Ngày nay chọn vợ, ai nấy đều mong muốn có được một người vợ xinh đẹp để mở mày mở mặt với bè bạn, họ hàng, làng trên xóm dưới. Vậy nên cô gái nào chẳng may không được sắc nước hương trời, sinh ra dung mạo đã chẳng bằng ai thì trong lòng khó tránh khỏi rầu rĩ, lo lắng trước tương lai mờ mịt. 

Thậm chí có người lấy vợ sắc vóc chẳng bằng người thì lạnh nhạt, hắt hủi ra mặt. Họ cho rằng nàng đã làm xấu mặt mình hay bên cạnh một người đàn ông “thành đạt” phải được tô điểm bởi “chân dài” hay “bóng hồng” nào đó.

Liệu có phải cổ nhân ai cũng suy nghĩ như vậy? Câu chuyện Trương Xưởng vẽ lông mày cho vợ dưới đây sẽ cho chúng ta một góc nhìn rất khác.

Trương Xưởng vẽ lông mày cho vợ

Thời Hán xảy ra một vụ án ảnh hưởng sâu rộng đến cả đời sau. Trương Xưởng làm tới chức quan Kinh Triệu Doãn (tương đương với chức thị trưởng ngày nay), tài năng xuất chúng, thành tích rạng ngời. Do Trương Xưởng hàng ngày đều vẽ lông mày cho vợ nên bị các quan trong triều khinh thường. Có người còn vì vậy mà dâng tấu lên hoàng đế.

Kỳ thực, vợ chồng Trương Xưởng vốn là hàng xóm. Thuở nhỏ Trương Xưởng vô cùng nghịch ngợm. Khi chơi đùa ông đã vô tình liệng viên đá trúng vào nơi lông mày, tàn phá nhan sắc của bà. Khi lớn lên Trương Xưởng vô cùng hối hận. Nghe nói vợ mình vì dung nhan phôi phai mà khó tìm được mối lương duyên. Ông bèn tới hỏi, hai người nên duyên vợ chồng.

Lông mày của vợ Trương Xưởng vì còn vết sẹo ngày xưa nên đã ảnh hưởng tới dung nhan của bà. Trương Xưởng do vậy đã tự mình hàng ngày vẽ lông mày cho vợ để che đi vết sẹo ấy. Ngày qua ngày tay nghề của ông đã trở nên rất thành thục. Nghe nói ông vẽ lông mày sống động như thực.

Một quan viên địa phương thân mang trọng trách mà lại chìm đắm nơi khuê phòng trướng rủ màn che thì quả thực là chuyện ô nhục cho thân phận của bậc đại trượng phu. Do vậy Hán Tuyên Đế đã đích thân tới hỏi. Sau khi hiểu rõ sự tình bèn không tiếp tục truy cứu chuyện này nữa. Câu chuyện Trương Xưởng kẻ lông mày cho vợ đã được truyền xa, lưu truyền đến tận ngày nay.

(Ảnh minh họa: laonanren.com)

Một hôm Lỗ Ai Công, quốc vương nước Lỗ nói chuyện với Khổng Tử cũng nhắc tới vấn đề này. Khổng Tử nói rằng: “Ba đời thánh vương Ngưu – Thuấn – Vũ khi chấp chính ắt phải tôn trọng thê tử, thuận theo đạo vợ chồng. Bởi lẽ mối quan hệ với thê tử là điều quan trọng nhất trong quan hệ tình thân. Sao có thể không tôn trọng thê tử được đây?” Lời thoại này được ghi chép trong cuốn Lễ Ký – Ai Công Vấn.

Từ đó có thể thấy rằng những người đàn ông thực sự có tu dưỡng sẽ không chạy theo vẻ đẹp ngoại hình. Chính sự nhân nghĩa, dám chịu trách nhiệm và yêu thương, bao dung người phụ nữ của mình mới làm nên giá trị thực sự của họ. Có lẽ khi nội tâm thiếu hụt con người mới cần tìm sự bù đắp từ bên ngoài, mới cần tới những “bóng hồng” làm “bình hoa” tô điểm.

Khi cả xã hội sùng bái vẻ đẹp bề ngoài hơn nét đẹp nội tâm, phụ nữ sẽ không ngừng chạy theo cái đẹp, thậm chí còn trở thành nô lệ cho chúng. Họ cố ăn mặc, trang điểm lộng lẫy, hở hang cho giống ca sỹ này, tài tử hay minh tinh màn bạc kia. Dần dần họ vô tình quên mất sống chân thực là chính mình, vun đắp tu dưỡng tâm hồn mình.

Đôi khi phụ nữ còn mù quáng chạy theo vẻ đẹp xác thịt của “những người nổi tiếng” không đúng nghĩa. Họ chạy theo trào lưu “chân dài – đại gia” hay làm giàu bằng “vốn tự có” mà gây ra bao chuyện dở khóc dở cười khiến người yêu đau khổ, hạnh phúc gia đình chao đảo. Chỉ cần có sắc đẹp, tiền tài, danh vọng họ sẵn sàng bán đứng những giá trị đạo đức căn bản của con người.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cơn sốt chớp nhoáng của cư dân mạng trước tấm ảnh đã qua photoshop tự làm đẹp 360 độ của những chàng trai, cô gái “sắc vóc hơn người”.

Khi phụ nữ và đàn ông đều quay trở về với đạo tự nhiên, coi trọng ân tình, thủy chung, son sắt. (Ảnh: khotangcadao.com)

Nhưng hoa thơm cũng có lúc tàn, hương sắc người con gái chẳng thể giữ mãi. Bởi lẽ đạo Trời coi trọng cái đức, cái tâm cao đẹp, thuần khiết, bình dị nên mới để thời xuân sắc ấy ngắn ngủi như đóa phù dung. Nên chăng khi chú ý chăm chút tới dung mạo, các cô gái cũng đừng quên khiêm tốn, học hỏi và tạo ra bản sắc bền vững của bản thân. Khi ấy dẫu nhan sắc tàn phai, người phụ nữ vẫn mãi đằm thắm, như rượu ủ càng lâu càng nồng đượm.

Con người có thể làm những gì mình muốn nhưng luật “nhân quả” dẫu vô hình lại chẳng chừa một ai. Khi phụ nữ và đàn ông đều quay trở về với đạo tự nhiên, coi trọng ân tình, thủy chung, son sắt, chứ không chỉ mê đắm trong Danh Lợi Tình thì mới có được hạnh phúc bền lâu. Bởi lẽ Trời chuộng người nhân nghĩa, cuộc sống luôn công bằng, thưởng phạt phân minh, chỉ là Trời xanh lặng im, không nói để con người tự ngộ mà thôi.

Hiểu Mai