Làm người, mấy ai chưa từng mắc sai lầm. Có câu: “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại/ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Sự cay đắng của lỗi lầm đôi khi không nằm ở thiệt hại vật chất, mà lại là ở áp lực tinh thần khi bị chỉ trích.

Có thể tâm bình khí hoà đón nhận những lời chỉ trích là kết quả của công phu tu dưỡng sâu dày. Có thể cúi đầu nhận lỗi và sửa lỗi là sự tiến bộ to lớn trên con đường tu tâm dưỡng tính, hàng phục ma tính của bản thân. Đức Phật ví những người bị đả kích, tổn thương và phản ứng tiêu cực vì những lời chỉ trích như “những con ngựa dữ” khó điều phục. Có 8 hạng người như thế, đó là:

Hạng thứ nhất: Hạng người khi được bạn bè chỉ dạy lỗi lầm cứ chối bai bải, bảo: “Tôi không nhớ, tôi không nhớ!”. Giống hệt con ngựa dữ bị tra hàm thiếc và quất roi da vào mông, vẫn còn hục hặc không chịu đi.

Hạng thứ hai: Khi được chỉ lỗi, bèn đứng làm thinh, không nhận cũng không chối, giống như con ngựa dữ đứng dựa gọng xe không chịu đi.

Hạng thứ ba: Khi bị chỉ lỗi, liền hỏi trở lại người chỉ lỗi mình: “Huynh cũng phạm như tôi sao dám chỉ lỗi tôi?”, giống như con ngựa dữ, ngã nhào xuống đất, trầy đầu gối, gãy gọng xe.

Hạng thứ tư: Loại người phản ứng bằng cách quạt lại người chỉ lỗi mình: “Ðồ ngu, phận huynh còn phải nhờ người chỉ dạy sao dám lên mặt chỉ dạy tôi!”, giống như con ngựa dữ cứ thụt lui không chịu bước tới.

Hạng thứ năm: Kẻ hay nói lái sang chuyện khác, đem lòng thù hiềm oán hận người nhắc nhở mình. Như con ngựa dữ chạy bừa vào đường hiểm, làm cho xe bể bánh, gãy trục.

Hạng thứ sáu: Kẻ không sợ tội lỗi, không ngán chúng tăng, không cho ai chỉ lỗi, lấy đồ bỏ đi. Giống như con ngựa dữ bất kể nài và roi, ngậm hàm thiếc chạy càn, vô phương kiềm chế.          

Hạng thứ bảy: Phản ứng lộn ngược, y đứng giữa hội chúng khua tay nói lớn: “Ai cho phép mấy người dạy khôn tôi!”. Như con ngựa dữ dựng ngược hai chân và sùi bọt mép.

Hạng thứ tám: Loại dữ dằn nhất, nói ong óng: “Mấy người có cho tôi y bát, toạ cụ thuốc men không mà dám sửa sai tôi?”. Nói chưa xong đã giận, còn xả giới, lột y vứt bên đường, nghênh mặt hỏi chúng tăng: “Tôi đã hoàn tục rồi, mấy người vừa lòng hả dạ chưa?”. Hạng người này giống như con ngựa dữ nằm bẹp giữa đường.

***

Khi đọc đến đây, tôi tự hỏi mình thuộc hạng nào trong tám loài ngựa dữ kia vậy? Và tôi phát hiện ra trong tâm mình có cả tám con ngựa dữ. Mỗi khi bị chỉ trích và hạ nhục, trong tâm tôi lại nhao nhao những tiếng oán hờn, những lời biện minh, những lời cay độc, mỗi lần một khác.

Noi theo gương đạo đức của người xưa nên tôi cố gắng kiềm chế những ý nghĩ xấu xa đó và giữ im lặng, như người đánh xe cố gắng ghìm dây cương để con ngựa hung dữ không thể làm càn. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng mình mới chỉ làm được trên bề mặt, còn trong tâm vẫn bứt rứt khó chịu, chính là như con ngựa hạng hai: “Khi được chỉ lỗi, bèn đứng làm thinh, không nhận cũng không chối, giống như con ngựa dữ đứng dựa gọng xe không chịu đi”.

Chung quy lại cũng vì cái tâm kiêu ngạo không vứt xuống được, chấp trước vào tự ngã, không cho người khác đụng đến mình, nên gây ra thống khổ trong tinh thần.

Muốn đạt đến nội tâm an tĩnh, có thể khiêm tốn nhận lỗi khi bị chỉ trích, chỉ có cách là hàng phục con ngựa dữ trong tâm mình, thuần hoá nó, chính là quá trình trừ dứt ma tính của bản thân. Quá trình này trong Nho gia gọi là “tu thân”, sau khi tu thân thì mới có thể “tề gia”, “trị quốc”, “bình thiên hạ”. Trong Đạo gia gọi là “phản bổn quy chân”, quay trở về bản tính nguyên sơ chân thật thuần phác của mình. Câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh Phật, Tôn Ngộ Không dọc đường đi không ngừng trừ yêu diệt quái, chính là ẩn dụ của quá trình tu luyện, hàng phục tâm ý này.

May mắn thay, đời này tôi gặp được Đại Pháp cao đức của Phật gia, từng câu từng chữ chân kinh như dòng nước cam lồ gột rửa tâm tôi. Tôi nhận ra, chỉ cần có tín tâm và kiên trì, thì trước uy đức vĩ đại của Phật Pháp, con ngựa dữ nào cũng thuần hoá được.

Những con ngựa dữ vẫn ẩn nấp trong tâm chúng ta hàng ngày, bạn có nguyện ý hàng phục chúng không?