Thời Vua Lê Thánh Tông đất nước vào giai đoạn hưng thịnh nhờ có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng. Thời đấy vua nghe nói có một vị quan tên là Vũ Tự làm quan rất thanh liêm, nhà vua vốn không tin nên quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.

Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử cho thắng kiện liền bí mật gửi cho người này một mâm lễ vật quý, nói đưa lễ vật này cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử cho thắng kiện. Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới.

Sau khi người này cảm ơn vì được xử thắng kiện, Vũ Tự hỏi:

– Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân.

– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này ra khỏi tư dinh.

Vua Lê Thánh Tông sau đó đã cho người tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục vào bàn việc quốc sự.

(Ảnh: thanhnien.vn)

Vua Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ ở chốn quan trường.

Vua nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”.

Nhà vua cũng ban hành bộ luật Hồng Đức, định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Từ đó, đất nước không còn chỗ cho nạn quà cáp tham nhũng tồn tại nữa, đánh dấu một thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử Việt Nam.

***

Có một tấm gương thanh liêm khác trong lịch sử là Dương Chấn thời nhà Hán. Dương Chấn tiến cử Vương Mật ra làm quan. Sau đó Dương Chấn được bổ nhiệm làm Thái thú Đông Lai.

Khi đi ngang qua đất Xương Ấp là nơi Vương Mật cai trị. Nhớ ơn đề bạt ngày xưa, Vương Mật xin đến yết kiến rồi đêm khuya đem vàng đến dâng Dương Chấn. Thế nhưng Dương Chấn từ chối và nói rằng:

– Trước kia biết ông là người khá, tôi mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa rõ bụng, còn đem vàng cho tôi?

Vương Mật cố nài ép, thưa:

– Xin Ngài nhận cho. Đêm khuya không ai biết.

Dương Chấn đáp:

– Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao gọi rằng không ai biết?

Vương Mật nghe nói xấu hổ bưng vàng lui ra.

***

Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên gia đình thường nghèo túng. Sau khi lo cho đám tang của mẹ, cuộc sống của ông vốn thanh bạch giờ càng đạm bạc hơn. Vua Trần Minh Tông biết chuyện, liền hỏi một viên quan tin cẩn:

– Ta muốn trích ít tiền trong kho cho ngươi đem đến biếu Mạc Đĩnh Chi. Làm thế có được không?

Viên quan tâu với vua :

– Thần biết rõ Mạc Đĩnh Chi. Nếu cho người đem tiền đến, ông ấy sẽ không nhận đâu.

(Mạc Đĩnh Chi thi đỗ trạng nguyên. Ảnh: truyenxuatichcu.com)

– Vậy khanh có cách nào khác không?

– Muôn tâu Bệ hạ! Thần nghĩ chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.

Nhà vua ưng thuận, sai người đang đêm bỏ một gói tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi. Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà, liền đem vào triều, trình lên vua Minh Tông:

– Tâu hoàng thượng. Đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần để nhờ vả việc gì đó. Vậy thần đem tới, xin Hoàng thượng cho nộp tiền này vào công quỹ.

Vua Minh Tông đáp :

– Khanh có khó nhọc giúp người ta mới cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?

– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến, Mạc Đĩnh Chi khảng khái tâu.

Vua Trần Minh Tông rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của Mạc Đĩnh Chi. Vua đành giữ lại tiền rồi cho Mạc Đĩnh Chi lui.

Vậy báu vật đời người là gì?

Trước đây, có một người ở nước Tống nhặt được một viên ngọc thạch. Ông ta liền đem viên ngọc ấy biếu cho quan Tử Hãn nhưng Tử Hãn từ chối không nhận.

Người biếu ngọc nói: “Viên ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua rồi, ông ấy nói đây đúng là một loại ngọc rất quý giá nên tôi mới dám đem dâng biếu quan lớn!”.

Tử Hãn nói: “Ngươi cho ngọc là của báu còn ta cho ‘không tham’ là của báu. Ngươi đem ngọc biếu ta, nếu ta nhận, thì cả hai chúng ta đều mất của báu rồi! Chi bằng, mỗi người chúng ta tự giữ lại báu vật của mình đi!”.

Đại Kỷ Nguyên bàn:

Trong văn tự truyền thống, chữ “今” (Kim, có nghĩa trước mắt, hiện tại, hôm nay) ghép với chữ “贝” (Bối, có nghĩa là tiền, báu vật) để thành ra chữ “贪” (Tham). Văn tự truyền thống cổ xưa không chỉ diễn tả nội dung bề mặt mà còn có ý tứ hàm nghĩa ẩn trong đó vô cùng sâu sắc. “Kim + bối”: nghĩa là chỉ thấy cái lợi trước mắt thì chính là “tham”.

Người không tham là người không vì cái lợi trước mắt mà mất đi phẩm giá, quy tắc đạo đức tự ước thúc, tự coi là chuẩn mực, lẽ phải để hành xử trong đời. Với họ, ‘không tham chính là báu vật đời người’. Tại sao vậy?

Bởi vì giữ mình liêm khiết , trong sạch, không bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất thật sự không dễ, đó là cảnh giới của sự tu dưỡng, giác ngộ. Là trí tuệ của bậc trí giả, hiểu rằng, cái được không bằng cái mất.

Tiền bạc khi chết đi không mang theo nổi, nhưng danh dự nhân phẩm thì lưu truyền đời đời. Vậy nên người xưa mới có câu: ‘Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ’.

Con người trong xã hội ngày nay, coi vật chất là thước đo của hạnh phúc, vì thế mà lao tâm khổ tứ thậm chí có kẻ không từ một thủ đoạn nào để đạt được. Chạy quyền, chức, buôn gian bán lận, đầu độc nhau bằng các mánh lới kinh doanh độc hai, thực phẩm ô nhiễm tràn lan, hối lộ phong bì phong bao từ bệnh viện đến trường học…

Trăm sự tha hóa xã hội chẳng phải chính là từ lòng tham ấy mà ra. Ai cũng dám bớt đi một chút nhân cách để thêm một chút vật chất cho mình, đạo đức xã hội vì thế xuống dốc không phanh.

Phật gia nói: Tham, Sân, Si là cội nguồn của phiền não khổ đau chẳng phải chính là ý tứ đó? Văn hóa huy hoàng truyền thống coi trọng đạo đức ở vị trí số một. Người không thể giữ mình không xứng đáng làm quân tử.

Thế nên Mạc Đĩnh Chi mới khẳng khái: “Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến”. Tại sao người xưa coi trọng nhân đức như thế. Là bởi họ đều tin mọi sự trên thế gian đều không nằm ngoài con mắt của Thần Phật.

“Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao gọi rằng không ai biết?”. Dương Chấn thấu hiểu cái lẽ sâu xa ấy nên giữ mình trong sạch. Ngay cả khi không ai biết đến thì chỉ cần Trời biết là đủ rồi.

Lam Thư