Những người có tín ngưỡng đều tin rằng, Thần linh tồn tại ở bất kỳ nơi đâu và vào bất kỳ thời gian nào. Tục ngữ cũng có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Cho nên, cho dù ở nơi đâu, kể cả nơi không một bóng người, họ cũng tự ước thúc, cân nhắc nghiêm khắc đến từng hành vi, lời nói của bản thân mình, không vì lợi ích của bản thân mà làm hại người khác.
Những người không tin vào Thần sẽ không thể cảm nhận được sự tồn tại của Thần. Cũng vì thế mà họ dám làm những việc trái với đạo lý của Trời Đất mà không một chút băn khoăn, kiêng nể. Chỉ cần che giấu, không có ai biết được việc xấu mà họ làm thì lương tâm của họ không hề hổ thẹn hay sợ hãi.
Vì vậy có thể thấy rằng, một địa phương, một đất nước mà người dân không có tự do tín ngưỡng hay không còn tín ngưỡng thì thật vô cùng đáng sợ. Một đất nước như thế sẽ không thể có được sự hòa thuận và an bình.
Trong ngôi miếu Thành Hoàng ở một thị trấn nọ, người ta đặt một chiếc bàn tính ở đó với ý nghĩa rằng, đến một ngày nào đó, nhất định Trời sẽ tính nợ hết thảy những việc thiện việc ác của từng người.
Câu nói này giảng rõ ra một thiên cơ với chúng sinh trên thế gian rằng: Đạo trời là rõ ràng, sáng tỏ, nhân quả là không sai. Người lương thiện tuy rằng có thể bị người khác ức hiếp, bắt nạt, nhưng thiện là có thiện báo, nên cho dù thế nào đi nữa thì cuối cùng họ cũng được trả lại những gì tốt đẹp.
Còn người ác thì dù rằng dân chúng có thể e sợ anh ta, nhưng một ngày nào đó luật nhân quả sẽ thanh toán những việc ác mà anh ta làm. Hành ác tất sẽ gặp ác báo, sâu thẳm bên trong đều là phù hợp với đạo lý của Đất Trời.
Có một số người, biểu hiện bề ngoài như thể là người lương thiện nhưng bên trong tâm địa lại độc ác, thì chẳng qua cũng chỉ là lừa được con người thế gian chứ gạt không nổi Thiên lý.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những người hiền lương tốt bụng thường nhường nhịn, không tranh giành, hại người nên đôi khi trong mắt người khác, họ trở thành kẻ yếu nhược và bị ức hiếp, lợi dụng. Thậm chí, có những người nguyện ý chịu thiệt so với người khác thì lại bị cười nhạo, chế giễu.
Họ có thể bị mọi người cho là kẻ yếu nhược; nhưng sau một thời gian, không khó để nhận ra rằng người lương thiện sẽ nhận được sự tán thành và trợ giúp của mọi người. Hơn nữa những người xung quanh sẽ dành cho họ một sự kính trọng thật lòng. Người lương thiện có thể bị người khác ức hiếp nhưng họ nhất định sẽ được Thần linh bảo hộ.
Người lương thiện có tấm lòng rộng lớn, bao la, không có tư tâm tư lợi cho bản thân, sẽ không “lừa Trời, giấu Đất”, cũng sẽ không toan tính hại người; khi gặp người ức hiếp mà vẫn tươi cười, thản đãng, không ghi sâu nhớ kỹ trong lòng. Vì thế, cả thân và tâm của họ đều thanh tịnh, tâm tình vui sướng, sống cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Người ác thì tương phản hẳn lại. Mỗi thời mỗi khắc họ đều sống trong “bóng ma ám ảnh” của tội ác mà mình gây nên. Tục ngữ có câu: “Không làm việc trái lương tâm thì nửa đêm không sợ Quỷ gõ cửa”. Người quân tử hiểu rõ điều này nên trong lòng không sợ hãi, luôn trong sáng, vô tư. Kẻ tiểu nhân luôn có ẩn khuất trong lòng, nên cũng vì thế luôn bất an và nơm nớp lo lắng.
“Nhân quả báo ứng” là Thiên lý, một điểm cũng không sai. Người hiểu rõ đạo lý này sẽ có thể thấy rõ được thiên cơ, cũng có thể trở thành một bậc trí giả thực sự. Người lương thiện là người phù hợp với Đạo lý này. Bởi vậy người xưa mới có câu: “Người lương thiện chính là người đắc Đạo trong thế gian.”
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch