Quan hệ mẹ chồng nàng dâu tự cổ chí kim vẫn luôn là một đề tài nan giải. Đôi khi có một cuộc hôn nhân tươi đẹp, tìm được người bạn đời xứng đôi vừa lứa với mình nhưng lại gặp cảnh quan hệ mẹ chồng nàng dâu làm cho cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, vợ chồng xa cách.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những gia đình mà mẹ chồng nàng dâu sống chung nhà luôn tràn ngập tiếng cười. Mấu chốt chính là ở cách ứng xử của cả hai phía, đặt biệt là vai trò của người chồng ở giữa trong gia đình.
Quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay không phải là mối quan hệ giữa mẹ và con gái, vậy nên cả hai đều cần học cách thích nghi với cuộc sống mới. Phận làm con thì cần học cách tôn trọng mẹ chồng, thân làm mẹ thì lại phải học cách buông tay, và đương nhiên phận làm trai ở giữa thì lại càng phải học nhiều hơn nữa, học cách làm một người trung gian dung hòa cho hai phía.
Mẹ chồng phải học cách buông
Có nhiều bà mẹ mãi chẳng thể học được cách buông tay con trai mình ra, dẫu con cái có trưởng thành nhưng vẫn xem như còn tấm bé lên ba, việc gì cũng muốn can thiệp, thậm chí là việc vợ chồng của con cái. Tuy nhiên, con người ta khi trưởng thành đều cần phải học cách chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm. Đã là những việc giữa vợ chồng với nhau thì hai vợ chồng mới là người hiểu rõ nhất, dù có là ai can thiệp vào đi chăng cũng đều không thể tốt hơn chính vợ chồng với nhau được.
Con trai mình lấy vợ đó là việc nó chọn người bạn đời cho nó, chứ không phải là chọn con gái cho mình. Cho nên thân làm mẹ chồng chỉ có cách là học cách buông tay, không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con cái, có như vậy con trai mình mới có cơ hội trưởng thành có tính độc lập được.
Mẹ đẻ của con dâu mình chỉ có một, và đương nhiên người đó không phải là mình
Có một số mẹ chồng đến nay vẫn còn ôm giữ quan niệm xưa cũ cho rằng “phận con gái thì nhập gia tùy tục, gả cho nhà ai theo nhà ấy. Bản thân mình trước đây cũng từ đó mà ra”. Tuy nhiên, xã hội thay đổi, mỗi thời mỗi khác, mẹ đẻ con dâu mình chỉ có một, và người đó lại không phải là mình. Mẹ đẻ con dâu mình có thể đánh con dâu mình một tát, và hôm sau con dâu mình có thể sẵn sàng quên đi mọi việc. Tuy nhiên, nếu như thân làm mẹ chồng mà giáo huấn con dâu một câu thiếu tôn trọng, thì rất có thể người con dâu sẽ nhớ mãi trong lòng. Cho nên, thân làm mẹ chồng thì không nên yêu cầu con dâu hà khắc, hãy coi cô ấy như một người bầu bạn của con mình, là người nâng khăn sửa túi, chăm sóc cho con mình mà thôi.
Con dâu phải học cách tôn trọng, viên dung
Có câu: Mẹ già 90 vẫn thương con 71, người mẹ nào cũng muốn bênh con, trong mắt các bà mẹ thì con mình luôn hoàn hảo, luôn là ly vàng chén ngọc. Cho nên thường tự tận trong sâu thẳm luôn có quan niệm bênh vực con mình một cách vô điều kiện. Vậy nên khi mới cưới vợ cho con, các mẹ luôn mang tâm lý không tin tưởng để ly vàng chén ngọc của mình giao cho người khác, sẽ luôn có lý do là, xem xét.
Dẫu sao thì thân làm con dâu, chân ướt chân ráo về nhà chồng, sẽ có những thói quen, những ý kiến bất đồng, trước tiên hãy cứ học cách tôn trọng ý kiến của mẹ chồng, sau đó lựa việc mà làm. Cái nào đúng thì cứ đó làm theo, cái nào chưa thỏa mãn nhưng cũng chẳng ảnh hưởng đại cục thì vì thương chồng yêu con thì cũng hãy cứ viên dung cho phải đạo. Còn như việc ngang tai, mắt chẳng thuận lòng thì hãy tìm cách nhẹ nhàng mà góp ý khi thích hợp.
Không có con dâu bất hiếu, chỉ có con trai không hiểu chuyện
Thường thì mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, nhiều người đều chỉ trích “con dâu bất hiếu” mà không nghĩ rằng nguyên nhân lại nằm ở thái độ của người chồng.
Đàn ông muốn quan tâm chăm sóc cho gia đình thì trước tiên cũng phải xem lại chính mình đã làm đúng bổn phận hay chưa?
Người già thường khó cải biến quan niệm của mình, tuy nhiên nếu như người chồng trong gia đình lại không đứng ra dung hòa trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, vậy thì đây là lỗi của người chồng. Trong cuộc sống, mỗi một mối quan hệ đều cần có sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau. Và trong mối quan hệ vợ chồng thì điều đó lại càng thiết thực hơn.
Khi một người đàn ông yêu cầu vợ mình phải đối xử có hiếu với bố mẹ chồng, thì trước tiên cũng cần tự hỏi mình đã đối xử với bố mẹ mình cũng như bố mẹ cô ấy thế nào? Đã được tốt hay chưa? Khi một người phụ nữ đồng ý kết hôn với mình, chính là bởi cô ấy yêu mình, vậy cũng không lẽ gì mà cô ấy lại không thể yêu thương người đã chăm sóc và sinh thành người mà cô ấy yêu thương. Vậy nên, một người đàn ông muốn cho vợ sống có hiếu với bố mẹ chồng thì trước tiên cũng cần sống cho phải đạo trước sau đã.
Cũng như trong tình yêu, mỗi người đều mong muốn có được sự thương yêu, che chở. Nếu như chỉ có một bên mãi cho đi mà không được sự hồi đáp, còn một bên chỉ muốn nhận mà chẳng muốn cho đi thì sớm muộn mối quan hệ đó cũng đường ai nấy bước.
Một người đàn ông muốn mối quan hệ giữa mẹ và vợ mình được trong ấm ngoài êm, trước sau hòa thuận thì phải là người ở giữa đứng ra dung hòa cho hai phía, không thể bên trọng bên khinh. Bởi dẫu sao thì hoàn cảnh nhà mình cũng không phải là nơi cô ấy sinh ra và lớn lên, ít nhiều cũng có đôi điều khác biệt, thói quen sống, tính cách…
Có câu: “Người chồng thông minh sẽ dẫn dắt vợ trở thành nàng dâu hiếu thảo”. Khi người chồng hiếu thuận, biết quan tâm chăm sóc cha mẹ thì người vợ cũng từ đó noi gương. Không những vậy, thân làm chồng thì cần phải biết cách khéo léo dẫn vợ mình từ lạ thành quen, dần dần thích nghi với môi trường mới. Điều quan trọng hơn nữa là phải biết cách khiến cho mẹ mình và vợ mình xích lại gần nhau.
Một người đàn ông thông minh sẽ luôn biết cách tạo ấn tượng cho vợ mình trong mắt mẹ, luôn biết cách ghi điểm cho cô ấy, ví như: “Khi đối xử với mẹ tốt thì hãy khen đó là công lao của vợ, khi mẹ mắng vợ thì đừng có ở giữa mà làm người truyền tin”. Đúng là như vậy, nếu khi người chồng trong gia đình lại trở thành người truyền tin thì ắt sẽ khiến cho mối quan hệ này ngày càng xấu đi. Trong cuộc sống có rất nhiều những câu nói đều mang theo cảm xúc, đôi lúc người nói đi thì nhẹ nhưng người nói lại, lại thành nặng.
Không có ai đúng ai sai, là người ở giữa thì không nên bênh một bên nào cả
Kỳ thực, mọi sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu, tất cả đều bắt nguồn từ chính người con trai mà ra. Bởi vì có con trai mới có mẹ chồng, nàng dâu. Vậy nên, thân làm chồng thì lại càng phải ở giữa mà dung hòa cho hai phía. Mà suy cho cùng, mâu thuẫn của mẹ chồng nàng dâu cũng chẳng có gì to tát, nhiều lắm cũng chỉ là cơm canh, áo quần, nhà trước sân sau. Mẹ chồng thì sợ con dâu nấu ăn không hợp khẩu vị con trai mình, áo quần chưa biết cách chọn may. Con dâu thì thấy mẹ chồng xen vào việc riêng tư của hai vợ chồng nhiều quá, khiến mất tự do. Âu tất cả cũng đều là xuất phát từ tình thương đối với người mình yêu thương. Người đàn ông thông minh, tinh tế chính là người biết cách khiến cho cuộc sống của hai người phụ nữ quan trọng nhất trong đời mình được vui vẻ, hạnh phúc hòa ái bên nhau.
Minh Vũ biên dịch