Xuất gia lập chí phi thường,
Ái ân rũ sạch mọi đường xưa nay.
Ngoại vật coi nhẹ, nhàn thay
Âm dương vũ trụ đủ đầy trong ta.
Kết thúc hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, cả Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều tu thành Phật quả; Sa Tăng thành La Hán Mình Vàng; duy có Trư Bát Giới chỉ được làm Tịnh Đàn Sứ Giả. Tây du ký*, hồi thứ 100 có viết:
“Bát Giới miệng lầu bầu:
– Mọi người đều thành Phật, tại sao chỉ mỗi mình con là Tịnh Đàn Sứ Giả?
Như Lai nói:
– Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?”.
Kỳ thực, ngay từ thuở ban đầu Trư Bát Giới gặp Đường Tăng, kết quả này đã phần nào có thể tiên đoán rồi. Trong hồi thứ 19 “Động Vân Sạn, Ngộ Không thu Bát Giới/ Núi Phù Đồ, Tam Tạng nhận Tâm Kinh”, khi sửa soạn cùng sư phụ và đại sư huynh lên đường sang Tây, Bát Giới còn dặn dò “bố vợ” đôi điều.
“Bát Giới xúng xính dạ một tiếng rồi nói với Cao lão:
– Con gửi lời chào nhạc mẫu và mọi người thân thích trong nhà. Hôm nay con đi làm hòa thượng không kịp chào hỏi tạm biệt, xin đừng trách cứ. Về phần nhạc phụ, con mong nhạc phụ trông nom vợ con chu đáo. Nếu công việc lấy kinh không thành, thì còn sẽ hoàn tục về đây, lại làm con rể của nhạc phụ và sinh sống như trước.
Hành Giả quát luôn:
– Đồ khốn, chớ có ăn nói hồ đồ như thế!
Bát Giới nói:
– Không phải hồ đồ đâu. Chỉ sợ nhất thời lỡ xảy ra điều gì thì hỏng cả việc làm hòa thượng, hỏng cả việc lấy vợ, xôi hỏng bỏng không thì sao?”.
Ôi, Bát Giới thật khéo “lo xa”! Cái lo xa ấy thực ra là một tay với đến Thần Phật, tay kia lại níu giữ những thứ người thường không buông. Chí nguyện, quyết tâm của Bát Giới còn dùng dằng như vậy, sao có thể thành chính quả?
Vì một tay còn níu người thường, nên dọc đường hễ gặp cảnh cùng khốn, Bát Giới lại nản lòng, bàn lùi, muốn chia hành lý để quay lại cuộc sống phàm tục. Ví như khi sư phụ gặp nạn tại nước Bảo Tượng, bị yêu quái Hoàng Bào nhốt trong hình hài hổ, cả Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã đều không địch nổi, Ngộ Không lại bị sư phụ đuổi đi rồi. Bát Giới nói với Tiểu Long rằng: “Chú còn đi được thì xéo về biển cho rảnh, còn tôi gánh hành lý trở về Cao Lão trang làm rể như trước” (Trích hồi thứ 30). Luôn có một “phương án dự phòng” như vậy, nên Bát Giới không thể toàn tâm toàn ý tu luyện, không thể nỗ lực hết sức đột phá trở ngại khó khăn.
Đường Tăng thì hoàn toàn ngược lại. Trước khi từ biệt hoàng đế Đại Đường, pháp sư Huyền Trang đã nói: “Chuyến đi này, thần xin cố gắng quên mình, đến tận Thiên Trúc. Nếu không sang tới nơi, không thỉnh được chân kinh, thần xin chết, không dám trở về nước, mãi mãi chịu đắm chìm nơi địa ngục”.
Đường Tăng nói vậy không phải vì ông nắm chắc thành công mà mạnh miệng, mà chính là ông quyết dâng hiến trọn đời mình. Khi đồ đệ của Huyền Trang ở chùa Hồng Phúc nói: “Thưa sư phụ, người ta nói rằng phương Tây xa lắm, lại nhiều hổ báo yêu ma, chỉ sợ có đi không về, khó toàn tính mạng”, thì ông trả lời rằng:
“– Ta đã phát lời nguyền, nếu không thỉnh được chân kinh thì đắm chìm vào địa ngục mãi mãi. Ta đã chịu ơn sâu nặng của nhà vua, không thể không tận trung báo quốc. Chuyến đi này thật mênh mông mờ mịt, lành dữ chưa biết trước được.
Huyền Trang lại nói thêm:
– Các đồ đệ này, sau khi ta đi rồi. Hoặc hai ba năm, hoặc dặm bảy năm, nếu thấy những cành tùng trước cửa hướng về phía Đông, là ta về đấy. Bằng không là vĩnh viễn không trở lại”.
Đem so với lời dặn dò “cha vợ” của Trư Bát Giới, cảnh giới tâm tính quả là một trời một vực.
Khi Đường Tăng bắt đầu hành trình thỉnh kinh, còn chưa vượt khỏi biên giới Đại Đường, dừng chân ở chùa Pháp Môn. Tây du ký, hồi thứ 13 viết:
“Dưới ánh đèn, các sư ngồi trò chuyện việc pháp sư vâng chỉ sang phương Tây lấy kinh. Người nói đường xa thăm thẳm, đường lắm hùm beo; kẻ nói non cao vách dựng khó qua, nước độc ma thiêng khó vượt. Tam Tạng chỉ ngồi im không nói, lấy tay chỉ vào tim, gật đầu mấy cái. Các nhà sư không hiểu ý, chắp tay hỏi:
– Pháp sư chỉ tay vào tim, gật đầu mấy cái nghĩa là thế nào?
Tam Tạng đáp:
– Tâm sinh thì ma quỷ đều sinh. Tâm diệt thì ma quỷ cũng diệt. Ở chùa Hóa Sinh, trước bàn thờ Phật tôi đã nguyện rồi, đâu có dám không hết lòng. Chuyến đi này, tôi quyết sang đến tận phương Tây, lễ Phật cầu kinh, để bánh xe đạo pháp của chúng ta chuyển vận, để non sông của đức vua vững bền mãi mãi”.
Đường Tăng là người trần mắt thịt, không có năng lực dời non lấp biển như các đồ đệ, cũng chẳng có mắt thần nhìn rõ yêu ma, thế nhưng cuối cùng ông lại đắc chính quả, là Chiên Đàn Công Đức Phật. Phải chăng chính vì trái tim thuần khiết dành cho tu luyện, chí nguyện son sắt không sờn ấy?
Quả đúng là:
Tám mươi mốt nạn tai ương trọn,
Dựng cơ huyền, chí hướng sắt son.
Ma lui là bởi lòng bền,
Muốn thành chính pháp phải nên tu trì.
Chớ bảo lấy kinh kia là dễ,
Công thánh tăng chịu khổ xiết bao.
Xưa nay hòa hợp tuyệt sao!
Một ly sai biệt kết nào nổi đan!
Ảnh: Phim “Tây Du Ký” 1986.
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.