Nhân sinh tại thế vì không hiểu hết cái lẽ được mất nên mới vì được mà cao hứng hả hê, vì mất mà phiền não đau khổ. Lại chỉ muốn được mà không chịu mất, muốn nhận về mà chẳng muốn cho đi. Vậy nên được cũng khổ vì phải lo toan tính giành giật, mất cũng khổ vì phải lo phó xuất thiệt thòi…

Câu chuyện Tái ông thất mã

Sách của Hoài Nam Tử có chép:

Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn – biên giới giáp ranh giữa dải đất Trung Nguyên với Phiên Quốc ( nước Hồ) có một con ngựa rất đẹp. Một hôm đột nhiên con ngựa của ông bỏ đi mất, hàng xóm láng giềng đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói:

– Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Quả nhiên, cách mấy tháng sau, con ngựa của ông từ rừng trở về, lại còn dẫn thêm về một con tuấn mã khác. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói:

– Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!

Từ khi có được con tuấn mã, con trai ông lão rất thích thú. Một hôm anh ta đem chú ngựa hoang này ra để thuần phục nó, chẳng may lại bị ngã gãy chân. Hàng xóm thân thuộc lại đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão lại nói:

– Con trai bị què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách một năm sau có nạn giặc Hồ. Nhà vua ra lệnh bắt hết thanh niên trai tráng trong làng đều phải tòng quân đi đánh giặc. Quân lính mười người đi chết đến chín. Chỉ có anh con trai của ông lão vì bị què, không phải đi lính mà cha con mới được đoàn tụ an vui.

Câu chuyện “Tái ông thất mã” từ đó đã trở thành một thành ngữ để chỉ sự việc họa, phúc xoay vần, khó lòng mà biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ có câu: “Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục”, ý tứ là: “Họa là nơi mà phúc nương tựa, phúc là nơi mà họa ẩn náu”. Cũng chính là trong họa có phúc, trong phúc có họa vậy.

Chuyện được mất thế gian, có khi mất lại tốt hơn được, tưởng mất đi con ngựa quý nhưng chẳng ngờ lại được cả hai. (Ảnh: CafeBiz)

Chuyện con chim tích tích

Sách của Úc Ly Tử cũng có chép một câu chuyện tương tự:

Một người nhà quê trải cỏ phơi ở chân giậu. Hôm sau ra vơ cỏ, nghe tiếng kêu “tích tích”, lật lên xem thì bắt ngay được một con chim trĩ.

Anh ta thấy thế lại vẫn để cỏ ở đấy, có ý mong ngày mai lại được thêm một con trĩ nữa. Hôm sau anh ta hăm hở ra kiểm tra đống cỏ, lắng tai nghe lại thấy có tiếng “tích tích” như hôm trước, bụng mừng thầm anh nông dân nọ vội bới đống cỏ lên tìm kiếm. Nhưng vừa bới cỏ lên thì bị một con rắn độc cắn ngay vào tay làm anh ta bị thương rồi chết.

Úc Ly Tử nói: “Trong thiên hạ có cái phúc không tưởng được thế mà may được thế; cũng có cái họa không ngờ đến thế mà xảy ra thế”.

***

Lẽ đời xưa nay mất được, được mất đều có mối quan hệ nhân duyên chứ hoàn toàn không hề là chuyện ngẫu nhiên, chiểu theo Phật gia giảng thì đó là dựa trên quan hệ nghiệp – đức, phúc phận. Người luôn nói lời “Chân”, làm việc “Thiện”, biết đặt mình nơi chỗ thấp mà bao dung, “Nhẫn nhịn” kẻ khác thì ắt sẽ gặp chuyện tốt lành, ấy cũng được coi như là phúc phận mà họ tạo dựng được vậy.

Người luôn nói lời “Chân”, làm việc “Thiện”, biết đặt mình nơi chỗ thấp mà bao dung, “Nhẫn nhịn” kẻ khác thì ắt sẽ gặp chuyện tốt lành. (Ảnh: 500px)

Trái lại, kẻ khôn khéo “ăn người” luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên các giá trị đạo đức, chỉ vì chút lợi nhỏ mà tranh đấu giành giật, mà đổi trắng thay đen, mà hãm hại người khác thì sớm muộn gì cũng mang họa vào thân.

Lại có người nói: “Tôi cứ có lợi là được rồi, họa phúc gì chứ, biết bao người ở hiền mà có thấy gặp lành đâu!”. Thực ra không phải vậy bởi Phật gia còn giảng về quan hệ nhân duyên: có những người “ở hiền” nhưng chưa “gặp lành” ngay mà có thể sau này họ mới được đền đáp; cũng có thể trước đây họ đã làm chuyện không tốt, đã mắc nợ ai đó, gạt dối ai đó, hãm hại ai đó… vậy thì giờ đây chút việc tốt đó coi như là đã trả nợ, hoàn nghiệp mà tránh khỏi tai ương hoạn nạn.

Bởi vậy trong dân gian mới thịnh hành câu nói: “Của đi thay người”, xem ra cũng không phải là không có đạo lý! Cũng có người hành ác mà chưa gặp phải quả báo ngay, bởi lẽ đức của họ còn dày, coi như là chưa hưởng hết phúc phận, nhưng nếu cứ làm mấy chuyện thất đức mãi thì sớm muộn sẽ phải hoàn nghiệp mà thôi, cũng có thể là vì những chuyện thất đức ấy mà nửa đời sau họ mới gặp chuyện, đó gọi là: “Gieo nhân nào thì gặt quả nấy”.

Phật gia cũng lại giảng về quan hệ chuyển sinh luân hồi, nếu chiểu theo đó thì người ta đâu chỉ sống có một đời này là hết, chuyện ân oán nợ nần vay trả ấy có khi được đấng cao xanh an bài theo các mối quan hệ nhân duyên đời đời kiếp kiếp, quả là nhân sinh không thể nhìn thấu hết cho được. Bởi vậy khi mà ai đó mà gặp được chuyện thật tốt lành, may mắn: ví như trúng giải độc đắc, hoặc làm quan to, hoặc phát tài lớn v.v.. thì thiên hạ thường theo đó mà lý giải rằng: vị này “ba đời tích đức”; vị kia “có phúc bảy đời”… nên mới được như vậy, xem ra cũng lại rất có đạo lý!

Thế nên mới nói: Cái lẽ được – mất là tùy cơ mà biến ảo phi thường, quy luật hoán đổi bù trừ luôn công bằng tuyệt đối: Có được rồi thì ắt sẽ mất; Có mất rồi thì ắt sẽ được, chuyện này không thể bằng mắt thường mà nhìn ra ngay được. Nếu chuyện được mất nhân quả mà có thể nhìn thấy ngay được, tính đếm ngay được, sòng phẳng ngay được như tiền trong túi: Tiêu nhiều thì thấy rõ ràng ngay là còn lại ít, tiêu ít thì thấy rõ ràng ngay là còn lại nhiều, mọi chuyện quả báo nhãn tiền, ứng nghiệm lập tức, vậy thì có lẽ cũng không ai còn giám làm chuyện xấu nữa, xã hội cũng không đến nỗi phức tạp.

Cái lẽ được – mất là tùy cơ mà biến ảo phi thường, quy luật hoán đổi bù trừ luôn công bằng tuyệt đối. (Ảnh: Girly.vn)

Nhân sinh tại thế do không hiểu hết cái lẽ được mất này nên mới vì được mà cao hứng hả hê, vì mất mà phiền não đau khổ. Lại chỉ muốn được mà không chịu mất, muốn nhận về mà chẳng muốn cho đi. Vậy nên được cũng khổ vì phải lo toan tính giành giật; mất cũng khổ vì phải lo phó xuất thiệt thòi, kết quả là nửa đời tóc bạc, tâm tàn ý lạnh, trọn kiếp sống chẳng an thân lại còn tạo nghiệp và lưu lại ân oán cho cả đời sau nữa.

Xưa nay những bậc thức giả hiền triết hoặc người tu theo Phật, Đạo đều coi chuyện hơn thua được – mất như gió thoảng mây bay:

“Được mất dương dương người Tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn Đông phong”…

(Nguyễn Công Trứ)

Kìa tụ tán chẳng qua là tiễn biệt,
Ngựa tái ông họa phúc biết về đâu…

(Huỳnh Thúc Kháng)
Họ hiểu cái lẽ “Tùy kỳ tự nhiên; Chẳng cầu mà được” vậy nên mới ung dung tự tại, thanh thanh thản thản mà sống trọn một đời. Kẻ không tu luyện thì coi đó là phong thái của bậc chính nhân quân tử: thủ thân tích đức, tạo lập phúc phận cho muôn đời sau, bởi cổ nhân vẫn thường nói: “Có đức mặc sức mà hưởng”; Còn với người tu luyện thì đó chính là chuyện gây dựng nên uy đức và quả vị để đạt đến cảnh giới phi phàm, siêu xuất và viên mãn vậy.

Đường Phong