Đức Phật từng nói rằng: “Đời là bể khổ”. Vì thế không chỉ những người đang chìm trong nghèo khó mà ngay cả những ai đang trên đỉnh cao danh vọng, giàu sang cũng sẽ có những phiền muộn riêng. Vậy điều gì có thể khiến cho tâm chúng ta bình lặng và yêu thương nhiều hơn?
Tỉnh dậy sau một đêm dài trằn trọc mất ngủ với con thơ, Phương uể oải rời khỏi giường và chuẩn bị đi làm.
Đang trên đường đi đến sở làm thì xe máy của Phương bỗng nhiên bị xì lốp sau. Đôi giày cao gót đứt quai khi cô vừa dắt xe tới chỗ sửa. Biết sẽ đi trễ nên Phương rút điện thoại ra định gọi báo cho sếp thì điện thoại hết pin. Khi vừa kịp lái xe đến cơ quan thì than ôi, cô đã bỏ lỡ một cuộc họp quan trọng và bị sếp mắng té tát bất chấp lời thanh minh. Tuy rất đói nhưng Phương không thể nào ra ngoài ăn sáng vì trót đi làm trễ, công việc lại quá nhiều, cô phải ráng đợi tới trưa. Vậy mà buổi trưa người ta cũng rất lâu mới đem đồ ăn tới cho cô, hơn nữa trong canh còn sót một con sâu khiến cô phát hoảng bỏ dở bữa ăn.
Sau một ngày làm việc không thuận lợi, Phương lái xe lững thững đi về nhà. Trong tâm cô thầm than vãn trách móc sao mà cuộc sống quá nhiều việc không hay đến với mình như thế. Chồng thì không lo làm ăn như người ta nên mình Phương phải gánh vác kinh tế cho cả nhà, đã vậy mà anh ta còn không hiểu, không chăm con giúp Phương, để tối qua mình cô phải rã rời với nó, bị sếp la hoài vì tội đi làm trễ thì lương thưởng cũng trì trệ theo, biết đâu xui xẻo bị đuổi việc thì lấy tiền đâu nuôi con. Than ôi… sao mà cuộc sống cô bế tắc như vậy, cô chỉ muốn đi đâu đó thật xa thoát khỏi sự khó chịu này.
Đang miên man với những dòng suy nghĩ bực dọc trong đầu, bất giác Phương giật mình vì tiếng rao của cậu bé ven đường: “Đời người sướng khổ mấy khi, mua ngay vé số biết đâu đổi đời, mua thì cảm tạ đôi lời, không mua cũng chúc một ngày an yên”.
Nhìn sang, Phương như tan chảy hết phiền muộn bởi nụ cười hồn nhiên yêu đời của cậu bé. Nụ cười cuốn hút ấy đã khiến Phương phải ghé lại mua một tờ vé số, cô mua không phải vì để trúng thưởng mà chỉ đơn giản vì sự hồn nhiên của cậu làm cô quên hết nỗi mệt nhọc.
Nụ cười không rời khỏi miệng, cậu bé hỏi: “Cô mua vé số ạ?”. Bất giác phía sau có người phụ nữ khắc khổ bồng đứa con tật nguyền thân hình co quắp đi ra, đặt cạnh ghế cậu bé. Người phụ nữ kia không quên quay lại nhắc nhở: “Con chăm sóc anh Hai, mẹ đi nhặt ve chai tý về!”
Phương hỏi han sự tình thì cậu bé kể rằng:
“Mấy hôm nhà cháu trọ chỗ kia nhưng bị bà chủ đuổi vì không đủ tiền nên đến đây. Ba cháu mất sớm rồi cô ạ, vì thế nên mẹ con cháu phải lên thành phố sống được 5 năm rồi”.
“Cháu nhiêu tuổi rồi, không đi học sao ngồi đây bán vé số, ngày cháu bán được nhiều không?”
“Làm gì có tiền mà đi học cô, cháu nghỉ học lâu rồi. Ngày nào tốt cháu bán được 50 tờ đủ bữa ăn thôi vì mẹ phải làm đủ thứ, cháu phải ở nhà trông anh, chứ đủ thứ tiền cô ơi, nào tiền tã này, tiền ăn này, tiền nhà này… sao mà đi học được hả cô, cháu 12 tuổi rồi, còn anh cháu 13 tuổi rồi đấy”.
-
Phương chợt thấy khóe mắt mình cay cay. Lâu nay cô luôn nghĩ mình sao khổ thế này thế kia, tâm trạng lúc nào cũng không vui sinh ra cáu gắt với mọi thứ xung quanh, gương mặt cô lúc nào cũng u uất buồn bực khiến cho ai nấy không muốn tiếp xúc nhiều. So với cậu bé kia, cô thật cảm thấy xấu hổ quá. Giữa bao nhiêu nhọc nhằn của cuộc sống mà cậu bé vẫn yêu đời như thế. Tuy đã hiểu chuyện và không còn là trẻ thơ nữa, nhưng nhìn vào ánh mắt long lanh ấy Phương chỉ thấy một tình yêu thương vô bờ với gia đình cậu, và sự lạc quan vốn có không một chút buồn phiền.
“Cô ơi, lấy giúp cháu ly nước đằng kia với!”.
Thêm một sự thật khiến Phương ngỡ ngàng, hai bàn chân cậu bé bị úp vào nhau nên cử động bất tiện, cậu phải dùng ghế tập đi hỗ trợ.
Đưa cốc nước cho cậu bé, Phương hỏi: “Cháu bị thế này lâu chưa?”.
“Lúc mới sinh cô ạ, nên cháu chỉ ước có thể đi lại bình thường như bao người để giúp mẹ được nhiều hơn. Mẹ cháu vất vả lắm, chưa bao giờ mẹ sắm một cái gì cho mình cả, làm được bao nhiêu đều để dành hết cho hai anh em cháu. Có nhà giàu kia nhận nuôi cháu, nhưng cháu không chịu, cháu chỉ muốn ở với mẹ thôi, ăn mắm ăn muối cũng được. Cháu hy vọng có thể đi học để giúp mẹ được nhiều hơn chứ bán vé số ít tiền lắm”.
Ôi, một đóa sen tinh khiết, cô thầm nhủ với lòng mình như thế. Bất hạnh chồng lấy bất hạnh nhưng gương mặt ấy vẫn tỏa sáng như ánh bình minh buổi sớm xua tan bóng đêm u ám.
Phương xoa đầu cậu bé mỉm cười: “Bán cô một tờ vé số còn cho lại cháu 50 ngàn nhé”.
“Không cô ạ, mẹ dặn rồi ‘nghèo cho sạch, rách cho thơm’, cô cũng đi làm vất vả nên mua giúp là cháu vui rồi, cháu không nên nhận tiền của ai”.
Dù nói thế nào cậu bé cũng không lấy tiền nên Phương đành giúp mua cậu bé luôn năm tờ vé số rồi về nhà.
Bao nhiêu mệt nhọc buồn bực từ trước đến nay bỗng nhiên tan biến mà thay vào đó là một cảm giác biết ơn. Phương thầm biết ơn Thượng đế đã cho mình một thân thể lành lặn khỏe mạnh để có thể được sống, được làm việc. Phương thầm cảm ơn nụ cười thiên thần ấy đã làm cô thức tỉnh, giữa muôn vàn bất hạnh và nỗi đau nhưng cậu bé vẫn giữ được nụ cười bình yên, lạc quan khiến mọi người xung quanh ai cũng muốn đến gần.
Và nếu không có người anh trai tật nguyền ngồi bên, hay không tinh ý nhìn đôi chân của cậu bé mà chỉ nhìn gương mặt cậu, có lẽ ai cũng cho rằng cậu bé có cuộc sống rất yên ấm, no đủ, hạnh phúc. Nụ cười ấy luôn hiện hữu sự ấm áp yêu thương ngay trong nghịch cảnh khiến ai nấy cũng phải cảm phục. Phương chợt nhận ra, vẻ đẹp nội tâm hay khí chất bên trong của một người thật có sức mạnh to lớn, nó không phụ thuộc vào vật chất hay địa vị, có thể vượt lên tất cả phù phiếm xa hoa bên ngoài và khiến người khác kính trọng.
Sau lần gặp đó, khi gặp chuyện không vừa ý Phương đều nhớ đến nụ cười thiên thần của cậu bé bán vé số và tập mỉm cười nhiều hơn với nghịch cảnh, thay cho sự cau có, oán trách số phận. Cô cũng thấy cuộc sống mình nhẹ nhàng bình yên theo như chính tâm cô vậy.
Trong cuộc sống, có lẽ ai ai trong chúng ta cũng không ít lần gặp những chuyện không vừa ý như Phương, hoặc thậm chí mệt mỏi hơn. Nhưng khi biết nhìn xuống, bạn sẽ biết cảm ơn những gì đang có và sẽ biết yêu thương nhiều hơn.
Nhã Thanh