Dù là đi, đứng, nằm, ngồi, hay lời ăn tiếng nói, thì người xưa đều coi trọng lễ nghi. Nét văn hóa truyền thống ấy cũng là lời nhắc nhở với mỗi chúng ta rằng, chớ tùy tiện dù là những hành động nhỏ nhất!
Người xưa rất coi trọng lễ nghi. “Lễ” luôn xuất hiện khắp mọi nơi trong xã hội truyền thống: Đi lại có lễ nghi, nằm ngồi có lễ nghi, tiệc tùng ăn uống có lễ nghi, ma chay cưới hỏi có lễ nghi, chúc thọ có lễ nghi, tế tự có lễ nghi, chinh phạt có lễ nghi…
Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, đa số con người đã không còn hiểu về lễ nghi truyền thống. Đó là bởi họ đã đánh mất truyền thống lễ nghi của tổ tông mình, nói cách khác chính là văn hóa Thần truyền.
Lễ nghi khi gặp mặt
Thường ngày khi mọi người gặp mặt phải thể hiện thái độ nhiệt tình, phải nho nhã lịch sự. Phải làm thế nào khi gặp gỡ những người có thân phận khác nhau? Thực ra đều có một quy tắc nhất định.
Ví như chào hỏi thông thường trong văn hóa truyền thống là hành lễ khoanh tay. Khoanh tay là một nghi lễ khi gặp mặt, hai tay nối vòng lại với nhau (bình thường là tay phải nắm khẽ, đặt ở trong, tay trái để lên trên tay phải) rồi giơ lên trước ngực, đứng mà không cúi người, thay cho những lời chào hỏi khách khí thông thường.
Nếu tới nhà người khác làm khách thì khi bước vào cửa và ngồi xuống, chủ và khách cùng khiêm nhường hành lễ với nhau rất lịch sự, lúc này họ sẽ hành lễ khoanh tay cúi đầu, gọi là “ấp nhượng” (khoanh tay cúi đầu khiêm nhường).
Ấp nhượng cũng là khoanh hai tay lại, nắm vào nhau. Thi lễ khoanh tay cúi đầu trong cuộc sống thường nhật là lễ nghi thường gặp, ngoài những trường hợp xã giao kể trên thì khi cảm ơn, chúc mừng, xin lỗi và nhờ cậy công việc, người xưa cũng thường hành lễ kiểu này.
Những người có thân phận cao cũng thường hành lễ khoanh tay cúi đầu với người có thân phận thấp hơn. Trong văn hóa truyền thống, mọi người còn hành lễ quỳ lạy với những bậc tôn giả cao quý, tức là hai gối quỳ trên sàn nhà, chắp tay dập đầu chạm đất theo một tiết tấu nhất định, còn gọi là khấu đầu.
Lễ nghi khi đi lại
Trong quá trình đi lại cũng phải chú ý tới cách xử lý những mối quan hệ nhân duyên, do đó mới có lễ nghi đi lại. Khi người có địa vị thấp đi lại trước mặt người có địa vị cao, nhất định phải cúi đầu khom lưng, đi thành từng bước nhỏ để thể hiện sự kính lễ với bậc tôn giả, đây gọi là “Xúc lễ”.
Lễ nghi đi lại trong văn hóa truyền thống còn có nguyên tắc “Hành bất trung đạo, lập bất trung môn”, nghĩa là đi bộ thì không được đi ở giữa đường, cần đi sát vào mép đường; khi đứng cũng không được đứng ở giữa cửa. Như vậy vừa thể hiện sự kính lễ với bậc tôn giả, lại có thể nhường cho người đi đường.
Lễ nghi khi vào ngồi
Lễ nghi trong xã hội truyền thống được sắp đặt rất tỉ mỉ. Khi ngồi xuống ghế cũng phải phân tôn ti, chủ thứ, người tôn quý ngồi trên, người thân phận thấp ngồi dưới.
Thân phận như thế nào thì vị trí ngồi như vậy, điều này cũng đều có một quy tắc nhất định. Nếu hồ đồ mà ngồi nhầm chỗ, thì không chỉ khiến chủ nhà không vui, mà sau chuyện này người ấy cũng sẽ hối không kịp vì hành vi thất lễ này.
Nếu bạn không chắc chắn xem mình nên ngồi chỗ nào thì cách tốt nhất là hãy nghe theo sự sắp xếp của chủ nhà. Thứ tự chỗ ngồi coi hướng Đông là hướng tôn kính, tức là khách phải ngồi sang ghế hướng Tây, thông thường chủ nhân sẽ ngồi ở ghế phía Đông. Những người lớn tuổi có thể được sắp xếp ngồi tại vị trí hướng mặt về phía Nam, tức là ngồi ở ghế hướng Bắc. Bậc vãn bối hầu rượu thường ngồi ở vị trí hướng về phía Bắc.
Quy tắc khi ăn vào bàn ăn là ngồi sát gần khay để đồ ăn, khi không ăn thì cơ thể hơi ngả về phía sau, nên còn gọi là “hư tọa tận hậu” (ngồi gần, ngả về sau). Có khách quý tới thì phải lập tức đứng dậy bày tỏ sự tôn kính.
Lễ nghi khi dùng bữa
Lễ nghi trong văn hóa ẩm thực của người xưa chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Vào thời Tiên Tần, “Lễ nghi khi dùng yến tiệc phải nhìn khách khứa tứ bề” (Dĩ hưởng yến chi lễ thân tứ phương tân khách). Người đời sau khi cùng nhau ăn uống cũng thường thể hiện từng màn nghi lễ. Những bữa tiệc đón khách được gọi là “tiếp phong” (đón gió), “tẩy trần”, những bữa yến tiệc tiễn khách thì gọi là “tiễn hành” (tiễn đưa).
Lễ nghi trong các buổi yến tiệc dù là đón khách hay tiễn khách cũng đều không thể không có rượu, “không rượu không thành lễ nghi”. Trên bàn tiệc cũng có rất nhiều lễ tiết, khách phải đợi chủ nhà nâng ly mời rượu xong mới được uống, nên được gọi là “uống cùng với người, đừng nâng ly trước”.
Nếu khách muốn tỏ lòng cảm ơn chủ nhà đã khoản đãi, cũng có thể nâng ly kính rượu chủ nhà trong khi bữa tiệc đang diễn ra. Trong khi dùng bữa cũng phải đợi chủ nhà động đũa trước thì khách mới có thể động đũa, nên được gọi là “khi ăn cùng người, cẩn thận đừng nếm trước”. Thời xưa còn có một loạt những quy tắc như: “Khi ăn không được thở dài”, “Ăn không nên quá no, dùng bữa không xoa tay”, “Không cho chó ăn xương”, chủ và khách cùng tôn trọng nhau, tạo nên một bầu không khí ăn uống hài hòa, văn minh, lịch sự.
Lễ nghi khi chúc tụng chia buồn
Người xưa khi chúc tụng, chia buồn cũng có rất nhiều nghi lễ tập tục. Lễ nghi chúc tụng thông thường là vào những ngày lễ Tết, thông thường là bậc vãn bối hoặc người có địa vị thấp kính lễ với bậc trưởng bối, hoặc giữa những người cùng trang lứa cũng sẽ chúc mừng lẫn nhau.
Ví như vào ngày Tết nguyên đán thời xưa có nghi lễ chúc tụng nhau giữa các quan chức trong triều và nghi lễ chúc mừng năm mới trong dân gian. Khi làm lễ chúc mừng, mọi người không chỉ bày tỏ thái độ cung kính, miệng thốt ra lời chúc mừng, cúi đầu khấu bái, mà mọi người còn phải dâng lên quà mừng.
Lễ nghi khi chia buồn lại chủ yếu dùng khi xảy ra đại sự trong đời người. Một đời người phải trải qua rất nhiều giai đoạn như sinh ra, trưởng thành, kết hôn, chúc thọ, lìa đời. Một loạt những lễ nghi được hình thành xoay quanh những thời điểm này trong kiếp người.
Con cháu sinh sôi nảy nở là chuyện đại sự của gia tộc, nên lễ sinh hạ tự nhiên trở nên long trọng, náo nhiệt. Khi đứa trẻ tròn một tháng tuổi, họ hàng, bè bạn sẽ lũ lượt tới nhà chúc mừng, đồng thời tặng cho đứa trẻ đồ ăn dinh dưỡng, giày, mũ, quần áo…
Khi đứa trẻ trưởng thành thì phải làm lễ thành niên, lễ thành niên trong xã hội truyền thống được gọi là lễ trao mũ và trâm cài đầu. Con trai 20 tuổi làm lễ trao mũ, một lần nữa đặt thêm một danh hiệu, thể hiện rằng chàng trai này đã có tư cách kết hôn và gánh vác công việc trong xã hội. Con gái 15 tuổi thì làm lễ vấn tóc cài trâm, thể hiện rằng cô ấy đã tới tuổi xuất giá.
Hiện nay độ tuổi lễ thành niên là vào năm tròn 18 tuổi, nhà trường sẽ tổ chức nghi lễ tuyên thệ thành niên tập thể, nhấn mạnh ý thức đã trưởng thành cho nam nữ thanh niên.
Hôn nhân là đại sự của đời người, xã hội truyền thống vô cùng coi trọng chuyện này. Hôn lễ truyền thống có 6 trình tự, gọi là “Chu Công Lục Lễ”, tức là chạm ngõ, vấn danh, nạp cát, nạp tài, xem ngày, đón dâu. Tới thời Tống thì giản lược lại chỉ còn 3 lễ là chạm ngõ, nạp tài, đón dâu.
Cao trào của buổi hôn lễ là vào lúc đón dâu, chú rể phải tới nhà cô dâu tự rước cô dâu về. Sau khi vợ chồng tân hôn bái lạy cha mẹ và trời đất xong thì vào động phòng, hành lễ kết tóc và uống rượu giao bôi.
Vào ngày cử hành hôn lễ, bạn bè lũ lượt tới nhà chúc mừng, chủ nhà phải thiết yến tiệc khoản đãi.
Lễ mừng thọ thường được tổ chức sau năm 40 tuổi. Vào ngày sinh sẽ có nghi lễ chúc mừng sinh nhật, bạn bè tới tặng quà mừng thọ và gửi lời chúc mừng.
Nghi lễ cuối cùng của đời người là tang lễ. Con người chết vì chính mệnh (thuận theo mệnh trời) là hỷ sự màu trắng (tang sự). Họ hàng, bè bạn đều tới an ủi rất đông. Nhằm thể hiện tâm trạng bi ai, mọi người sẽ dâng lên câu đối hoặc phướn tiếc thương, hoặc lễ vật, tiền phúng viếng… Người mất thường được khâm liệm và an táng trong vòng từ 3 đến 5 ngày.
Cung kính khiêm nhường
Tinh thần trong quy phạm lễ nghi của người xưa là cung kính khiêm nhường. Khi giao tiếp giữa người với người phải biết hạ thấp bản thân, cung kính đãi người, tôn trọng người khác, thì mới có được sự tôn trọng của họ.
Nếu người có địa vị cao hạ mình kết giao với người có địa vị thấp hơn mình, thì sẽ có được hiệu quả rất tốt từ xã hội. Đồng thời cung kính với người khác không chỉ là trong thái độ, phong thái lịch sự, hoặc chỉ là để thể hiện tính lễ nghi, mà phải là sự tôn kính xuất phát từ nội tâm mình. Nếu không thì lễ tiết cũng chỉ là thứ giả dối, điều này cũng không phù hợp với tiêu chuẩn lễ nghi truyền thống.
Dưới đây, chúng ta sẽ cùng điểm lại một vài cách dùng từ rất khiêm nhường của người xưa:
Trong giao tiếp hàng ngày:
Lần đầu gặp mặt dùng từ “mong ngóng đã lâu”;
Nhận không rõ người thì nói là “mắt mờ”;
Mong người khác phê bình thì dùng từ “thỉnh giáo”;
Thể hiện sự khiêm nhường dùng từ “thất lễ”;
Mong người khác lượng thứ dùng từ “bao dung”;
Có được sự thuận tiện thì nói “nhờ phúc”;
Nhờ người khác thì nói là “làm phiền”;
Không biết có thích hợp không dùng từ “mạo muội”;
Hỏi tuổi của người già thì dùng từ “thọ cao”;
Hỏi danh tính của người khác thì dùng từ “quý danh”;
Hỏi tên họ thì dùng từ “quý tính”;
Biểu diễn kỹ năng thì dùng “hiến chút tài mọn”;
Người khác khen ngợi thì nói là “quá khen”;
Chúc mừng người khác thì nói là “cung hỷ”;
Lời nói tránh, nói giảm:
Chỉ người qua đời: Về trời, về Tây, hồn du chơi nơi địa phủ, yên giấc ngủ nghìn thu, ngủ một giấc dài, ngậm cười nơi chín suối, vô thường;
Chỉ tăng ni mất đi: Tọa hóa, viên tịch, niết bàn;
Thương tiếc người đã khuất, thể hiện sự vĩnh biệt: Thiên cổ.
Chữ “Cao”: Thể hiện sự tôn kính, gọi sự vật của người khác:
“Cao kiến”: Chỉ kiến giải của người khác.
“Cao thọ”: Dùng để hỏi tuổi của người già.
Lời lẽ khiêm tốn:
Chữ “Gia”: Xưng hô với những người thân quyến lớn tuổi trong nhà:
“Gia phụ”, “Gia tôn”, “Gia nghiêm”, “Gia quân”: chỉ cha.
“Gia mẫu”: Chỉ mẹ
“Gia huynh”/ “Gia tỷ”: Chỉ anh trai, chị gái.
Gia thúc: Gọi chú
Chữ “Tiểu”: Dùng để xưng hô bản thân và những đồ vật của bản thân:
“Tiểu đệ”: Con trai xưng hô với những người cùng tuổi với mình.
“Tiểu nhân”: Chỉ người có địa vị thấp tự xưng
“Tiểu điếm” (cửa hàng nhỏ): Gọi cửa hàng của mình.
Chữ “Ngu”: Chỉ sự khiêm nhường:
“Ngu huynh”: Xưng hô với người ít tuổi hơn mình.
“Ngu kiến”: Chỉ kiến giải của bản thân mình.
Chữ “Cung”: Thể hiện sự tôn trọng đối phương:
“Cung thỉnh”: Cung kính mời;
“Cung nghênh”: Cung kính tiếp đón;
“Cung hỷ”: Chúc mừng chuyện vui của đối phương.
Chữ “Quý”: Thể hiện sự tôn trọng đối với đối phương:
“Quý tính”: Hỏi họ của con người;
“Quý tử”: Xưng hô với con trai của đối phương;
“Quý quốc”: Xưng hô quốc gia của đối phương
Chữ “Kính”:
“Kính báo”: Thông báo, “kính chúc”: Chúc mừng
“Kính chờ”: Chờ đợi, “kính lễ”: Thể hiện sự tôn kính
“Kính mời”: Xin mời, “kính phục”: Khâm phục
Chữ “Thỉnh” (Xin mời):
“Xin hỏi”: Dùng để thỉnh cầu câu trả lời của đối phương;
“Mời ngồi”: Đề nghị đối phương ngồi xuống;
“Mời vào”: Đề nghị đối phương đi vào.
Chữ “Nhã”: Dùng chỉ tình cảm hoặc cử chỉ của đối phương:
“Nhã giáo”: Gọi sự chỉ giáo của đối phương;
“Nhã ý”: Chỉ ý kiến hoặc tình cảm của đối phương.
***
“Tiên học lễ, hậu học văn”, cổ nhân vẫn luôn cho rằng bài học đầu tiên chính là lễ nghi. Con người phải được giáo dục lễ nghĩa, biết cung kính khiêm nhường, ứng xử có văn hoá, thì mới trở thành người có giáo dưỡng.
Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử, những bài học lễ nghi ấy đã góp phần tạo nên những bậc nho gia lưu danh ngàn đời. Họ không chỉ nổi tiếng về tài nghệ văn chương, mà còn là tấm gương về đạo đức cao vọng, khí tiết vững vàng, phong thái đĩnh đạc, cốt cách đường hoàng.
Văn hoá là linh hồn của dân tộc, và lễ nghi cũng là một phần của văn hoá đó. Dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, chủ quyền lãnh thổ cũng không ít lần bị đe doạ. Nhưng những tinh hoa văn hoá và truyền thống lễ nghi tự xa xưa vẫn âm thầm lưu truyền qua ngàn đời. Đến ngày hôm nay, khi “làn gió văn minh” thổi tới, những giá trị truyền thống bị cho là cổ hủ, những tinh hoa văn hoá bị cho là lỗi thời, khiến con người hiện đại cũng ngày càng buông lơi bản thân, coi thường lễ tiết, xa rời văn hoá Thần truyền vốn có của dân tộc. Phải chăng đó cũng chính là lời thúc giục chúng ta hãy mau mau tìm về với lễ nghi truyền thống, để mỗi chúng ta đều là những người Việt “đẹp từ cốt cách, đẹp từ tinh thần”?
Nhã Văn
Xem thêm: