Cổ ngữ có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (Tạm dịch: Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu). Hiếu đạo là tinh hoa văn hóa truyền thống của nhân loại, ảnh hưởng đến con người thế gian suốt mấy ngàn năm qua. Hiếu là quy phạm văn hóa, luân lý đạo đức gắn kết các thành viên trong gia đình, xã hội và đất nước.
Thời xưa con người phi thường coi trọng hiếu đạo, ai ai đều xem trọng và tôn kính những người hiếu thảo. Ngoài con trai, con gái hiếu thảo với cha mẹ đẻ ra thì con dâu hiếu thuận với cha mẹ chồng cũng được trời, đất và mọi người kính trọng.
Thời nhà Tống có một người phụ nữ vô cùng hiếu thảo họ Ngô, mọi người gọi là Ngô Thị. Khi hai vợ chồng còn chưa kịp có một đứa con chung thì chồng của cô đã qua đời. Từ khi về nhà chồng đến lúc chồng đã qua đời, Ngô Thị vẫn vô cùng hiếu thảo với mẹ chồng.
Mẹ chồng cô tuổi cao sức yếu, hơn nữa còn bị mờ cả hai mắt, nhìn không được rõ.
Thấu hiểu cảnh cô đơn của bản thân mình, nên bà đã nghĩ ra một cách tìm một người con nuôi và để cho con dâu đi tái giá.
Người con dâu sau khi biết ý định của mẹ chồng liền khóc và nói rằng: “Mẹ ơi! Từ xưa đến nay, liệt nữ không lấy hai chồng. Con đương nhiên sẽ không tái giá, sẽ ở bên tận lực phụng dưỡng mẹ, mẹ cứ yên lòng ạ!” (Liệt nữ chỉ người con gái thà chết để bảo vệ trinh tiết).
Để chăm lo phụng dưỡng mẹ chồng, Ngô Thị làm bất kể việc gì kể cả việc nặng nhọc mà mọi người thuê để kiếm tiền mua gạo, mua đồ ăn.
Có những hôm đi làm việc nặng, chủ nhà cho cô những thức ăn ngon để bồi dưỡng nhưng cô không ăn mà mang về nhà cho mẹ chồng ăn.
Có một lần, Ngô Thị đang nấu cơm. Khi cơm còn chưa chín, thì người hàng xóm có việc gấp cần cô đến giúp đỡ ngay. Thế là cô bỏ nồi cơm đang đun dở ở đó và chạy đi. Mẹ chồng cô thấy vậy, trong lòng lo lắng rằng cơm đun lâu quá thì sẽ bị cháy.
Thế là bà đem nồi cơm bỏ xuống vùi trong đống tro. Nhưng bởi vì mắt không nhìn rõ, nên khi nồi cơm bị vùi xuống tro đã bị rơi mất vung. Vì vậy, toàn bộ nồi cơm bị tro vào làm bẩn hết.
Người con dâu trở về, thấy như vậy cũng không hỏi hay tỏ ý phật lòng mà chạy vội sang hàng xóm vay tạm một bát cơm về cho mẹ chồng ăn trước. Sau đó cô đem số cơm bị tro và sạn rơi vào làm bẩn, rửa đi rồi nấu lại cho mình ăn.
Hôm sau, Ngô Thị bỗng nhiên mơ thấy hai vị Thần tiên mặc quần áo xanh cưỡi mây đi vào cửa nhà cô. Trên tay một người cầm một tờ giấy và đọc: “Chúng tôi phụng mệnh ý chỉ của Thượng Đế đến triệu Ngô Thị về yết kiến.”
Ngô Thị được đưa đến gặp Thượng Đế, Thượng Đế gặp cô liền nói: “Ngươi là một người phụ nữ nông thôn nghèo khó, lại có thể tận tâm, vất vả phụng dưỡng mẹ chồng, thực sự khiến con người và vạn vật tôn kính! Do đó, ta đặc biệt ban cho ngươi một ngàn đồng tiền, nuôi dưỡng mẹ chồng. Từ nay về sau, ngươi không cần phải đi làm việc nặng cực nhọc vất vả nữa.”
Thượng Đế vừa nói dứt lời, thì hai vị Thần tiên mặc quần áo xanh lúc nãy lại cưỡi mây và đưa Ngô Thị trở về.
Đến lúc này thì Ngô Thị bừng tỉnh. Ngày hôm sau, cô vừa đi ra cửa thì được một túi tiền. Sau khi mở ra xem thì quả thực bên trong túi tiền có đúng một ngàn đồng.
Lời bàn:
Cổ nhân rất coi trọng chữ “Hiếu”. Hiếu đạo là một trong những trụ cột nền tảng của Nho gia ngày xưa. Trong các quan niệm “tam cương, ngũ thường”, chữ hiếu có vai trò rất quan trọng. Đạo đức của người ta thể hiện đầu tiên, trước nhất ở chữ hiếu. Hiếu thảo với cha mẹ, hiếu kính với tổ tiên, hiếu nghĩa với bề trên luôn là điều các bậc tôn sư giảng dạy cho học trò của mình từ những bài học vỡ lòng.
Truyền thống phương Đông rất coi trọng sự hiếu thảo. Nó là đức tính được xem trọng ở nhiều quốc gia, từ Trung Quốc, Việt Nam đến Nhật Bản, Hàn Quốc… Sách cổ “Hiếu Kinh”, viết từ thời Tần – Hán đã có những chuyện cổ bàn luận về đức hiếu hạnh. Sau này, dưới thời nhà Nguyên, sách “Nhị thập tứ hiếu” (24 gương hiếu) là một trong những bộ sưu tập kinh điển về hiếu nghĩa phương Đông. Đạo đức của một xã hội lấy nền tảng từ đạo đức gia đình. Chữ hiếu chính là mối dây liên kết quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như thế.
Làm con mà hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì vừa là tròn chức phận, đạo lý, lại vừa có thể nhận được phúc báo nhãn tiền như trong câu chuyện của phía trên kia. Ngô Thị sớm thành góa bụa, lại không có con, đáng ra có thể tái giá, vun vén tổ ấm riêng cho mình. Nhưng không những thủ tiết thờ chồng, cô còn phụng dưỡng mẹ chồng tận tụy. Dân gian có câu “khác máu tanh lòng”, con dâu, mẹ chồng chẳng mấy khi hòa hợp. Giữa khi ấy, chuyện hiếu thảo của Ngô Thị quả là đáng trân quý. Tấm lòng ấy của Ngô Thị thậm chí đã kinh động đến cả thần tiên trên trời.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch