũng cảm phi thường để ngăn những thứ nhơ bẩn kia quấy rối, cuối cùng đã qua được con sông rộng tám trăm dặm này.
Trong “Tam Tạng truyện” kể rằng, Pháp sư Huyền Trang trên đường đến Tây Thiên đã phải vượt qua Lưu Sa Hà rộng hơn tám trăm dặm, vắng tanh, trên không có bóng chim bay, dưới không có dấu thú chạy. Đây là đất ngự trị của vô số yêu tinh quỷ mị, nhưng Pháp sư không hề sợ hãi. Đi được năm ngày bốn đêm không có một giọt nước, cả người lẫn ngựa khát mệt lả, tưởng chừng như không thể đi được nữa.
Theo “Hoà Thượng Quải Khô Lâu Thượng Vân”, trên sông Lưu Sa bình thường không có thuyền tàu qua lại, chỉ có một con yêu quái lâu năm ở đây làm mưa làm gió, chuyên uống máu ăn thịt người, không sợ đất, không sợ trời, tự nhận là thần sông. Người đời cho rằng thủy quái ấy vốn không nghe theo chiếu chỉ của Ngọc Hoàng, cũng không nương nhờ vào Phật Pháp. Con yêu quái này khi tức giận sẽ làm gió, buồn rầu thì làm mưa, thích cưỡi gió, cưỡi mây, lúc rảnh rỗi sẽ dời cát, khiến nước dao động mãnh liệt, làm hại vô số sinh linh vô tội, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, xác chết phơi đầy bãi cát, còn khiến nhiều người chết đói trở thành cô hồn dã quỷ.
Có một vị tăng nhân nguyện ước sang Tây Thiên thỉnh kinh, vị tăng nhân này đã trải qua chín kiếp tu đạo, Phật Pháp vô lượng, đạo hạnh vô biên. Con yêu quái cho rằng, dù sao ngài cũng không cách nào qua được Sa Hà của ta, chỉ cần ăn thịt ngài thì pháp thuật của ta sẽ trở nên cao cường, cho dù ăn thịt một trăm người thường cũng không thể sánh với một vị cao tăng đắc đạo; hơn nữa chư thần ở xa xôi sẽ không đến đây, ta có thể thoải mái ăn thịt hoà thượng mà không ai ngăn cản.
Trong “Tây Du Ký”, hồi 22 cũng nhắc đến con sông nguy hiểm này. Con sông được miêu tả là: Tiếng sóng vỗ tựa non, nước cuộn dâng như núi. Cạnh bờ sông có bia khắc ba chữ “Lưu Sa Hà”, ở giữa bia khắc bốn câu:
“Bát Bách lưu sa giới,
Tam thiên nhược thủy thâm,
Nga mao phiêu bất khởi,
Lô hoa định để trầm.”
Nghĩa là:
Lưu Sa tám trăm rộng,
Nước yếu sâu ba ngàn;
Lông vũ không nổi được,
Hoa lau cũng phải chìm.
Còn con yêu quái trấn giữ Lưu Sa cũng vô cùng dữ tợn:
“Khắp đầu tóc đỏ rối tung,
Tròn xoe hai mắt sáng trưng như đèn.
Mặt thì xàm xạm đen đen,
Tiếng rồng như sấm thét lên vang lừng
Mình khoác áo lông ngỗng vàng,
Lưng thắt hai dải mây rừng trắng bong.
Chín đầu lâu cổ đeo vòng,
Tay cầm bảo trượng oai phong vô cùng.”
Trong lịch sử, có rất nhiều học giả đã từng đến Tây Vực, Tân Cương, vượt qua gian khó trùng trùng, đối mặt với gió cát mạnh mẽ trải dài đến vô tận của đại mạc, họ đều có cảm xúc mãnh liệt và hiểu biết sâu sắc. Nhiều người đã để lại những vần thơ tráng lệ như “Đại mạc cô yên trực, Trường hà lạc nhật viên” (Đại mạc làn khói thẳng, sông dài Mặt Trời tròn), ghi dấu lại chặng hành trình khắc nghiệt về Tây phương.
Còn theo “Dõi bước Huyền Trang”, tác phẩm ghi lại những nẻo đường khuất tịch và những vùng đất xa xưa mà Pháp sư Huyền Trang từng đặt chân qua, thì Lưu Sa Hà là con sông dài chảy qua Yên Kì. Vào mùa nước lớn, dòng sông sóng cuồn cuộn có thể nhấn chìm cả một thành phố trong biển nước. Dưới lòng sông có một lớp cát dày hơn 100 m, đó chính là lý do vì sao sông có tên là “Lưu Sa”, nghĩa là “cát chảy”. Khu vực Yên Kì nơi con sông chảy qua nằm dọc theo biên giới phía đông bắc của lòng chảo Tarim. Khi Pháp sư Huyền Trang vượt qua con sông này, ngài còn phải đối mặt với sa mạc Taklamakan mênh mông cát trắng. Tên gọi Taklamakan có nghĩa là “Nếu đã đi vào, bạn sẽ không thể trở ra”, hoặc có nghĩa “Sa mạc của sự chết” hay “Nơi chốn không thể trở lại”. Thế mới biết, hành trình sang Tây Thiên gian khó đến thế nào.
Chỉ một câu chuyện về con sông Lưu Sa Hà, nhưng đã để lại bao nỗi xúc động bồi hồi. Con đường thỉnh kinh xa xôi vạn lý, gian hiểm trùng trùng thật khiến lòng người cảm khái mãi không thôi.
Thanh Bình