Liệu bạn đã bao giờ có một ngày vui vẻ thật sự chưa? Ngay cả lúc bạn rảnh rỗi nhất và không bị làm phiền? Câu hỏi tuy dễ nhưng thật khó trả lời chính xác!

Tôi đã hỏi những người bạn và nhận được câu trả lời là “Không”. Chưa có một ai dám khẳng định mình có một ngày vui trọn vẹn cả. Bởi lẽ, những nỗi lo, những cơn buồn bất chợt hay nỗi sợ hãi… dù ít hay nhiều cũng đã làm họ không thể vui vẻ được.

Có người đã bảo tôi thế này: “Tôi không biết thứ gì có thể giúp con người ta sống lâu, nhưng tôi biết có một thứ sẽ giết chúng ta nhanh chóng, đó là suy nghĩ tiêu cực”.

Ngẫm lại, tôi thấy câu nói ấy “thấm” đến nhường nào! Bởi thứ làm ta thất bại, đưa ta vào bế tắc hay thậm chí là đường cùng đều không nằm ở những yếu tố bên ngoài mà chính là bản thân ta, cụ thể hơn đó là những ý niệm, suy nghĩ, tư duy chủ quan của chúng ta.

Nói vui thế này, khi bạn yêu một người nhưng bị từ chối, nếu bạn có thể coi nhẹ thất bại đó, coi nó chỉ như bước khởi đầu, là “thuốc thử” để ta chỉnh sửa lại những thiếu sót của bản thân thì chắc chắn bạn sẽ có kinh nghiệm để lần sau thành công.

Tuy nhiên, nếu bạn là một người sống nặng về tình cảm, thích “gặm nhấm nỗi buồn”, nghĩ rằng như thế là hết, yêu đương mù quáng thì bạn sẽ dễ mù quáng trong hành động, gây nguy hại cho chính mình và ảnh hưởng người thân.

Liệu bạn đã bao giờ có một ngày vui vẻ thật sự chưa? (Ảnh: suynghitichcuc.com)
Liệu bạn đã bao giờ có một ngày vui vẻ thật sự chưa? (Ảnh: Ydvn.net)

Chán nản, tuyệt vọng, đau khổ, lo lắng, sợ hãi, bảo thủ, nóng giận… tôi coi chúng là những suy nghĩ tiêu cực. Chúng luôn tìm cách len lỏi vào trong đời sống tinh thần ta từng giờ, từng phút, và khi những suy nghĩ ấy được dung dưỡng quá lâu, chúng sẽ trở thành thói quen, lâu ngày sẽ thành tư tưởng. Nếu ta không sớm nhận ra và tìm cách thoát khỏi chúng, ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, một cái mê cung do chính ta vô thức tạo dựng.

Các nhà khoa học đã chứng minh, tư duy, suy nghĩ của con người là một dạng tồn tại vật chất. Tức là khi ta nghĩ tưởng một điều gì đó, chúng sẽ phản ánh lên đại não chúng ta dưới dạng hình ảnh. Nói cách khác, chúng như là một tấm gương phản chiếu tư tưởng, ý nghĩ của chúng ta vậy.

Nôm na là khi ta nghĩ một điều gì đó vui, ta sẽ thấy vui, nhưng khi ta nhìn sự việc một cách tiêu cực, ta sẽ thấy chung quanh ta toàn là “xám xịt”. Vì vậy, ta cần phải xả bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực, giữ tâm thái hòa ái với mọi người, đừng oán giận hay ghét bỏ ai cả… chỉ có thế ta mới có thể sống một cách an nhiên, tự tại.

Giữ tâm thái hòa ái với mọi người, đừng oán giận hay ghét bỏ ai cả…chỉ có thế ta mới có thể sống một cách an nhiên, tự tại. (Ảnh minh họa)
Giữ tâm thái hòa ái với mọi người, đừng oán giận hay ghét bỏ ai cả… chỉ có thế ta mới có thể sống một cách an nhiên, tự tại. (Ảnh minh họa: The Epoch Times).

Sự tiêu cực trong suy nghĩ cũng như một đứa trẻ vậy. Vì trẻ em thường hiếu động, thích giỡn, làm nũng với chúng ta khi ta quá an nhàn, “vô công rồi nghề” và khi ta quá quan tâm, nuông chiều chúng. Đó cũng là lúc những suy nghĩ tiêu cực bám lấy ta chặt nhất! Vậy làm sao để đuổi chúng đi?

Giống như trẻ con, sự tiêu cực cũng có tính đeo bám rất dai dẳng, càng nghĩ về nó, càng nghĩ nặng cách thoát khỏi nó thì chúng càng “dính” lấy ta. Hãy mặc kệ nó và làm bản thân ta trở nên bận rộn. Đăng xuất khỏi facebook, twitter… tắt hết trò chơi điện tử. Thay vào đó, hãy đọc một cuốn sách, lên xe và đi khám phá những vùng đất xung quanh hay viết lách hoặc vùi đầu vào công việc. Niềm vui trong sự bận rộn là liều thuốc trị khỏi bệnh tiêu cực và cân bằng lại bản thân một cách nhanh nhất.

Chúng ta đôi khi quá coi trọng những lợi ích thiết thân, câu nệ quá vào lời nói, sống nặng vào tình cảm, sợ mất lòng người khác mà không nhận ra mình đã phạm lỗi với bản thân rất nhiều. Chính suy nghĩ nặng nề vào những điều đấy đã khiến bản thân ta mệt mỏi từng ngày, không lúc nào được ngủ yên. Những thứ khác mất rồi có thể kiếm lại được, nhưng đánh mất bản thân thì sẽ rất khỏ kiếm lại. Vì thế, hãy yêu bản thân. Và hãy học cách tha thứ.

Đôi lúc, có người làm tổn thương bạn sâu sắc tới mức bạn cảm thấy mệt mỏi, đau khổ và khó bỏ qua. Bạn hãy tưởng tượng ra cảnh thế này: Nếu bạn không tha thứ cho người ta, lúc nào bạn cũng nghĩ đến chuyện đó, dằn vặt về chuyện đó, thì liệu rằng, người ta có giống bạn không, người ta có sống trong dằn vặt như bạn hay không?

Ví như, người yêu của bạn lại quay sang yêu người bạn thân nhất của bạn, và bạn tuyên bố: “Em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh!”. Vậy, ai sẽ là người phải sống trong dằn vặt, khổ sở? Chắc chắn, người đó là bạn thôi, vì rằng, cặp tình nhân đang say bên nhau kia sẽ chẳng để ý đến tâm thái của bạn đâu.

Khi bạn oán trách họ, bạn là người chịu đau khổ, bất an. Mặc dù bạn có thể tự nhủ rằng “mình đúng”, nhưng “đúng” đâu có nghĩa là bạn sẽ hạnh phúc. Tha thứ cho người khác thực ra không có nghĩa là bạn sẽ đồng ý với những việc họ làm. Để tha thứ cho người khác, bạn sẽ có được lợi ích bao chính bản thân mình, và như vậy, bạn tha thứ vì chính bản thân bạn. Khi bạn tha thứ, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Dẫu biết rằng, tha thứ cho người khác là một việc không dễ dàng, nhưng hãy làm điều này vì bản thân bạn, bởi nếu làm được, bạn sẽ hạnh phúc hơn.

Sống là phải biết cho đi. Hãy cho đi những muộn phiền, u uất để nhận lại niềm vui! Để thân tâm an bình, hãy ngừng nghĩ tiêu cực!

Hoàng An