Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Sau khi Lưu Bang đăng cơ, những vị vương hầu khác họ được sắc phong trong thời gian tranh bá cùng Hạng Vũ năm xưa như Bành Việt, Anh Bố, Hàn Tín…  đã trở thành mối họa khiến ông ngày đêm lo lắng. Trong số những vị vương khác họ này, tài năng và thanh danh của Hàn Tín là lớn nhất, khiến cho Lưu Bang đố kỵ, thấp thỏm không yên, chính là cái gai trong mắt phải nhổ. 

Xem thêm: Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5,  Kỳ 6,  Kỳ 7,  Kỳ 8

1. Nỗi oan khiên lịch sử

Sau khi bị giam lỏng ở Trường An, Hàn Tín hiểu được Lưu Bang đố kỵ công lao của mình, thường hay cáo bệnh không ra ngoài, hành sự cẩn mật. Trong khoảng thời gian Hàn Tín chỉnh lý binh pháp, Lưu Bang thỉnh thoảng có đến thăm ông.

Có một lần, Lưu Bang hỏi Hàn Tín: “Nhà ngươi nói xem ta có thể chỉ huy bao nhiêu binh sĩ?“. Hàn Tín thẳng thắn trả lời: “Nhiều nhất là 10 vạn“. Lưu Bang lại hỏi: “Thế còn bản thân ngươi thì sao? Có thể cầm được bao nhiêu binh?“. Hàn Tín trả lời: “Càng nhiều càng tốt“. Đây chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “Hàn Tín điểm binh, càng nhiều càng tốt“. 

Ảnh dẫn theo phimmoi.net

Lưu Bang nghe xong cười lớn rằng: “Ngươi cầm binh càng nhiều càng tốt, thế thì cớ sao lại trở thành thần tử của ta?“. Hàn Tín bình tĩnh trả lời: “Bệ hạ tuy không giỏi cầm binh, nhưng lại giỏi cầm tướng, vậy nên thần là bề tôi của bệ hạ. Vị trí của bệ hạ là trời cao ban cho, vốn không phải dựa vào sức người là có thể cướp đi được“.

Lời này của Hàn Tín với Lưu Bang đã chỉ rõ rằng dù tài năng của ông cao hơn Lưu Bang nhưng cũng sẽ không vì vậy mà sinh lòng phản nghịch, nhòm ngó hoàng vị. Ai nên phải ngồi vào vị trí của Hoàng đế là do ông trời quyết định, vốn không phải chuyện con người có thể thay đổi được.

Tuy vậy, Lưu Bang vẫn không muốn bỏ qua cho ông. Điều mà Lưu Bang ái ngại nhất chính là với công lao cái thế, hành động đoan chính của Hàn Tín, nếu tùy tiện xử trí ắt khiến quần thần chấn động, người trong thiên hạ bất mãn. 

Lưu Bang vừa muốn giết Hàn Tín, nhưng lại không muốn để lại tiếng xấu “lấy oán báo ân”, “bội tín bội nghĩa”, cứ mãi dằn vặt trong lòng, không nghĩ được kế sách lưỡng toàn. Vợ của Lưu Bang là Lã hậu nhìn ra được tâm tư của chồng, tỏ ý xem thường, cho rằng ông dám nghĩ không dám làm, có lòng vượt quá chức phận.

Lã hậu, tên Trĩ, là người ương ngạnh, nham hiểm, tàn độc. Khi còn trẻ, vì để trốn tránh kẻ thù, cả nhà bà đã chuyển đến huyện Bái. Phụ thân là Lã công nhìn thấy Lưu Bang tướng mạo không tầm thường, bèn đem Lã Trĩ gả cho. Sau khi Lưu Bang bị Hạng Vũ đánh bại ở Bành Thành, trong lúc hoảng loạn đã lạc mất người nhà.

Lã hậu và phụ thân của Lưu Bang bị quân Hạng Vũ bắt sống, trở thành con tin. Mãi cho đến khi Hàn Tín chiếm đất Tề, đánh chiếm kho lương của quân Sở, Hạng Vũ buộc phải đưa ra hiệp ước Hồng Câu, phóng thích người nhà của Lưu Bang. Khi ấy, Lã hậu mới có thể kết thúc cuộc sống con tin hơn 2 năm, về lại bên cạnh Lưu Bang.

Nói như vậy, Hàn Tín cũng là ân nhân của Lã hậu. Nhưng bà ta vốn không để ý đến điều này. Không lâu sau đó, khai quốc công thần Trần Hi tự xưng làm vương đất Đại, liên hợp cùng Hàn vương Tín, Yên vương Quán làm phản. Lưu Bang đích thân dẫn theo đại quân lên phía bắc chinh phạt. Lã hậu cùng Tiêu Hà bảo vệ kinh đô Trường An.

Lã hậu thấy thời cơ đã đến, bèn mua chuộc một môn khách của Hàn Tín là Loan Thuyết, phong ông ta là Thận Dương hầu, lệnh cho phải vu cáo Hàn Tín “mưu phản”. Sau đó, Lã hậu uy hiếp Tiêu Hà, nói dối rằng Lưu Bang bình định phản quân thắng lợi, muốn chư hầu và quần thần vào triều chúc mừng, cũng lấy cớ này lừa gạt Hàn Tín tiến cung. Tiêu Hà thông minh hơn người, đã nhìn ra bằng chứng trong tay Lã hậu không đáng tin, nhưng sợ bà ta thủ đoạn tàn độc, không dám trái mệnh.

Tiêu Hà năm xưa toàn lực tiến cử Hàn Tín làm Đại tướng quân thống lĩnh ba quân, có thể nói là tri âm của Hàn Tín. Bởi vậy Hàn Tín đối với Tiêu Hà trước nay vẫn một lòng kính trọng, không chút nghi ngờ. Tuy trong tâm Hàn Tín không nguyện ý vào cung nhưng bởi Tiêu Hà đã có lời mời, đành phải gắng gượng đến cung Trường Lạc. 

Tiêu Hà lừa Hàn Tín vào cung. Ảnh dẫn theo phimmoi.net

Vừa vào cung, võ sĩ đã được mai phục sẵn ùa lên vây lấy ông. Khi ấy Hàn Tín mới biết đã mắc lừa, vội gọi Tiêu Hà, nhưng nào thấy bóng dáng Tiêu Hà đâu nữa? Lã hậu ngồi ở trên đại điện, vẻ mặt nghiêm túc, trách mắng Hàn Tín mưu phản, muốn làm hại bà ta và thái tử, căn bản không cho Hàn Tín bất cứ cơ hội biện bạch nào, giải ông đến nhà treo chuông trong cung Trường Lạc xử tử. Danh tướng một đời đã bị Lã hậu dùng mưu hiểm giết hại như vậy. 

Sau khi giết Hàn Tín, Lã hậu vẫn chưa cam tâm, lại hạ lệnh tru di cả 3 họ nhà bố, mẹ, vợ của Hàn Tín. Khi ấy là tháng giêng trời đông giá rét, tuyết trắng mù mịt, che khuất cả một vùng trời, hàng nghìn người vô tội máu nhuộm Trường An. Tiếng gào khóc hòa cùng tiếng gào thét của gió Bắc lạnh thấu xương văng vẳng trên bầu trời Trường An. Khắp thành Trường An mọi người đều ngậm ngùi than khóc, không ai không đau lòng.

Ai cũng đều nói Hoài Âm hầu dùng nghìn vàng báo đáp ân tình một bữa cơm của bà lão giặt thuê có lý nào lại phản lại Hoàng đế năm xưa đã nhường cơm xẻ áo cho mình? Nếu như thật lòng có tâm mưu phản thì sao chỉ vì mấy câu nói của Tiêu Hà mà dễ dàng vào cung để đến nỗi bị bắt? Nếu Hàn Tín không có lòng phản lại Hoàng đế thì chính là Hoàng đế nhẫn tâm cô phụ một lòng trung thành của ông. Cái chết của Hàn Tín quả thật là oan khuất biết bao! 

Sau khi Lưu Bang đánh bại Trần Hi trở về, nghe chuyện, không hỏi Lã hậu vì sao lại giết chết Hàn Tín, chỉ hỏi Hàn Tín trước khi chết có để lại lời nào không. Sử sách cũng ghi lại phản ứng của Lưu Bang là “vừa mừng vừa thương xót”, mừng là bởi đã loại trừ được họa lớn trong tâm, mặt khác lại cảm thấy Hàn Tín thật sự rất là đáng thương.

2. Trả lại sự thật lịch sử

Sau khi giết Hàn Tín, Lưu Bang và Lã hậu lo chuyện này sẽ khiến người đời sau chê trách, liền thêu diệt tội danh, biên tạo tài liệu. Họ không chỉ lấy tội danh “mưu phản” chụp lên Hàn Tín, còn đem cái chết của Lệ Thực Kỳ và Chung Ly Muội quy hết trách nhiệm cho Hàn Tín để bôi nhọ thanh danh ông. Những điều này đều được viết vào hồ sơ và sử sách triều đình, chân tướng lịch sử cứ thế đã bị che đậy đi.

Sau khi giết Hàn Tín, Lưu Bang và Lã hậu lo chuyện này sẽ khiến người đời sau chê trách, liền thêu diệt tội danh, biên tạo tài liệu. Ảnh dẫn theo phimmoi.net

Trong “Sử Ký” (Tư Mã Thiên) cũng chép rằng Hàn Tín đã từng cùng với Trần Hi thảo luận việc mưu phản. Nếu như Hàn Tín thật sự có tâm mưu phản, tại sao ông không hành sự khi còn đang là Tề vương, có thừa thực lực để cùng Lưu Bang, Hạng Vũ lập thành thế chân vạc mà lại tạo phản khi dưới trướng không có lấy một binh một tốt? Phân tích “Sử Ký” cũng như ghi chép liên quan về sự thật Hàn Tín “mưu phản”, liền có thể nhìn ra có rất nhiều chỗ mâu thuẫn:

Thứ nhất, Hàn Tín trong lúc Lưu Bang thắng bại vẫn còn chưa rõ đã cự tuyệt lời thuyết phục của Khoái Triệt, đợi đến khi Lưu Bang công thành danh toại, lại sinh lòng khác. Một tướng soái am hiểu binh pháp mà làm như vậy thật là trái với lẽ thường.

Thứ hai, Hàn Tín hai lần bị Lưu Bang đoạt mất binh quyền, cộng thêm phân tích sâu sắc của Khoái Triệt, hoàn toàn biết được lòng nghi kỵ và nỗi sợ hãi của Lưu Bang đối với ông. Nhưng khi Lưu Bang bị Hạng Vũ bao vây ở Cố Lăng, ông không có mưu phản, đến khi làm vương đất Sở cũng không mưu phản, lúc nghênh đón Lưu Bang ở đất Trần cũng không mưu phản, cớ sao lại ngay trong lúc không còn quyền lực gì, không còn quân đội và bị giam lỏng ở Trường An lại mưu phản đây? 

Thứ ba, với trí tuệ của Hàn Tín không thể nào dưới tình huống bị theo dõi mà “lảng tránh tả hữu, đi vào trong phòng lớn” bí mật bàn bạc sách lược mưu phản với Trần Hi như “Sử Ký” chép. Giả sử thật sự có chuyện này, khi Hàn Tín cùng Trần Hi tính kế mưu phản vốn không có mặt người thứ ba ở đó, người ngoài làm sao biết được nội dung cuộc trò chuyện đây? Tư Mã Thiên làm sao lại biết được tường tận đến như vậy? 

Thứ tư, Trần Hi vốn là thân tín của Lưu Bang, với Hàn Tín vốn chỉ là quan hệ bình thường. Mưu phản là đại sự quan hệ đến tính mệnh cả gia tộc, Hàn Tín sẽ không tùy tiện thổ lộ tâm sự với người thân tín của hoàng đế. Sau khi Trần Hi đến Cự Lộc nhậm chức, hàng mấy năm không hề có thư từ qua lại với Hàn Tín. Nói ông ta là đồng mưu của Hàn Tín thật sự rất khó thuyết phục.

Thứ năm, tội danh “mưu phản” của Hàn Tín thực hư còn chưa được làm rõ, Lã hậu liền mau chóng giết ông đi theo kiểu bịt đầu mối, vốn không cho ông cơ hội tự biện bạch. Đệ nhất công thần trong triều bị giết chết như vậy, Lưu Bang cũng không hề điều tra thêm, thậm chí cũng không trách móc Lã hậu. Chỉ có thể nói là họ đã mưu tính với nhau từ trước. 

Hàn Tín bị hại, người đời sau đều thi nhau bình luận. Có người nói rằng chính lúc Hàn Tín đăng đàn bái tướng đã rước lấy lòng nghi kỵ của Lưu Bang. Cũng có người nói là cái họa của Hàn Tín là do ngạo mạn, cậy mình công cao dẫn đến. Còn có người nói Hàn Tín tuy là nhà quân sự kiệt xuất, công lao bao trùm thiên hạ nhưng thiếu trí huệ trong việc xử thế, không biết cách bảo toàn bản thân.

Kỳ thực, với tính cách hiểm độc, tiểu nhân của Lưu Bang, Lã hậu thì những vương hầu khác họ như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố đều sẽ sớm bị tiêu diệt, dù họ có làm phản hay không. Chuyện này không thể trách lỗi Hàn Tín. Sau khi Hàn Tín, Bành Việt bị giết, những vị vương khác họ từng có công lao to lớn trong cuộc chiến Hán Sở cũng đều bị giết hại, chỉ có Trường Sa vương Ngô Nhuế mất sớm, may mắn được chết yên thân.

Về sau, Lưu Bang cùng các chư hầu giết ngựa trắng thề rằng: “Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng đánh nó (Sử Ký – Lã Thái hậu bản kỷ). Có thể thấy, việc loại trừ các vương khác họ là quốc sách đã định của Lưu Bang. Đây mới là nguyên nhân thật sự khiến Hàn Tín bị giết.

Sau này, khi Hoài Nam vương Anh Bố bị tố cáo, do sợ hãi phải chịu kết cục như Hàn Tín đã khởi binh tạo phản. Lưu Bang khi ấy đã tuổi già sức yếu, buộc phải ôm bệnh thân chinh. Dốc hết sức bình sinh, Lưu Bang cuối cùng cũng đánh bại được Anh Bố nhưng cũng chịu một mũi tên, bị thương nặng. 

Yên vương Lư Quán, người bạn mà Lưu Bang tín nhiệm nhất vì để tự cứu lấy mình đã chạy sang lánh nạn Hung Nô. Chẳng bao lâu sau, do bệnh tình trầm trọng, Lưu Bang một đời kiêu hùng đã chết trong cảnh bị cô lập hoàn toàn. Thiên hạ mà ông cố công gây dựng, giết hại biết bao công thần để bảo toàn nó cuối cùng lại lọt vào tay một người khác, chính là vợ ông Lã hậu. Sau khi Lã hậu lên nắm quyền nhiếp chính đã giết hại rất nhiều thân tộc họ Lưu, mưu đoạt lấy thiên hạ cho họ Lã. 

Lời kết 

Hàn Tín giành được thiên hạ cho nhà Hán, Lưu Bang, Lã hậu quỷ kế đa đoan, đã hưởng trọn thành quả ấy, lại lấy tội danh “mưu phản” chụp mũ, khiến một vị tướng quân một đời khí phách vang dội non sông, công cao cái thế chết oan ở trong cung Trường Lạc, để lại một di hận nghìn thu. 

Hàn Tín giành được thiên hạ cho nhà Hán. Ảnh dẫn theo phimmoi.net

Là một nhà quân sự, trong tất cả chiến dịch mà Hàn Tín chỉ huy, không kể là lấy ít thắng nhiều, hay là lấy nhiều đánh ít, lấy yếu thắng mạnh đều là dùng trí tuệ mà giành được chiến thắng. Sửa đường sạn đạo, lén đi Trần Thương, Lâm Tấn đánh lừa, lén vượt Hạ Dương, thùng gỗ vượt sông, bày trận tựa sông, thay thế cờ địch, đánh úp Lâm Tri, ngăn đập giết Long Thư, vượt sông nghênh chiến, bốn bề khúc Sở ca, thập diện mai phục… Mỗi một trận chiến của Hàn Tín đều là tuyệt tác, khiến người đời sau không khỏi ngưỡng mộ.

Thân là thống soái, ông dưới một người, ở trên vạn người, dẫn quân đi ra Trần Thương, bình định Tam Tần, bắt Ngụy, phá Đại, diệt Triệu, hàng Yên, phạt Tề, mãi cho đến trận chiến Cai Hạ tiêu diệt hết quân Sở, không một lần bại, bách chiến bách thắng. Thiên hạ không ai dám tương tranh với ông. Không phải Lưu Bang, chính Hàn Tín là người lập ra cơ nghiệp kéo dài hơn 400 năm của nhà Hán.

Các nhà quân sự xưa nay, hoặc là giỏi về bày mưu lập kế, hoặc là giỏi về công thành trảm tướng, hoặc là giỏi về truyền dạy binh pháp. Còn Hàn Tín một thân kiêm nhiều sở trường, không chỉ tung hoành ngang dọc, khí phách vang dội, hơn nữa đã kế thừa và phát huy các loại binh pháp của tiền nhân. Thao lược quân sự và mưu trí dùng binh trác việt của ông được các nhà quân sự đời sau tôn sùng ngưỡng mộ.

Không chỉ giành được những chiến tích phi thường trên chiến trường, trí huệ, phẩm đức của Hàn Tín cũng khiến người đời khâm phục. Ông đã đặt định ra những phẩm chất của một bậc nho tướng quân tử, vừa trung vừa hiếu, vừa nghĩa vừa dũng. Những điển tích về ông đã trở thành câu chuyện được hậu thế kể đi kể lại suốt hàng nghìn năm như: Chịu nhục chui háng, bát cơm phiếu mẫu, bốn bề khúc Sở… 

(Hết)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm: