“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết chương hồi mang đậm tính huyền sử của Trung Quốc, thường được giới học giả so sánh với trường ca Iliad của Hy Lạp. Bộ truyện lấy bối cảnh chiến tranh Thương – Chu, lồng vào rất nhiều yếu tố của Phật, Đạo, Thần, người, ma, chuyện quái dị, thơ, từ, ca, phú… được người đời tán thưởng không thôi. 

Từ khi “Phong Thần diễn nghĩa” ra đời vào triều Minh đến nay, nhà nhà đều biết, người người đều hay. Loạt bài “Giải mã Phong Thần” này muốn thêm một lần nữa phân tích, giải mã bộ tiểu thuyết đồ sộ này, ngõ hầu để độc giả có được một tiếp nhận thẩm mỹ mới mẻ hơn, đồng thời nhận rõ được yếu tố văn hoá Thần truyền vĩ đại ẩn chứa bên trong. 

Tiếp theo: Phần 1 

1. Tâm đố kỵ của Thân Công Báo

Thân Công Báo cho rằng Khương Tử Nha đạo thuật không bằng mình, tự nảy sinh lòng đố kỵ, đố kỵ rằng Khương Tử Nha được đi phong Thần còn hắn thần thông quảng đại, tại sao không được đi? Chính vì cái tâm này, Thân Công Báo bắt đầu giễu cợt Khương Tử Nha, bị Nam Cực Tiên Ông trừng phạt. 

Nhưng vẫn là ngựa quen đường cũ, không nghĩ việc hối cải, hắn kích động mâu thuẫn giữa Triệt giáo và Xiển giáo, dẫn đến vô số bậc tu hành chết trong cuộc sát phạt Thương – Chu. Hắn đã thề độc, rồi phản bội lời thề, cuối cùng bị ném vào mắt biển Bắc Hải. 

Các kiếp nạn số định trong “Phong Thần diễn nghĩa” có một nguyên nhân khởi đầu, đó là lòng đố kỵ của Thân Công Báo. Có thể thấy lòng đố kỵ của người tu hành đáng sợ biết nhường nào, nó là khởi đầu dẫn đến tội ác vô biên. 

Cổ nhân dùng cái tâm của Thân Công Báo mà cảnh báo lòng đố kỵ của người tu hành. Không loại bỏ lòng đố kỵ, người tu hành tuyệt đối không thể đắc chính quả. Với người không tu hành, tâm đố kỵ này cũng đáng bỏ hơn bất kỳ thứ nào khác. Không bỏ lòng đố kỵ, ganh ghét, người ta sống chỉ là tự mình chuốc hận mà thôi. 

Thân Công Báo vì tâm đố kỵ dẫn đến tội ác vô biên: Ảnh dẫn theo wordpress.com

2. Tấm lòng của các bề tôi nhân đức thời Ân Thương

Cơ Tử làm nô lệ, Tỷ Can can gián mà chết, Vi Tử bỏ đi. Đây chính là ba bậc nhân giả thời Ân Thương. Cổ nhân sở dĩ hết lời ca ngợi tinh thần của ba cựu thần của Ân Thương chính là do luân lý và quan niệm truyền thống vốn coi trọng xã tắc, tổ tiên, coi trọng quốc gia, văn hóa. 

Chế độ quân vương cho rằng nhà chính là nước, mà nước chính là nhà. Khi nước nhà hỗn loạn bại vong thì ắt có quân vương nghịch thiên hại nhân, mất đức loạn tính, việc triều chính bỏ mất, không còn người phụ trợ. Là quý tộc trong hoàng tộc, lựa chọn của họ nên như thế nào? 

Hai anh em Ân Giao và Ân Hồng giúp Trụ vương làm điều tà ác, dù giúp phụ vương nhưng cũng chính là giúp tà ác. Cũng là hoàng thân của Trụ vương nhưng Tỉ Can, Vi Tử và Cơ Tử lại có lựa chọn khác. Vi Tử là anh của Trụ vương, nhiều lần can gián không kết quả, đã bỏ đi tránh xa Trụ vương. Sau này Võ vương diệt Thương, đã giữ lại dòng dõi nhà Thương, Vi Tử thành quốc vương nước Tống, là một nước chư hầu. 

Cơ Tử là chú của Trụ vương, tính ngay thẳng, đa tài, nhiều lần can gián, Trụ vương không nghe, không cầm lòng bỏ nước ra đi, bèn xõa tóc giả điên làm nô lệ, rồi quy ẩn lấy tiếng đàn để tỏ niềm đau thương. Sau này Võ vương đến hỏi đạo Cơ Tử, Cơ Tử để lại bộ “Hồng phạm cửu trù”, dẫn 5000 cựu thần nhà Ân Thương vượt biển về phía đông sang Triều Tiên. Tỷ Can là chú Trụ vương, là trọng thần Phụ chính, thấy Trụ vương vô đạo ra sức can gián, làm Trụ vương nổi giận. Hắn muốn xem trái tim “lung linh 7 khiếu” của bậc thánh hiền, bèn mổ tim Tỷ Can. 

Ba cựu thần Ân Thương, khi nước mất nhà tan, một người đã lưu lại dòng dõi, một người lưu lại văn hóa, một người lấy cái chết để can gián vua, đều chính là lòng trung với tổ tiên mình, trung với đạo đức của tiên vương, bảo tồn được tinh thần quý báu. 

3. Pháp khí, vật cưỡi và đạo thuật

Hoàng Phi Hổ cưỡi trâu Ngũ sắc thần ngưu, Khương Tử Nha cưỡi thú Tứ bất tượng, Văn Thái Sư cưỡi Hắc kỳ lân, hai tướng Hanh, Cáp cưỡi Kim tinh thú, Vân Tiêu Tiên Tử và Long Cát công chúa cưỡi Thanh loan, Triệu Công Minh cưỡi Hắc hổ, Đạo Đức Chân Quân cưỡi Vân hà thú.

Khương Tử Nha có pháp khí roi Đả thần, cờ Hạnh hoàng kỳ, Na Tra chân đạp bánh xe Phong hỏa, tay cầm vòng Càn khôn, Triệu Công Minh dùng Định hải châu, dây Trói rồng, Quỳnh Tiêu, Bích Tiên Vân Tiêu nương nương có gáo Hỗn nguyên kim đẩu và kéo Kim giảo tiễn. Kim Tra dùng cột Độn long trụ, Tiếp Dẫn Đạo Nhân có hoa sen Kim liên 12 cấp, cờ Tiếp dẫn bảo phiên. Thông Thiên Giáo Chủ có cờ Lục hồn phiên, kiếm Chém tiên, Nữ Oa nương nương có Giang sơn xã tắc đồ, Lục Áp có sách Đinh đầu thất kiếm thư, Quảng Thành Tử có Phiên thiên ấn, Xích Tinh Tử có Âm dương kính, Nhiên Đăng Đạo Nhân có thước Càn khôn xích, đèn Linh cữu đăng, Vi Hộ có chày Hàng ma chử… 

Bất kỳ bộ tiểu thuyết Thần ma nào trong lịch sử cũng đều không có được sức tưởng tượng đẹp đẽ, kỳ diệu, thần kỳ như thế, có thể đem các pháp khí, thú cưỡi, đạo thuật trong thế giới thần tiên miêu tả tường tận, đặc sắc như thế. Đây không phải là vấn đề tưởng tượng của nhà văn. Chính tác giả phải có học thức và tu dưỡng Đạo gia rất sâu mới có thể viết được ra những khí vật và công năng như thế này, làm cho người đời dần quen thuộc với những thuật ngữ thần bí của giới tu hành, chính là đã đem những nhân tố Thần truyền phong phú để lại cho hậu thế. 

Pháp khí, vật cưỡi và đạo thuật: Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

4. Trung Hoa là mảnh đất mà chúng sinh lựa chọn đầu tiên

Văn minh Trung Hoa xa xưa, có nguồn gốc lâu đời, các cuộc đổi thay xưa kia, chúng sinh người Thần, các giới trời đất, nơi lựa chọn đầu tiên xuống phàm trần đều là Trung Hoa. Sau đó tất cả chuyển sinh đến các nơi trên thế giới, đặt nền móng cho văn hóa đạo đức nhân loại. Trong các thư tịch cổ đại, chỉ có trong “Phong thần diễn nghĩa” xuất hiện các miêu tả như vậy. 

Câu Lưu Tôn (Krakucchanda) nhập Thích giáo thành Phật, Văn Thù Quảng Pháp Thiên Tôn sau thành Văn Thù Bồ Tát của Phật giáo, Phổ Hiền Đạo Nhân sau thành Phổ Hiền Bồ Tát, Từ Hàng Đạo Nhân sau thành Quán Thế Âm Bồ Tát, Tây Phương Giáo Chủ nhận Khổng Tước Đại Minh Vương, Trường Nhĩ Định Quang Tiên và rất nhiều bậc đại sĩ đều có duyên với Thích giáo… 

Lúc Thương – Chu thay triều đổi đại, chính tà khó phân, cuộc phân tranh giữa Triệt giáo và Xiển giáo khiến cho nhiều đại sĩ đạo hạnh cao thâm chịu kiếp nạn sát thân. Người có duyên mà không ở bảng Phong Thần thì kết nhân duyên với các tôn giáo phương Tây, tiếp tục tu hành.

Người học Phật, người học Đạo, rất nhiều Pháp môn là có thể học Đạo sau nhập vào Phật hoặc ngược lại, đều là tùy vào duyên phận, tùy vào lựa chọn của bản thân. Văn minh phương Đông ra đời sớm và lâu đời hơn văn minh phương Tây, rất nhiều đại sĩ có duyên, người cõi hồng trần, đầu tiên đến phương Đông kết nhân duyên, sau đó thành tựu sự nghiệp ở phương Tây.

Trung Hoa – mảnh đất mà chúng sinh lựa chọn đầu tiên: Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

5. Âm nhạc cổ và sự thông hiểu Đạo

Cổ cầm là do tiên hoàng Phục Hy sáng tạo ra, chế theo thân hình phượng hoàng, chiều dài tượng trưng cho 365 ngày trong năm, ban đầu có 5 dây, tượng trưng Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Văn vương sau này để tưởng nhớ con trai trưởng Bá Ấp Khảo nên đã tăng thêm 1 dây thành 6 dây. Lúc Võ vương đánh Trụ, để tăng sĩ khí, lại tăng thêm 1 dây, do đó cổ cầm còn có tên “Văn Võ thất huyền cầm” (Đàn 7 dây của vua Văn vương và Võ vương). 

Bá Ấp Khảo là con trai trưởng của Văn vương, là ấu chủ Tây Kỳ. Khi phụ thân bị giam giữ ở Triều Ca 7 năm, ông hiểu rõ thiên số, tận trung lễ quân thần, tận hiếu lễ phụ tử, bất chấp chúng thần khuyên ngăn, đến gặp Trụ vương dâng báu vật để thay phụ vương “chuộc tội”.

Bá Ấp Khảo giỏi cổ cầm, thế thượng vô song, phong tư tuấn nhã, làm cho yêu hồ Đát Kỷ khởi sắc tâm, lệnh cho Bá Ấp Khảo dạy đàn. Bá Ấp Khảo giảng đạo âm nhạc, trong ngoài Ngũ hành, lục luật ngũ âm, tay trái mắt rồng, tay phải mắt hổ, ấn cung, thương, giốc, chủy, vũ. Còn có 8 phương pháp là: mạt, khiêu, câu, dịch, phiết, thác, đả và trích. Có 6 điều kị: Nghe đau thương, khóc lóc, việc chuyên tâm, lòng phẫn nộ, giới dục và kinh sợ. Và có 7 lúc không chơi đàn: Mưa to gió lớn, đau buồn cực độ, áo mũ không chỉnh tề, say rượu loạn tính, không sạch hoặc gần cái dơ bẩn, không thơm hoặc gần với cái suồng sã, không hiểu âm nhạc hoặc gần với cái dung tục, gặp những cái này đều không chơi đàn.

Những lời Bá Ấp Khảo đã nói đến thủ pháp, âm luật, hoàn cảnh, tâm thái, tu dưỡng trong cổ cầm, đã phản ánh cổ nhân thông qua nhạc đạo (Đạo về âm nhạc) để tu thân, qua nhạc đạo mà tính tình vui vẻ, qua nhạc đạo mà học lễ, lễ nhạc giáo hóa, âm nhạc, cổ cầm có thể làm công cụ tu thân.

Bá Ấp Khảo lấy âm nhạc để chống lại sự dụ dỗ của sắc dục, để ca ngợi quân vương, tận cái hiếu của kẻ làm con, tận cái trung của kẻ bề tôi, sẵn lòng chịu thân bị chém nát như tương. Đời sau, Bá Nha và Chung Tử Kỳ tấu bản “Cao sơn lưu thủy”, Tấn Kê Khang ra pháp trường tấu bản “Quảng Lăng tán”, Cao Tiệm Ly dùng đàn họa Kinh Kha “Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn, tráng sỹ nhất khứ hề bất phục hoàn” (Gió hiu hiu kìa, Dịch thủy lạnh. Tráng sỹ ra đi kìa, chẳng trở về)… 

Thực đúng là: “Mấy khúc cổ cầm vang, triền miên muôn ngàn ý“… 

Âm nhạc cổ và sự thông hiểu Đạo: Ảnh dẫn theo scimonth.blogspot.sg

6. Sùng Hắc Hổ vì đại nghĩa diệt thân

Sùng Hắc Hổ là em trai Sùng Hầu Hổ trong tứ đại chư hầu vương triều Thương. Sùng Hầu Hổ là trọng thần nhà Thương, hắn làm rối loạn triều chính, mê hoặc thiên tử, tàn ác bạo ngược muôn dân, vơ vét sạch tài lực dân để vinh thân phù gia, nhẫn tâm chẳng còn khí tiết, tàn ác chất cao như núi. 

Văn vương vì dân đánh Sùng Hầu Hổ. Khương Tử Nha viết một bức thư cho Sùng Hắc Hổ nói rõ đại nghĩa. Sùng Hắc Hổ thà đắc tội với tổ tông chứ không muốn đắc tội với muôn dân, bắt anh trai, giữ nghiêm phép tắc, giữ được tông miếu, giữ được dòng dõi họ Sùng, giữ cho bờ cõi binh lính muôn dân thoát khỏi nỗi khổ binh đao. 

Hành động của Sùng Hắc Hổ là hình mẫu của đại nghĩa diệt thân, trung với muôn dân chứ không trung với người thân, trung với muôn dân chứ không trung với quân vương. Đây mới chính là chí khí, là cách đối đãi của bậc đại trượng phu đối với trung nghĩa. Có tấm lòng và sự lựa chọn thế này, Sùng Hắc Hổ mới có thể xả thân thành nhân, sau này được phong là Ngũ nhạc chính Thần. 

7. Văn vương đức hạnh ngời thiên cổ 

Trong bảng Phong Thần có trung thần lương tướng, Đại la thần tiên, các kỳ nhân dị sĩ, duy chỉ có Văn vương không có tên trên bảng, không có duyên với Phật giáo, nhưng lại có địa vị đặc biệt, đức hạnh rạng ngời cổ kim. 

Văn Vương nhân đức giáo hóa muôn dân Tây Kỳ, cảm ứng phượng kêu ở Kỳ Sơn, lòng người thuần hậu, ngoài đường không nhặt của rơi, nhà đêm không đóng cửa, ở kinh đô nhà Thương 3 lần can gián, bị giam cầm ở ngục Dữu Lý suốt 7 năm. Trong thời gian ấy lại diễn dịch, sáng tạo ra 8×8=64 quẻ quái. 

Văn vương bên sông Vị Thủy cầu hiền Khương Tử Nha, để lại giai thoại thiên thu về đạo nghĩa quân thần, đến chết vẫn giữ khí tiết kẻ bề tôi, không đánh Thành Thang, có phúc của trăm con, thọ gần trăm tuổi. 

Theo NTDTV
Nam Phương biên dịch 

Xem thêm: