Gia Cát Lượng là nhà quân sự, mưu lược nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Ông còn được biết đến là người nổi tiếng dùng binh lấy tín làm gốc. Dưới đây là một câu chuyện về Gia Cát Lượng giữ chữ tín khiến vạn binh sĩ vô cùng cảm động.

Thời Tam Quốc, Thục Hán kiến hưng 9 năm, Gia Cát Lượng lệnh cho người chế tạo ra trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển quân lương ra chiến trận. Lần thứ tư Gia Cát Lượng xuất binh ra Kỳ Sơn đánh Ngụy, Ngụy Minh đế Tào Duệ tự mình đến Trường An chỉ huy chiến trận, lệnh cho thống soái Tư Mã Ý dẫn 30 vạn đại quân tiến đến Kỳ Sơn. Đối mặt với tình thế “binh nhiều tướng mạnh”, khí thế hung hăng của quân Ngụy, Gia Cát Lượng không dám một chút có ý khinh địch, lệnh cho binh lính chiếm cứ địa thế hiểm yếu, bày thế trận sẵn sàng đón chờ quân địch.

Trưởng Sử của nhà Thục là Dương Nghi cho rằng, mấy lần trước khởi binh, toàn bộ quân sĩ đều ra trận một lần nên rất mệt mỏi, việc tiếp tế lương thảo cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông đề nghị chia quân ra làm hai tiểu đội, lấy kỳ hạn thay phiên là 3 tháng. Ví như có 20 vạn binh, chỉ dẫn 10 vạn lên Kỳ Sơn, ở đó 3 tháng rồi sau đó lại dẫn 10 vạn binh còn lại lên thay thế, tuần hoàn hoán đổi như vậy. Theo cách này thì binh lực sẽ không bị thiếu khi chinh chiến lâu dài, sau đó từ từ mà tiến, như vậy có thể chiếm được Trung Nguyên.

Gia Cát Lượng cho rằng đánh Trung Nguyên không phải là việc ngày một ngày hai, cách của Dương Nghi đúng là cách dùng quân lâu dài nên tiếp thu kế sách này. Ông chia quân làm hai cánh, lấy kỳ hạn là 100 ngày, tuần hoàn thay đổi. Người nào vi phạm quy định thời hạn này sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Thời hạn 100 ngày như quy định đã đến, Dương Nghi báo cho Gia Cát Lượng: “Thừa tướng vốn ra lệnh cho binh lính 100 ngày hoán đổi một lần, nay đã đến hạn rồi. Quân Hán Trung đã ra khỏi cửa Xuyên, công văn đã đưa đến, chỉ còn chờ hội quân đưa đến để thay thế. Hiện ở đây có 8 vạn quân, trong đó 4 vạn được đổi về.” Gia Cát Lượng nói: “Đã có lệnh như vậy, lập tức cho họ về.” Quân lính nghe tin, ai nấy đều thu xếp chuẩn bị lên đường.

Ai ngờ, biến động bất ngờ xảy ra, đúng lúc ấy, quân lính báo rằng Tôn Lễ dẫn 20 vạn binh mã ở Ung Lương đến đánh giúp cho quân Ngụy, tập kích ở Kiếm Các. Tư Mã Ý đang dẫn quân tiến công Lỗ Thành. Quân Thục đều vô cùng kinh hãi. Tại thời khắc nguy cấp này, Dương Nghi và các tướng lĩnh đều nhao nhao góp ý với Gia Cát Lượng: “Quân Ngụy đến quá gấp, Thừa tướng có thể giữ lại quân thay ca để đương đầu với quân địch, sau đó đợi quân mới lên thay, rồi hãy cho họ trở về.”

Gia Cát Lượng nói: “Không thể được! Ta dùng binh lấy tín làm gốc. Phàm đã có lệnh từ trước thì sao có thể thất tín được? Hơn nữa quân binh khi đi đều đã có dự tính cho quay về, cha mẹ, vợ con của họ đều dựa cửa trông mong. Ta giờ có đại nạn cũng quyết không giữ họ. Lập tức cho họ về!” Dưới sự thúc giục nhiều lần của tướng lĩnh, Gia Cát Lượng cũng không thay đổi.

Vừa hạ lệnh, toàn bộ tướng sĩ và quân lính ai nấy đều vô cùng cảm động. Những binh lính đến lượt được về, ai nấy đều yêu cầu được ở lại tham chiến, quên mình phục vụ. Họ nói: “Thừa tướng đối đãi với chúng ta ân trọng như vậy, ta nguyện thả không về, xả bỏ một mạng đại sát quân Ngụy để trả ân Thừa tướng.”

Gia Cát Lượng nói: “Những người chờ để về thì nên trở về, sao có thể ở lại?”

Binh lính đều đồng loạt nói: “Chúng thần xin ở lại, nguyện không trở về”.

Thành tín cảm động trời đất! Binh lính ai nấy đều hăng hái, sĩ khí vang dội, chỉ đợi xông pha trận chiến.

Quân và ngựa Tây Lương đi vội mà đến, người và ngựa đều mệt, muốn dựng trại nghỉ tạm. Thục binh đồng loạt tiến vào, ra sức đánh một trận, quân Ung Lương chống chọi không được, thây xác nằm khắp ruộng, cuối cùng rút lui bỏ chạy, quân Ngụy đại bại. Tư Mã Ý cũng bị cưỡng bách dẫn quân rút lui.

Gia Cát Lượng nói, người không tín thì không làm được gì, đất nước không tín thì mất hết lòng dân. Tự bản thân mình có thể giữ chữ tín thì người mới tín mình, nếu bản thân không giữ chữ tín thì người sẽ không tín mình. Cho nên, Gia Cát Lượng cả đời dùng thành tín làm gốc. Điều mà ông chú trọng nhất chính là đức.

Nhân phẩm của ông khiến người đời đều kính trọng, ngưỡng mộ. Đúng như tướng lĩnh, binh lính Thục quân nói: “Thừa tướng trung thành vì nước, yêu dân như con, ân sâu nghĩa trọng, có nhân từ, có trí tuệ lại có dũng!” 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm: