Có một câu chuyện kể rằng, ở một thị trấn nọ có một ngôi chùa nhỏ, trong đó thờ phụng một vị Thần Thành hoàng. Theo truyền thuyết, Thần Thành hoàng đều là do Ngọc Hoàng đại đế bổ nhiệm. Đời trước của họ đều là những người tốt, trung thực và ngay thẳng. Cho nên Thần Thành hoàng ở các địa phương đều là những vị thần linh “thanh chính liêm minh”. Trách nhiệm của họ đều là bảo vệ sự bình an của dân chúng trong địa phương. Dân chúng ai ai cũng đều kính ngưỡng họ.
Mỗi lần vào ngày sinh nhật của Thần Thành hoàng, mọi người đều đi hội chùa thắp hương, cầu thần ban phúc, tiêu tai giải nạn, cũng có người đi để tạ ơn ân đức của Thần. Trong thời gian khoảng 10 ngày hội chùa, hương khói trong chùa không ngớt, mọi người đến đông đúc, ai nấy đều muốn lách vào. Thậm chí những người quỳ lạy còn bị dòng người chen lấn giẫm lên thân hoặc đá vào ngang mặt mà không thể hành lễ. Có những người còn đành phải hành lễ ở bên ngoài chùa cùng với những lời giao hàng, cãi lộn, trò chuyện của người đi đường…
Ở bên cạnh ngôi chùa ấy, có một bà lão mở một cái quán nhỏ. Quán nhỏ của bà ngoài bán chút đồ ăn và rượu còn bán nước chè cho khách thập phương qua lại. Bà lão cả đời vui vẻ làm việc thiện, quán của bà làm ăn cũng không tệ, người ra vào không ít.
Nhưng có một việc khiến bà lão không tài nào hiểu được. Đó là vào mỗi buổi sáng sớm của ngày khai hội chùa, có một người đàn ông trung niên đều tới quán của bà uống chè mãi đến tận tối mới rời đi. Ngày nào người đàn ông này cũng tới cho đến hết ngày hội chùa thì không còn thấy đến nữa, hơn nữa năm nào cũng đều như vậy. Người đàn ông này ăn mặc sạch sẽ, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ lịch sự nhã nhặn. Có đôi lần, bà lão cũng trò chuyện đôi câu với người đàn ông này. Lâu dần thành quen thuộc, bà nhận thấy người này rất có học vấn, hiểu đạo lý, cho nên lại càng khiến bà thấy kỳ lạ.
Một ngày người đàn ông này lại đến, quán của bà hôm đó không đông người lắm. Bà lão uống một chút rượu, rồi lấy can đảm hỏi ông ta: “Trong hội chùa, ca hát có, nhảy múa cũng có. Mọi người đều tranh nhau đi, còn ông tại sao lại chỉ ngồi ở bên ngoài thế này?”
Người đàn ông nghe xong câu hỏi của bà lão, chậm rãi trả lời: “Ta chính là Thần Thành hoàng kia, mấy ngày đều đến bên ngoài chùa cơ bản là vì không chịu nổi tiếng động lớn ầm ĩ và không khí nồng nặc của mùi hương khói”
Bà lão kinh ngạc hỏi lại: “Ông nói sao? Ông chính là Thần Thành hoàng kia? Thật là điều không thể!”
Bà lão quả thực không tin vào tai mình, thế là lại nói: “Ông đừng đùa nữa, mọi người là kính ngưỡng và cảm tạ thần nên mới bỏ nhiều tiền để chúc mừng. Thế mà Thần lại trốn đi, nói thế chẳng hóa ra những người kia đều không có thành ý hay sao?”
Thế là người đàn ông trung niên đáp: “Giữa con người và thần linh là dựa vào sự thành tâm chứ không phải dựa vào tác dụng của bái lạy, đốt hương. Nếu như đốt hương mà được phúc thì người ác hay người làm việc xấu lại có thể dựa vào đốt hương để được phúc sao? Thế sao có thể thể hiện được sự chính trực của Thần đây? Cho nên người hành ác mà bái lạy đốt hương sẽ không có tác dụng gì, còn người hành thiện tích đức không thắp hương, bái lạy vẫn được phúc báo!”
“Lời ông nói nghe có đạo lý, nhưng làm sao tôi có thể tin một người đang ngồi ngay trước mặt mình chính là vị Thần Thành hoàng mà dân chúng kính ngưỡng đây?” Bà lão lại hỏi.
Người đàn ông trung niên mỉm cười nói: “Hàng năm, cứ vào những ngày này, bà đều không giống những người khác đi vào trong chùa mà là ngồi một mình kính bái ta. Hơn nữa, bà còn không ngừng tự nhìn nhận lại bản thân mình, hy vọng làm người tốt để có thể nhận được sự bảo hộ của ta, có phải như vậy không?”
Bà lão nghe xong những lời này lập tức bị chấn động vô cùng: “Tại sao người đàn ông trung niên này lại biết được điều mình nghĩ trong lòng?” Bà vừa hồi tưởng lại vừa nghĩ: “Đúng vậy! Mỗi năm vào dịp hội chùa, bởi vì trong chùa vừa có múa vừa có hát, rất đông người đến náo nhiệt, lại chỉ có một mình trông cửa hàng nên mình không thể đi được. Mình đành phải đợi đến lúc đóng quán, một mình ngồi bái tạ Thần Thành hoàng, cảm tạ ngài đã bảo hộ cho mình thêm một năm bình an! Tại sao những lời này mình chỉ nói trong lòng với Thần Thành hoàng mà người đàn ông trung niên này lại biết? Xem ra ông ta chính là Thần Thành hoàng sao?”
Thế là bà lão vội vàng quỳ gối xuống, người đàn ông trung niên liền đỡ bà dậy và nói: “Xin bà hãy truyền đạt ý của những lời ta vừa nói đến người dân! Nếu như họ hiểu rõ điều này, tình trạng trong miếu Thành hoàng sẽ có cải biến, đồng thời nó cũng tự nhiên ảnh hưởng đến những địa phương khác, tình hình sẽ trở nên tốt đẹp. Nếu như có thể làm được như vậy, là bà đã trợ giúp thần rồi, bà tự nhiên cũng sẽ được phúc báo!”
Bà lão không ngừng gật đầu mà đồng ý: “Vâng! Tôi nhất định sẽ nói với mọi người!” Khi bà đang nói những lời này, bà đột nhiên phát hiện người đàn ông kia đã biến mất.
Bà lão chạy ra ngoài đường và kể với mọi người chuyện vừa mới xảy ra ở trong quán nhỏ của mình. Mọi người nghe xong đều kinh ngạc, có người mở to hai mắt và ngạc nhiên mừng rỡ, có người yên lặng không nói, cũng có người không tin những lời bà nói là sự thật.
Bà lão vẫn chân thành và kiên trì nói lại sự việc cho mọi người nghe, sau cùng mọi người cũng đã hiểu ra rằng: Một người nếu chỉ đốt hương và bái lạy để cầu sự bảo hộ của thần, cầu tiêu tai giải nạn là không có tác dụng. Còn người không đốt hương, bái lạy nhưng trong lòng kính ngưỡng thần, làm người tốt hành thiện tích đức thì nhất định được phúc báo.
Bà lão luôn ghi nhớ lời Thần Thành hoàng nói, làm người tốt hành thiện tích đức nên quán nhỏ làm ăn luôn thuận lợi, cuộc sống cơm no áo ấm đến tận cuối đời.
Theo NTDTV
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: