Thuận theo trào lưu hiện đại, nhiều người thường coi văn hoá truyền thống là một khái niệm mang màu sắc cũ kỹ, lạc hậu, thậm chí cổ lỗ sĩ. Người ta chạy theo lối sống phương Tây năng động, mới mẻ đến nỗi đã quên đi mất nguồn cội của mình.

Con người hiện đại ngày càng rời xa các tiêu chuẩn đạo đức cũng chính vì đã vô tình hay hữu ý cắt đứt đi sự liên lạc với văn hoá truyền thống. Xem ra đó là một điều dại dột. Câu chuyện về cố giáo sư Trần Văn Khê dưới đây sẽ chứng minh cho bạn thấy sức mạnh của tinh thần văn hoá dân tộc lớn lao chừng nào.  

Trước hết, kể đôi hàng về giáo sư Trần Văn Khê. Có thể với đại đa số người, cái tên này còn khá lạ lẫm. Nhưng với những người trong ngành âm nhạc, giáo sư Khê là một cây đại thụ, một trí thức nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm nhạc sĩ, sớm làm quen với âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. Năm 6 tuổi, ông đã được dạy chơi rất nhiều loại nhạc cụ: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh…

Năm 1949, ông sang Pháp du học, dành cả nửa đời người sống ở nơi đất khách quê người mà vẫn một lòng hướng về cố quốc. Ông đã bôn ba 67 quốc gia, đặt chân lên hầu như mọi miền đất để giảng dạy, truyền thụ và quảng bá cho âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông là một trong những trí thức có lòng tự tôn dân tộc rất cao, dù bôn ba cả đời người ở ngoại quốc nhưng vẫn luôn giữ được những nét truyền thống quê nhà: chất giọng Nam bộ đặc trưng, tên cúng cơm cha mẹ đặt hay niềm yêu mến tiếng Việt (luôn nói tiếng Việt trừ khi buộc phải giao tiếp bằng tiếng Tây).

Năm 2015, giáo sư Trần Văn Khê qua đời để lại nhiều niềm tiếc nuối cho lớp hậu sinh. Người dân cũng đã xếp thành hàng dài ngay tại nhà riêng của ông để tiễn đưa một người con đất Việt suốt đời hết mình với văn hoá dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Khê một đời đam mê văn hoá dân tộc. Ảnh: thanhnien.vn

Giáo sư Khê là một người hay chuyện. Ông là cả một kho tàng bất tận về văn hoá truyền thống dân tộc. Những lớp học trò của ông đã được nghe rất nhiều chuyện trong cuộc đời hoạt động văn nghệ của ông. Trong đó có một câu chuyện được ông kể đi kể lại cho học trò, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người Việt.

Năm 1964, khi tham dự buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris, giáo sư Khê chính là người Việt duy nhất có mặt ở đó. Diễn giả của buổi thuyết trình mở đầu bài diễn thuyết của mình, nói: “Thưa quý vị, tôi đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không hề thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được”. 

Nghe những lời ấy, dù tinh thần tự tôn dân tộc có bị động chạm đôi chút nhưng giáo sư Trần Văn Khê vẫn điềm tĩnh ngồi nghe hết bài văn của vị diễn giả nọ. Sau khi vị ấy kết thúc phần diễn thuyết của mình, giáo sư Khê từ tốn đứng dậy, mỉm cười nhã nhặn, xin phép lên bục phát biểu. Với thái độ khiêm nhường của một người Á Đông am hiểu lễ nghĩa Nho học, ông nói: “Trước hết, tôi không phải là người nghiên cứu văn học. Tôi chỉ là một giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO”. 

“Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ngài diễn giả có nói rằng đã ở Việt Nam 20 năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi không giấu nổi ngạc nhiên. Thưa ngài, tôi băn khoăn không biết khi qua nước Việt, ngài gặp ai, nói chuyện với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam?”.

“Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác”.

“Người nước tôi thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay trong văn hóa của mình cho người khác nghe. Việc ngài không biết về áng văn nào của Việt Nam khiến tôi rất lấy làm tiếc”. 

Giáo sư Trần Văn Khê không chỉ tinh thông âm nhạc dân tộc mà còn có vốn văn hoá phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ảnh qua: cafef.vn

Tanka mà vị diễn giả nói ở trên là một thể thơ ngắn, một loại “đoản ca” truyền thống của Nhật Bản. Mỗi bài Tanka chỉ gồm có 31 âm tiết theo công thức: 5-7-5-7-7, chia làm 5 dòng, ý tứ cô đọng, súc tích, thường lấy cảnh thiên nhiên để ngụ ý, tả tình. So sánh với thơ Tanka, giáo sư Khê đưa ra những câu thơ: “Núi cao chi lắm núi ơi. Núi che mặt trời, không thấy người yêu” hay “Đêm qua mận mới hỏi đào. Vườn hồng đã có ai vào hay chưa” để đối chiếu, tức là cũng dùng núi non, hoa lá để nói thay tâm sự của mình.

Thơ Tanka dùng 31 âm tiết để tả cảnh, tả tình rất tuyệt diệu. Để đối chiếu, giáo sư cũng kể lại câu chuyện nổi tiếng về danh nhân Mạc Đĩnh Chi thời Trần đi sứ nhà Nguyên (Trung Quốc). Khi ấy một công chúa của triều Nguyên vừa mất, lại để thử tài sứ giả nước Nam nên vua Nguyên bèn mời ông làm một bài điếu. Điểm oái oăm là ở chỗ trong bài phải có bốn chữ “Nhất”. Mạc Đĩnh Chi không cần nghĩ nhiều, ứng tác ngay:

Thanh thiên nhất đóa văn
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!

Tạm dịch:

Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!

Bài điếu của Mạc Đĩnh Chi trước sau cả thảy chỉ có 29 âm, còn ít hơi 2 âm so với thơ Tanka (31 âm). Cô đọng là thế nhưng bài điếu văn cũng đã tả được nỗi sầu ai, bi oán khi người đẹp chết đột ngột, cách miêu tả lại vừa cao quý, vừa đẹp.

Khi giáo sư Trần Văn Khê dịch và giải nghĩa những câu thơ này thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Ông còn thâm thuý hơn khi “gài” thêm một câu: “Tất cả những điều trên tôi biết được là nhờ học ở trường trung học” để thấy văn học Việt Nam vĩ đại và thâm hậu ra sao. 

Chân dung giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: madeinsaigon.vn

Nghe giáo sư Khê thuyết giảng, vị diễn giả nọ vừa ngạc nhiên, vừa có phần hối hận, công khai xin lỗi giáo sư và cả người Việt ngay sau đó. Khi tàn cuộc, vị kia lại tới gặp riêng và xin được mời giáo sư Khê đến nhà dùng cơm để được nghe thêm về văn hoá Việt. Giáo sư Khê tế nhị từ chối, chỉ nói người Việt không mạo muội đến dùng cơm ở nhà người lạ.

***

Sự tồn vong của một dân tộc không dựa vào sức mạnh quân sự hay hoả lực vũ khí mà ở truyền thống văn hoá, bề dày lịch sử. Đó là một loại “sức mạnh mềm”, tuy không nhìn thấy ở biểu hiện bên ngoài nhưng đã thấm sâu vào huyết quản của từng lớp người. Loại sức mạnh ấy không có tính huỷ diệt khủng khiếp như súng đạn nhưng lại khiến tất cả phải nghiêng mình kính nể.

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng một dân tộc giữ được truyền thống văn hoá cũng chính là giữ được sinh mệnh tồn vong của mình. Thế kỷ 13, người Mông Cổ đánh chiếm Trung Hoa lập ra triều Nguyên, về lý mà nói là thắng về mặt quân sự. Nhưng suốt những năm sau đó, người Mông Cổ đã tự bị đồng hoá khi đối diện với một nền văn hoá Trung Hoa quá vĩ đại, hành xử theo tất cả phép tắc của người Hán mà không mảy may phản kháng. 

Người Việt cũng đã trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử, có khi đứng trước những giờ phút tồn vong nhưng bản lĩnh kiên cường, sức sống mãnh liệt của nền văn hoá Việt đã bảo hộ dân tộc này bước qua những tháng ngày gian nan nhất. Sau 4000 năm, người Việt vẫn là người Việt với bản sắc văn hoá truyền thống đậm nét Á Đông: 

“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

Văn Nhược